Quảng Đại Tính Nơi Linh Mục

Mon,09/12/2019
Lượt xem: 3797

 Trong lịch sử nhân loại, theo dòng chảy tư tưởng, nơi những văn nhân triết gia, linh diệu thay, ta bắt gặp ở đó một sự đồng qui độc đáo khi bàn về cái đẹp. Đó là “tính thừa” trong cái đẹp. Chẳng hạn như, văn hào Rumani Gheoghiu Virgil trong tuyệt phẩm: “Giờ thứ 25” đã viết rằng: “Nghệ thuật là thừa”. Cố nhiên, có nghệ thuật nào mà chẳng hướng đến cái đẹp và phụng hiến cái đẹp cho con người? Triết gia Kant còn bàn định kinh điển rằng: chỉ những cái được coi là đẹp khi nó không chỉ đánh rơi những tính vụ lợi mà còn là cái “thừa”. Đúng vậy không? Một diềm đăng ten hay măng séc cổ tay áo đẹp bởi vì nó thêm vào áo chứ không phải che lạnh. Một mái cong trên đình Chùa đẹp là bởi nó không mang chức năng che mưa nắng. Một cử chỉ nhân ái đẹp là bởi nó không nhắm mục đích dịch vụ kiếm tiền nhưng là hoàn toàn vô vụ lợi. Theo đó, tình yêu đẹp nhất bởi nó không chỉ là dòng nhựa luân chuyển sự sống, mà còn là cái “thừa” ra vô tận, bởi chỉ tình yêu mới có khả năng trao ban hiến tặng hoàn toàn nhưng không – đó là đặc tính quảng đại của tình yêu. Nói cách khác, quảng đại là phẩm tính đẹp nhất cấu thành nên tình yêu. Trong tâm thế một chủng sinh, thì việc đào luyện để có một trái tim quảng đại như trái tim Chúa Giêsu mục tử là tối cần thiết, hầu mai ngày (có thể) trở thành một Alter Christus – một Đức Kitô Đệ Nhị. Muốn vậy, trước hết chúng ta hãy cùng khám phá một vài nét chấm phá về đức tính quảng đại.

Theo Hán tự[1], Quảng đại có nghĩa là mênh mông, rộng lớn. Quảng đại là sự rộng lượng cho đi hay hiến tặng những gì mình có (sở hữu) cách bất vụ lợi, không so đo ích kỷ, không toan tính thiệt hơn, trái lại chỉ mưu cầu lợi ích cho tha nhân.

Như vậy, quảng đại cốt tại ở tấm lòng hay thái độ hơn là ở của cải vật chất mình bố thí. Thật vậy, tiền nhân chúng ta dạy rằng: “Của cho không bằng cách cho.” Nghĩa là quảng đại không đồng nghĩa cho bao nhiêu, mức độ nào cho bằng thái độ hay tâm tình khi trao tặng. Chúa Giêsu, trong Tin mừng Thánh Luca, đã khen ngợi tấm lòng quảng đại của bà góa nghèo vì bỏ hai đồng xu kẽm vào hòm cúng hơn là những kẻ đã bỏ tiền dư bạc thừa từ túi tiền mình. Bởi lẽ, hai xu chẳng đáng là bao nhưng có thể đó là toàn thể tài sản mà bà có, thậm chí là chính sự sống của bà, nhưng bà đã tự do rộng tay cho đi.[2]

Quảng đại là cho đi, cho đi đồng nghĩa với từ bỏ. Có từ bỏ nào mà chẳng có mất mát, mất mát của cải vật chất, thậm chí mất đi chính cả mạng sống mình. Dụ ngôn chàng thanh niên trong tin mừng Mátthêu đã đến hỏi Chúa Giêsu về bí quyết sự sống đời đời, nhiều điều răn của Chúa anh giữ trọn hảo, duy chỉ điều cuối cùng mà cũng thách thức hơn cả, là từ bỏ của cải sở hữu, thì anh từ chối. Để biết rằng, việc cho đi hay từ bỏ là thiên khó vạn nan, đòi buộc đạt tới một tự do nội tâm. Theo thánh Thomas Aquinas, chúng ta khó cho đi những gì tự ta tìm ra hay tìm kiếm được.[3] Một đứa bé sẵn sàng không đắn đo móc túi tiền bố mẹ nó ra cho người nghèo. Trái lại thật khó khăn để chúng lấy tiền tích cóp (tự chúng làm ra) của mình ra cho người khác, nếu cho thì cũng đã lo lót đủ nhu cầu cá nhân chúng rồi. Có thể cho rằng : thói đời ai cũng dễ cho cái mà mình thừa, hiếm ai cho cái mà mình quí. Hẳn nhiên, chàng thanh niên trong dụ ngôn cũng vậy, vật chất là thứ quí giá nhất, là điểm tựa vững chải cho cuộc đời anh, hồ dễ gì mà anh cho đi. Thứ anh nghèo nhất là tự do, vì nô lệ vào vật chất mà anh không dám từ bỏ. Anh chưa hiểu rằng tự do là từ bỏ mọi sự vì phụng hưởng chân lý, và càng từ bỏ càng tự do, vì càng ít ràng buộc và bị chi phối. Chân lý, tự do đã được ban tặng, sự sống vĩnh cửu nằm trong tầm tay, nhưng anh đã dùng tự do của mình mà khước từ tất cả.

Thật chí lý khi quả quyết rằng: không có tự do thì cũng chẳng có lòng quảng đại. Lòng quảng đại khởi phát từ ý chí tự do của người trao ban. Nói cách khác quảng đại phải là hành vi hoàn toàn tự do, bằng không đó chỉ là một thứ ngụy tình cảm, một thứ lòng thương hại, bất đắc dĩ mà thôi. Lòng quảng đại đúng nghĩa phải được miễn trừ đi mọi tâm thế thụ động miễn cưỡng. Một hành vi quảng đại là hành vi cho đi tự nguyện, thấu cảm và có sự suy xét nghiêm cẩn, chứ không bị ràng buộc chi phối bởi điều gì khác. Chẳng hạn, bố thí vì ép buộc, vì thừa thải (lòng thương hại), vì mục đích “câu like” hay “làm từ thiện để mình được vui” (chương trình “60 phút mở VTV” của Đài truyền hình Việt Nam, năm 2016), hay bất kỳ một mục đích nào đó mà không phải tự nguyện san sẻ như ruột thịt mình, thì đó chưa phải là lòng quảng đại đích thực, bởi còn nô lệ cho dục vọng bản năng. Dĩ nhiên, xét kỹ sẽ thấy, tự do không phải chỉ là điều kiện duy nhất, nhưng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc để cấu thành lòng quảng đại. Ở đây, chúng ta bắt gặp một điểm tương đồng, quảng đại theo nguyên tự Latin là “Liberality”, theo tiếng Anh là “Liberty” cũng có nghĩa là tự do (Freedom). Từ đó dễ dàng suy ra rằng, người càng sống quảng đại thì càng tự do. Nói ngược lại cũng đúng, càng nhiều tự do con người càng sống quảng đại. Điều này có nghĩa là người sống ích kỷ là những người ít tự do, tức là kẻ nô lệ cho tiền tài vật chất hay dục vọng chính mình mà thôi.

Trái ngược với quảng đại là ích kỷ, tham lam. Nếu quảng đại là qui tha thì ích kỷ là qui ngã. Nếu quảng đại lấy tha nhân làm trung tâm và Thiên Chúa làm cùng đích thì ích kỷ lấy cái tôi làm trung tâm và cùng đích của mình. Cụ thể, quảng đại là cho đi, là hiến tặng trong khi ích kỷ là thâu nhận hòng “lấp đầy” lòng tham vô đáy của mình. Thánh Thomas Aquinas định nghĩa rằng: “Tham lam là khao khát một vật gì quá mức, nó có thể là tiền bạc hoặc một vật gì đó mà ta khao khát sở hữu nó.”[4] Tự bên trong, tham lam là khát khao chiếm hữu, là đặt mọi suy nghĩ vào sự vật đó và bằng mọi phương thế sở hữu nó. Bao lâu chưa sở hữu được nó bấy lâu ta còn bị chi phối, còn nô lệ cho dục vọng chiếm hữu, trong tư duy cũng như trong hành động. Một tia phản chiếu bên ngoài của tham lam tính, vì bản chất luôn có tương quan biện chứng với hình thức, khát vọng được biến thành hành động, từ khát vọng chiếm đoạt biến thành hành vi cướp đoạt, làm đảo lộn mọi thang giá trị: công bằng – bác ái – tự do. Tại sao ?

Trong Phật giáo, tham lam là đầu mối tội tác (nghiệp xấu – ác nghiệp) trong tam nghiệp: Tham – sân – si. Tham lam ích kỷ làm đảo lộn trật tự tình yêu và vì vậy đi ngược lại bản chất con người, vốn tồn hữu cho tha nhân, vì tha nhân và nhờ tha nhân. Tất yếu dẫn đến con người quảng đại cho đi biến thành con người ích kỷ tước đoạt của người khác. Con người tình yêu dâng hiến phục vụ biến thành con người tham lam độc ác, bạo tàn, thống trị. Từ đó nảy sinh bất công và tội ác bắt đầu ló dạng. Chẳng phải vì lòng tham của những kẻ cầm cương nảy mực đã rước thảm họa diệt chủng Formosa về cho dân tộc Việt Nam đó sao ? Chẳng phải Trung Quốc với chủ nghĩa Xô Vanh nước lớn tham vọng bá quyền biển đông bất chấp công ước biển đảo quốc tế đã dấy lên làn sóng bất công và đặt thế giới vào tình trạng báo động đỏ của chiến tranh đó sao ? Tóm lại, khi tham lam dâng lên đè bẹp lòng quảng đại, thì nô lệ hóa con người vào xiềng xích tội lỗi, bất công và bạo tàn.

Văn hào Gustave Flaubert diễn tả thực tại con người thật thâm thúy: Tại sao lại muốn chính mình là một sự vật khi chúng ta là một con người. Chúng ta là ai ? Đó là câu hỏi thiết tưởng phải không ngừng reo vang trong tâm trí ta và cao rao nơi miệng lưỡi ta. Bởi nó vạch phương chỉ hướng cung cách sống của chúng ta. Con người ư ? Đó đâu chỉ là một sự vật tầm thường nào đó, một thực tại thuần túy vật chất hay tinh thần như chủ trương Nhị Nguyên thuyết, cũng đâu phải là một sinh vật thuần lý hay duy tâm chủ nghĩa... Không ! Con người trước hết, xét về tầng sâu hữu thể học phải “là” ai đó, chứ không phải “cái gì” đó. Là một hiện hữu (Being) chứ không phải một sở hữu (Having). Một phát kiến độc nhất vô nhị của Kitô Giáo, con người là một nhân vị, có vị thế siêu việt vì là “hình ảnh Thiên Chúa” ( St 1,27 ). Đi xa hơn, thần học gia Henri De Lubac còn cho rằng, con người không chỉ giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng còn giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Tương quan tính nơi Thiên Chúa phản chiếu xã hội tính nơi loài người. Như vậy, phẩm giá siêu việt con người chính là tương quan. Chính bản tính tương quan nên con người không ai là một hoang đảo cô liêu tàn phế, sống tự lập tự túc tự tại, mà tồn tại nhờ, bởi và cho người khác. Nghĩa là chỉ có tha nhân mới lấp đầy khoảng trống hữu hạn của ta mà thôi. Vậy mà nghịch lý thay, khi lòng ích kỷ trổi dậy, con người tự nhốt mình vào song sắt cá nhân, tự đả phá căn tính nội tại tương quan, và đang cố trở thành một điều mà chính mình không được tạo thành.

 

Không thể nào khác được, vốn bản tính tương quan mà con người phải sống quảng đại, không một ai hiện hữu tự túc tự mãn mà bất cần đến người khác, mà hiện hữu nhờ người khác và được bổ túc bởi người khác. Hơn nữa, Đấng Tạo Thành đã viên thành  những chúng ta là hình ảnh của Ngài, vì vậy không có lý do nào cản trở chúng ta sống quảng đại như Ngài là Đấng giàu lòng quảng đại.

Thiên Chúa là nguồn đích lòng quảng đại, bởi vì Ngài là tình yêu (1Ga 4,16). Lòng quảng đại vô bờ của Thiên Chúa điểm xuyết xuyên suốt lịch sử cứu độ, từ khởi thủy cho đến hoàn thành. Thiên Chúa quảng đại bằng chương trình cứu độ ngàn đời, được trù liệu qua một dân riêng, qua các tiên tri, ngôn sứ, qua sự dẫn dắt quan phòng dân bước đi trong bình an đến miền Đất Hứa. Thiên Chúa Cha quảng đại khi trao ban chính con một mình để cứu nhân độ thế: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống muôn đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa quảng đại khi mặc lấy nhục thể để đồng bàn với phàm nhân, trở nên phàm nhân, chỉ trừ tội lỗi: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lòng quảng đại của Ngài dâng cao tột đỉnh trên cây Thánh Giá, một hy tế đau thương tột cùng, nhục nhã tận căn, hủy mình ra không để cho con người được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10): “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Tóm lại, lòng quảng đại hải hà là động lực để Chúa hạ thế nhập thể cứu chuộc trần gian, Ngài còn “trút bỏ” cả ngôi vị Thần Linh làm kiếp sâu bọ, chỉ vì quá yêu con người. Còn chúng ta là những mục tử tương lai, là những người hiến thân cho Chúa và tha nhân, ta phải làm gì ?

Thiết tưởng điều hệ trọng nhất, tiên quyết nhất là phải cầu xin ơn Chúa ban cho nhân đức quảng đại, vì như thánh Phaolô dạy rằng: “Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh ?”

(1Cr 4,7). Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu[5] – Ngài có mọi sự,  còn chúng ta là hư vô -  không có gì hết. Vạn sự vạn vật nhờ Ngài mà có, chẳng có gì tồn tại mà không do ơn ban Thiên Chúa, kể cả ơn sống quảng đại. Vậy thì tiên vàn hãy cầu xin ơn quảng đại của Chúa, như Chúa là Đấng giầu lòng quảng đại, hãy mới sống quảng đại. Vì có ai đó nói khả lý rằng: “Không ai cho cái mình không có – Nemo dat quod non habet”. Không có hương thơm ngào ngạt nếu không có trầm hương. Không có hiến tế nếu không có hiến vật. Nếu không có hiện hữu làm sao con người có thể hiến thân cho Thiên Chúa ? Và đâu là hành vi quảng đại nếu con người chỉ có “đôi bàn tay trắng” (không sẵn có tâm tình quảng đại) ? Một lần nữa, điều này lại đụng chạm đến căn tính của linh mục: Chúng ta LÀ linh mục. Nghĩa là bản tính có trước hành động – Agere sequitur esse, các triết gia kinh viện cổ điển từng nói như vậy. Nghĩa là chúng ta phải LÀ những hữu thể quảng đại trước khi sống quảng đại. Muốn vậy chúng ta hãy cầu xin ân sủng Chúa cải hóa bản tính ích kỷ thâm căn cố đế của chúng ta theo hình ảnh Chúa là Đấng quảng đại.

Cao sâu hơn, thánh Thomas Aquinas còn cho rằng: “Ân sủng giả thiết tự nhiên”. Trước khi ân sủng được thi thố phải giả thiết có một mảnh đất nhân bản màu mỡ. Trước khi trở thành một linh mục thánh thiện theo khuôn mẫu Đức Kitô phải là một con người có đời sống nhân bản tốt, cũng giống như muốn có những chiếc bánh ngon phải có bột tốt, “có bột mới gột nên hồ” là vậy. Vả lại, có thể ví quảng đại là khuôn mặt chính diện của lòng nhân, là cánh tay của tình yêu chìa ra khỏi thân xác, bằng không tình yêu chỉ là một thứ cảm xúc yếm thế, chết yểu, vì thiếu đi hành động. Vì thế người Mục tử tương lai cần phải không ngừng trang điểm “khuôn mặt quảng đại” của mình để chói ngời lên vẻ đẹp tình yêu của Đức Kitô. Cụ thể, tập luyện để có một trái tim bén nhạy trước đau khổ đồng loại, thấu cảm với mọi cảnh đời, biết chia sẻ tinh thần, vật chất cho người nghèo, luôn giương cao tinh thần hy sinh xả kỷ vì giúp đỡ người khác, nhất là biết xây dựng tình tương thân tương ái trên mối dây quảng đại trao ban.

Bên cạnh đó, phải quảng đại tha thứ vô giới hạn cho anh em theo tinh thần của Chúa.[6] Bởi như câu cổ ngữ Latin: “Errare humanum est – con người là có lỗi”. Tha thứ là cho đi hay xóa bỏ lỗi lầm hay gánh nợ nần của người ta với mình, cũng như nhận lại sự tha thứ của người khác và của chính Đấng mà chúng ta tôn thờ: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Người mục tử là người mang lấy quang gánh tội con chiên dâng lên cho Thiên Chúa ngang qua bí tích giải tội, nhưng còn phải là mẫu gương tha thứ mọi lỗi lầm và xóa bỏ mọi nợ nần cho người khác, giống như Chúa đã tha bổng khoản nợ khổng lồ cho con nợ như trong dụ ngôn tin mừng Mátthêu.[7] Đó là những chiều kích quảng đại với tha nhân.

Tuy nhiên, nếu lòng quảng đại chỉ có chiều ngang – tức chỉ con người với nhau, mà thiếu chiều cao – tức với Thiên Chúa, thì rốt cuộc chẳng khác nào một ao tù nước đọng trần gian mà thôi. Lòng quảng đại đích thực cần phải có dự phóng siêu việt của nó, tức ngắm về Đấng uyên nguyên là cội nguồn và cùng đích của mọi sự. Đặc biệt với một chủng sinh thì tinh thần quảng đại đầu tiên là tâm tình dâng hiến. Đó là quảng đại đáp trả lại tiếng gọi của Chúa. Mỗi cuộc đời là mỗi ơn gọi, mỗi sứ mệnh riêng có, không ai giống ai, điều cốt thiết là có quảng đại khám phá và đáp trả hay không. Chúng ta là những mục tử tương lai, không những cần có nếp sống nhân bản trưởng thành, hơn nữa cần có một đời sống tâm linh sâu sắc. Muốn vậy phải ưu tiên cho Chúa, quảng đại dành thời gian để kết hợp với Chúa, đối thoại với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và yêu mến Chúa qua việc hy sinh thời gian, công việc, của cải mình có, thậm chí là hy sinh tương lai đời mình để đáp đền tiếng gọi của Chúa. Để một khi đời sống tâm linh thăng tiến, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, phó thác cho Chúa, lệ thuộc mọi sự trong tay Chúa, chúng ta sẽ đạt tới một tự do nội tâm đích thực, đó là tiền đề để mỗi chúng ta đạt tới nhân đức quảng đại, bởi lẽ: “Tự do đâu có nghĩa là không lệ thuộc vào bất cứ sự gì và thoát khỏi mọi ràng buộc, nhưng trong hết mọi sự, họ đặt mình lệ thuộc Đấng mình yêu mến và kêu gọi họ yêu mến”.[8]

Tựu trung lại, quảng đại là cho đi, là hiến dâng, là trút bỏ chính mình vì lý tưởng phục vụ tha nhân và phụng sự Thiên Chúa. Người quảng đại là người tự do, càng tự do người ta càng quảng đại. Trái lại kẻ ích kỷ tham lam là kẻ bị cô lập vây hãm tư bề bởi vòng xoáy dục vọng chiếm hữu, có rồi lại càng muốn có nhiều hơn, bởi lòng tham thì vô đáy. Vì vậy, đào luyện đức tính quảng đại đồng nghĩa với việc miễn trừ những gì là ích kỷ, tham lam ra khỏi tâm tính. Ngoài việc nổ lực tập luyện, hãy đừng quên xin Thiên Chúa ban ơn sống quảng đại cho chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào khác, hơn là biết mình đã hành động theo thánh ý Chúa. Amen”. (kinh Quảng Đại )

Phêrô Võ Tá Thông – K.XVI

 


[1] Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, Nxb. Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2015

[2] X. Lc 21, 1-4

[3] “Tham Lam – Quảng Đại”, http://brhuynhquang.org

[4] Tham Lam – Quảng Đại”, http://brhuynhquang.org

[5] X. Xh 3,14

[6] X. Mt 18, 22

[7] X. Mt 18, 23-25

[8] Amedeo Cencini, Tâm Tình Chúa Con, Nxb. Tôn Giáo, 50

 

Nguồn tin: