Môn Đệ Như Lòng Chúa Mong Ước

Sat,13/03/2021
Lượt xem: 2772

 

Aug. Trần Cao Khải

Khi kêu gọi và tuyển chọn các môn đệ tiên khởi, Đức Giê-su không căn cứ vào vấn đề lý lịch bản thân để chọn lựa họ, nhưng trái lại lý do khiến Ngài chọn họ là vì Ngài yêu thương họ, đoái nhìn họ, kêu gọi họ và chấp nhận sự tự nguyện đáp trả của họ. Trong quá trình rao giảng và xây dựng Hội thánh tại thế buổi đầu, Đức Giê-su thường xuyên lưu ý đến việc đào tạo các môn đệ làm sao để họ thấm nhuần giáo huấn của Ngài nhờ đó họ dần dần biến đổi trở nên môn đệ của Hội thánh thiên sai.    

Môn đệ được Chúa chọn không phải để làm quan chức trong thiên hạ vì Nước của Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng những ai Ngài chọn sẽ là những kẻ lưới người như lưới cá (x. Mt 4, 18-20; Mc 1, 17-20; Ga 1, 35-50). Đó là những người thợ chuyên đi làm công việc phục vụ cho Nước Trời. Mặt khác, theo thiên ý của Chúa thì người môn đệ phải là một mục tử đích danh dõi theo gương của Ngài. Mục tử chính danh là người chăn chiên lành, Bonus Pastor, chứ không phải là người chăn thuê (x. Ga 10, 1-21). Mục tử không sống mình và chết cho mình, nhưng tất cả vì, cho đàn chiên. Do sứ vụ đặc thù của người mục tử mà trong giáo huấn của mình, Đức Giê-su luôn nhắc nhở về những điều căn cốt sau đây: Người theo Chúa phải từ bỏ tất cả, họ phải noi gương Chúa phục vụ hết mìnhchấp nhận sống nghèo khó vì Tin Mừng.   

Từ bỏ tất cả

Việc đầu tiên của người theo Chúa để phục vụ ơn gọi, đó là từ bỏ tất cả. Từ bỏ để đi vào mối liên kết mật thiết với Đấng kêu gọi mình và trở thành công cụ của Ngài chịu sự hành xử theo như ý Ngài muốn.

“Muốn trở thành môn đệ Đức Giêsu, không buộc phải là người siêu phàm. Thật vậy, tương giao giữa môn đệ với thầy không nhất thiết cũng như trước hết không thuộc phạm vi trí tuệ. Đức Giêsu phán ‘Hãy theo Ta’. Trong Tin Mừng, động từ ‘theo’ luôn luôn diễn tả sự gắn bó với con người Đức Giêsu (td Mt 8, 19...). Theo Đức Giêsu, nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, một thứ đoạn tuyệt toàn diện, nếu là trường hợp các môn đệ ưu tuyển. Theo Đức Giêsu là cư xử giống như Người, là lắng nghe lời Người dạy và làm cho đời sống mình phù hợp với đời sống Đấng Cứu Thế (Mc 8, 34tt; 10, 21.42-45; Ga 12, 26).

“Khác với môn đệ của các tiến sĩ Do Thái, một khi đã thông thạo luật, họ có thể tách khỏi thấy mình, và mở trường dạy lại, còn môn đệ Đức Giêsu thì không thể lìa bỏ Đấng mà từ nay, đối với họ còn trọng hơn cha mẹ (Mt 10, 37; Lc 14, 25t)”. [1]

Trong Tin Mừng, Đức Giê-su loan báo khá nhiều về lệnh truyền từ bỏ đối với người được tuyển chọn. Lời của Chúa thật dứt khoát, rõ ràng: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24). Chúa cũng đã khẳng định: “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy ” (Lc 14, 33).

Thực vậy, “Từ bỏ trước hết là dứt lìa những dính bén xấu, những ham muốn bất chính, không phải chỉ đối với những của cải vật chất, mà cũng đối với những của cải tinh thần như danh vọng, uy tín, ý riêng. Từ bỏ cũng là ra khỏi cái tôi ích kỷ, bỏ con người cũ, trở nên con người mới (x. Cl 3, 9-10). Từ bỏ chính là chấp nhận hy sinh, khiêm tốn chôn vùi như Lời Chúa dạy ‘Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái’ (Ga 12, 24). Từ bỏ đích thực là để gắn bó chặt chẽ với thánh ý Chúa, như Chúa Giê-su đã nói: ‘Không phải theo ý con, nhưng theo ý Cha mà thôi’ (Lc 22, 42). Người môn đệ nhờ từ bỏ theo giáo huấn của Chúa mà có thể tập trung vào Đức Kitô, chính nhờ Người, với Người và trong Người, và vì Người mà chúng ta sống và hoạt động. Ngoài ra, từ bỏ như thế là để sống phục vụ vị tha, không tìm vui sướng nào ngoài vui sướng được liên kết mật thiết với Đức Kitô, như lời Người phán: ‘Thầy là cây nho, anh em là cành’. (Ga 15, 5) [2]

Phục vụ hết mình

Như trên đã nói, Đức Giê-su tuyển chọn môn đệ không phải làm quan cai trị thiên hạ, nhưng là làm đầy tớ phục vụ dân Thiên Chúa. Đức Giê-su đã nhấn mạnh: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10, 42-45).

Tông thư “Pastores Dabo Vobis của Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II về việc đào tạo linh mục (số 22-23) đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: “Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh-mục-Mục-Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên”.

Phục vụ là cung cách làm việc và hành xử của một đầy tớ chứ không phải của ông chủ. Hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ đã minh họa rõ ràng về điều đó. Và còn hơn thế nữa, đối với Chúa, tột cùng của phục vụ là hy sinh mạng sống và chịu chết vì đàn chiên. Cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh hùng hồn cho điều đó. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8); “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).

Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Khi dấn thân vào đời sống phục vụ, linh mục chấp nhận sự sống mình phải chịu tiêu hao đi vì người khác. Cộng đoàn tín hữu là một gia đình trong đó linh mục được sai đến để chăm sóc, lo lắng và làm gương. Ngài luôn tự nhủ rằng việc ngài đến là “để phục vụ”. Người phục vụ luôn luôn là người chịu thiệt thòi, lo trước cái lo của dân Chúa và vui sau cái vui của họ. Nếu ngày đưa đón cha về nhận giáo xứ mới, lòng đầy nỗi hân hoan, vui sướng bao nhiêu thì những ngày sau đó, là một núi công việc đang chờ đợi bàn tay và khối óc của linh mục. Nỗi lo lắng của ngài không phải là an hưởng bản thân mà là gánh vác công việc cộng đoàn, ở đó bao con người đang mong đợi và cần sự hiện diện của ngài.

Linh mục sẽ luôn luôn phải thao thức về các nhu cầu của cộng đoàn, qua đó ngài biết nên làm gì và làm như thế nào để họ “được sống và sống dồi dào”. Sự hy sinh của linh mục không chỉ là chịu đựng một vài khó khăn trong vấn đề ăn uống, nhà ở, phương tiện này nọ mà là “chỉ có một sự cần”, đó là làm sao mình phải bé nhỏ, tiêu hao đi để cho Đức Ki-tô lớn lên trong cộng đoàn. Làm sao để Tin Mừng thực sự lan tỏa trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội-đoàn-nhóm tín hữu. Làm sao hạn chế được những chia rẽ, bất hòa, hành xử cục bộ, bè phái...để mọi người sống hiệp nhất yêu thương như Chúa đã dạy. Nguyên chỉ với những thao thức đó thôi, linh mục cũng đã phải “tự tiêu hao” biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư...Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, linh mục sẽ hy sinh chính bản thân ngài.

Yêu mến giáo dân như Đức Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được. [3]

Khó nghèo vì Tin Mừng

Sự khó nghèo của môn đệ trong đời sống tận hiến là khó nghèo tự nguyện vì Tin Mừng. Họ đi theo Chúa, bỏ lại tất cả, thì không có do gì mà lại luyến tiếc của cải trần gian cả. Chấp nhận sống nghèo theo giáo huấn của Chúa, người môn đệ sẽ đạt được ba điều lợi ích sau:

- Sống nghèo để được hoàn toàn tự do chuyên lo việc của Chúa và của Hội thánh.

- Sống nghèo để làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Ki-tô.

- Sống nghèo để thông cảm và chia sẻ sự thiếu thốn của những người nghèo.

ĐGM GB. Bùi Tuần Gp Long Xuyên, trong tập “Truyền giáo”, tài liệu tĩnh tâm các LM TGp Saigon năm 1990 đã viết: “Khi Chúa Giê-su sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo, tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ ra đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo cả về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm thánh giá cứu độ và tám mối phúc thật là những điều quan trọng của Lời Chúa. [4]

Vậy thì khi dấn thân theo ơn gọi tận hiến, người môn đệ của Chúa tự nguyện chấp nhận sống nghèo, xem như đó là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi tận hiến, như ý Chúa muốn và như Hội thánh mong đợi. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo. (Nguồn Internet). Ngoài các Ki-tô hữu nói chung, thì thành phần nòng cốt các linh mục, tu sĩ nói riêng, là những nhân tố cần thiết giúp xây dựng và củng cố một Hội thánh nghèo và chính họ cũng trở thành nơi nương tựa bám víu của những người nghèo hèn khốn khổ trong xã hội.

         Thực vậy, “Đc nghèo khó theo Tin Mừng không hề khinh chê của cải trần gian vì những thứ này được ban cho con người là để sống và hợp tác với chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II, linh mục cũng như mọi Ki-tô hữu, vì có nhiệm vụ ca tụng và tạ ơn, nên phải nhìn nhận và tán dương lòng quảng đại của Cha trên Trời được biểu lộ trong các của cải trần gian (PO 17). Nhưng Công Đồng còn nói thêm là các linh mục đang khi sống ở giữa thế gian phải luôn luôn nhớ rằng mình không thuộc về thế gian này (Ga 17,14-16) và phải gỡ mình ra cho khỏi mọi ràng buộc quá đáng, hầu đạt được một tư thế thiêng liêng thích hợp và quân bình với thế gian và những sự đời (Pastores Dabo Vobis 30)”. [5]

Tóm lại, bằng đời sống nghèo đích thực theo tinh thần của Tin Mừng Ki-tô giáo, môn đệ sẽ an tâm sống cuộc đời hiến tế của mình theo gương thầy chí thánh Giê-su. Cái lo của họ chắc chắn sẽ không hướng hoàn toàn về việc phải ăn gì, uống gì, mặc gì, nhà cửa ra sao...(x. Mt 6,25-34), trái lại, mối bận tâm chính của các ngài chính là cố gắng trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cố gắng để trở thành con người sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Và sự đòi hỏi chính yếu đặt ra cho người theo Chúa, đó là tinh thần dứt khoát từ bỏ như lời Ngài đã chỉ dạy: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24); và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy.” (Lc 14,33) ./.  


________________

[1] x. Mục từ “Môn đệ”, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, GHHV Piô X Đàlạt 1974

[2] ĐGM Bùi Tuần, Tuyển tập “Hành trình Phục sinh”, Gp Long Xuyên 1997, trang 86-87

         [3] ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên linh mục gp Đàlạt từ ngày 16 đến 22-02-2009, nguồn: VietCatholic News

         [4] ĐGM GB Bùi Tuần, tập “Truyền Giáo”, tĩnh tâm linh mục TGp Saigon 1990.

[5] LM Đỗ Xuân Quế OP, bài “LM và của cải trần gian”, nguồn: VietCatholic News 13-5-2014.

Nguồn tin: