Giu-Đa Đang Ở Đâu?

Mon,18/03/2019
Lượt xem: 1945

 Sau nụ hôn nộp thầy, Giu-đa nhận túi tiền và đi về phía đền thờ. Chứng kiến cảnh thầy mình bị đánh đập tàn nhẫn mà không hề phản kháng, ông bàng hoàng choáng váng vì biết mình đã tính toán sai. Giu-đa đứng bên ngoài hành lang đền thờ, dùng túi tiền lau những giọt mồ hôi lấm lem trên mặt rồi ném cho các tư tế. Những đồng tiền xu rơi vãi xé tan bầu khí thinh lặng đầy khinh bỉ mà các tư tế dành cho y. Dáng vẻ thất thần. Khuôn mặt ủ dột, khắc khổ. Giu-đa ngồi chết lặng bên ngoài đền thờ. 

Vài đứa trẻ thấy vẻ tiều tuỵ của Giu-đa, liền chạy đến để giúp đỡ nhưng đã bị y xua đuổi. Tâm hồn tan nát, trong mắt Giu-đa lúc này, những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng đó đã biến thành quỷ dạ xoa với mắt lồi, má hóp; của ma cà rồng với răng nanh và bê bết máu. Mọi sự đều trở nên kinh tởm và đầy ám ảnh trong mắt Giu-đa. Y bỏ đi, lang thang suốt đêm trong vô định.
Bình minh lên, ác vàng trườn qua dãy núi đá, chiếu những tia nắng sắc nhọn xuống hoang mạc khô cháy và soi rõ khuôn mặt đầy mệt mỏi của Giu-đa. Y bước đi lảo đảo và cố chạy trốn sự đeo bám của “lũ quỷ con”. Trong những âm thanh hỗn tạp, ma mị, con rắn đội lốt người lại xuất hiện rồi biến mất. Chỉ còn Giu-đa ngồi bên xác một con vật chết đang phân huỷ, dòi bọ rúc rỉa, gớm guốc. Giu-đa nhìn con vật chết rồi ngước mắt nhìn trời. Y khóc. Xót xa cho phận mình. Khuôn mặt trơ cứng. Đôi mắt biến sắc. Hung dữ. Tuyệt vọng. Giu-đa lấy chiếc dây thừng đang buộc con vật chết, lặng lẽ kết liễu đời mình trên một cành cây khô trụi lá, ngay trên con vật. Không một dấu hiệu nào của sự sống quanh đó. Chỉ có mặt trời là càng lúc càng chói chang soi tỏ thi thể Giu-đa đang lủng lẳng trên không. Màn cuối cùng trong tấn bi kịch Giu-đa khép lại.
Đạo diễn Mel Gibson đã khắc họa diễn biến tâm lý và cái chết của Giu-đa trong bộ phim “The Passion of the Christ” bằng những thước phim đầy ám ảnh với người xem như thế. 
Không một lời đối thoại, không một tiếng kết án nào dành cho Giu-đa được nhắc đến ở đây. Có lẽ, Giu-đa tìm đến cái chết vì không còn đủ can đảm để đối diện với sự thật, không mặt mũi nào để có thể gặp lại những người thân quen. Ông đã đau đớn nhận ra sai lầm đến từ những tham vọng bất chính của mình. Chỉ có cái chết mới là giá trao đổi cân xứng với ông lúc này.
Không sinh động và đầy ám ảnh như trong phim, bi kịch của Giu-đa chỉ được Tin mừng Mát-thêu và sách Công vụ Tông đồ ghi lại ngắn gọn nhưng với hai cách khác nhau. Trong Mát-thêu, Giu-đa chết vì tự thắt cổ (Mt 27,5); còn Lu-ca lại cho rằng, Giu-đa đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra (Cv 1,18). Sự kiện đó đã được các tác giả ghi lại một cách rất khách quan và đều cho thấy bi kịch của Giu-đa là một biến cố thảm khốc, một cái ‘chết dữ’ theo nghĩa ‘rất đen’ của từ này.
Chúng ta không biết được tính chính xác của sự kiện đến mức độ nào. Chỉ biết rằng, bi kịch của Giu-đa có thể là bi kịch mà bất cứ ai cũng có thể gặp trong đời. “Một người có thể làm đồ dùng cho điều thiện hoặc cho điều ác, cho Thiên Chúa hoặc cho ma quỷ.”[1]  Giu-đa đã chọn đứng về phía ma quỷ để thoả mãn những ham muốn và dục vọng trần tục của mình. Bởi Sa-tan không thể nhập vào Giu-đa nếu ông không mở cửa lòng mình ra. Chính những tham vọng và tư tưởng lệch lạc đã dẫn đường cho ma quỷ nhập vào Giu-đa, thôi thúc ông bán thầy. Và khi nhận ra sai lầm của bản thân, thay vì ăn năn sám hối và tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, Giu-đa lại tuyệt vọng và tìm giải thoát bản thân bằng cái chết.
Chắc hẳn, Thiên Chúa không tiền định cho Giu-đa là kẻ bán Thầy. Thiên Chúa cũng không kết án ông. Bởi như Thánh Augustinô đã nói: “Thiên Chúa không bỏ rơi con người trừ khi con người bỏ rơi Thiên Chúa”. Nhưng chính Giu-đa đã chối từ Thiên Chúa.
Cuộc đời Giu-đa là một bi kịch, nhưng chính bi kịch đó của ông cũng đã để lại cho nhân loại những bài học sâu sắc về tình người, về lòng trung thành, nhất là cảnh tỉnh con người trước những tư tưởng tham lam, những ước vọng hão huyền ở đời tạm này.
Vào mỗi mùa chay thánh, khắp các thánh đường Công giáo Việt Nam lại vang lên những câu kinh, những điệu ngắm thảm thiết để tưởng nhớ cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Trong số những con người đã gây nên cái chết của Chúa Giê-su, Giu-đa hiện lên trong lòng đạo đức bình dân của các ki-tô hữu như một tội đồ với tội lỗi khủng khiếp, không đáng được dung tha, và do đó, thâm tín rằng: “Giu-đa phải sa hoả ngục.”
Tuy nhiên, nếu đặt Giu-đa trong đại dương thương xót bao la của Chúa thì không ai có quyền kết án ông như thế. Giu-đa đã đau khổ tột cùng đến độ chán ghét bản thân và không thể tiếp tục sống với tội lỗi xấu xa của mình phải chăng cũng là một sự hối lỗi tận căn. Cái sai của Giu-đa có lẽ là ông đã không dám đối diện với ánh mắt của Chúa như Phê-rô đã làm mà lại tự định đoạt số phận của mình. Nhưng biết đâu, khi chút thần khí cuối cùng trong ông sắp cạn kiệt bởi chiếc dây thừng xiết chặt quanh cổ, ông vẫn kịp thân thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”
Không ai có thể kết tội người khác khi bản án chưa được đưa ra bằng một phiên toà được xét xử công khai và đúng luật. Tin mừng không có bản án nào cho Giu-đa hà cớ gì chúng ta lại kết án ông?
Do đó, nghĩ tới bi kịch Giu-đa, chúng ta cũng không khỏi chất vấn bản thân mình để có những thái độ chừng mực trong cuộc sống, trong cách ứng xử trước những bất toàn và tội lỗi của tha nhân. Là con người, chúng ta thường thấy cái rác trong con mắt người khác mà cái xà trong con mắt mình thì lại không để ý tới (x. Mt 7,3). Bởi thế, chẳng nên khinh chê người khác khi chúng ta không biết rằng mình đang ở đâu trong các cấp độ hoàn hảo nơi tạo thành của Chúa. Chúa Giê-su cũng dạy rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1). Vậy, làm sao có thể kết án tha nhân khi chúng ta không biết rõ hết những hoàn cảnh, lý do, động cơ thúc đẩy một người hành động. Nhất là, với bản tính đầy yếu đuối, không ai trong chúng ta dám chắc rằng mình còn có thể lương thiện được đến lúc nào!
An-tôn Nguyễn Minh Tâm, k.13
Trích từ Tập san Đức tin và Văn hóa, số 12
 
[1] William Barclay, Tin mừng theo thánh Lu-ca, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, 250.
 
Nguồn tin: