Từ Tưởng Tượng Đến Hiện Thực

Mon,06/05/2019
Lượt xem: 2219

 Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Có một cái gì rất đẹp khi mơ mộng. Trong giấc mơ, các ước muốn của chúng ta có thể thành hiện thực và chúng ta có thể đạt được những gì chúng ta hằng ao ước. Trong giấc mơ, chúng ta là những siêu sao: chúng ta sáng tác những bản nhạc danh tiếng, ghi bàn thắng, múa ba lê và chúng ta đẹp, tài ba, ấn tượng đến mức các nhà phê bình chỉ biết im lặng và tất cả những người chúng ta mong muốn đều ái mộ chúng ta.

Không ngạc nhiên khi chúng ta thường hay trốn vào thế giới mộng mơ: ở đó chúng ta sống không nước mắt, không giới hạn và không lầm lỗi. Trong tưởng tượng, chúng ta có được cứu rỗi, hoàn thiện và tận hiến.

Chúng ta ít khi thú nhận với nhau rằng chúng ta có những giấc mơ và hay trốn vào đó. Chúng ta xấu hổ về những hoang tưởng của mình, xấu hổ vì đã lớn mà còn cần trốn chạy ngây thơ và vị kỷ như thế. Tưởng tượng người khác sẽ nghĩ gì nếu họ biết được những hoang tưởng của chúng ta!

Tuy nhiên sự trốn chạy vào tưởng tượng và vào giấc mơ cũng là điều tự nhiên và lành mạnh. Mơ mộng cũng là một hình thức thư giãn.

Cũng không có khác nhau mấy giữa một người mệt mỏi nghe nhạc để tạm quên những vấn đề của cuộc sống và một người cũng mệt mỏi nhưng phiêu bồng trong trí tưởng để thư giãn. Cả hai đều có một sự trốn chạy lành mạnh khỏi tình trạng căng thẳng quá độ và không bên nào xấu hổ hơn bên nào.

Hơn nữa một đời sống tưởng tượng lành mạnh có thể giúp một cách tích cực vào sáng tạo bởi vì các giấc mơ kết nối chúng ta với tiềm năng sẵn có trong mình.

Trong giấc mơ, chúng ta không bao giờ là người nhỏ bé, tầm thường nhưng là anh hùng, những người ưu tú làm thay đổi thế giới, toát ra nét riêng biệt, là những tạo vật thật sự giống hình ảnh Chúa và hiện thân của nét đẹp, của tài năng mô phạm, tiềm năng vô tận của cuộc sống. Không ai có đời sống tưởng tượng lành mạnh mà trở nên trì trệ, bởi vì các hoang tưởng kéo chúng ta tiến tới trước, ngăn không cho chúng ta sống vô vị.

Tuy nhiên, các giấc mơ cũng có thể không lành mạnh, không phải vì chúng ta xấu hổ vì phải nhờ đến tưởng tượng như trẻ con, hay đôi khi các hình ảnh mơ mộng có tính cách gợi tình và gợi dục, nhưng bởi vì khi quá bám dính vào tưởng tượng, nó sẽ  trói buộc chúng ta: liều lượng mơ mộng nhiều quá sẽ làm chúng ta chỉ nghĩ đến mình một cách không lành mạnh.

Tưởng tượng quá nhiều sẽ quên hiện tại, quên người chung quanh, quên cầu nguyện và quên Chúa. Mơ mộng quá nhiều làm chúng ta đãng trí và phân tán, bởi vì phần lớn nhận thức và suy nghĩ lúc nào cũng dính vào các ám ảnh riêng tư. Chúng ta bắt đầu giống như người lo âu đi trong khu rừng đẹp: tâm trí đầy lo lắng, chỉ nghĩ đến mình nên không thấy gì hết. Màu sắc thiên nhiên, tiếng chim ca hót không lọt đến tai họ. Họ lạc trong vũ trụ của họ, không nhận thức được nét đẹp bên cạnh. Họ chỉ thấy có một thực tế qua “tấm gương tăm tối.”

Chúng ta làm gì với những giấc mơ và sức tưởng tượng của mình?

Khi các giấc mơ của chúng ta lành mạnh thì chúng ta có quyền mơ. Tuy nhiên, khi càng dấn thân vào cuộc sống và cầu nguyện thì chúng ta phải tích cực hướng tưởng tượng về phía cầu nguyện. Bằng cách nào?

Trước tiên chúng ta cần hiểu biết về cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ là cầu nguyện bằng lời. Cầu nguyện tận căn là chiêm nghiệm. Không nên hiểu chiêm nghiệm là cảm xúc tốt khi chúng ta thấy một chuyện gì xúc động.

Chiêm nghiệm là nhìn cái gì đúng cái đó, trực diện, không son phấn.

Khi nhận thức chúng ta là đích thực, thì khi nhìn, nghe, thở, sờ hay nếm bất cứ gì khác hơn chính bản thân và không kiểm soát nó là chúng ta đang chiêm nghiệm, chúng ta đang cầu nguyện. (Đương nhiên nó không tách rời với các hình thức cầu nguyện khác.)

Khi cầu nguyện được hiểu trong nghĩa này, chúng ta thấy được cách giấc mơ có thể làm hại chúng ta; đó là khi quá tập trung vào cái tôi, chúng ta đã giới hạn khả năng thấy, nghe, cảm, sờ và thở. Mơ mộng là chướng ngại của cầu nguyện.

Làm cách nào để hướng mơ mộng về phía cầu nguyện một cách cụ thể?

Trước hết phải bỏ ra khỏi đầu ý nghĩ cho rằng chiêm nghiệm là rỗng không, là tờ giấy trắng.

Chúng ta chiêm nghiệm khi chúng ta để nhận thức và suy nghĩ của mình hình thành và trôi chảy một cách tự do, không kiểm soát, không bị lo âu, ám ảnh đè nặng.

Điều này khác với tưởng tượng. Khi mơ mộng chúng ta gây ảnh hưởng trên tư tưởng và sức tưởng tượng của mình. Thật ra, chúng ta bày ra một trò chơi tinh thần.

Chiêm nghiệm là nhận thức tự do, không kềm chế. Giống như các tác giả thiêng liêng ngày xưa nói, cầu nguyện là một dạng lương tâm có ý thức.

Thật là thích thú khi mơ mộng nhưng, cuối cùng, chúng ta càng phong phú hơn khi cầu nguyện.

Nguyễn Kim An dịch
 
Nguồn tin: http://phanxico.vn/