Hãy Tỉnh Thức

Sat,28/11/2020
Lượt xem: 2685

 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Is 63,16-19; 64,2-7; 1 Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
 
 HÃY TỈNH THỨC
 
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Trích trong MUỐI CHO ĐỜI - Suy niệm Lời Chúa Năm B
Với Chúa Nhật I này, chúng ta bắt đầu Mùa Vọng, khởi đầu năm phụng vụ mới, thời gian canh tân tâm linh, hy vọng và đợi chờ niềm vui.
 
Trong thời gian này, dân Chúa sống lại năng động kép của Mùa Vọng: một đàng, chúng ta hướng cái nhìn về mục đích tối hậu của cuộc lữ hành đời mình trên trần gian, để chuẩn bị đón chờ Chúa Kitô trở lại trong vinh quang vào ngày cánh chung (parousia); đàng khác, chúng ta sốt sắng tưởng nhớ và cử hành biến cố Con Thiên Chúa sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria tại Bêlem cách đây hơn hai ngàn năm (x. Gl 4,4). 
 
Trong viễn cảnh đó, Lời Chúa hôm nay nói nhiều đến chủ đề ‘tỉnh thức’: 
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (Mc 13,33.35). 
 
1. Tỉnh thức là gì?
 
Vậy thì tỉnh thức có nghĩa là gì? Tỉnh thức để làm gì và để gặp ai?
Theo nghĩa đen về phương diện thể lý, tỉnh thức có nghĩa là tỉnh táo, không ngủ gật, không ngái ngủ, không ủ rũ, nhưng là trạng thái tỉnh táo và minh mẫn.
 
Theo nghĩa Kinh Thánh, từ tỉnh thức mang một ý nghĩa sâu sắc và có tính biểu tượng. Nó diễn tả một thái độ sống nền tảng của người theo Chúa, một cách thế sống của người Kitô hữu. Đó là thái độ nhạy bén, sẵn sàng và ngoan ngùy, như những tôi tớ trung thành luôn biết chờ đợi chủ trở về bất thình lình (x. Mc 13,34-36). 
 
Theo nghĩa này, trước hết người tỉnh thức là người nhạy bén với sự hiện diện của Thiên Chúa, nhạy bén với lời mời gọi của Chúa và với những giá trị Tin Mừng; người tỉnh thức là người biết đọc những dấu chỉ cuộc sống và nhận ra Thiên Chúa qua mọi biến cố xảy ra trong đời mình. Người tỉnh thức là người có khả năng để học hỏi từ mọi nơi, mọi lúc, từ bất cứ ai hay hoàn cảnh nào, cả những sai lầm và thất bại trong đời mình, để lớn lên và trưởng thành không ngừng.
 
Trái với thái độ sống tỉnh thức là lối sống u mê, nghĩa là lối sống của một người tự cuốn mình trong cái tôi ích kỷ, không còn cặp mắt tích cực để nhìn đời và đọc ra những giá trị cuộc sống, những hoạt động của Thiên Chúa, không còn khả năng đón nhận những điều kỳ diệu, điều tích cực và những hồng ân quý báu đến từ Thiên Chúa qua mỗi ngày sống của mình.
 
Thứ đến, người sống tỉnh thức là người luôn sẵn sàng để đón Chúa đến, như những trinh nữ với đèn sáng trong tay, háo hức và hân hoan chờ chàng rể tới. Đó là người luôn biết hướng tâm hồn mình về một điều gì tốt đẹp, và hơn thế nữa, hướng lòng mình để gặp gỡ một Con Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Động lực giúp chúng ta tỉnh thức đó là tình yêu. Bởi vì, ai yêu thì cũng biết sống tỉnh thức, ngay cả lúc còn đang ngủ! Điều này được diễn tả rất hình ảnh và ý nghĩa trong sách Diễm Ca: 
“Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu. 
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!” (Dc 3,1-2); 
hay như Thánh Thi kinh tối nói: 
“Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, 
vẫn tin yêu một mực chân tình.”
 
Người tỉnh thức là người thi hành thánh ý Thiên Chúa và quảng đại giúp đỡ anh chị em trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh một cách vô điều kiện. Người luôn biết sẵn sàng phục vụ người khác như người lính gác canh đêm (x. Mc 13,34).
 
Cuối cùng, người sống tỉnh là người rất “ngoan ngùy” và biết vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta còn mật thiết hơn chúng ta và hướng dẫn chúng ta từ sâu thẳm nhất của lòng trí chúng ta. Trong tiếng La Tinh có hạn từ ‘docibilitas’ diễn tả thái độ của người biết lắng nghe và vâng theo Thánh Thần, người để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn và biến đổi mình trở nên phong phú, thánh thiện về mọi phương diện, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (bài đọc II), khi mặc lấy những tâm tư và tình cảm của Đức Kitô trong tương quan đối với Chúa Cha và đối với tha nhân. 
 
2. Gương sống tỉnh thức
 
Đây chính là thái độ của Đức Maria, nhân vật Mùa Vọng, một người phụ nữ tràn đầy Thánh Thần. Mẹ luôn sống tỉnh thức, sẵn sàng và tín thác vào ơn Chúa. Mẹ đã để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trên mình để cho Con Thiên Chúa “nhập thể” trong lòng. Chính vì thế, Mùa Vọng cũng được gọi là thời gian của Chúa Thánh Thần. Noi gương Đức Maria, chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hoạt động để Con Thiên Chúa “nhập thể” và nên hình dạng trong lòng chúng ta một cách thiêng liêng. 
 
Cha Anthony de Mello kể câu chuyện khá thú vị về thái độ tỉnh thức như sau: Có một kẻ ăn mày khố rách áo ôm đang ngồi bên một bờ sông, anh mơ thấy một chiếc xe rất sang trọng chạy đến bên anh, rồi bỗng nhiên, cánh cửa xe mở ra, một cô gái rất xinh đẹp bước ra và đến ngồi bên cạnh anh, cô nhìn anh đắm đuối. Anh thấy mình là “số hưởng,” liền xích lại gần cô và từ từ, anh cầm lấy tay cô, rồi hôn cô. Lập tức, anh rơi tỏm xuống sông và tỉnh! Từ lúc nãy tới giờ anh mơ mà cứ tưởng thật. 
 
Nhiều lúc chúng ta cũng rất giống với anh này, sống mơ mơ màng màng! Khi chúng ta rơi xuống sông, hay bị dồn vào bức tường, lúc đó chúng ta mới tỉnh ngộ. Sự tỉnh ngộ đó là rất quý, đôi khi dầu muộn màng, nhưng muộn còn hơn không.
 
Như thế, Mùa Vọng mà chúng ta bắt đầu hôm nay không chỉ là một thời gian quý báu mời gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến trong mọi hoàn cảnh hay bất cứ lúc nào, đồng thời mời gọi chúng ta sống tốt giây phút hiện tại qua việc chu toàn bổn phận và thánh ý Chúa mỗi ngày. Với cách sống như thế, Chúa đến lúc nào, chúng ta cũng sẵn sàng ra đón Người. Amen!
 

 

Nguồn tin: