Được Trao Ban – Được Biến Đổi Và Phải Trao Ban

Tue,01/06/2021
Lượt xem: 1156

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Con người chúng ta sống được là nhờ có máu lưu thông từ trái tim đến các chi thể trong thân thể. Máu có tác dụng rất lớn cho sự sống của chúng ta. Thiếu máu là sự sống bị đe doạ. Mất máu có thể mất luôn cả sự sống. Chính Đức Giê-su đã dùng Máu của Ngài để nuôi không chỉ về thân xác, nhưng đặc biệt là linh hồn chúng ta. Ngài yêu thương con người không chỉ dừng lại ở việc trao ban Mình Máu, mà còn ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Để hiểu được tại sao Mình Thánh Chúa tuy có một mà cả nhân loại ăn mãi không hết? Câu chuyện sau đây phần nào giúp chúng ta hiểu được điều đó.

Palestine là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo đạo Hồi. Ngày nọ có một vị thầy, lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo, mời một linh mục Công giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:

– Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Kitô được?

Vị linh mục trả lời:

– Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, có thật thế không nào? Chớ thì tại sao Chúa lại không biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Chúa được.

Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:

– Làm sao Đức Kitô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?

Vị linh mục trả lời:

– Thầy hay nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Đức Kitô.

Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:

– Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại có Mình và Máu của Đức Kitô được?

Vị linh mục đáp:

– Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.

Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:

– Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình có phải không nào. Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được.

Quả thật, Chúa Giêsu đến trong trần gian này cũng chỉ có một ý nghĩ, cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn. Chính vì sự sống phần hồn của chúng ta, mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Nơi bài đọc I, với Giao ước Si-nai, dân Israel được bảo vệ và cứu vớt nhờ máu con chiên, hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện. “Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24, 8). Máu con chiên tượng trưng cho tình thương của Thiên Chúa trên dân Người.

Nơi bài đọc II, tác giả thư Do-thái nói rằng chính Đức Giê-su là Chiên của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Nhờ Người, hay nói đúng hơn, nhờ Máu của Chiên Giê-su đổ ra mà muôn người được cứu sống. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9, 12). Như vậy, Máu của Đức Giê-su có hiệu lực hơn bao loại máu khác cho sự tồn tại của con người. Hơn nữa, Máu của Đức Giê-su thanh tẩy lương tâm chúng ta tẩy khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. (x. Dt 9, 14).

Nơi bài Tin mừng, tác giả Mác-cô trình thuật những hành động hết sức đẹp của Thầy Giê-su đối với các môn đệ là trao ‘Mình và Máu của Thầy’. Điều này được minh chứng rằng: “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người”. (Mc 14, 22-24). Đây quả là một lời nói, một hành động, một cử chỉ đầy tình yêu của một vị Thiên Chúa ngang qua Chúa Giê-su Ki-tô đối với con người, là chấp nhận trở nên của ăn của uống để nuôi sống con người chúng ta.

Thật vậy, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa đã ban Con Một là Đức Giê-su Ki-tô xuống thế làm người giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi để cứu độ con người. Không chỉ là hiện diện với vai trò làm người, nhưng Đức Giê-su đã trở nên dấu chỉ tình thương tuyệt đỉnh cho con người khi dám chấp nhận chết trên cây thập giá. Tuy nhiên, trước khi về ngự bên hữu với Chúa Cha, Đức Giê-su đã hứa sẽ ở cùng với con người mọi ngày cho đến tận thế khi trao ban Thịt và Máu của Ngài cho con người. Ngài đã chấp nhận tự huỷ mình đi vì con người để con người được sống. Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho con người để con người được hiện hữu. Do đó, sự sống của con người có được là nhờ lãnh nhận Mình Máu của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su đã phán: Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Như vậy, với đức tin của mình, chúng ta sẽ đón nhận được sự sống đích thực không những qua bàn tiệc Lời Chúa, mà nhất là qua bàn tiệc Thánh Thể, là Mình Máu của Đức Giê-su Ki-tô, nguồn sống của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đón nhận tấm bánh Giê-su cho riêng mình, nhưng chúng ta cũng được mời gọi trở nên tấm bánh để bẻ ra cho tha nhân. Đây mới là điều Chúa Giê-su mong muốn nơi mỗi chúng ta khi Ngài nhắn gửi: ‘Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Làm việc này là làm việc nào? Phải chăng chấp nhận hy sinh thân mình vì yêu thương như Đức Giê-su? Phải chăng là chấp nhận tự huỷ cái tôi, cái ích kỷ, cái nhỏ nhen, cái tội lỗi để sống cho mọi người được tôn trọng? Phải chăng là biết yêu thương, biết tha thứ, biết dấn thân, biết phục vụ là chúng ta đang nhớ đến Chúa và làm như Như?

Mặt khác, đón nhận Mình Máu Đức Giê-su Ki-tô sẽ giúp chúng ta biến đổi từ đôi tay, từ miệng lưỡi, từ cõi lòng nhờ đó chúng ta trở nên dấu chỉ yêu thương như chính Chúa. Quả thật, chúng ta chỉ thật sự hành động tốt, nói lời hay và suy nghĩ tích cực khi chúng ta đón nhận được Mình Máu Thánh của Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, để sống đời sống yêu thương, quan tâm và quảng đại với tha nhân nơi chúng ta được tiến triển, chúng ta cần năng dọn mình sạch tội trọng để đón rước Mình Máu Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Cũng vậy, để có sự sống đời đời và hạnh phúc viên mãn bên Chúa, Mình Máu Chúa như ‘của ăn đàng’ phải là của ăn liên lỉ mỗi ngày trong đời sống hiện tại của chúng ta. Quả thật, sức mạnh của chúng ta tuỳ thuộc nơi Chúa. Sự sống của chúng ta cũng tuỳ thuộc nơi Chúa. Chỉ có Chúa, chỉ nơi Mình Máu Thánh Chúa mới là của ăn nuôi sống và bổ sức cho chúng ta trong hành trình lữ hành trần gian này cũng là hành trang đưa dẫn chúng ta về thiên đàng. 

Tóm lại, mừng lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô hôm nay, ngoài việc tạ ơn tình yêu bao la của Thiên Chúa vì đã có phương cách tuyệt vời để hiện diện hữu hình với con người ngang qua việc lập Bí tích Thánh Thể để trao ban Mình Máu Người cho con người, chúng ta còn được mời gọi phải tôn thờ, mến yêu, năng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa hầu đủ sức mạnh và lòng nhiệt huyết để giới thiệu Chúa cho anh chị em đồng loại ngang qua đời sống bác ái yêu thương.

 

Nguồn tin: