Giá Trị Của Sự Thinh Lặng

Fri,22/03/2019
Lượt xem: 12071

 Sách Châm Ngôn viết: “Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28). Chúng ta đang sống trong một thế giới ô nhiễm tiếng ồn. Do đó, sự thinh lặng rất cần thiết cho mỗi người. Tiếng nói, tiếng cười của chúng ta nhiều khi còn gây mất đi sự tĩnh lặng cần thiết cho chính mình hay người khác. Có những người nói nhiều vì thói quen. Có những người nói nhiều vì muốn thể hiện “đẳng cấp sự hiểu biết” của mình. Có những người thích ồn ào vì thinh lặng sợ lương tâm của mình gào thét. Họ chưa nhận biết được giá trị đích thực của sự thinh lặng, hoặc đã nhận biết nhưng không thể kiềm chế được miệng lưỡi. Vậy đâu là “GIÁ TRỊ CỦA SỰ THINH LẶNG”, nhất là sự thinh lặng trong đời sống tu trì? Chúng ta cùng tìm hiểu một vài nét về giá trị của nó qua nội dung dưới đây.

I. CÁC HÌNH THỨC THINH LẶNG
1. Thinh lặng bên ngoài
Thế giới quanh ta có quá nhiều âm thanh: âm thanh của đất trời, của thiên nhiên, của con người. Cuộc sống lúc nào cũng ồn ào sôi động. Sống giữa dòng đời ồn ào và náo nhiệt, nhiều khi chúng ta cảm thấy khó chịu vì có những âm thanh gây căng thẳng, làm tổn hại sức khỏe.
Thinh lặng không có nghĩa là không nói. Câm. Mặt mày lúc nào cũng lầm lì, lặng lẽ, buồn rầu. Thinh lặng bên ngoài là chúng ta giữ gìn tiếng nói, giao tiếp vừa đủ nghe, tránh làm những việc gây ồn ào, nhất là khi sử dụng những phương tiện vui chơi giải trí với âm thanh quá lớn khi không cần thiết. Nói là một nhu cầu giao tiếp không thể thiếu được trong đời sống xã hội loài người. Nói là chức năng bẩm sinh của con người, là ân huệ mà Thiên Chúa chỉ dành riêng cho con người mà thôi. Loài vật không biết nói. Mục đích của tiếng nói là chuyển tải một ý tưởng hay một thông tin nào đó tới người nghe. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lạm dụng nó nên đã gây phương hại đến những người xung quanh. Nên nhớ rằng, lời nói có thể làm cho người ta quý mến hay ngược lại bị người ta xa lánh. 
Ngày nay, người ta hay nói đến nhiều thứ nghiện như: rượu, thuốc lá, xì ke, ma túy, nghiện internet, facebook, nhưng còn một số người nghiện thứ khác nữa; đó là chứng nghiện nói. Có người mắc chứng bệnh “nghiện nói bẩm sinh”. Họ nói thao thao bất tuyệt, nói khắp mọi nơi, mọi lúc; nói trên tàu, trên xe, trên máy bay, khi đi đường, trên bàn ăn, trong lớp học, hay ngay cả trong những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, nhà thờ. Họ nói như chưa bao giờ được nói. Thử hỏi trong cuộc sống ai cũng muốn nói mà không chịu nghe thì sẽ như thế nào? Có người không chịu được sự thinh lặng bên ngoài nên mỗi khi ở một mình thì họ lại bật máy nghe nhạc, casset, tivi… Một khi chúng ta không biết giữ cái gì riêng cho mình, chúng ta có nhu cầu phải nói ra hết; cái tốt cũng như cái xấu. Như vậy chúng ta sẽ không sống được với các bí mật của chính mình hay của người khác. Khi chúng ta nói nhiều, chúng ta thường đặt mình vào trọng tâm của mọi vấn đề, lấy mình làm thước đo và mẫu mực để tất cả mọi sự đều phải quy chiếu nơi mình. Nếu chúng ta không giữ được thinh lặng bên ngoài thì chúng ta cũng sẽ không thể nào giữ được thinh lặng bên trong.
2. Thinh lặng bên trong
Thinh lặng bên trong là một dạng thinh lặng nội tâm, nghĩa là chúng ta thả lỏng tâm hồn, không suy nghĩ bất cứ một điều gì, loại bỏ mọi tư tưởng bực dọc, ghen gét, hận thù, những lo toan cơm áo gạo tiền ra khỏi tâm trí. Chúng ta để tâm hồn ở trạng thái tĩnh lặng một cách vô tư, thoải mái, không để bất cứ một điều gì làm xáo động nó. Khi nói đến thinh lặng, Jean Harang nói: “Giá trị của một con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không cầu nguyện bằng lời, mà là bằng cách chìm đắm trong sự tĩnh lặng”. Thinh lặng nội tâm là một món quà vô cùng quý giá nằm ngay trong tâm hồn mỗi người nhưng nhiều khi ta lại không nhận ra, không đánh giá đúng với giá trị của nó. Tuy nhiên có những người lại rất sợ thinh lặng vì lúc ấy họ phải đối diện với chính lương tâm mình, là tiếng nói của công lý, sự thật và tình yêu. 
Trong đời sống tu trì, việc sống thinh lặng là một đòi hỏi gắt gao đối với các tu sĩ.  Các nhà đào tạo, các bề trên hội dòng, luôn quan tâm đến sự thinh lặng trong cộng đoàn cũng như cá nhân, vì nó được gọi là một nhân đức và giúp rèn luyện những nhân đức khác. Chính vì thế, bất kỳ dòng tu hay chủng viện nào người ta cũng đề cao sự thinh lặng nội tâm và còn đưa nó vào trong nội quy cần thiết cho sinh hoạt cá nhân và tập thể. Thần học gia Henri de Lubac cho rằng: “Chúng ta chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sống nội tâm”. Tuy nhiên, muốn giữ thinh lặng nội tâm thì trước hết cần phải giữ thinh lặng bên ngoài, nhất là miệng lưỡi của chúng ta. Sự thinh lặng nơi mỗi người thường chịu ảnh hưởng bởi những xúc cảm tâm sinh lý, âm thanh từ bên ngoài.
II. THINH LẶNG TRONG ĐỜI SỐNG DÂNG HIẾN
1. Thinh lặng để tránh nguy cơ phạm tội
Thinh lặng có giá trị vô cùng trong cuộc sống, nó mang lại nhiều điểm thiết yếu cho bản thân và cộng đoàn. Do đó, các tu sĩ xem thinh lặng như một kỷ luật cần thiết để giúp các thành viên tự rèn luyện bản thân, tránh nguy cơ phạm tội và dành thời gian sống thân mật với Thiên Chúa.
Nhìn vào công trình tạo dựng, Thiên Chúa sáng tạo con người với những cơ quan, bộ phận khác nhau để bổ túc cho nhau và giao cho chúng những nhiệm vụ riêng biệt. Ngài sáng tạo con người có hai tai, hai mắt nhưng chỉ có một cái miệng. Điều này nói cho chúng ta biết rằng, hãy quan sát thật nhiều, thật kỹ trước khi phát ngôn. Vì trong thực tế có những sự việc chúng ta chỉ biết được qua khả giác, những hiện tượng bên ngoài, còn bản chất bên trong sự việc như thế nào thì ta không thể biết nó như chính “nó là” được. Tương tự như vậy, chức năng của tai là là để nghe. Lắng nghe là thể hiện sự khiêm nhường và đón nhận. Thiên Chúa dựng nên con người có hai tai nhưng chỉ một cái miệng. Vậy điều này nhắc nhở chúng ta hãy nghe nhiều nhưng nói ít. Sách Châm Ngôn viết: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 10, 19). Nhiều khi chỉ cần một lời nói không đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng dẫn đến mất tình anh em, bạn bè xa nhau, thậm chí có những lúc xảy ra những chuyện khó lường, vượt tầm kiểm soát, chỉ vì một câu nói thiếu kiềm chế, không hợp hoàn cảnh. Thiện ác nhiều lúc nằm ở chính môi miệng của chúng ta. Thinh lặng không phải là một thái độ nghỉ ngơi, tránh mọi việc khỏi phải liên lụy đến mình. Trái lại, thinh lặng là một cách thực hành các thái độ thiết yếu để bắt chúng ta phải theo đuổi một đòi hỏi đạo lý; sửa các lỗi lầm của chúng ta, chiến đấu để chống lại một số thói hư tật xấu và mở lòng ra với Thiên Chúa. Khi nói nhiều chúng ta vô tình đánh mất cơ hội để nghe. Trong cuộc sống lắng nghe mới làm cho người ta lớn lên chứ không phải nói nhiều. Sách Khôn Ngoan viết: “Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan, còn kẻ ba hoa thì đáng ghét”(Kn 20, 5). Có những người nói nhiều vì muốn thể hiện sự hiểu biết của mình trước người khác. Tuy nhiên tri thức nhân loại được chứa đựng trong mọi trí não của mỗi người chứ không dành riêng cho một cá nhân hay tổ chức nào. Nói cách khác, không một cá nhân nào được phép giữ riêng cho mình tri thức nhân loại. Ngay cả một nhà khoa học đi chăng nữa thì đối với tri thức hiểu biết của ông ta chỉ gói gọn trong một lĩnh vực nào đó mà thôi. Như vậy tri thức ấy khác nào chỉ là giọt nước giữa đại dương bao la. Như vậy thinh lặng để có cơ hội nghe nhiều hơn, thể hiện sự đơn sơ khiêm nhường và đón nhận ý kiến người khác, không những nhiều lúc tránh được nguy cơ phạm tội, nhất là tội kiêu ngạo, mà còn để lắng nghe tiếng Chúa nơi cung lòng mình.
2. Thinh lặng để trở về với chính mình
Trên mặt hồ trong xanh phẳng lặng, khi soi mình xuống đó chúng ta sẽ thấy được hình ảnh của ta hiện ra một cách rất rõ ràng. Mặt hồ càng phẳng lặng bao nhiêu, hình ảnh của chúng ta hiện ra càng rõ nét bấy nhiêu. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ cần ném một viên sỏi nhỏ xuống mặt hồ gần đó, nó sẽ tạo nên những lớp sóng nhỏ lăn tăn làm cho hình ảnh của ta méo xệch, chập chờn, mờ đi, không thể nào quan sát được. 
Tương tự như thế, muốn nhìn vào tâm hồn chúng ta để thấy nó rõ nét, đúng với những gì của nó, thì chúng ta cũng phải để tâm hồn yên tĩnh, phẳng lặng như mặt hồ kia, không để cho bất cứ một vật gì rơi vào tâm hồn để làm khuấy động nó. Những vật tạo nên lớp “sóng” trong tâm hồn chính là những lo lắng bối rối hay những toan tính trong cuộc sống, nhất là trong tâm hồn còn chứa đựng những hận thù, ghét ghen, kiêu căng. Trong hoàn cảnh ấy chúng ta không thể nào nhận ra chính mình. Sự thinh lặng giúp chúng ta làm chủ mọi xúc cảm bản thân, có thời gian để chế ngự các giác quan, điều hoà bản thân theo hướng tích cực. Khi thinh lặng chúng ta có cơ hội tìm về với chính con người thật của mình, buộc phải đối diện với lương tâm của mình để nhận ra bộ mặt thật của nó. Tuy nhiên việc giữ gìn thinh lặng là một thách đố đối với mọi người. Nữ tu Trần Thị Giồng, Tiến sỹ tư vấn tâm lý, đưa ra nhận định như sau: “Con người ngày nay khó mà ở một mình, sống thinh lặng để đi sâu vào chính con người của mình là một điều gần như không thể được. Nếu bắt buộc đối diện với chính mình trong một căn phòng thinh lặng, chỉ một mình mình với Chúa thì họ thường mở ngay cái máy nghe nhạc, karaoke hay truyền hình”.
Chuyện ngược đời trong cuộc sống mỗi người là chúng ta có thể khám phá những chuyện xa xôi ở tận trên không trung hay dưới đáy đại dương mênh mông, nhưng lại rất khó để biết những chuyện xảy ra nơi tâm hồn mình. Gặp gỡ chính mình chỉ có thể khi chúng ta biết thinh lặng, khiêm nhường, can đảm nhìn thẳng vào tâm hồn. Khi ấy chúng ta mới biết được chúng ta là ai, và có vai trò nào trong trong thế giới này? Chúng ta từ đâu đến rồi đi về đâu? Các nhà tu đức còn xem thinh lặng là một nhân đức quan trọng mà người tu sĩ cần phải kiên trì học tập, nhằm giúp cho họ chìm sâu trong đời sống nội tâm và đời sống ân sủng. Tiếng nói sâu thẳm nơi con tim của mỗi chúng ta mặc dầu không có những âm thanh nhưng lại là tiếng nói vô cùng quan trọng, có khả năng lấn át mọi âm thanh khác; đó là tiếng nói của sự thật, của chân lý và tình yêu. Vì thế, ai đó đã có lý khi nói rằng: “Tĩnh lặng cũng là khởi điểm của đời sống tâm linh, thay đổi và lớn lên, giúp phong phú hóa và làm sung mãn cuộc sống, là món quà vô cùng quý giá của đời người”. Thing lặng giúp cho chúng ta trở về với chính mình, lắng nghe và đón nhận tiếng nói nội tâm, nơi xuất phát mọi tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta.
3. Thinh lặng để gặp gỡ Thiên Chúa
Thinh lặng là một thách đố thiêng liêng đối với các tu sĩ, vì thế nó đòi hỏi phải dấn thân toàn bộ bên trong cũng như bên ngoài, tâm lý cũng như thể lý, và đối với cả tình cảm. Người tu sĩ cần sống thinh lặng chừng nào có thể. Vì sống trong sự ồn ào rất khó để nhận ra chính mình và gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa nói trong thinh lặng. Vì thế người tu sĩ cần sự thinh lặng để có thể lắng nghe tiếng Chúa. Thinh lặng giúp tu sĩ chìm sâu trong đời sống cầu nguyện. Để gặp gỡ Thiên Chúa, người tu sĩ không chỉ có tham dự thánh lễ, đọc kinh, hát những bài thánh ca du dương, hay tham dự những buổi nghi thức phụng vụ khác, nhưng còn phải biết giữ gìn và quý trọng sự thinh lặng. Chúa Giêsu luôn hiện diện và chờ đợi chúng ta trong thinh lặng. Trong thinh lặng Ngài sẽ lắng nghe tiếng nói của chúng ta, và trong thinh lặng, Ngài sẽ nói với tâm hồn chúng ta. Trong thinh lặng chúng ta sẽ được nghe tiếng Ngài. 
Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, nhất là vào thời Trung Cổ, phong trào ẩn tu nở rộ khắp nơi. Nhiều bậc thánh nhân đã chọn đời sống thinh lặng, tránh xa thế gian, vào nơi sa mạc, lên rừng, hay vào các tu viện kín để sống đời chiêm niệm, mong được có không gian thinh lặng để sống thân mật với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài. Người tu sĩ luôn luôn phải biết trân quý sự thinh lặng. Sách Ai ca viết: “Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA, đó là một điều hay” (Ac 3,26). Chúng ta là những con người trần gian, mang nặng tính xác thịt yếu đuối, lệ thuộc vào các yếu tố tâm sinh lý nên rất khó để sống “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Chính vì thế, chúng ta không thể gặp gỡ được Thiên Chúa trong một môi trường ồn ào náo nhiệt như sàn nhảy, quán karaoke hay tiệc tùng được.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng thánh Giuse không nói một lời nào, luôn sống trong thinh lặng. Nhờ đó ngài lắng nghe được tiếng Chúa vọng lên trong tâm hồn mình, và đã âm thầm thực hiện ý của Thiên Chúa, bảo vệ Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria khỏi cuộc tàn sát của Hêrôđê (Mt 2, 13-18). Đức Maria cũng đã suốt đời thầm lặng để lắng nghe tiếng Chúa, chăm sóc gia đình và luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu suốt ba mươi năm sống âm thầm lặng lẽ với cha mẹ ở làng Nazaret đến mức dân làng không nhận ra Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa. Họ ngạc nhiên khi thấy Ngài đi rao giảng, nhất là sự khôn ngoan của Ngài (Mt 13, 53-58; Mc 6, 1-6; Lc 4, 16-30). 
Trước khi thực hiện một việc gì, Chúa Giêsu thường cầu nguyện để nhận ra tiếng nói của Cha Ngài. Nơi cầu nguyện của Ngài là những chốn tĩnh lặng, nơi thanh vắng, tránh sự ồn ào náo nhiệt của thế gian như trong sa mạc, trên đỉnh núi. Giờ cầu nguyện của Ngài thường là khi màn đêm buông xuống, lúc mà con người cũng như mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ. Trong vườn Giêtsimani, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đằng kia cầu nguyện” (Mt 26, 36), hay khi “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Như vậy chỉ có thời gian, không gian và tâm hồn tĩnh lặng chúng ta mới có cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa.
4. Tĩnh tâm: thời gian thánh
Chiếc xe máy muốn được an toàn và kéo dài tuổi thọ, chúng ta phải biết chăm sóc, giữ gìn và đem nó đi bảo dưỡng định kỳ sau một thời gian sử dụng. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, chiếc xe còn có thể được bảo dưỡng bất kỳ lúc nào nhằm mang lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Đời sống tâm linh của mỗi người nói chung và tu sĩ nói riêng cũng vậy, sống giữa dòng đời ồn ào và sôi động, có biết bao loại “bụi bặm”  đeo bám làm vấy bẩn tâm hồn chúng ta. Trong một môi trường ô nhiệm như thế làm sao chúng ta dám khẳng định được rằng mình trong sạch.  
Hành trình theo Chúa cũng giống như chiếc xe máy vậy. Chúng ta cần có thời gian dừng lại để “kiểm tra định kỳ” lương tâm của mình xem tình trạng của nó ra sao. Tĩnh tâm là dịp tốt nhất, một thời gian thinh lặng tuyệt vời để mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân, trở về với chính mình. Tận dụng thời gian quý giá này để chúng ta “nạp thêm năng lượng” mà thánh hóa bản thân. Đây cũng là thời gian để các tâm hồn phản tỉnh xem mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng như với anh em như thế nào. Nếu “chiếc xe linh hồn” của chúng ta cứ tiếp tục hành trình giữa dòng đời nhiều thách đố mà không có thời gian nghỉ để “bảo dưỡng”, chắc nó sẽ không an toàn. 
Đời tu mặc dầu được sống trong “nhà Chúa”, nhưng làm sao trách được những “hạt bụi cuộc đời”. Có những hạt bụi từ bên ngoài bám vào thân thể làm dơ nhớp áo quần cũng như thân xác; đó chính là những hình ảnh, âm thanh “không trong sạch”, làm vẩn đục linh hồn chúng ta. Có những vết nhơ không phải từ bên ngoài vào, nhưng là từ bên trong; đó là những tế bào trong thân xác thải ra theo quy luật đào thải tự nhiên. Linh hồn chúng ta cũng thế; đó là những thói hư tật xấu, ghen ghét, đố kỵ, kiêu căng… đã làm cho “chiếc xe linh hồn” bị bào mòn, chết dần, nếu không được “bảo dưỡng” qua các kì tĩnh tâm. Đời sống thánh hiến là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa dành cho một số ít người được tuyển chọn, nhưng nó cũng đâu xóa được bản tính mỏng dòn yếu đuối nơi con người. Hai cái nến, một cái được làm phép và cái kia thì không; khi thắp lên, hai cái đều tiêu hao như nhau, nếu đem chúng ra trước gió thì chiếc nến đã được làm phép cũng có thể bị tắt như chiếc nến kia. Vì thế, thánh Phaolô Tông đồ nói rằng: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Vậy thời gian tĩnh tâm là dịp vô cùng cần thiết để mỗi người sống với Chúa trong thinh lặng. Tĩnh tâm là dịp để “chiếc xe linh hồn” của chúng ta được bảo dưỡng lại một cách kỹ càng và “nạp thêm năng lượng” nhằm vượt qua những “chướng ngại vật” trong cuộc hành trình mới. 
Kết Luận
Thinh lặng là bài học quan trọng giúp ta lớn lên trong cuộc sống. Trong thinh lặng chúng ta khám phá ra thế giới nội tâm với những điều bí ẩn tận trong thâm sâu của cung lòng. Khi thinh lặng chúng ta có nhiều cơ hội để lắng nghe tiếng Chúa và tránh được những nguy cơ phạm tội do chính miệng lưỡi gây nên. Thinh lặng chính là mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa, đồng thời bảo đảm cho sự hiệp thông huynh đệ, nó còn là khởi điểm sự thay đổi và lớn lên của đời sống tâm linh của mỗi người. Chỉ có trong thinh lặng người ta mới có thể nhận ra được con người thật của mình cũng như mọi vật xung quan một cách khách quan như chính nó là. Tuy nhiên, thinh lặng là điều thật sự không dễ chút nào, nó đòi hỏi một sự khiêm nhường, hy sinh, từ bỏ, một sự kiên cường của ý chí của mỗi người. Phúc cho những ai biết giữ miệng lưỡi và tâm hồn bình thản trước mọi biết cố cuộc đời cũng như sự đổi thay của xã hội. Đó là những tâm hồn biết tin tưởng và phó thác, chấp nhận sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong cuộc đời. Đó là người chiến thắng.
Giuse  Nguyễn Văn Thương, K.XI
Trích từ Tập san Đức tin và Văn Hóa, số 4
 
Nguồn tin: