Hiệp Nhất Để Loan Báo Tin Mừng

Fri,30/04/2021
Lượt xem: 1355

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Loại trừ, dửng dưng, vô cảm và chia rẽ là lối sống đang ‘giết chết’ con người chúng ta hằng ngày trong gia đình cũng như cộng đồng. Lối sống này không chỉ tồn tại hôm nay nhưng đã chất chứa từ rất lâu đời. Cách đây hơn 2000 năm, chính Thầy Giê-su đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất. “Lạy Cha, xin cho họ nên một như chúng ta”( Ga 17, 11b). ‘Hiệp nhất nên một’ là lối sống lý tưởng mà Đức Giê-su mong muốn cho các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung thực hành liên lỉ trong mối tương quan hằng ngày. Nhờ đó, nhiều người nhận ra được hình ảnh của đạo công giáo qua tình tương thân tương ái và mối tình yêu thương nơi người ki-tô hữu. Tuy nhiên, làm sao chúng ta sống hiệp nhất với nhau trong một xã hội đầy dẫy những mâu thuẫn và bất hoà bất thuận? Các bài đọc của Chúa nhật V Phục sinh hôm nay sẽ giúp chúng ta phần nào về cách sống đó.

Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “hiệp nhất”: “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết…”, cụ đưa cho các con một bó đũa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Cụ liền bảo hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dễ dàng. Câu chuyện “Anh em nhà họ Điền” cũng dạy chúng ta bài học “hiệp nhất”: “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Hiệp nhất là gì? Hiệp nhất là sự chung lòng, chung sức giữa con người với nhau trong một tập thể hay trong cộng đoàn. Hiệp nhất là sự nối kết và gắn bó trong mọi công to việc nhỏ nơi gia đình cũng như cộng đoàn. Hiệp nhất đi ngược lại với sự tan rã và chia rẽ. Theo nghĩa đó, hiệp nhất là sự gắn bó mật thiết với Chúa và với anh chị em nhằm tạo nên nguồn sức mạnh để xây dựng một xã hội và Giáo hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (x.Ga 15, 1-8), Chúa Giê-su mời gọi mọi người sống tinh thần hiệp nhất thông qua dụ ngôn cây nho và cành nho. Cành nào kết hợp hay hiệp nhất với cây thì sinh hoa kết trái, ngược lại, cành nào lìa cây sẽ khô héo muôn đời. Đức Giê-su đã ví mình như là cây nho và mỗi người chúng ta là cành nho. “Thầy là Cây Nho chúng con là ngành nho, ngành nào“Hiệp Nhất”cùng cây sẽ sinh hoa kết quả, ngành nào lìa cây sẽ khô héo đi…”(Ga 15,5). Nếu chúng ta hiệp nhất nên một với Ngài, chúng ta sẽ có nguồn sự sống. Còn nếu chúng ta xa cách và chạy trốn với Ngài thì chúng ta sẽ thiếu nguồn sức sống chưa muốn nói là sẽ ‘chết dần chết mòn’. Vì thế, muốn sống hiệp nhất với nhau, tiên vàn chúng ta được mời gọi hãy sống hiệp nhất và nối kết với Chúa. Vì không có Chúa, chúng ta không làm được gì cả. Vì không thể sống với anh chị em mà chúng ta lại không sống với Chúa. Vì như cành nho nhờ nối kết với cây nho để hút lấy nhựa sống nhằm sinh hoa kết trái, thì con người chúng ta cũng sẽ có sức sống, sinh khí và sức mạnh nếu chúng ta biết bám rễ sâu vào Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, nơi Đức Ki-tô, nguồn ơn cứu độ của chúng ta, mỗi người sẽ được tràn trề nếu luôn luôn biết kết hợp với Ngài. Như vậy, để sống hiệp nhất và nối kết với nhau, mỗi người không thể không ở lại và gắn chặt với Đức Giê-su. Hay nói cách khác, không thể ở lại với Đức Ki-tô mà lại không ở lại với anh chị em; không thể hiện diện với Đức Ki-tô mà không hiện diện với tha nhân. Vì thế, sự hiệp nhất vô cùng quan trọng đến nỗi trong bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện cho sự “hiệp nhất”: “xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21-23).

Tuy nhiên, trong Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta gặp thấy những hình ảnh đã làm mất đi sự hiệp nhất chẳng hạn câu chuyện anh em ruột thịt chia rẽ nhau: vì ghen tức Cain giết em ruột của mình là Abel… (St 4, 1-16). Sau đó là câu chuyện “Tháp Babel” (St 11, 1-9…). Từ đó con người chia rẽ và mẫu thuận lẫn nhau “không còn nói cùng một thứ tiếng” nữa… và cũng từ đó chiến tranh luôn xảy ra trên thế giới chúng ta, nhân loại không còn là một gia đình yên vui, hạnh phúc và thuận hòa. Như vậy, thiếu đi sự gắn kết với Thiên Chúa thì con người dễ sinh ra ích kỷ, kiêu căng và chém giết lẫn nhau. Do đó, nhờ sức mạnh từ Chúa, chúng ta mới dễ dàng sống hiệp nhất với anh chị em. Nhờ sống hiệp nhất và nối kết với nhau, chúng ta dễ dàng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với tất cả mọi người, nhất là với anh chị em chưa cùng niềm tin với chúng ta. Nhưng chúng ta phải sống tinh thần hiệp nhất như thế nào?

Quả thật, sống tinh thần hiệp nhất giữa các Tông đồ nơi Bài đọc I như là mẫu gương cho mỗi chúng ta. Khi có sự nghi ngờ và ghen tỵ giữa các Tông đồ đối với ông Saolô, Ông Banaba đã đứng ra để làm trung gian nối kết và hiệp nhất anh em với nhau. Tinh thần chia sẻ hơn là chia rẽ nơi các Tông đồ là bài học quý giá cho mỗi chúng ta trong đời sống thường ngày.

Bên cạnh đó, sống hiệp nhất là cách thức loan báo Tin mừng nơi Thánh Gioan Tông đồ qua Bài đọc II được diễn tả:“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18). Theo Thánh Gioan Tông đồ, yêu thương là hiệp nhất. Hiệp nhất là phải bằng việc làm, chứ không chỉ là lý thuyết. Theo đó, sống đời sống hiệp nhất nơi cộng đoàn là sống chân thật, dấn thân và xả thân vì anh chị em. Hiệp nhất là chấp nhận bỏ đi cái tôi ích kỷ để nối kết với anh em. Hiệp nhất là chấp nhận nhìn nhận cái lỗi cái tội của mình để sửa sai nhằm nối kết với tha nhân. Hiệp nhất là chấp nhận sống với, sống cùng và sống cho anh chị em. Vì biết rằng “một cây chẳng làm nên non, nhưng ba cây chùm mới nên hòn núi cao”. Vì biết rằng “không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, sống tinh thần hiệp nhất là sống trong yêu thương và đồng trách nhiệm. Nghĩa rằng là một khi đã có tinh thần hiệp nhất với nhau thì chúng ta phải yêu thương và có trách nhiệm với nhau.

Mặt khác, sống tinh thần hiệp nhất nơi môi trường trong gia đình giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau là sẵn sàng chấp nhận ‘chín bỏ làm mười’ để gia đình trở thành gia đình yêu thương, gia đình loan báo Tin mừng. Sống tinh thần hiệp nhất nơi cộng đoàn giáo họ, giáo xứ và làng xóm ngang qua cách sống giúp đỡ, quảng đại, gặp gỡ, đối thoại và đùm bọc lẫn nhau. Tuy nhiên, nhiều khi trong cuộc sống chúng ta có những lời nói và hành vi cử chỉ đi ngược lại với sự hiệp nhất. Về điều này, Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát cũng nhận xét rằng: hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ là những gì đi ngược lại với Thần Khí của Thiên Chúa, và như thế không xứng đáng được hưởng Nước Trời (x. Gl 5,20-21). Ngược lại, để sống tinh thần hiệp nhất nhằm loan báo Tin Mừng, Thánh Phaolô đã tha thiết mời gọi: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10). Nếu sống được như thế là chúng ta đang trở nên những chứng tá sống động cho mọi người ở khắp mọi nơi.

Tóm lại, lời mời gọi mỗi người sống hiệp nhất trong một xã hội chia rẽ và bất ổn đang rất khẩn thiết và tối quan trọng. Tự sức chúng ta khó lòng sống được lời mời gọi này nếu thiếu vắng sự hiệp nhất với Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì thế, để việc loan báo Tin mừng được triển nở ngang qua đời sống hiệp nhất, chúng ta được đòi buộc gắn chặt mật thiết với Chúa Giê-su dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì. Nhờ đó, chúng ta ‘sinh được nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Chúa Giê-su’. (x.Ga 15,8).

Nguồn tin: