Những Hạt Bụi (tiếp theo)

Tue,19/10/2021
Lượt xem: 1250

Những Hạt Bụi[1]

(Hạt bụi số 7 - 8 - 9)

Dưới góc nhìn của vật lý lượng tử, con người[2] đang sống với một lớp bụi lơ lửng bao quanh và sống dựa vào lớp bụi đó. Những hạt bụi được đính với nhau một cách kỳ diệu cấu thành cái mà ta gọi là thân xác. Tuy nhiên, những hạt bụi này không chỉ là vật chất đơn thuần, mà nó được Thiên Chúa thổi vào đó nguồn sức sống. Linh hồn liên kết cách đặc biệt với những hạt bụi trở thành một tổng thể duy nhất. Chúng được sinh ra rồi một ngày tàn lụi nhường chỗ cho hạt bụi khác, và để lại trên linh hồn một dấu vết bất biến. Vì thế, mỗi hạt bụi đều có một cuộc đời, và câu chuyện của con người là câu chuyện của những hạt bụi.

Hạt bụi số 7: Tràn qua hiện tại

Ngày tháng của chúng ta được sắp xếp và tổ chức theo vòng quay của kim đồng hồ, và ngay cả khi đồng hồ chưa xuất hiện thì người Maya, Inca và Hopi cũng đã nhìn thời gian theo dạng một vòng quay. Vòng quay đó được nới rộng siêu hình như “bánh xe thời gian,”[3] một sự luân hồi của vạn vật trong vũ trụ và bị khép kín bởi sinh và diệt, sự sống và cái chết. Chẳng vậy mà trong kinh Vệ đà đã nói: “Cái gì có trước, cái gì có sau? Chúng sinh ra thế nào? Này các hiền nhân, ai phân biệt được chứ? Chính chúng chứa đựng tất cả những gì tồn tại. Ngày và đêm tiếp nối nhau như trên một vòng quay.”[4]

Như vậy thì có vẻ như thời gian đang xoay vần. Nếu như thời gian xoay vần, thì điểm mốc nào mới là hiện tại? Hay hiện tại mà ta hay nói tới thực chất là gì? Làm sao để đo hiện tại nếu mỗi tích tắc đều đã chìm vào quá khứ?

Dĩ nhiên, dễ nhận thấy, loài người đang di chuyển trên một trục thời gian được sắp xếp theo thứ tự quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó là một trục để các hiện tượng lần lượt xuất hiện và ghi dấu ấn. Có lẽ con người là loài duy nhất có khả năng ý thức về những dấu ấn của hiện tại. Hiện tại đã không phải là sự chẻ tách giữa quá khứ với tương lai. Hiện tại đó là sự thống nhất giữa xác và hồn, giữa lý trí và ý chí, giữa ước muốn và hành động.

Nếu thế, đã có nhiều lúc ta bỏ rơi hiện tại. Ta nghĩ về ngày chịu chức và tưởng tượng những công việc cần chuẩn bị, điều gì cần phải thực hiện đầu tiên, rồi thứ hai, thứ ba,...Ta chờ đợi, hy vọng và ta bỏ rơi thực tại. Khoảng thời gian từ thực tại đến lúc bắt đầu cho những ước mơ được gọi là thời gian chết (deadtime). Đây là khoảng thời gian mà con người của chúng ta không có sự hợp nhất. Cái tôi bị xé lẻ và vỡ vụn. Tôi chờ ngày hợp nhất mà quên đi thực tại. Tôi có tràn qua hiện tại?

Kinh nghiệm này không quá xa lạ với chúng ta. Một sự rạn vỡ nội tại và ngoại tại không thứ gì có thể hàn gắn ngoại trừ Thiên Chúa. Thật thế, tất cả mọi tạo vật chìm đắm trong hiện tại và quy tụ nơi bàn tay dâng cao của linh mục. Linh mục rũ bỏ suy tính của tương lai và lo âu của quá khứ để dành cả toàn thân và hơi thở cho những gì đang cử hành. Nơi Thánh Thể, ta thấy qua đức tin một hiện tại sung mãn giữa trời với đất, thần linh với phàm nhân, hữu hình với vô hình, thánh nhân với tội nhân, hoàn hảo với sự bất toàn khiếm khuyết được giao hòa và nối kết không tuân theo bất cứ một quy luật nào tự nhiên nào. Đó là hiện tại được gắn chặt với thực tại. Tất cả năng lượng của thời gian được cô đặc với sự hiện diện[5] tràn đầy và hoàn hảo nơi Thánh Thể.

Chúng ta quả là may mắn khi ngày ngày có cơ hội được chiêm ngưỡng và sống giây phút hiện tại thánh này. Chỉ có điều, có thể ta đang dần lãng quên nó.

Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory) của họa sĩ người Tây Ban Nha, Salvador Dalí, là 1 trong 10 tác phẩm tranh nổi tiếng thế giới. Sử gia nghệ thuật Dawn Adès viết, "những chiếc đồng hồ là biểu trưng không rõ ràng về thuyết tương đối không gian - thời gian, là quan điểm siêu thực về sự sụp đổ các khái niệm trong một trật tự vũ trụ cố định". Adès cho rằng Dalí đang quan sát thế giới bằng việc thấm nhuần thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein.[6]

Hạt bụi số 8: Cà phê

Theo một truyền thuyết đã được ghi lại trên giấy vào năm 1671, những người chăn dê ở Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) phát hiện ra một số con dê trong đàn sau khi ăn một cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ đã chạy nhảy không mệt mỏi cho đến tận đêm khuya. Họ bèn đem chuyện này kể với các thầy tu tại một tu viện gần đó. Các thầy tu đã đi xem xét lại khu vực ăn cỏ của bầy dê và phát hiện ra một loại cây có lá xanh thẫm và quả giống như quả anh đào. Họ uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Như vậy có thể coi rằng nhờ chính đàn dê này, con người đã biết được cây cà phê.[7]

Ngày nay, cà phê đã trở thành chất liệu kết dính những lời tâm sự. Khi cần nói chuyện, người ta tìm đến quán cà phê, nơi yên tĩnh. Đợi chờ cà phê nhỏ giọt làm thời gian dường như chậm lại. Có lẽ đó là yếu tố để người ta có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn.

Trong dòng tu hay chủng viện, ly cà phê kéo gần anh em lại với nhau, cùng chia sẻ một sở thích, nhâm nhi cùng vị đắng, và trải lòng. Những lời tâm sự giãi bày thật hơn, sâu đậm hơn. Ly cà phê bẻ cong thời gian, kéo quá khứ về với hiện tại. Thời gian bây giờ là của nhau, là cho nhau. Sự hiện diện đó quý giá hơn lời nói. Sự hiện diện đó bao gồm cả toàn thể: xác và hồn. Nó trọn vẹn và chỉ cần có nó, sự thinh lặng cũng biến thành lời yêu thương. Một ánh mắt, một cử chỉ, một cái cúi chào cũng đã đủ gạt bỏ mọi lời nói hoa mỹ. Cà phê bỗng trở thành chất xúc tác cho những mối quan hệ. Nó đen, nó đắng, nó giản dị mà vẫn thơm lừng.

Ta tự hỏi, có khi nào ta trở nên chất xúc tác như cà phê, khiêm nhường ẩn mình nhưng vẫn tỏa hương thơm để cuộc chuyện trò giữa con người với Thiên Chúa được trọn vẹn không? Có khi nào ta kín đáo, bí ẩn như giọt cà phê đen, để con người tin tưởng mà nhỏ những giọt nước mắt sám hối qua tòa giải tội? Có khi nào ta chậm rãi và nhẹ nhàng, tí tách từng giọt như cà phê để làm chậm lại nhịp sống xô bồ vội vã của thế gian? Có khi nào tình yêu thương tha nhân của ta trở nên đậm dặc như giọt cà phê, hay chỉ dừng lại dửng dưng như giọt nước lã? Có khi nào ta chịu ép mình như cà phê, chấp nhận bỏng rát, luộc chín bởi nước sôi, để hương thơm Kitô giáo được lan tỏa sang cả vùng dân ngoại? Có khi nào...

Hạt bụi số 9: Thời gian đậm đặc

Có những khoảnh khắc ghi dấu trở nên những kỷ niệm khó quên trong đời. Ngày đầu tiên chúng ta được đến trường với câu hỏi đầu đời ngớ ngẩn: Lấy đâu ra mà có nhiều trẻ con đến như thế? Thời gian đậm đặc.

Chuyển phòng, tình cờ thấy lại cuốn sách đã cũ trên giá gỗ, lòng ta thổn thức khi bắt gặp hình ảnh quen thuộc được gấp kỹ trong những trang sách già nua. Khuôn mặt người mẹ với bao kỷ niệm thân thương ùa về khiến tim ta như ngừng đập. Thời gian đậm đặc.

Cũng vào những ngày tiết trời se lạnh, nhìn chiếc lá úa màu nhắc ta nhớ người bạn cũ. Đứa bạn đã cùng ta sống qua quãng đời sinh viên. Nhớ những ngày đạp xe hàng chục cây số chỉ để tận tay chiếc ấm sứ Bát Tràng đang nóng hổi. Hay những lúc lang thang trên phố sách cũ đường Láng, mong tìm được cuốn nào rẻ mà hay. Ngày ấy bạn đang tìm hiểu Phật giáo với lý do đơn giản rằng gần nhà bạn có một ngôi chùa. Bạn thích sự an bình nơi đó. Hôm nay nhìn lá bàng rơi rớt giữa màu đông, ta hối tiếc vì đã không dẫn bạn về với Kitô giáo, về với Chúa hằng sống. Thời gian đậm đặc.

Hai nghìn năm Kitô giáo quá ngắn ngủi so với dòng lịch sử 3,5 triệu năm của loài người, và không đáng kể so với 13,5 tỷ năm của vũ trụ. Tuy nhiên, nền văn minh tình thương Kitô giáo trong thời gian gắn ngủi đó đã thay đổi bộ mặt thế giới trên mọi phương diện, từ văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, đến văn học, âm nhạc, khoa học, triết học, thần học và y học. Nhưng trên tất cả, Đức Giêsu đã xuất hiện và mang tình yêu Thiên Chúa đến cho nhân loại. Thời gian đậm đặc.

Mỗi khi Thánh lễ trên trái đất được cử hành là mỗi lúc tình yêu Thiên Chúa được cụ thể hóa cách sống động. Con người cùng muôn tinh tú và các tầng trời quy hồi đồng thanh chung lời tạ ơn chúc tụng: Thánh! Thánh! Thánh! Thời gian đậm đặc.

Những lúc hối lỗi, lặng quỳ bên Thánh Thể, nước mắt rơi như một đứa trẻ con. Thời gian đậm đặc.

Hỏi rằng một đời người ngắn ngủi, có bao nhiêu quãng thời gian đậm đặc? Ta có bao giờ ý thức đủ về các chiều cao, sâu, rộng, dài của sự hiện hữu mà ta có được để mỗi bước chân qua là một khoảng thời gian đậm đặc. Hay ta cứ để cuộc đời lạc trôi tan vào trong dòng thời gian rời rạc? Thời gian đậm đặc không tan vào hư vô. Đó là thời gian Chúa kề bên ta, đau khổ nhìn ta phạm tội, chăm chú lắng nghe ta hối lỗi và nâng ta dậy lên cùng với chư thánh trên trời.

Nguyễn Cường, K.12

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12



[1] Tiếp theo Đức Tin và Văn Hóa, số 10

[2] Con người có gốc tiếng Hípri là (adam) phát sinh bởi gốc từ (adamah) có nghĩa là bụi đất

[3] Phật Giáo, Hindu đều có chung khái niệm như thế và được xếp vào dạng thời gian tuần hoàn. Một kiểu quan niệm khác phổ biến hơn với chúng ta là thời gian tuyến tính, được sắp xếp có điểm đầu và điểm cuối. Quan niệm này gần gũi với Kitô giáo, như Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa là Anpha và Omega, là khởi nguyên và tận cùng.” (Kh 22, 13)

[4] Julian Baggini, Về thời gian: Tại sao triết học phương Tây chỉ có thể dạy chúng ta đến thế?, trích trong Tạp chí Tia sáng, số 20 (20.10.2018)

[5] Heideigger thật có lý khi nói rằng: “Cái hiện tại là sự hiện diện” (pra-esse), còn Karl Jasper thì cho rằng: “Chỉ nhờ việc sống hoàn toàn trong thời gian hiện tại, trong điều kiện lịch sử của con người, mà chúng ta mới khám phá ra một cái gì là Siêu Thời Gian  hiện diện với ta.” Hay như Thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Hiện tại duy nhất là nơi Thiên Chúa” (Confessions, XI, chương 28)

[6] https://10mosttoday.com/10-most-famous-paintings-in-the-world/, truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2018

[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/ Cà_phê, truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2018

 

Nguồn tin: