Nên Thánh: Ai Còn Nhớ Chăng Ai?

Fri,01/03/2019
Lượt xem: 2187

“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2), và “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đó là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho Israel, dân riêng của Người, và của Đức Kitô đối với Giáo Hội, Israel mới, được Người thiết lập. Lịch sử Israel và lịch sử Giáo Hội có vô số người dám quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy bằng việc tận hiến đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người. Tuy nhiên, trong những thập niên cuối thế kỉ XX, và đặc biệt trong những năm đầu thế kỉ XXI này, lời gọi mời ấy dường như ngày càng bị lãng quên dần trong đời sống của người Kitô hữu, thậm chí cả đối với nhiều tu sĩ và linh mục, những người được thánh hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt qua việc cam kết “sống đức ái trọn hảo”.

Thật vậy, nếu nhìn vào thực trạng đời sống Đạo hôm nay, chúng ta dễ nhận thấy rằng phần lớn các Kitô hữu dường như giản lược đời sống Đạo của mình vào việc chu toàn một ít lễ nghi phụng tự như tham dự thánh lễ Chúa Nhật, xưng tội rước lễ một vài lần trong năm, và giữ một số điều răn căn bản như không trộm cắp, không giết người, không ngoại tình, không tham lam,… như thể theo ý họ, chỉ chừng đó cũng đủ có được một “suất” trên Thiên Đàng. Nhiều người còn ngây thơ hơn nữa, họ nói giữ Đạo ăn thua giờ sau hết, vì như tên trộm lành, chỉ cần một lời kêu xin thôi cũng được Chúa hứa cho ở ngay trên Thiên Đàng với Người, nhưng thử hỏi trong nhân gian này có được mấy người như anh trộm lành kia? Hơn nữa, ngay cả đối với một số linh mục, nếu chúng ta hãy để ý đến các bài giảng của các vị, sẽ nhận ra rằng các vị chủ yếu tập trung vào những đòi hỏi mang tính luân lý, phải thế này phải thế kia, chứ chưa thực sự đi sâu vào nội dung Đức Tin, chưa thực sự “chú giải” dung mạo của Đức Kitô, nội dung chính của Đức tin Kitô giáo và là trọng tâm của Tin Mừng, cho người giáo dân, và đặc biệt dường như thiếu đi lời mời gọi khẩn thiết “hãy cải thiện và nên thánh” (PO 4). Tắt một lời, cả người giáo dân và các linh mục hôm nay dường như đồng quan điểm cho rằng “đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn” (GS 43), và có thể nói đó là một trong những cám dỗ và “sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta” (GS 43), vì đã giản lược - dù vô tình hay hữu ý - Kitô giáo vào bình diện luân lý, duy luân lý (moralism), và rốt cuộc xem Đạo nào cũng giống Đạo nào, Đạo nào cũng khuyên làm lành lánh dữ, và như thế đã đánh mất đi tính độc đáo của đức tin Kitô giáo.
 
Theo chiều hướng này, cùng đích mà đời sống Kitô hữu phải hướng đến là “hoàn thiện như Cha trên trời” cũng dần bị lãng quên, nếu không muốn nói là dửng dưng hay bị phủ nhận. Hậu quả là người ta cứ sống tà tà vậy, không muốn hướng vọng lên cao, không còn thao thức kiếm tìm, khao khát và khắc khoải Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội và là cùng đích của mọi sự. Điều này rất hợp với hay đúng hơn bị ảnh hưởng bởi lối sống của người hiện đại, tức là chủ trương tương đối hóa mọi sự, không nhìn nhận điều gì là chung cục, là tuyệt đối, và thiên đàng nếu có thì cũng chỉ ở trần gian này mà thôi, và như thế họ đã đánh mất đi chiều kích siêu việt của con người, và hậu quả tai hại nhất đó là con người ngày càng chán sống, lao vào hưởng thụ một cách vô độ, vì đã đánh mất đi lý do hiện hữu của mình là tham dự vào sự sống vĩnh cửu và ý nghĩa của đời mình là Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong bài giảng khai mạc cơ mật viện bầu giáo hoàng ngày 18 tháng 4 năm 2005 rằng những người theo chủ thuyết tương đối “để đời mình bị cuốn trôi theo mọi chiều gió của đạo lý thức thời”.Như thế phải chăng chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa tương đối là nguyên nhân duy nhất gây ra lối sống này? Trách nhiệm của các Kitô hữu và nhất là các vị mục tử không có lỗi phần nào sao?
 
Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gadium et Spes) cho hay, “tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần - và cả chủ thuyết tương đối là con đẻ của chủ nghĩa vô thần - hoặc bởi sao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do thiếu sót trong trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội” (GS 19). Nếu nhìn cận cảnh hơn đối với Giáo Hội Việt Nam, chúng ta phải thành thật khiêm tốn thừa nhận rằng chính đời sống và lời giảng dạy của các linh mục là một trong những yếu tố làm nên lối sống Đạo thiên về hình thức, nặng về luân lý nơi người giáo dân (chúng ta tạm không bàn đến sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, và do tinh thần Nho giáo - đặt trọng tâm ở luân thường đạo lý, duy luân lý - đã ăn sâu trong máu mủ và tâm thức người Việt), một lối sống hệ tại ở việc giữ Đạo chứ chưa thực sự hướng đến việc sống Đạo, và nhất là truyền Đạo. Suy xét một cách sâu xa hơn, phải chăng các linh mục đã thiếu đi nền tảng ngay từ đầu, nhất là trong những năm được đào luyện ở Đại Chủng Viện, tức khi họ đang là chủng sinh? Đây là vấn đề chúng ta cần phải tìm hiểu, để ít nhất một lần, tìm ra những nguyên nhân sâu xa, và từ đó đưa ra những giải pháp thích đáng cho vấn nạn này.
 
Trong các chiều kích đào tạo ở Đại Chủng Viện ‘nhân bản, thiêng liêng, tri thức, và mục vụ’, nhân bản được xem là nền tảng, thiêng liêng là linh hồn, tri thức là cần thiết, và mục vụ là thực hành. Về mặt lý thuyết, các nhà đào tạo lẫn các thụ huấn sinh đều nắm rõ điều đó, và luôn xem đó như kim chỉ nam cho công cuộc đào tạo tại Đại Chủng Viện. Thế nhưng trong thực tế, định hướng đó không luôn luôn được thực thi đúng đắn. Không có ý bình phẩm tất cả các Đại Chủng Viện khác trên thế giới vì chưa có điều kiện tìm hiểu và vì khả năng hạn hẹp của cá nhân, song tại Việt Nam, nhất là tại Đại Chủng Viện Vinh - Thanh, nơi tôi đang theo học, thì có thể nhận thấy rằng có một sự chệch hướng nào đó về trật tự trên ít là xét về mặt ý thức. 
 
Một cách thành thực, tôi nhận thấy rằng phần lớn các chủng sinh, trong đó có tôi, trong những năm tu luyện tại chủng viện, chủ yếu tập trung vào chiều kích tri thức, xem đó như nền tảng, như linh hồn và có thể nói như mục đích chính của tiến trình đào tạo. Do đó, các chủng sinh dành mọi thời gian có thể để lo tích góp thật nhiều kiến thức về Thiên Chúa, con người và vũ trụ, vì lý rằng giữa một thời đại ngày càng có xu hướng tôn tri thức khoa học lên thế thượng phong (lưu ý rằng tri thức khoa học chỉ dừng lại ở bình diện hiện tượng, chứ không đi sâu vào bản chất, yếu tính, vì điều đó không thuộc lãnh vực của khoa học), xem khoa học như chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi sự, thì việc chủng sinh có nhiều kiến thức sẽ trở thành một ‘Đại Chủng Sinh’, một ‘Đại Trí Thức’, giữa một xã hội tri thức hóa, và do đó sẽ yên tâm giải quyết được mọi vấn nạn của đời sống Kitô hữu, và có khả năng đối thoại và hòa nhập được với đời, (và một phần nữa dành để tô điểm cho cái tôi đầy “choa tính” của mình!). Hệ luận kéo theo là các chủng sinh sẽ sao lãng các chiều kích khác, nhất là chiều kích thiêng liêng, nhưng nguy hiểm hơn cả, một cách vô thức hay hữu ý, các chủng sinh biến Đại Chủng Viện thành một trường Đại học Công giáo. Nghĩa là từ chỗ đào tạo chủng sinh thành những mục tử của đoàn chiên, lại cho “ra lò” những viên chức, những cán bộ hay những nhà chuyên môn trong việc điều hành Cộng đoàn dân Chúa. Như vậy, có thể nói là đã đi quá “trật đường” so với tiến trình đào tạo các ứng sinh linh mục.
 
Nếu xét theo cấp bậc tri thức, thì các tri thức mà chủng sinh thu nhận được chỉ mang tính thông tin (information), và do đó thấp hơn so với cái biết tương quan liên ngã vị (Chúa-con, anh-em), cái biết của tình yêu, cái biết chỉ có thể có được do bởi chiều kích thiêng liêng mang lại, là cái biết không hệ tại ở một lô kiến thức thu nhận được từ sách vở, nhưng khởi đi từ cuộc đối thoại thường xuyên trong nguyện cầu, và nhất là bởi cuộc sống với và sống cho giữa các cá vị với nhau. Chính cái biết này hướng con người vươn mình lên cao, lên đến cái biết cuối cùng cũng là cái biết đầu tiên, đó là “biết” Chúa Con như Chúa Cha, và “biết” Chúa Cha như Chúa Con (Mt 11,27). Với cái biết này, phải dùng từ “hiểu” (to understand, to comprehend) mới đúng, vì nó cao hơn “biết” (to know), hiểu một người thì hơn biết một người. Chẳng hạn, một bác sĩ có thể biết hơn một bà mẹ đối với đứa con của bà trong lĩnh vực sinh học, nhưng chắc chắn rằng bà mẹ sẽ hiểu đứa con mình hơn bội phần so với ông bác sĩ xét trên tương quan ngã vị - không ai hiểu mẹ bằng con và không ai hiểu con bằng mẹ. Tương tự như thế, một nhà thần học hay một chủng sinh nào đó có thể rất giỏi kiến thức về thần học, nhưng chưa hẳn đã hiểu Thiên Chúa bằng một cụ già miền quê không biết chữ, người luôn sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Hay nói như nhà toán học và triết gia Pháp, Blaise Pascal, rằng “từ chỗ biết Thiên Chúa đến chỗ yêu Thiên Chúa hãy còn xa vời.” (Pensée, n.280) 
 
Hiểu như thế, chúng ta phải ý thức rằng tất cả những kiến thức có được qua chiều kích tri thức phải được dẫn đến hay để phục vụ cho việc thiết lập tương quan ngã vị, và hơn thế nữa, cho tình yêu: hiểu và yêu Thiên Chúa, hiểu và yêu con người, và có thể nói hiểu biết và yêu mến cả vũ trụ nữa. Tắt một lời, chiều kích tri thức phải hướng đến chiều kích thiêng liêng - hay nói theo ngôn ngữ tu đức, chúng ta phải nội tâm hóa các kiến thức mà chúng ta sở đắc được - và xét theo chiều ngược lại cũng đúng (vô tri bất mộ - vô mộ bất tri). Nghĩa là từ cuộc sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa sẽ giúp ta hiểu biết sâu rộng và cao xa hơn về mầu nhiệm của chính Người, hay nói theo ngôn ngữ thần học, mọi thần học phải giả thiết “thần học bàn quỳ”, tức từ đời sống cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, Đấng hằng muốn tỏ lộ cho những ai biết lắng nghe lời Người tự bên trong, từ con tim rộng mở. Nữ tiến sĩ Hội Thánh, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thường hay phàn nàn về các nhà thần học thời đó rằng, “họ nói quá nhiều về Thiên Chúa, đang khi lại ít nói với Người.” Lời này lại khẩn thiết hơn biết bao cho chúng ta ngày nay! 
 
Thành thật mà nói, sau năm năm học tại Đại Chủng Viện, nhiều lúc tôi run rẩy hổ thẹn mà tự hỏi lòng mình rằng: Thực sự tôi đã hiểu Thiên Chúa, hiểu Đức Giêsu chưa? Tôi thực sự đã hiểu anh em mình chưa? Và thực sự tôi đã hiểu những gì mà mình đã học chưa? Đương nhiên, trước mầu nhiệm con người, nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa, thì tôi không thể dò thấu được, bởi như thánh Augustine hay rằng, “nếu bạn hiểu Thiên Chúa, thì Người không còn là Thiên Chúa nữa.” Tuy nhiên, nếu không thiết lập được tương quan đích thực với Thiên Chúa và con người tự bên trong, thì rất khó để có thể nói cho người khác về Thiên Chúa, nhất là làm chứng về Người cho con người thời đại, những người mà luôn đòi hỏi ở “chứng nhân hơn là thầy dạy”, như Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã quả quyết như thế. Câu này được trích dẫn có thể nói nhiều nhất trong các huấn từ của các vị chủ chăn, nhưng lạ thay lại không mấy quan tâm trong thực tế, nhất là ở việc đào tạo các ứng sinh linh mục tại Đại Chủng Viện. Đúng là một tâm sự buồn nhưng biết nhắn gửi cùng ai? Có ai hay không ai?
 
Như thế, để có được kết quả đào tạo có chất lượng, tức có được những linh mục như lòng Chúa mong muốn, thiết nghĩ cả những nhà đào tạo và các chủng sinh phải ý thức lại “phẩm vị” của mỗi chiều kích đào tạo, trong đó phải luôn xem chiều kích thiêng liêng là linh hồn của cả tiến trình đào tạo chứ không phải là chiều kích tri thức, hay nói cách chung, chúng ta phải tuân theo bậc thang giá trị của bốn chiều kích đào tạo - nhân bản là nền tảng, thiêng liêng là linh hồn, tri thức là cần thiết, và mục vụ là thực hành của cả tiến trình đào tạo linh mục - cả trong ý thức lẫn trong thực tế. Cũng từ đó giúp cho các chủng sinh, những linh mục tương lai, có được định hướng đúng đắn và sự triển nở tốt đẹp trong ơn gọi hiến thân phục vụ Chúa và Giáo Hội, đặc biệt giúp họ ngày một sống thánh thiện hơn, đồng thời có sức thánh hóa đoàn chiên mà họ chăm sóc. Cần phải nhắc lại rằng sống thánh thiện hay nên thánh theo nhãn quan Kitô giáo không nguyên ở việc bắt chước một cách bề ngoài theo kiểu kẻ tiểu nhân bắt chước người quân tử, nhưng hệ tại ở việc để cho Thiên Chúa tự do hành động trong và qua con người của chúng ta, là để cho Thiên Chúa thánh hóa chính bản thân chúng ta bằng ân sủng của Người, vì tự sức không ai có thể làm cho mình nên thánh được, chỉ có Thiên Chúa, Đấng Thánh duy nhất, mới có thể thánh hóa tất cả, và để rồi cuối cùng chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). 
 
Vài suy nghĩ thiển cận và tản mạn, bản thân chỉ muốn tự phản tỉnh lại chính mình, tự tra vấn lại ý hướng và mục đích của chính mình trong những năm tháng ở tại Đại Chủng Viện dù rằng có hơi muộn màng, nhưng thà muộn còn hơn không, và cũng như một thao thức muốn được ai đó nếu có cùng chí nguyện, sẻ chia và giúp nhau thăng tiến hơn trong đời sống ơn gọi linh mục, hầu mai ngày phục vụ đoàn chiên Chúa cách hữu hiệu hơn, nhất là giúp cho chính mình cũng như đoàn chiên Chúa giao phó, nếu Chúa muốn, sống hoàn thiện ngày một hơn như lời mời gọi tha thiết của Thầy Chí Thánh Giêsu: “các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).
 
Giuse Nguyễn Văn Hảo, K.10
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 02
Nguồn tin: