Cứ Về Thuật Lại Những Điều Mắt Thấy Tai Nghe - Suy Niệm Tin Mừng - Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

Sun,11/12/2022
Lượt xem: 682

Cứ Về Thuật Lại Những Điều Mắt Thấy Tai Nghe

(Suy niệm Chúa nhật 3 Mùa Vọng A)

Câu chuyện minh họa:

Đức Cha Tiamer Toth trong một cuốn sách viết cho giới trẻ có tựa đề là "Chí khí người thanh niên" có nói đến một tấm gương mà ngài ước mong các bạn trẻ hãy nhìn vào đó mà bắt chước. Truyện như thế này: Regulus là một tướng của Lamã bị quân Carthage bắt làm tù binh. Sau một thời gian mệt mỏi vì chiến tranh, người Carthage muốn cầu hòa với người Lamã. Người mà thành Carthage chọn để đứng đầu phái đoàn lại chính tướng Regulus. Trước khi lên đường dân Carthage bắt Regulus phải thề: nếu sứ mạng cầu hòa của họ bị thất bại thì Regulus phải trở về nhà tù trở lại. Regulus đã thề.

Chúng ta có thể tưởng tượng được sự xúc động của tướng Regulus khi về tới La Mã, thành phố quê hương yêu quý của ông như thế nào không! Rất vui mừng nhưng cũng đầy khó khăn. Regulus sẽ phải hành động làm sao đây?

Với tất cả tài lợi khẩu, ông yêu cầu thượng nghị viện cứ tiếp tục chiến tranh; nghị viện yêu cầu ông ở lại La Mã, viện cớ rằng: lời thề vì cưỡng bách không có giá trị. Nhưng ông trả lời:

“Các ngài có muốn để tôi mất danh dự không? Tôi thừa biết rằng những khổ hình và giờ chết đang đợi tôi khi tôi trở lại. Nhưng những cái ấy không thấm thía vào đâu khi so sánh với sự ô nhục của một hành động bất lương với sự tổn thương của tâm hồn do một lời nói dối. Đành rằng tôi sẽ lại là tù binh của dân Cathage nhưng ít ra tôi vẫn giữ được chí khí của tôi mà dân La Mã sẵn có với sự trong sạch của nó. Tôi đã thề hứa sẽ trở về với họ thì tôi giữ lời hứa cho đến cùng. Vì thế các ngài hãy phó mặc mạng sống tôi cho các Thần Thánh”.

Và Regulus đã trở về Cathage, ở đấy tướng công đã chết giữa những cực hình khủng khiếp.

Đó là chí khí và lòng quả cảm của một người công dân Lamã!

Trong tuần II Mùa vọng, chúng ta đã cùng nhau giới thiệu về nhân vật điển hình là Gioan Tẩy Giả: một con người khiêm nhường trong cách sống từ việc ăn nết ở để chuẩn bị tâm hồn cho việc gặp gỡ Đấng Thiên Sai.

Trong tuần này, chúng ta lại tiếp tục gặp lại gương mặt nổi trỗi này qua cách thức trả lời của ông đối với những ai chất vấn. Ngay từ đầu bài Tin Mừng hôm nay, Gioan được giới thiệu là một người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Vì làm chứng cho sự thật, cho sự chung thuỷ trong đời sống luân lý gia đình mà Gioan Tẩy Giả đã bị Herode bắt bỏ tù và đương nhiên sau này đã bị chặt đầu bởi vị vua độc ác và loạn luân này.

Là người đã sống hết mình cho sứ vụ rao giảng hay làm chứng của mình cho Đấng Thiên Sai, Gioan Tẩy Giả cũng mong rằng Đấng ấy sẽ đến để giải thoát dân Do Thái khỏi đế quốc Rôma và có thể giải thoát cả chính ông khỏi cảnh tù tội nữa. Tuy nhiên, khi Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su xuất hiện chẳng có gì là mạnh mẽ và rầm rộ để giải cứu mọi người cả nên Gioan Tẩy Giả cảm thấy lo lắng và băn khoăn. Trong trạng huống đó, Gioan Tẩy Giả đã cho các môn đệ của mình đến gặp Đức Giê-su để hỏi cho ra lẽ: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3). Âu sầu và lo lắng của Gioan Tẩy Giả là âu sầu và lo lắng về mặt chính trị, về hành động giải phóng dân tộc một cách rõ ràng của Đấng Thiên Sai mà ông đã rao giảng. Nhưng xem ra không phải như thế. Sự xuất hiện của Đức Giê-su nhẹ nhàng và yêu thương; hy sinh và phục vụ; gần gũi và thân thiện,…đã làm cho mọi người, nhất là Gioan đâm ra nghi ngờ. Cái âu sầu và lo lắng của Gioan Tẩy Giả ngay lúc này cũng đúng thôi vì chính bản thân ông cũng mong được Đấng Thiên Sai đến cứu mình ngay cảnh tù ngục và cũng như giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ của đế quốc. Đúng là ‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’.

Tuy nhiên, những âu lo của Gioan Tẩy Giả đối với Đức Giê-su đã được đón nhận những câu nói xem ra chưa thoả mãn cái khát vọng của ông và dân Do Thái. Để trả lời cho câu hỏi của Gioan Tẩy Giả chỉ dẫn các môn đệ, Đức Giê-su đã nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe.” Đó là những điều nào vậy? Xin thưa đó là “người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,…” (cc. 4-5). Quả thật, Đức Giê-su, Đấng Thiên Sai đã ‘không giống như’ Người mà các ngôn sứ cũng như Gioan Tẩy Giả loan báo. Nhưng Đức Giê-su hiện diện một cách nhẹ nhàng nhưng đầy yêu thương. Ngài ứng nghiệm lời sấm của Isaia: Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.” (Mt 12,19). Sự hiện diện của Đức Giê-su là niềm vui cho hết thảy mọi người. Ngài hiện diện ở đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó. Ngài là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi. Ngài không hiện diện để cai trị và làm vua theo kiểu thế gian, theo nghĩa chính trị nhưng trên hết và trước hết là cứu vớt những gì đã mất (x.Lc 19,10), là tìm người tội lỗi hơn là người công chính (x.Mt 9,13), là bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm cho được con chiên bị lạc mất (x.Mt 18,12-14), là chạnh lòng thương hơn là loại trừ và ghét bỏ (x. Mc 6,34), là cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10), “là đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45),…

Chúa nhật 3 Mùa Vọng gọi là Chúa nhật của niềm vui. Vui vì niềm trông chờ và hy vọng về Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su sắp được trở thành hiện thực. Làm sao không vui khi có Đấng Thiên Sai, Đấng hiện thân Lòng Thương xót của Thiên Chúa ở cùng nhân loại tội lỗi. Làm sao không vui được khi Đấng Thiên Sai sẽ đến cư ngụ không chỉ nơi toàn cầu mà ngay cả trong tâm hồn của mỗi một con người nhỏ bé và bất xứng. Làm sao không vui khi Đấng Thiên Sai là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta để ban hoà bình thịnh trị cho mỗi tâm hồn.

Quả thật, như chàng thanh niên đầy chí khí và chân thật nơi tướng Regulus trong câu chuyện trên, như Gioan Tẩy Giả sẵn sàng dùng cái chết để sống cho lời chứng của mình, và như Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su đến đem yêu thương và ơn cứu độ cho nhân loại, chúng ta cũng được mời gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, của Đức Giê-su ngang qua cách sống đượm tình bác ái yêu thương đối với mọi người, nhất là cho những hoàn cảnh khó khăn và bệnh hoạn tật nguyền. Ngay hôm nay, chúng ta tiếp tục sứ mạng để ra đi thuật lại cho mọi người khắp mọi nơi những gì mắt đã thấy, tai đã nghe nơi Đấng Thiên Sai, là Đức Giê-su Ki-tô không chỉ bằng lời nói suông nhưng bằng những hành động yêu thương cụ thể và thiết thực mà chính Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn tin: