Mùa Chay: Mùa Biến Đổi, Canh Tân Và Hy Vọng (Suy niệm Chúa nhật II Mùa Chay năm C)

Fri,14/03/2025
Lượt xem: 891

Anh chị em thân mến,

Trong mùa Chay, thời gian thánh thiện giúp chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ, đoạn Tin Mừng Thánh Luca (9, 28b-36) của Chúa nhật II mùa Chay năm C hôm nay nhắc nhở chúng ta về sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Cảnh tượng huy hoàng ấy minh chứng cho vinh quang thiên quốc và mở ra hy vọng cho con đường đức tin chúng ta. Chúa Giêsu đã biến hình trước mắt các môn đệ, cho thấy sự hiển dung không chỉ là dấu chỉ cho Ngài, mà còn là lời hứa về vinh quang vĩnh cửu cho tất cả những ai bước theo Ngài trong tình yêu và lòng trung thành.

Sự kiện Chúa Giêsu biến hình, theo giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 554), cho thấy thời khắc Ngài tỏa sáng vinh quang thiên quốc. Đối với chúng ta, đó là lời mời gọi biến đổi cuộc sống mình nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần. Thông qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được “chết đi con người cũ” và bước vào hành trình sống mới trong Đức Kitô. Tuy nhiên, hành trình này không dễ dàng mà đòi hỏi sự cố gắng kiên trì mỗi ngày để chiến thắng những cám dỗ và tội lỗi.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Philipphê (Pl 3,17-4,1), so sánh sự lựa chọn giữa những giá trị chóng qua của thế gian và quê hương đích thực trên trời. Ngài nhắc nhở: "Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ" (Pl 3,20). Qua đó, chúng ta được mời gọi không chỉ từ bỏ những tham vọng trần thế mà còn kiên trì theo đuổi các giá trị bền vững của Nước Chúa. Hình ảnh ông Abram đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo lệnh truyền của Đức Chúa và đã lãnh nhận được phần thưởng xứng đáng: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát.”(x. St 15,18).

Quả thật, trong Sứ điệp mùa Chay 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “Sám hối không dừng lại ở sự hối tiếc, mà phải trở thành một động thái thay đổi, một cuộc trở về tận căn.” Ngài nhấn mạnh: “Mùa Chay là thời gian tìm kiếm lại sự hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em mình.” Chúng ta được mời gọi soi xét bản thân, nhận ra những yếu đuối và lỗi lầm, xin ơn tha thứ từ Chúa và từng bước trở nên giống Đức Kitô hơn.

Sự biến đổi mà Chúa mời gọi mang tính hoàn toàn, từ tư tưởng đến hành động. Bằng việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Giao Hòa và Thánh Thể, chúng ta đón nhận ân sủng Chúa hoạt động và canh tân chính mình. Nhờ đó, chúng ta làm chứng sống động giữa một thế giới đang khao khát công lý và tình yêu thương thật sự.

Thật vậy, mùa Chay đưa ra cho chúng ta ba phương diện căn bản: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Đây không chỉ là những thực hành ngoại tại mà còn hình thành một tâm tình nội tâm hướng về Thiên Chúa:

  • Cầu nguyện: (tương quan với Thiên Chúa) Là sợi dây kết nối vô hình nhưng mạnh mẽ của con người với Chúa. Qua cầu nguyện, chúng ta thêm sức sống thiêng liêng, để đối diện mọi thử thách đời thường.
  • Ăn chay: (tương quan với chính mình) Chính là cử chỉ diễn tả sự tiết chế và chia sẻ. Việc này giúp chúng ta vượt qua tính ích kỷ và đến gần hơn với tha nhân.
  • Làm việc bác ái: (tương quan với tha nhân) Là tình yêu cụ thể được hành động hóa. Mùa Chay là cơ hội đặc biệt để chia sẻ với những người nghèo khó, bị bỏ rơi và gặp hoạn nạn. Mùa Chay này cũng như suốt Năm Thánh Hy Vọng này mời gọi mọi người Ki-tô hữu sống thực hành lời Kinh ‘Thương người có 14 mối’ cách hăng say và nhiệt tình mà không trì hoãn.

Tuy nhiên, hành trình mùa Chay không dừng lại ở sự khổ hạnh, mà là chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh vinh hiển. Giống như Chúa Giêsu bước đi trên con đường Thập giá để đến với khải hoàn, chúng ta cũng được khích lệ vượt qua mọi thử thách trong niềm tin và hy vọng. Qua đau khổ, niềm tin làm cho chúng ta gần hơn với sự sống đời đời. Thật đúng khi nói: muốn có vinh quang phải qua gian khổ; muốn chiếm được sự sống đời đời làm gia nghiệp, chúng ta phải chấp nhận nỗ lực chiến đấu mọi cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Hơn nữa, chính Thánh Phaolô đã khẳng định điều đó cách mạnh mẽ: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (x.Rm 8,18). Do đó, chúng ta hãy dùng mùa Chay này để biến đổi cuộc đời, hướng về sự sống đích thực với Đức Kitô.

Xin Chúa, Đấng đã biến hình trên núi Tabor, ban sức mạnh để chúng ta kiên vững bước đi con đường nên thánh, trở nên ánh sáng giữa thế gian và mang niềm hy vọng phục sinh đến muôn người. Khi chúng ta thay đổi nhờ ân sủng Chúa, mọi khó khăn sẽ trở thành cơ hội và bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng tình yêu vô biên. Amen.

Ước gì được như thế!

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn tin:
Tags :