Con Người Trải Qua Bốn Sự Sau (Thiên Phong, K.XVI)

Sat,05/11/2022
Lượt xem: 834

CON NGƯỜI TRẢI QUA BỐN SỰ SAU

(Suy niệm Chúa Nhật XXXII – TNC: Lc 20,27-38)

Khi còn nhỏ, tôi được mẹ dạy cho các câu giáo lý đơn giản nhưng rất hữu ích cho đức tin. Mẹ dạy tôi làm dấu, đọc các kinh, bổn trong đạo. Tôi được học “có ba mầu nhiệm cả trong đạo: Một là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi; hai là mầu nhiệm Ngôi Hai làm người; ba là mầu nhiệm Ngôi Hai chuộc tội nhân loại” hay được dạy về “có Bốn sự sau: Một là sự chết; hai là sự phán xét; ba là sự thiên đàng; bốn là sự hỏa ngục”.

Chỉ vài tuần qua, chúng ta chứng kiến không ít về cái chết xảy ra trên thế giới, dẫm đạp nhau ở Hàn Quốc, cầu sập ở Ấn Độ, xả súng ở Thái Lan và nhiều sự kiện khác không được nhắc đến. Chúng ta đang ở trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta xin lễ, cầu nguyện và làm việc lành để chỉ cho các linh hồn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, câu hỏi của nhóm Xađốc có lẽ cũng là câu hỏi của mỗi người chúng ta. Thật nghịch lý, nhóm Xađốc chủ trương không có sự sống lại (x. Lc 20,27), vậy mà hỏi Chúa Giêsu sau khi người ta sống lại sẽ như thế nào? (x. Lc 20,33)” Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về sự sống đời sau. Cùng với tâm tình của Giáo Hội, mùa Phụng vụ đang hướng về ngày cánh chung với thánh lễ “Chúa Kitô vua vũ trụ” (Chúa Nhật XXXIV) để kết thúc năm Phụng, chúng ta cùng dành thời gian suy niệm về “Bốn sự sau”.

1.   Sự chết

Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” đã không trừ một ai. Ai trong trời đất này rồi cũng sẽ chết “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi(Tv 90,10). Sách Giảng viên cũng đã dạy Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế” (Gv 3,1-2). Như vậy, ai rồi cũng sẽ chết, có người chưa được sinh ra đã chết trong lòng mẹ. Cũng có người vừa lọt lòng mẹ đã phải ra đi. Có người sống tới già mới được Chúa gọi về. Có những người “đang mải mê dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12). Như vậy, chỉ có Thiên Chúa là đấng trường tồn, hằng hữu, còn muôn loài muôn vật sẽ phải qua đi. Lời bài hát trong mùa Chay luôn nhắc nhớ chúng ta “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai sẽ trở về bụi tro”. Thân phận con người như hoa sớm nở chiều tàn, một ngọn gió thoảng cũng đã làm nó biến tan sắc màu.  

2.   Sự phán xét

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta sau khi mỗi người chết sẽ có hai cuộc phán xét: một là phán xét riêng, hai là phán xét chung. Cuộc phán xét riêng này sẽ được vĩnh viễn xác nhận trong cuộc phán xét chung. Phán xét riêng là cuộc phán xét thưởng phạt tức khắc mà mỗi người, sau khi chết, lãnh nhận từ Thiên Chúa trong linh hồn bất tử của mình. Cuộc phán xét đó qui chiếu đời sống của họ với Đức Kitô để họ hoặc trải qua việc thanh luyện, hoặc họ được hưởng kiến nhan Chúa, hoặc họ bị luận phạt đời đời đời. Họ bị xét xử về tình yêu:“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu” (St. Giaoan Thánh Giá; x. Mt 25,31-46).

Cuộc phán xét cuối cùng hay còn gọi là phán xét chung sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Đó là “giờ mọi người ở trong mồ mả sẽ nghe tiếng Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án”  (x. Ga 5,28-29).

Trong cuộc chung thẩm này, Đức Kitô sẽ xuất hiện “trong vinh quang của Người, có các thiên thần theo sau hầu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người…” (x. Mt 25,31-41).  Sau cuộc phán xét cuối cùng, thân xác sống lại sẽ tham dự vào sự thưởng phạt mà linh hồn đã lãnh nhận trong cuộc phán xét riêng.

Cuộc phán xét này diễn ra vào ngày tận thế, nhưng ngày ấy là khi nào thì chỉ có Chúa Cha mới biết. Vấn đề không phải là thời gian hay kì hạn của ngày thế mạt, đối với mỗi kitô hữu, sứ điệp phán xét chung là: mời gọi hoán cải trong “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ”  (x. 2Cr 2,6); gợi lên sự thánh thiện của Thiên Chúa, thúc đẩy con người tìm kiếm sự công chính của Nước Thiên Chúa; lời loan báo “niềm hy vọng hồng phúc” và “ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô”, Đấng cứu độ chúng ta.

3.   Sự thiên đàng

Sau khi phán xét, con người được luận phúc và tội để được thưởng và phạt. Trình thuật về cuộc phán xét chung (x. Mt 25,31-46) cho ta thấy được đức vua sẽ chia thành hai nhóm chiên và dê. Người sẽ kết án những ai đã không thực thi lòng bác ái và sẽ ân thưởng cho những người sống theo lời Ngài dạy. Những ai chết trong ân sủng và trong tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống muôn đời với Đức Kitô, họ sẽ giống Thiên Chúa, và họ thấy Người như Người là (x. 1Ga 3,2), “mặt giáp mặt” (x. 1Cr 13,12). Như thế, thiên đang là tình trạng mà những ai chết trong ân nghĩa với Thiên Chúa được thụ hưởng, làm thành Hội Thánh thiên quốc, trong đời sống hiệp thông trọn hảo với Ba Ngôi Chí Thánh, với Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và các thánh. Thánh Cyrillo de Jerusalem viết: “Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Người, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống đời đời đời”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,35-36)

4.   Sự hỏa ngục

Những ai đang bị luận phạt thì hình phạt dành cho người đó là hỏa ngục. Hỏa ngục là án phạt đời đời dành cho những ai, do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Đó là những người không thống hối, không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, và không thực hiện đức ái đối với anh chị em, vì “phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân, vì anh em biết, không có kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó”  (1Ga 3,15).

Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi hạnh phúc, khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn sự sống, nguồn sung mãn hoan lạc mà con người được tạo dựng để hưởng và khao khát hướng về. Chúa Giêsu khẳng định về hỏa ngục khi nói về “lửa không hề tắt”  (Mt 5,22.29).

Chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và Người cũng không tiền định cho ai phải hư mất, phải xuống hỏa ngục, nhưng muốn cho “mọi người tới chỗ ăn năn và hối cải”  (2Pr 3,9) để được sống. Song Người dựng nên con người có tự do và có trách nhiệm,  Người tôn trọng các quyết định của họ. Vì thế, nếu cho đến lúc chết, con người vẩn cứ ở trong tội trọng, từ chối lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì chính họ từ loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Trong tâm tình của những ngày cuối năm Phụng vụ, chúng ta cùng hướng về ngày chung thẩm sẽ diễn ra trong tương lai. Với sự bầu cử của các thánh, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta dành ra thời gian để làm các việc lành chỉ cho các linh hồn đang cần chúng ta. Đây cũng là thời gian để mỗi người chúng ta suy niệm về “Bốn sự sau”. Để rồi khi chúng ta lìa khỏi trần gian này, chúng ta trả lẽ trước mặt Thiên Chúa những gì ta đã làm như sách Giảng viên kết thúc lời giáo huấn hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu” (Gv 12, 13-14).

Thiên Phong

Chủng sinh khóa XVI, ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn tin: