Sinh Hoa Kết Trái Và Trở Nên Môn Đệ Đức Giêsu (Ga 15,1-17)

Thu,14/03/2019
Lượt xem: 2431

 Dựa vào đâu để hoạt động của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ sinh hoa kết trái? Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho để diễn tả mối tương quan của Người với mỗi người môn đệ chúng ta. Chính trong tương quan này mà đời sống người môn đệ sinh hoa kết trái. Nhưng trước khi đi vào tương quan cụ thể ấy, chúng ta hãy ngắm nhìn toàn cảnh cây nho trong mối liên hệ với Người trồng nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.” (Ga 15,1).

Chúa Cha là người trồng nho. Ngài không chỉ trồng cấy, nhưng còn chăm sóc đến từng cành nho. Niềm hy vọng và lao tác của Ngài, tất cả đều hướng đến hoa trái. Qua hoa trái, Ngài được tôn vinh: “điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Hoa trái người trồng nho mong chờ là gì? Và chúng ta quan tâm nỗi niềm mong chờ của Người trồng nho như thế nào? Hoa trái của cây nho hẳn là trái nho. Nhưng nước trái nho trở nên rượu nho mà Chúa Giêsu dùng để nói lên “tình yêu đến cùng” của Người nơi Mầu Nhiệm Thánh Thể. Như thế, hoa trái của cây nho không dừng lại nơi cành nho, nhưng còn xa hơn nữa. Hoa trái ấy biểu hiện sức sống từ chính thân nho và được Đức Giêsu đón nhận để trao dâng và sẻ chia đến cùng.

Dù chúng ta là ai, đảm nhận chức vụ nào trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta cũng là “cành nho” chứ không phải là “thân nho”. Đã là cành thì phải gắn liền với thân để tiếp nhận sức sống và sinh hoa kết trái: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…; Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15,5-6). Vì thế, để sinh hoa trái, chúng ta được mời gọi “ở lại” trong Đức Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Ở lại trong nhau, đó là ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu kết nối chúng ta như cành nho gắn liền với thân nho và với Người trồng nho: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9). Nhờ gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta được thanh luyện: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3).

Ở lại trong Đức Giêsu bằng cách giữ điều răn của Người: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,10). Lề luật (nomos) là một nguyên tắc dành cho nhiều người, có khi xơ cứng và lạnh lùng qua chữ nghĩa; trong khi đó, điều răn (entolê) là lời dặn dò của một người dành cho một người trong một tương quan sống động và đặc thù. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu trao ban cho chúng ta điều răn của Người; Người dặn dò các môn đệ trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài để tin tưởng và ghi khắc tình yêu, nghĩa là trong khung cảnh “tình yêu đến cùng”. Giữ điều răn của Đức Giêsu có nghĩa là để cho Lời của Người ở lại và thấm sâu vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Lời của Đức Giêsu vừa có chức năng cắt tỉa, làm cho chúng được nên thanh sạch, vừa như là nhựa sống, kết nối chúng ta với Người và làm cho đời sống chúng ta sinh hoa trái. Nhờ gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta có thể cầu nguyện và chuyển cầu: “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7).

mua nho ninh thuan vao thang mayĐể sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giêsu; để trở nên môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải ở lại trong Người; và để ở lại trong Người, chúng ta phải đón nhận Lời của Người như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ qui tụ những thành viên năng động và tích cực trong cộng đoàn giáo xứ. Bởi đó, hơn ai hết, chúng ta không chỉ được mong chờ trở nên môn đệ Đức Giêsu và làm cho đời sống và việc phục vụ của mình sinh hoa kết trái, mà còn, qua đời sống và việc phục vụ có sức cảm hoá ấy, xây dựng cộng đoàn Kitô hữu sống “yêu thương nhau”. Đó chính là hoa trái mà Người trồng nho và cùng Cây Nho mong đợi. 

Hồi tâm.
Trong đời sống của mình, tôi ưu tiên dành thời gian đọc-lắng nghe lời Chúa như thế nào?
Trong việc phục vụ của mình, tôi dựa vào đâu để quyết định, dựa vào đâu để sắp xếp thứ tự ưu tiên các việc phục vụ trong giáo xứ?
Trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và trong giáo xứ, có ai hay có hoạt động nào giúp tôi gắn bó với lời Chúa; có ai hay có hoạt động nào cản trở tôi gắn bó với lời Chúa?
Lm Vũ Ngọc Tín SJ.
 
Nguồn tin: http://giaophanvinhlong.net/