Những Hạt Bụi

Mon,18/10/2021
Lượt xem: 1314

Dưới góc nhìn của vật lý lượng tử, con người đang sống với một lớp bụi lơ lửng bao quanh và sống dựa vào lớp bụi đó. Những hạt bụi được đính với nhau một cách kỳ diệu cấu thành cái mà ta gọi là thân xác. Tuy nhiên, những hạt bụi này không chỉ là vật chất đơn thuần, mà nó được Thiên Chúa thổi vào đó một nguồn sức sống. Linh hồn liên kết cách nào đó với những hạt bụi trở thành một tổng thể duy nhất. Chúng được sinh ra rồi một ngày tàn lụi nhường chỗ cho hạt bụi khác và để lại trên linh hồn một dấu vết bất biến. Vì thế, mỗi hạt bụi đều có một cuộc đời và câu chuyện của con người là câu chuyện của những hạt bụi. [1]

Hạt bụi số 4: Linh mục AI

Xian’er khoác chiếc áo cà sa, đầu nhẵn bóng, tay cầm tràng hạt, tay cầm mõ, miệng tụng kinh không ngớt. Xian’er có thể giảng dạy những bài Phật pháp đơn giản và ngồi thiền gần như cả ngày trong phòng mà không biết mệt mỏi. Ngày ngày, Xian’er làm chuẩn mực kỷ luật cho các thầy tu tại chùa Long Tuyền, ngoại ô Bắc Kinh. Sản phẩm người máy Xian’er với trí tuệ nhân tạo AI[2] đã trở thành cơn sốt trên các trang mạng.[3] Gần đây nhất, hội chợ Life Ending Industry Expo 2017 tại Tokyo, Nhật Bản, pháp sư người máy AI có tên Pepper cũng được dân chúng chào đón nồng nhiệt với khả năng trội vượt về ngôn ngữ, giao tiếp thân thiện và có thể tụng kinh thay chủ nhân. Trong mỗi đám tang, chi phí để thuê thầy pháp sư tụng kinh là 240,000 yen ($2,200) đắt đỏ hơn nhiều so với pháp sư AI là 50,000 yen ($450).[4]

Gần gũi hơn với chúng ta, nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cải cách, các Kitô hữu Tin Lành  đã đặt mục sư AI có tên gọi BlessU-2 trước nhà thờ Wittenberg nước Đức với mục đích khơi lên cuộc tranh luận về tương lai của Giáo hội trong thời đại trí tuệ nhân tạo AI. Mục sư AI này có thể nói được các trích đoạn Kinh Thánh, giảng giải Phúc âm và cầu chúc bình an bằng nhiều thứ tiếng.[5] Những đòi hỏi về mục vụ đã khiến các Giáo Hội tại Đức phải suy nghĩ. Các Kitô hữu không còn thiết tha đến nhà thờ. Nhiều nhà thờ lâm vào khủng hoảng và phải đóng cửa. Trong khi nhu cầu được quan tâm, thăm hỏi của người Kitô hữu ngày một gia tăng thì số mục sư lại giảm đáng kể. Người ta tính đến chuyện nếu có nhiều mục sư AI đi thăm viếng từng tín hữu và giảng giải hoặc đọc Tin mừng cho họ thì mong sao có thể cứu vãn được tình thế.

Với đà phát triển công nghệ như hiện nay, một kiểu mẫu gần giống con người về thể xác là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Những gì trước đây hàng trăm năm bị coi là phi lý hoặc thậm chí không thể tưởng tượng ra thì bây giờ đã thành hiện thực. Cớ gì mà điều đó lại phải khác đi sau hàng trăm năm nữa. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, với những nỗ lực dành riêng cho hàng giáo sĩ như hiện nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ không bao giờ đồng ý về một dự án linh mục AI.

Thế nhưng, trên mảnh đất truyền giáo mà các vị thừa sai xưa đã phải dùng đến máu để gieo trồng đức tin, ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng linh mục AI. Đó là lúc ta cử hành bí tích một cách máy móc, sơ sài, qua loa và thiếu tâm tình. Đó là lúc ta thiếu sức sống trong giờ kinh nguyện, xướng lên khô khan như máy đọc sách Kindle. Đó là lúc ta phân định mục vụ dựa trên những thuật toán và chỉ số mà quên mất năng lực Chúa Thánh Thần. Đó là lúc ta thăm viếng con chiên theo lối “quẹt thẻ”[6], hiện diện đôi ba phút, nói vài câu bâng quơ chỉ để thỏa mãn lương tâm mục tử đang dần xơ cứng. Đó là lúc ta lạnh nhạt với con chiên khiến họ phải nói lời tạm biệt sau câu chào hỏi. Ý lễ và người xin lễ đã được ghi rõ ràng trên chiếc phong bì nên cả hai không cần phải nói nhiều. Đó là lúc ta tính toán thiệt hơn khi làm bác ái và áp dụng triệt để bài toán vị lợi: Gia tăng lợi ích nhiều nhất có thể mà quên mất hoa lợi phát sinh từ hiệu quả Chúa Thánh Thần.

Chúng ta không phải là những linh mục AI. Tuy nhiên, phải khiêm nhường thú nhận nhiều khi ta hành động như một cỗ máy thông minh. Mục vụ không đơn giản chỉ là những hoạt động chăm sóc đoàn chiên theo kiểu thông thường mà linh mục AI có thể làm được. Mục vụ chính là mặc lấy Đức Kitô để thi hành những hoạt động đó. Chính Đức Kitô là trung tâm của mọi hoạt động mục vụ chứ không phải là thuật toán AI. Vì thế, có lẽ sẽ không bao giờ có một dự án linh mục AI và cũng đừng để mình trở thành kiểu linh mục AI.

Hạt bụi số 5: Lãnh đạo mục vụ

Trong series phim tài liệu Frozen Planet của BBC, những đàn vật di cư, nơi hoang dã với sự sinh tồn khắc nghiệt, luôn có con đầu đàn. Nó là con hứng chịu sự rủi ro cao nhất, luôn phải đánh mùi toan tính nhằm tránh sự nguy hiểm và tìm hướng đi cho cả đàn. Con đầu đàn tiêu hao sức lực cho cả đàn. Thân hình trông vẻ tiều tụy vì những âu lo và khắc nghiệt của thời tiết, nhưng ý chí sắt đá và kiên vững.

Nhưng con đầu đàn không phải khi nào cũng dẫn đầu. Ngược lại, nó thường đi sau cùng để bảo vệ những con yếu hơn, những con đã già hoặc tật nguyền. Những con đi sau đàn, vì sức yếu nên dễ bị tấn công. Con đầu đàn bảo vệ những con yếu nhất và luôn để chúng đi kịp đàn.

Linh mục được Thiên Chúa đặt làm nhà lãnh đạo hữu hình của Giáo hội (PO, 15). Ngài là người đứng đầu một cộng đoàn được giao phó và sống chết cho cộng đoàn đó. Ngài hiện hữu với cộng đoàn và vì cộng đoàn. Quyền lãnh đạo của ngài được Giáo hội trao phó với chức năng mưu ích cho cộng đoàn mà hay còn gọi là lãnh đạo mục vụ.

Tuy nhiên, xã hội Việt Nam ngày nay dường như đồng hóa sự lãnh đạo mục vụ của linh mục với sự lãnh đạo của giới cầm quyền. Linh mục được người ta gán cho là “thủ lĩnh” của một làng đạo. Sự đồng hóa lên tới mức “thủ lĩnh” của làng đạo cũng không khác gì “thủ lĩnh” của làng Đồng Tâm[7]. Người ta xếp cả hai vào chung một khay trên tủ hồ sơ.

Người linh mục không lãnh đạo đàn chiên theo kiểu thế gian, vì “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,33b-37). Linh mục lãnh đạo dân Chúa trở về Nước Trời, trở về quê hương vĩnh cửu. Mục tử chăn dắt đoàn chiên vào đồng cỏ Thiên Quốc. Lãnh đạo của giới cầm quyền, nếu được giả thiết với sự công chính, may chăng chỉ làm cho người dân sống hạnh phúc ở nơi trần thế tạm bợ. Người mục tử dẫn dắt con người đạt tới hạnh phúc viên mãn vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.

Nhưng sự dẫn dắt này không tách riêng rẽ hồn xác mà bao hàm toàn thể con người. Nó đòi hỏi linh mục hiến thân mạnh mẽ hơn vì cộng đoàn. Oscar Romero cho ta một hình dung cụ thể nhất về sự lãnh đạo mục vụ thời đại. Năm 1980, bắt bớ leo thang ở El Salvador, Oscar Romero lên án mạnh mẽ việc hành xử bạo lực của chế độ cầm quyền đối với dân chúng. Ngài bị bắn chết lúc đang cử hành thánh lễ tại San Salvador. Trước đó, ngài nói rằng nếu bị giết, ngài sẽ sống lại trong dân chúng San Salvador. Và thật thế, ngài đã trở thành niềm an ủi cho những ai bị bỏ rơi và thiệt thòi trong xã hội. Người dân San Salvador nhìn thấy hình ảnh của Đức Kitô mục tử rõ nét và sống động qua cuộc sống chứng tá sống chết cho đoàn chiên của ngài. Tổng Giám mục Oscar Romero đã được Giáo hội tuyên phong chân phước vào 23-05-2015 và gọi ngài là “vị tử đạo của Giáo hội theo Công đồng Vatican II” bởi quyết định sống với người nghèo và bảo vệ họ khỏi áp bức.

Như thế, lãnh đạo mục vụ không phải châm ngôn khẩu hiệu hay triết lý sống, mà là sự dấn thân toàn thể của người linh mục với toàn bộ thời gian sống và tư tưởng cho dân Chúa. Kinh nghiệm của cha Robert M. Schwartz[8] phần nào giúp ta thấy được trách nhiệm của mục tử trước nhu cầu của thời đại, từ đó khiêm nhường hơn và nỗ lực mỗi ngày cho sứ vụ: Lãnh đạo mục vụ đòi hỏi linh mục phải học hỏi mãi mãi để hiểu biết về người giáo dân và về thế giới của họ - gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị... Vị linh mục bay bổng trên mây cũng có thể là một vị thánh, song đồng thời chắc hẳn không giúp ích mấy cho người giáo dân sống sứ mạng của họ nơi trần thế. Đành rằng, linh mục được kêu gọi không phải để lập gia đình riêng cho mình, hay tham gia kinh doanh hay dấn thân vào chính trị, nhưng linh mục nào hoàn toàn mù tịt về những chuyện đó sẽ trở thành què quặt nghiêm trọng trong sứ vụ phục vụ người giáo dân.[9]

            Hạt bụi số 6: Nỗi lo âu về địa vị

Ivan Ilyich là thẩm phán tối cao Saint Petersburg. Nguồn vui của ông là sự hãnh diện, sự tôn trọng mà địa vị làm thẩm phán mang lại. Tuy nhiên, ở tuổi 45, ông bị ngã bệnh và được chẩn đoán là xơ gan cổ trướng. Cái chết chỉ còn cách ông một vài tuần. Đứng trước cái chết, ông đau xót nhận ra rằng mình đã phung phí thời gian trong đời để có một cuộc sống trọng vọng bên ngoài mà cằn cỗi bên trong. Mọi thứ ông làm đều bị thôi thúc bởi khao khát muốn tỏ ra quan trọng trong mắt người khác. Không chỉ thế, ông bàng hoàng nhận ra mọi người xung quanh chỉ yêu và tôn trọng địa vị của ông chứ không phải cái tôi đích thực nơi ông, ngay cả đối với chính vợ ông.

Câu chuyện trên được viết một cách xuất sắc qua ngòi bút Tolstoy trong tác phẩm “Cái chết của Ivan Ilyich”. Câu chuyện của Tolstoy có cái gì đó gần gũi với chúng ta. Phương trình cuộc đời mà Tolstoy đã lập ra vẫn còn nghiệm trong thời đại hôm nay, nếu không muốn nói là vô số nghiệm. Xã hội quá coi trọng địa vị. Người ta thậm chí hy sinh gần như tất cả chỉ để cho con cái có một chỗ đứng “đẹp” trong xã hội. Đầu tư tiền bạc, công sức, tuổi trẻ chỉ để lấy tấm bằng thay vì thâu lượm những kiến thức từ những năm ngồi trên giảng đường. Chính vì thế, việc học thay, học thuê, thi thay, làm luận văn tốt nghiệp thuê trở thành thứ dịch vụ công khai và nhan nhản tờ rơi trước cổng trường đại học.

Dường như Giáo hội ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những vấn nạn nơi xã hội. Bước vào đời tu, chúng ta dễ dàng thấy được sự thay đổi về cách nhìn nhận của người khác tới bản thân ngay từ những giây phút đầu tiên. Chỉ sau khi nhận được tin báo đỗ vào chủng viện, danh xưng của chú trong nhà xứ đã thay đổi kèm theo chiếc đĩa mới toanh thay thế cho chiếc bát đã cũ kỹ trên bàn ăn. Trong những bữa tiệc, người tu sĩ cũng thường được mời vào vị trí trọng nhất của gia chủ. Người dấn thân đi tu được nhiều người yêu mến vì lý tưởng hiến dâng, cho đi cuộc sống của mình. Vẻ đẹp này được cả Giáo hội và xã hội thừa nhận, kính trọng. Vị thế của người đi tu vì thế cũng được nâng lên, thậm chí đạt tới một địa vị cao trong xã hội nếu hiểu theo nghĩa vị trí của cá nhân trong quan hệ xã hội.[10]

Lẽ dĩ nhiên, đi tu không cần tới những thứ trên. Nhưng chúng ta cũng thành thực thú nhận, chúng là những niềm vui nho nhỏ cho đời dâng hiến và gìn giữ ơn gọi cho Giáo hội. Tuy nhiên, điều này lặp đi lặp lại nhiều lần, trở thành một thói quen và ta dễ xem đó là chuyện đương nhiên. Nếu một lần không được mời tới vị trí vinh dự của buổi tiệc hay một cuộc vui nào đó, chúng ta khó mà vui vẻ trong lòng. Nhưng đó cũng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn khi nỗi lo âu địa vị ám vào chúng ta và trở thành một lối sống.

Không mấy khó khăn để xem nó ở mức độ nào trong ta. Chúng ta tự hỏi, có khi nào chúng ta cảm thấy khó khăn khi làm một việc tốt cách âm thầm? Có khi nào chúng ta làm việc hăng say vì bổn phận, nhưng có phần không nhỏ là mong được bản thân nổi bật lên, được anh em nhìn nhận, trở thành sự lựa chọn số một của bề trên hoặc đánh bóng tên tuổi bằng những kỹ năng mềm kiểu đa cấp hay không? Có khi nào chúng ta thổi phồng thành quả của bản thân như một quả bong bóng, hoặc tệ hại hơn nữa là ký tên chính mình ngay dưới sản phẩm của người khác hay không?

Đó là những dấu hiệu chứng tỏ trong ta có nỗi lo âu địa vị. Những nỗi lo âu trên dựng hình cho ta một vị trí ảo tưởng trong Giáo hội. Có thể đó là một giáo xứ lớn và giàu có, quảng đại và dân trí cao, hoặc nơi thành thị với nhiều khu mua sắm và giao thông tiện lợi. Quản một giáo xứ lớn dù sao cũng có tiếng nói và vị thế hơn việc quản một giáo xứ bé. Một sự thèm muốn mà thực tế, nếu đạt được nó, ta cũng chẳng hạnh phúc gì.

Vì thế, vô tình hay hữu ý, chúng ta xây một ngọn tháp địa vị, một ngọn tháp không có chóp đỉnh. Nỗi lo âu địa vị ăn mòn mục đích tối hậu của chúng ta. Nó làm chệch hướng mọi hoạt động của thân xác cũng như tư tưởng người tu sĩ bước theo Đức Giêsu. Hành động hướng về một địa vị tưởng tượng ví tựa một trò chơi điện tử, càng cố lao lên những chiếc ghế khác nhau thì độ khó càng tăng. Và cứ thế, chúng ta tiêu tán cuộc đời cho tới khi vươn tới chiếc ghế cao nhất. Tuy nhiên, độ chênh cao của những chiếc ghế chẳng là gì nếu đặt chúng bên cạnh đại dương bao la hoặc sự vĩ đại của vũ trụ này. Chúng ta thường hơn thua với một ai đó mà quên mất nỗi kính sợ những thứ vượt quá lý trí nếu không muốn nói là vô hạn, vĩnh cửu. Chúng ta thường lãng quên những phúc lành lớn lao mà mình nhận được và bỏ quên hạnh phúc vô biên phát sinh từ những phúc lành lớn lao ấy, trong khi những lợi thế nhỏ nhặt của người khác lại là nỗi giày vò khôn nguôi đối với chính ta. Địa vị mà chúng ta đem so đo với nhau chỉ như một trò chơi vô nghĩa so với cái ý nghĩa lớn lao mà Tạo hóa đặt để trong con người.

Nơi Đức Giêsu, chúng ta không tìm thấy dấu vết của nỗi lo âu địa vị. Ngược lại, Người đã tự trút bỏ địa vị vinh quang để đến với phàm nhân. Người lội vào cõi bùn nhơ, vực lấy thế gian tội lỗi và phục hồi địa vị loài người trở thành những vị thần.[11] Địa vị chúng ta không nằm nơi chúng ta nhưng nơi Thiên Chúa. Đứng trước địa vị mà Thiên Chúa đã dành cho con người và trở thành vô giá khi được Đức Giêsu cứu lấy, nỗi lo âu địa vị ở đời này nếu đạt được cũng chỉ là phù vân. Vì thế, ta hãy quên đi phiền muộn vô lý về địa vị, và một lần hân hoan cung kính vì Đức Kitô và vì những gì Người đã làm cho chúng ta qua lời ca vịnh Kinh Chiều I, ngày Chúa Giáng sinh: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.”

  Nguyễn Cường, K.13

   Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 10

[1] Tiếp theo nội dung đã đăng ở Tập san Đức tin & Văn hóa số 9.

[2] AI (Artificial Intelligence), là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Ngày nay, trên các thiết bị điện tử thông dụng đã trang bị AI, từ Siri của Apple, Alexa của Amazon, Cortana của Microsoft đến Google Now của Google.

[3]https://www.theguardian.com/world/2016/apr/26/robot-monk-to-spread-buddhist-wisdom-to-the-digital-generation

[4]https://www.reuters.com/article/us-japan-robotpriest/in-japan-robot-for-hire-programed-to-perform-buddhist-funeral-rites-idUSKCN1B3133

[5] http://www.bbc.com/news/av/world-europe-40101661/robotic-reverend-blesses-worshippers-in-eight-languages

[6] Những công ty lớn dùng máy để chấm công cho nhân viên. Mỗi nhân viên được cấp một mã ID. Trước và sau giờ làm việc, nhân viên phải quẹt thẻ lên máy mới được tính công.

[7] Cụ Kình, thủ lĩnh làng Đồng Tâm, lên tiếng trong vụ đất đai ở Chương Mỹ, Hà Nội.

[8] Robert M. Schwartz là Chủ tịch Tổ chức Thường huấn Toàn quốc các Giáo sĩ Công giáo Rôma. Ngài là tác giả cuốn Servant Leaders of the People of God: An Ecclesial Spirituality for American Priests.

[9] x. Lm. Giuse Lê Công Đức, Linh đạo linh mục giáo phận, NXB. Phương Đông, 2013, 152.

[10] x. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, 398.

[11] X. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 460.

Nguồn tin: