Được Đổi Tên Và Trở Nên Khi Cụ Loan Báo Tin Mừng

Mon,28/06/2021
Lượt xem: 1253

ĐƯỢC ĐỔI TÊN VÀ TRỞ NÊN KHI CỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

(Gợi ý chia sẻ Lời Chúa lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô)

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Ơn gọi đi theo Chúa là đòi hỏi phải từ bỏ không chỉ ý riêng, cái tôi, con người cũ, nhưng ngay cả ‘cái tên’ cũng phải thay đổi để trở nên khí cụ hữu hiệu trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Trong Kinh Thánh, khi Thiên chọn gọi ai làm sứ giả, ngôn sứ hay môn đệ, ngoài việc đáp trả của người ấy, Chúa thường có cách thức thay tên đổi họ của người ấy như nhằm giúp người ấy ý thức tầm quan trọng của việc thực thi sứ điệp rao giảng Lời Chúa cho muôn dân. Nơi hai vị cột trụ của Giáo hội là Thánh Phê-rô và Thánh Phaolô cũng vậy, các ngài đã được Đức Giê-su chọn gọi, đã được đổi tên và đã trở nên những chứng nhân cực kỳ mạnh mẽ cho việc lan toả niềm vui Tin mừng cho muôn thế hệ.

Như chúng ta đã biết, Thiên Chúa là Tình yêu, vì thế, Người luôn luôn mong muốn mọi loài được hạnh phúc và được sống. Người đã dùng mọi cách thức, nhất là dùng các trung gian là ngôn sứ, là tiên tri đến để mang những lời sấm hay các mệnh lệnh cho con người để con người lắng nghe, tuân giữ sẽ được sống. Nơi Cựu ước, qua các giao ước với các tổ phụ, Thiên Chúa muốn khẳng định với con người rằng Người là Đấng nhân hậu, chậm bất bình nhưng giàu lòng xót thương. Đặc biệt, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa đã sẵn sàng trao ban Con Một, là Đức Giê-su Ki-tô để những ai tin vào Ngài và đón nhận Ngài thì sẽ được cứu độ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).

Vâng, Đức Giê-su đã đến thế gian bởi một người nữ để làm người giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài là hình ảnh hữu hình của một Thiên Chúa vô hình ở với nhân loại. Ngài hiện diện ở đâu là thi ân giáng phúc tới đó. Mục đích Ngài đến thế gian là nhằm rao giảng Nước Thiên Chúa và đưa nhân loại lầm than khốn khổ trở về nẻo chính đường ngay, là đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, là ăn năn sám hối để được ơn tha tội. Hành trình 30 năm ẩn dật và 3 năm rao giảng công khai, ngoài việc rao giảng Nước Thiên Chúa và thi thố lòng thường xót của Thiên Chúa cho con người, Đức Giê-su đã chọn cho mình những môn đệ để bước theo Ngài và tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin mừng sau này.

Hình ảnh môn đệ rõ ràng nhất mà hôm nay chúng ta mừng lễ là Thánh Phê-rô. Thánh nhân là một người chài lưới, quê mùa, ít học với cái tên ban đầu là Simon được Đức Giê-su chọn gọi một trong 4 môn đệ đầu tiên. (x.Lc 5,1-11). Là người được Chúa chọn gọi, Simon đã luôn sát cánh với Ngài trong mọi biến cố. Simon luôn đi đầu trong mọi chuyện. Tin mừng hôm nay cũng đã nói lên điều đó. Trong suốt thời gian theo Thầy Giê-su và trong thời gian hoạt động của Ngài, Đức Giê-su muốn trắc nghiệm xem mọi người đã hiểu Ngài như thế nào? Sau các câu trả lời của kẻ này người nọ, đến lượt các môn đệ, là những người học trò kề cận, Si-mon Phêrô đại diện cho anh em đã can đảm tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16). Sau câu trả lời đúng đắn này, Simon đã được Đức Giê-su thay đổi tên gọi của mình là Phê-rô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-19). Từ nay, tên Phê-rô mang sứ vụ cao cả là cột trụ của Giáo hội của Chúa Ki-tô. Từ nay Phê-rô có trách nhiệm phải đảm đương vai trò anh cả, người đứng đầu thay mặt Đức Ki-tô để lãnh đạo Giáo hội. Một Phê-rô có bổn phận phải làm chứng và rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa tình yêu ngang qua Đức Giê-su Ki-tô Khổ Nạn và Phục Sinh. Từ nay, vì Giê-su, vì Tin mừng cứu độ, mà thánh Phê-rô phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu bắt bớ, chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh như Thầy Giê-su vì trò không hơn Thầy. Tuy vậy, nhưng Phê-rô cũng trót chối Chúa 3 lần ngay trong biến cố Chúa Giê-su chịu bắt bớ bởi các thượng tế và người Do thái. Gần gũi bao nhiêu thì nay đã xa cách bấy nhiêu bởi sự từ chối không dám nhận mình là môn đệ của Thầy Giê-su khi Ngài bị bắt bớ. Bao nhiêu sự yêu mến và gần gũi của Thầy Giê-su, phải chăng nay Phê-rô đã ‘phớt lờ và phủi tay’ khi cả gan chối Thầy trước đám đông? Bao nhiêu lời dạy và cử chỉ hành động nêu gương của Thầy Giê-su, phải chăng nay Phê-rô đã không còn nhớ? Tuy nhiên, sau khi chối Thầy, Phê-rô đã chợt nhận ra sự sai lầm trầm trọng của bản thân. Với ánh mắt đầy nhân từ của Thầy Giê-su, Phê-rô đã nhận ra và nhìn thấy tận cùng của sự phũ phàng cũng như sự phản bội của mình. Phê-rô đã khóc lóc về cái sai, cái tội và cái lầm đàng lạc lối của mình để đón nhận sự xót thương của Thầy Giê-su. Quả thật, Đức Giê-su đã tha thứ tất cả vì Ngài là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngược lại, đón nhận được sự tha thứ của Đức Giê-su, Phê-rô đã can đảm hơn, mạnh mẽ hơn và quyết tâm sống thật xứng đáng là Tông đồ cả của Ngài.

Thật vậy, đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nhìn thấy Phê-rô quả là một Tông đồ kiên trung và can đảm khi dám chấp nhận mọi bắt bớ và tù đày để Tin mừng của Đức Giê-su được loan báo. Ngài ý thức hơn ai hết sứ vụ cao cả mà Đức Giê-su giao phó cho Ngài là “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (Mc 16,15). Vì Tin mừng Giê-su mà Thánh Phê-rô đã không ngần ngại để ra đi khắp mọi nơi để rao giảng cho mọi người. Cũng vì công cuộc loan báo Tin Mừng, Phê-rô đã chịu tử đạo ngang qua việc chịu đóng đinh như Thầy Giê-su nhưng với cách thức đóng đinh ngược. 

Bên cạnh thánh Phê-rô, chúng ta bắt gặp một vị cũng là cột trụ của Giáo hội, đó là Thánh Phaolô. Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Tuy nhiên, một ngày, đang lúc Ông hành trình tới thành Đamát để lùng bắt nhiều Kitô hữu, thình lình một luồng sáng lớn chiếu thẳng vào ngài. Khi té xuống đất, Saolô nghe thấy một giọng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại ta?” Saolô trả lời: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Và giọng nói ấy đáp: “Ta là Giêsu, Người mà ngươi đang bách hại!” Saolô kinh ngạc và bối rối. Sau vài giây, Saolô hỏi: “Ngài muốn tôi làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Hãy đi tới Đamát và ở đó ngươi sẽ biết phải làm gì!” (x. Cv 9, 3-19). Một cú ngã ngựa lịch sử, một cú ngã thay đổi cuộc đời đối với thánh nhân. Từ nay, sau cú ngã ngựa, sau khi gặp Đức Giê-su, tên Saolô sẽ được đổi thành tên Phaolô. Với tên Phaolô, ngài sẽ mang trọng trách hết sức lớn lao. Từ một người bắt bớ đạo nhiệt thành thì nay thánh Phaolô sẽ trở thành vị tông đồ nhiệt huyết nhiệt thành để làm chứng cho Chúa và hăng say loan báo Tin mừng khắp mọi nơi, nhất là cho dân ngoại. Chính thánh nhân đã cảm nhận điều này: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39). Ngang qua sách Công vụ Tông đồ, sau biến cố Damas, chúng ta bắt gặp một Phaolô rất mạnh mẽ, kiên định và hăng say loan báo Tin mừng cho mọi người dẫu bị xiềng xích, đòn roi, bắt bớ, bỏ tù,…Một Phaolô đã nhận chân được rằng “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Vì thế, Phaolô không ngần ngại vượt trên mọi khó khăn chủ quan cũng như khách quan để miễn sao Tin mừng Đức Giê-su được nở rộ và phát triển khắp mọi miền thế giới. Vì Tin mừng, Phaolô đã chấp nhận mọi sự tủi nhục, ngay cả cái chết như Thầy Giê-su để mọi người nhận biết Tin mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Hai vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay là hai cột trụ vững chắc của Giáo hội. Nhờ đức tin kiên vững và nhờ lời chuyển cầu đắc lực của các ngài với Chúa, Giáo hội của Chúa đã luôn luôn bền vững và kiên trung hơn 2000 năm qua và sẽ vững bền mãi mãi. Là những người đã được thừa hưởng đức tin trên nền tảng các tông đồ, chúng ta cũng được mời gọi học hỏi, noi gương các nhân đức của các ngài để bước theo Đức Ki-tô trong mọi hoàn cảnh dầu có thử thách gian nan và sẵn sàng làm chứng cho Chúa, cho Tin mừng ở mọi nơi và mọi lúc. 

 

Nguồn tin: