Thập Giá Đức Kitô, Dấu Chỉ Mọi Thời Đại

Sun,17/03/2019
Lượt xem: 3308

 I. BỐI CẢNH

Ở đời, con người thường hay theo đuổi tìm kiếm những gì được cho là giá trị. Có người quan niệm rằng, của cải tiền bạc chính là những thứ có giá trị nhất trên đời này. Người khác cho rằng, tiền tài không chưa đủ, còn phải có danh vọng, địa vị, tiếng tăm trong xã hội. Một số khác lại cho rằng, sức khỏe, học vấn, bằng cấp v.v.. là những thứ giá trị nhất cho cuộc sống của mình. Và khi cho rằng, một điều gì đó có giá trị, họ sẵn sàng bỏ hết công sức, tiền bạc, thời gian để theo đuổi, tìm kiếm. Tìm kiếm cái gì là giá trị cho cuộc sống. Vâng, đó cũng là điều mà chúng ta đề cập đến, con người luôn hướng về một thực thể siêu việt và không ngừng khát khao tìm kiếm để hiểu biết về một Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người chỉ là thụ tạo thấp hèn, đầy những giới hạn, làm sao có thể hiểu được Thiên Chúa nếu như Ngài không mạc khải. Thật vậy, Thiên Chúa là tình yêu và vì yêu thương, Ngài đã tạo dựng nên con người và mạc khải cho con người tình yêu ấy qua công trình tạo dựng và cứu chuộc của Ngài. Như thế, cái gì đến sẽ đến, “vào thời sau hết” con Thiên Chúa được sai đến là Đức Kitô, vì yêu thương Ngài đã gánh lấy tội thiên hạ đã chịu chết và chết trên thập giá. Có thể nói hạnh phúc cuộc sống của con người không chỉ là cái ăn, cái mặc, tiền bạc, danh vọng v.v… mà chính là Thập giá Đức Kitô. Thập giá Đức Kitô là kho tàng quý giá cho con người hôm nay. Và Thập giá Đức Kitô còn cung cấp cho ta một nền tảng vững chắc để xây dựng, gọt rũa tất cả những liên hệ khác trong đời sống, để ta tìm ra được chân lý và hạnh phúc mà ta luôn kiếm tìm. Vâng, đó là điều mà con người ngày hôm nay mong chờ nơi Thập giá của Đức Kitô.
II. NỘI DUNG
1. Thập giá mời gọi con người nhận ra tình thương của Chúa 
Con người ngày hôm nay mong gì nơi Thập giá của Đức Kitô. Nhìn vào cây Thập giá con người sẽ mãi mãi cho là một dụng cụ hành hình ghê rợn nhất, nếu Thập giá không được mang trên mình Đức Giêsu Đấng cứu độ trần gian. Huyền nhiệm thay Thánh ý Thiên Chúa! Ngài có thể cứu chuộc nhân loại bằng nhiều cách, nhưng cây Thập giá lại được dùng như khí cụ và dấu chỉ của tình thương bao la. Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận cuộc khổ hình. Người đã chọn cây gỗ Thập giá như bàn thờ để dâng hy tế là chính bản thân Người lên Chúa Cha. Chính từ cây thập giá mà Đức Giêsu muốn khẳng định với nhân loại: Thiên Chúa yêu thương loài người.
Trở lại lịch sử công trình tạo dựng của Thiên Chúa, có một cây được trồng trong vườn địa đàng rất đẹp. Sách Sáng thế khẳng định: Cây ấy sinh ra quả “ăn thì ngon, trông thật sướng mắt” (St 3,6). Chính sắc đẹp của trái cây đó lại chứa sự chết, vị ngon của quả lại mang mầm tội. Ađam và vợ mình là Evà đã ăn trái cây và đã phải chế. Họ muốn được nên như các vị thần linh, nhưng rốt cuộc phải lãnh án trầm luân đau khổ. Câu chuyện trái cấm là câu chuyện buồn, để lại những hậu quả tai hại cho mọi thế hệ nhân sinh.
Trên đồi Canvê, cây thập giá được dựng nên để đem lại thuốc trường sinh chữa lành bệnh tật gây ra bởi cây trái cấm. Nếu cây của vườn địa đàng là nguyên nhân của chia rẽ, thì cây Thập giá lại trở thành tâm điểm của nối kết. Nếu cây địa đàng đem lại hậu quả là sự chết, thì cây thập giá lại dẫn đến sự sống trường tồn. Trên đồi Canvê của chiều hôm ấy, đất với trời được nối lại qua chiều dọc của cây gỗ, người với người được liên kết nhờ chiều ngang mãi vươn xa. Giao hòa Thiên Chúa với con người và con người với nhau, đó chính là ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong Đức Giêsu Kitô.
Trong hành trình cuộc đời, thập giá đem lại cho chúng ta sức mạnh. Nhờ hướng nhìn lên cây Thập giá, biết bao nhiêu người nam cũng như nữ trong suốt bề dầy của lịch sử đã tìm được nghị lực vươn lên. Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta tiếp bước theo Người. Nơi Thập giá, tình yêu Thiên Chúa vẫn vẫy gọi và trông chờ con người. Thế nhưng, cũng không ít con người ngày nay nhìn lên Thập giá như là một điều khó có thể chấp nhận, Thập giá như là một nghịch lý vì cái mà con người ngày nay tìm kiếm là địa vị trong xã hội, giàu sang phú quý. Trong khi đó, Kitô giáo lại loan báo về Thập giá Đức Kitô: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo”(Mt 16,24). Đòi hỏi này thật khó chấp nhận vì ngày hôm nay, con người muốn đạt đến vinh hoa, lợi lộc mà không muốn phải vác Thập giá, hoặc có chăng là vác một Thập giá siêu nhẹ hay họ vác Thập giá không phải để lên đồi Canvê để chịu đóng đinh mà để đóng đinh kẻ khác. Thập gía  trở thành phương tiện tranh đấu, thành phương thế đem lại lợi ích cho cuộc sống trần gian. Đức Giêsu đang đi cùng với chúng ta trong cuộc sống đầy gian nguy thử thách này. 
2. Thập giá mời gọi quảng đại tha thứ 
Trong cuộc sống khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển làm cho con người trở nên thực dụng, làm cho đời sống con người tục hóa đánh mất cảm thức về đời sống tâm linh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin, gây sự chia rẽ ngày càng nhiều. Người ta sống trong cơn lốc quay cuồng của hưởng thụ, chạy đua với những hình thức ăn chơi. Đạo lý luân thường bị coi nhẹ, tôn giáo lương tâm bị khinh thường. Giữa những xô bồ của cuộc sống, thập giá như một lời mời gọi yêu thương. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệu sự thù ghét (Ep 2,16).
Thập giá nhắc lại tội ác tầy trời của con người, đó là tội giết Con Thiên Chúa. Nhưng Thập giá cũng là biểu tượng của sự thứ tha. Đức Giêsu trên Thập giá đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Hôm nay, Thập giá vẫn đang tiếp tục thầm thì kể với chúng ta về lòng nhân ái và tha thứ quảng đại. như thánh sử Matthew thuật lại: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Lời này xem ra có vẻ ngược đời nhưng đó chính là tính ưu việt của Kitô giáo. Khi yêu thương và tha thứ cho kẻ làm hại mình, chúng ta trở nên cao thượng hơn, giữa cuộc đời đầy rẫy những bất công. Bạo lực, gian dối và những hành vi vô đạo đức lan tràn đến mức báo động ngay tại môi trường huấn luyện con người. 
Không như cây sậy bị uốn cong và phất phơ trước gió, Thập giá vẫn vươn cao giữa bao phong ba của cuộc đời. Thập giá là cờ hiệu chiến thắng của Đức Kitô, đồng thời là nguồn hy vọng cho những ai tin cậy nơi Người. Chúng ta hãy học ngôn ngữ của cây Thập giá, để nhờ đó, mỗi tín hữu trở nên những người gieo mầm yêu thương, trồng cây hạnh phúc và làm nở hoa thứ tha. Qua ngôn ngữ khiêm tốn mà cao siêu của Thập giá, chúng ta có thể khẳng định cho thế giới hôm nay rằng: Thiên Chúa yêu thương loài người.
Cây Thập giá đã kết thúc cuộc khổ hình của Đức Kitô, mang thân phận yếu đuối, mỏng giòn của phàm nhân, Đức Kitô không tránh khỏi được những bối rối, băn khoăn. Trái tim bằng da bằng thịt của Chúa cũng khắc khoải trong giờ phút cuối cùng, nhưng điều quan trọng là Ngài đã tìm được sự tương giao, nhận ra Thánh ý của Chúa Cha. Và điều cao cả hơn nữa, cây Thập giá ấy là bằng chứng cho sự tha thứ hoàn toàn tội lỗi do con người gây ra. Đó cũng là cùng đích con đường, dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Không còn một chút nghi ngờ, đây đúng là một huyền nhiệm. Quả thật,  chính Mầu nhiệm này là dấu chỉ cho sự vâng phục tuyệt đối và vô giá. Thiên Chúa, cụ thể là Đức Kitô đã bắt đầu và kết thúc ở lòng yêu mến con người. Tình yêu ấy là cội nguồn và tâm điểm của chặng đường ba năm sống chứng tá và rao giảng hết mình vì Nước Trời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ắt hẳn, Ngài là tấm gương cao cả, mẫu mực tuyệt vời về sự khiêm nhường và vâng phục cho mỗi kitô hữu chúng ta, chỉ có nơi Ngài mới có tất cả những nhân đức tự nhiên và siêu nhiên.
Phần chúng ta, những kẻ mang vết nhơ tội lỗi, bắt buộc phải tự đặt câu hỏi chất vấn lương tâm mình. Đức Kitô làm tất cả những điều ấy là vì ai? Chẳng phải Chúa bị người đời hắt hủi, khinh miệt và sỉ nhục, bị vùi dập dưới những đau khổ là vì chúng ta hay sao? Cớ chi, một người mang bản tính Thiên Chúa lại sẵn sàng xuống thế gian để rồi phải chịu đau khổ và bị kết án thảm thương như vậy?
Hằng năm Giáo Hội mời gọi sống lại biến cố Chúa chịu chết vì nhân loại mang tính lịch sử và linh thiêng, mỗi  người chúng ta hãy dành một chút thời gian để suy niệm, để sống những khoảnh khắc này. Trong thinh lặng, trở về với con người thật của mình, chúng ta tập tránh xa rác rưởi trần thế, học cách gạt bỏ những ý nghĩ, cử chỉ như ghen ghét, nghi ngờ, ích kỷ, cá nhân, hận thù, chia rẽ… Nếu ai đó thực sự đi vào cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, trước sự hiện diện của Thiên Chúa, hẳn không khỏi bùi ngùi, xót xa và rồi nhận ra Tình thương bao la, vô bờ bến, tình thương ấy không có gì sánh nổi.
Là một kitô hữu, nhất là một ứng sinh linh mục tương lai đã thực sự tận hưởng những khoảnh khắc này nhìn lại chính bản thân mình chưa? Đức Kitô là con Thiên Chúa toàn năng, nhưng lại phải chịu đau khổ, tự hiến đời mình là vì ai? Hồi tâm nhìn lại những gì mình đã sống, có lẽ nhiều lần tôi cũng đối xử tệ bạc và kết án Chúa bằng cách này hay cách khác. Con người tôi cũng đầy dẫy những khiếm khuyết, những lỗi lầm, thiếu sót đã trót phạm; ắt hẳn, không ít lần xúc phạm đến tình thương và lòng từ bi của Chúa. Thật không xứng đáng làm con cái của Ngài. Tôi là ứng sinh linh mục, tôi phải làm gì bây giờ? Liệu tôi có mạnh dạn, can đảm đối diện với nội tâm của chính mình? May thay, nhờ vào Đấng giàu tình thương, đầy lòng trắc ẩn và sự nhẫn nại, luôn mở rộng cánh tay chờ đón, như người cha hết mực yêu thương. Biết là như vậy, nhưng liệu tôi có chịu và làm được những điều Chúa mong muốn hay không hay tôi vẫn còn vương vấn với vật chất, phù vân, những lo lắng, ước vọng trần thế.
Mong muốn được thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Không còn cách nào khác, là để Lời Chúa thấm sâu vào tận xương tủy. Men theo Thập giá để đi sâu vào trong bí tích Thánh thể, đó là những món ăn tinh thần bổ dưỡng. Nhờ đó, có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc và thực tế hơn tình yêu của Thiên Chúa. Dần dần tôi hiểu và khám phá ra được điều gì Chúa cần và mong chờ trong cuộc sống của tôi ngày hôm nay. Càng hiểu tôi càng yêu mến Chúa nhiều hơn và muốn bắt chước Ngài. Tôi cũng muốn đi tìm và mở rộng mối tương giao trong Chúa cũng như nơi tha nhân.
Mầu nhiệm tình yêu kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng vẹn toàn trước khi rời thế gian để về với Chúa Cha, Ngài đã tận dụng tất cả sinh lực để sống chứng tá và để lại dấu chỉ lớn nhất, cao cả nhất, đó là chính máu thịt của mình. Cây thập tự mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho tâm hồn mỗi người chúng ta. Nhờ cây Thập giá ấy nhân loại được sống, cũng nhờ cây Thập giá ấy chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Bởi vậy, con người thời nay luôn bị cám dỗ, họ khát khao tìm kiếm một Đức Giêsu không Thập giá, họ đang mỏi mệt đi tìm một Đức Kitô siêu sao, một người hùng làm những phép lạ cả thể, họ mong muốn một thứ Tin Mừng không nhuốm nước mắt và khổ lụy, và một thứ tôn giáo dễ dãi cho phép họ thỏa mãn mọi đam mê, khát vọng … Còn chúng ta là những kitô hữu thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đang ở trong những cám dỗ của con người ngày nay. Nếu vậy thì quả là một điều bi thảm, bởi vì nếu chúng ta tìm kiếm một Đức Giêsu không Thập giá, rất có thể chúng ta sẽ gặp một Thập giá mà lại vắng bóng Đức Giêsu. Nếu chúng ta loan báo một Đức Kitô không Thập giá là chúng ta đang giới thiệu một Đức Kitô ngụy tạo chứ không phải là một Đức Kitô thực.
Tuy thế, bên cạnh đó để đáp trả tiếng gọi ấy vẫn còn biết bao người đã và đang đón nhận Thập giá Đức Kitô bằng sự hy sinh, tận hiến là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa giữa trần gian này. Với họ, Thập giá đã trở thành phương thế, là đường dẫn đưa họ tìm đên sự cứu rỗi và hạnh phúc đích thật.
3. Thập giá là tiếng kêu hãy “ngưng bạo lực”
Theo Thánh sử Gioan thuật lại: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19,15). Trước đám đông hỗn loạn gồm những người bị kích động tới mức say máu, Đức Giêsu bị lên án như một kẻ phản loạn. Người ta xin ân xá cho Baraba, một tên trộm cắp, để đòi giết chết Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Một vụ án được xét xử vội vàng, vào ban đêm, với những lời buộc tội bất công và những lời vu khống đầy ác ý. Con Thiên Chúa vẫn thinh lặng trước đám đông, như con chiên hiền lành bị đem đi giết. Đức Giêsu đã lấy hiền từ để đối lại với bạo lực. Người đã dùng tình yêu để chiến thắng hận thù. Cây thập giá mời gọi hãy lấy yêu thương mà thắng cường bạo. Trong quá khứ cũng như hiện tại, có nhiều người mệnh danh tôn giáo để gây bạo lực, để tàn sát dân lành. Người ta nhân danh công bằng để gây thêm thù oán. Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa (Ga 16,2). Đức Giêsu đã tiên báo những thử thách mà các tín hữu sẽ phải trải qua.
Ngày nay con người đang ngụp lặn trong tội ác, đang nhiễm nặng bất công. Khổ đau không giảm bớt, khổ đau của toàn nhân loại, nhất là của những kẻ vô tội trước chiến tranh, hận thù…đang hiện ra nhan nhản trước mắt: Ích kỷ là thường tình, sức mạnh là luật, công bằng bị bán đứng; tiền của, khoái lạc, quyền bính là những loại ngẫu tượng tối cao, được tôn thờ ngày càng kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn. Con người ngày nay xem ra như bất lực trước cuộc chiến với chính mình. Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm ấy: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Tình trạng ấy có thể nói đó là trạng thái tha hóa. Tình trạng này không chỉ là hậu quả do bẩm tính hữu hạn bất toàn của thọ tạo, nhưng còn là âm mưu của một ý muốn tự do bất lương. Vậy ai là người chịu trách nhiệm? Vì nhân loại sống mật thiết liên đới với nhau, cho nên tất cả những ai phạm tội thì đều liên can vào việc dấy lên “lực lượng tội ác”. Chịu trách nhiệm với ai? Với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng rất thánh đã tạo dựng con người vô tội, đã nâng con người lên bình diện siêu nhiên để chia sẻ cho hạnh phúc của Người, Và như thế là tội lỗi đã và đang tiếp tục gây hại cho vận mệnh của con người. Thiên Chúa đã dành cho con người vận mệnh đời đời là sống với Người, nếu con người tự do không muốn, thì sẽ tách ra khỏi Người: đó là hành động tội lỗi, là con đường dẫn tới hỏa ngục. Mọi tội con người vấp phạm đều trực tiếp xúc phạm tới Thiên Chúa. Mà con người là loài thụ tạo thấp hèn chắc chắn không thể đền bù xứng đáng những tội do mình gây ra. Thập giá Đức Kitô chính là tiếng kêu “ngưng bạo lực”;Mạc khải Tân Ước đã nói:“Ta không biết các ngươi từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính” (Lc 13,27).
Cũng chính từ ích kỷ tham lam của con người mà trong xã hội, bạo lực có nguy cơ ngày càng phát triển. Người ta tàn sát chém giết lẫn nhau vì những lý do rất đơn giản. Có những mạng người bị đánh đổi một cách tang thương, phi lý. Bạo lực không chỉ hoành hành nơi phố chợ, nhưng còn lan đến học đường, nơi công sở và gia đình.
Thập giá đứng đó như một nhân chứng tố cáo bạo lực. Cây gỗ lặng thinh đang nhắc lại cho chúng ta bài học đau thương của quá khứ. Thập giá chính là lời kêu gọi con người hãy ngừng bạo lực, hãy thôi chiến tranh và tận diệt oán thù. Bởi lẽ oán thù chỉ làm cho sự dữ thêm chồng chất, còn tha thứ sẽ làm cho niềm vui được tràn đầy.
III. TẠM KẾT 
Như chúng ta đã biết suốt dòng lịch sử, trải qua bao thế hệ, bao kiếp người, qua bao phôi thai của thời gian. Vậy mà Thập giá ấy vẫn sừng sững thách thức cho một tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Quả thế, khi nghe đến câu ngày nào treo Ta lên, thì Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta (Ga 12,32). Lòng người vết bỗng ngưng đọng lại, một cảm giác an ủi chợt lấp kín vào những đau thương vì cuộc khổ nạn của Chúa phải chịu. Vâng! Chính Thập giá đã kéo nhân loại đi lên khỏi tận cùng của những nỗi đau thương và sự hủy diệt. Làm sao quên được hình ảnh người chộm lành, nhờ Thập giá mà được vào cõi Phục Sinh của Đức Kitô! Không gì ngoài Thập giá đã xóa bao giọt nước mắt của kẻ lầm than sầu khổ. Không gì ngoài Thập giá đã mở mắt viên đại đội trưởng. Nơi đây và lúc này Thiên Chúa đã mạc khải danh và địa vị Ngài cho dân Dothái qua lời tuyên xưng của viên quan “Người này đúng là con Thiên Chúa”, điều mà trước đó không một ai nhận ra, không có ai tuyên xưng. Có thể nói, tình yêu của Chúa Giêsu nơi Thập giá vẫn đang thay đổi con người hôm nay.
Antôn Vũ Đức Quyền-K.XI
Trích từ Tập san Đức Tin và Văn hóa, số 4
Nguồn tin: