Độc Thân Dâng Hiến Dưới Nhãn Quan Hiện Sinh Của Jasper Và Marcel

Fri,15/03/2019
Lượt xem: 2390

 Thế kỷ XXI là thời kỳ bùng nổ  của khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Toàn cầu hóa làm cho thế giới không chỉ trở thành ngôi nhà chung, mà nó còn cổ vũ cho biết bao trào lưu sống hiện đại: sống thử, sống chung, sống hưởng thụ, sống duy vật chất và đồng tiền trở thành thước đo của mọi giá trị. Thêm vào đó, chủ nghĩa tương đối được đưa vào hầu như tất cả các lĩnh vực, ngay cả đạo đức và văn hóa. Điều này đã đẩy đến một lối sống ăn chơi, hưởng thụ. Để được như thế, con người lao vào kiếm tiền, đồng tiền trở thành thần tượng và là cái khẳng định đẳng cấp của con người trẻ. Dưới mắt nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ thì một bộ phận người trẻ đi tu chỉ là những con người thiếu bản lĩnh, hay trốn tránh trách nhiệm với đời, thậm chí là những con người “ điên, khùng”. Nhận định này có đúng hay không? Ta thử xét xem những con người “khác người” này dưới lăng kính hiện sinh của Jaspers và Marcel.


1. Ngã rẽ cuộc đời: Lập gia đình hay đi tu.

“ Ngã rẽ cuộc đời” chính là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của con người, là thời điểm một con người bình thường đi tìm “ nửa còn lại” của mình để kết hợp thành một mái ấm yêu thương. Văn hóa Việt Nam có câu: “trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng”. Đó là quy luật từ ngàn đời của việc dựng vợ gả chồng.  Con người được cho là đã để tuổi khôn “xuân xanh tới tuần cập kê”( Truyện Kiều, Nguyễn Du), thì không phải do sức ép nào cả nhưng theo bản năng, họ đi tìm nửa còn khuyết của mình. Chính Kinh Thánh đã viết: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà luyến ái vợ mình và cả hai sẽ nên một xương một thịt”(Mt 19,5). Chính nhờ hôn nhân làm cho sự hợp nhất nam nữ được trọn vẹn trong chương trình của Đấng Tạo Hóa. Nó cũng là việc bình thường và là quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, quan niệm về hôn nhân thì khác nhau ở một số nước và theo thời đại. Ở một số nền văn hóa thì theo chế độ gia trưởng, một số khác thì theo mẫu hệ. Ở Phương Đông, một số quốc gia phong kiến cho phép “ trai năm thê bảy thiếp”, nhưng “ gái chính chuyên thì một chồng”. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia Tây Phương và các châu lục, chế độ một vợ một chồng được pháp luật và văn hóa bảo hộ. Đây chính là sự hợp nhất và đơn nhất của hôn nhân Ki-tô giáo. Hiện nay, thực tế đang có một số khiếm khuyết hay bất bình thường trong hôn nhân như hôn nhân đồng tính, đơn thân nuôi con, độc thân không đi tu nhưng để bồ bịch. Đây chỉ là một bộ phận nhỏ ở một số quốc gia, còn hầu hết ai cũng coi hôn nhân là chuyện quan trọng và đích đến của họ. Tuy nhiên, đối lập với các xu thế này, có một bộ phận không nhỏ những người trẻ, mặc dù hiểu rất rõ giá trị của hôn nhân, quyết định sống độc thân để dâng hiến cuộc đời cho một lý tưởng, giá trị  hay thần linh mà họ tôn thờ. Họ là những tu sỹ sống cộng đoàn ở dưới các tu viện, nhà chùa hay các chủng viện... Hầu hết các tôn giáo và tín ngưỡng đều có một số bộ phận con người sống độc thân dâng hiến cuộc đời họ theo tôn chỉ và linh đạo của tôn giáo đó. Khác với các tu sĩ Chính Thống, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... các tu sĩ Ấn Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, Nho Giáo... sống độc thân để cố gắng tu thân, phổ độ chúng sinh hay phục vụ con người cách đắc lực hơn. Giáo Hội Công Giáo cũng có một bộ phận rất lớn người tu sỹ. Họ quyết định sống độc thân dâng hiến đời mình vì Nước Trời (Mt19,20 ) và để yêu người, phục vụ  Giáo Hội cùng tha nhân cách đắc lực hơn. Có thể động lực đi tu ban đầu của những con người này rất đa dạng, nhưng dần dần theo thời gian “ gạn đục khơi trong”, họ tiến tới lý tưởng của đời mình là yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, lý tưởng họ hướng tới là cái gì đó vượt lên trên và cũng rất khó hiểu. Điều này thì khác hẳn với các tu sỹ của Chính Thống, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... có thể lập gia đình khi họ đảm nhận trách vụ của người tu sỹ. Trong các tôn giáo này, người ta vẫn  tôn trọng và quý mến những con người độc thân phục vụ hơn. Thậm chí, ngay cả những người vô thần cũng thích xây dựng thần tượng của mình là những con người độc thân, mặc dầu thực tế có thể rất tồi tệ. Tại sao vậy? Phải chăng những người độc thân phục vụ cộng đoàn là những con người siêu việt hay là những kẻ điên, khùng? Một số người trẻ hôm nay tôn thờ chủ nghĩa độc thân như: họ có thể sống một mình mà vẫn có con, hay có thể quan hệ với bất cứ ai theo dạng “ ăn bánh trả tiền”, một số dành cả đời mình cho sự nghiệp và lý tưởng của tổ chức... Vậy họ có gì khác biệt với các tu sĩ? Ta sẽ nghiên cứu dưới đây.

2. Đi tu dưới lăng kính siêu việt của Jaspers.

Trước tiên, dưới nhãn quan siêu việt của Jaspers, ta có thể thấy rằng những tu sỹ Công Giáo những con người có một cái gì đó vượt lên trên những giới hạn của kiếp người. Không những thế, mục đích và hoạt động của họ cũng có cái gì đó hướng thượng hơn. Trước khi soi vào con đường hiện sinh của các tu sỹ, cũng nên biết trước rằng, đối với Jaspers, siêu việt có hai nghĩa đó là nghĩa thông thường và nghĩa là Đấng Siêu Việt hay Siêu Việt Thể. Theo nghĩa thông thường, siêu việt có nghĩa là lúc con người hiện sinh đối diện với những giới hạn của kiếp người đó là đau khổ, sự chết và tội lỗi. Đấng Siêu Việt Thể là chính là Đấng Bao Dung Thể hay chính là Thượng Đế. Tương quan để xét tới con đường siêu việt chính là khả năng yêu thương và khả năng thông giao. Độc thân dâng hiến xét dưới lăng kính siêu việt sẽ được xem xét dưới màu sắc tôn giáo, mà ở đây chính là người tu sỹ Công Giáo. Theo phương pháp của Jaspers, con đường để xét dưới lăng kính siêu việt chính là phương pháp “soi vào”.  Chính Jaspers không có quan niệm hay đánh giá về con người tu sỹ. Hơn nữa, dưới con mắt của Jaspers, tôn giáo ngăn cản con đường siêu việt vì nó mang một đức tin sùng bái và mang màu sắc mê tín. Tuy nhiên, với con người tu sỹ Công Giáo ta sẽ thấy được một bộ mặt hoàn toàn khác hẳn khi soi vào hiện sinh của họ. Trước hết, đối với người độc thân dâng hiến, tôn giáo luôn cần thiết cho chính bản thân họ và việc tôn thờ Thượng Đế, hay Thiên Chúa, không phải là mang tính chất sùng bái mù quáng, mà là tương quan liên ngã vị. Một tương quan với Thượng Đế vô cùng thân mật như cha con, hiền thê. Thiên Chúa không phải là Đấng xa vời nhưng rất gần gũi với con người. Chính việc tôn thờ Thiên Chúa không dừng lại ở thái độ an nghỉ mà nó phải tiến triển không ngừng. Họ phải luôn cố gắng đào sâu và phát triển mối tương quan không ngừng với Thượng Đế. Đó chính là đời sống cầu nguyện, chiêm niệm, chiêm ngắm và suy tư về Thiên Chúa không ngưng nghỉ. Việc cầu nguyện không phải là sùng bái, nhưng là nói chuyện với Thượng Đế như cha con, vợ chồng, anh em... rất gần gũi và thân thương. Thậm chí, một số tu sĩ có thể thông giao trực tiếp đàm đạo hay có kinh nghiệm tương giao với Thiên Chúa như thánh Faustina, Tê-rê-sa Avila, Gio-an Thánh Giá, Phan-xi-cô Assisi... Cầu nguyện chính là sự thông giao với Thượng Đế. Thứ đến, việc tôn thờ Thiên Chúa và phụng sự Ngài của người tu sỹ  không phải là một thái độ an nghỉ hay mê tín, nhưng dựa trên lý trí và kinh nghiệm thực tế. Để hiểu biết về Đấng Siêu Việt, người tu sỹ phải học tập, nghiên cứu và suy tư không ngừng. Nền tảng của việc suy tư không chỉ dừng lại ở kinh nghiệm tâm linh, mà còn phải dựa trên lý trí và thế giới tự nhiên nữa. Có rất nhiều nhà triết học đã dùng lý trí của mình mà chứng minh có Thượng Đế như ngũ đạo của Thánh  Tô-ma Aquinas, Tam đạo của thánh Bo-na-ven-tu-ra, Au-gut-tin, Anselmo... Thứ ba, đứng trước những giới hạn của kiếp người, người tu sỹ không oán trách, lùi bước mà trái lại, cố gắng vượt qua và cố gắng đứng dậy sau khi vào ngã, vì tin tưởng vào Đấng Siêu Việt cũng như sự mỏng manh của kiếp người.  Đứng trước đau khổ, sự chết và tội lỗi, hầu hết mọi người đều né tránh, sợ sệt, thất vọng và cuối cùng là chạy trốn nó. Họ khóc lóc, kêu van và thậm chí là tự kết liễu cuộc đời mình như Hit-le,Giu-đa,... và hiện nay là chọn an tử và quyền ưu sinh. Đối lại, người tu sỹ đứng trước những giới hạn đó lại không oán trách, mà vui vẻ chấp nhận, tín thác vào chương trình của Đấng Siêu Việt. Nếu vấp ngã thì lập tức trỗi dậy. Phê-rô đã khóc trước tội lỗi chối Chúa, vì yếu lòng tin và sợ hãi trước “ sức mạnh của một nữ tỳ gác cổng”. Tuy nhiên, ông khóc không phải vì thất vọng. Ông khóc vì cảm thấy thân phận mỏng dòn của kiếp người và mất sự tin tưởng vào Chúa. Ông đã khóc để lấy lại sinh lực trỗi dậy quay về với Chúa sau khi vấp ngã. Sự trở về này còn được thể hiện nơi biết bao con người như: thánh Phao-lô, thánh Au-gút-ti-nô, thánh Giu-se Ngôn, thánh Phê-rô Cột... Cuối cùng, người tu sỹ đi vào trong các tu viện sống không phải là trốn tránh đời ô trọc, lánh xa cuộc đời, an nhiên tự tại.  Nhưng hơn thế, họ vào sống để tu luyện, để gia tăng khả năng yêu thương tha nhân và trau dồi nhân cách để phục vụ cộng đoàn cách đắc lực và hoàn thiện hơn.  Yêu thương với tình yêu phục vụ và dâng hiến. Không chỉ yêu thương như con người mà vượt trên đó là “yêu thương như Thầy đã yêu” , và “yêu thương thí mạng vì bạn hữu mình”, “yêu vì tình yêu và chết vì tình yêu”(Ga 15,13-14). Vượt trên tình yêu nam nữ, người tu sỹ dâng hiến cuộc đời mình vì Nước Trời. Họ yêu Chúa và tha nhân để thể hiện cuộc hiện sinh của họ, là dấu chỉ của người môn đệ Chúa: “ Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 15,12). Biết bao vị thánh là chứng nhân anh dũng của người môn đệ Chúa như:  Ma-xi-li-mi-a Kôn-bê, Tê-rê-sa Calcuta, Elizabeth Hung-ga-ry, Lô-ren-xo phó tế...
Như thế, cuộc sống tu trì không những không hạn chế yêu thương và sự thông giao, nhưng vượt lên trên nó, làm thăng hoa cuộc sống của họ đối với Thượng đế và tha nhân. Thay vì phục vụ cho một số người, cuộc sống tu trì lại giúp cho họ phục vụ được nhiều người hơn. Đó chính là những hành vi biểu lộ cuộc sống hướng thượng về Đấng Siêu Việt của các tu sỹ.

3. Đi tu dưới lăng kính huyền nhiệm của Marcel.

Xu thế sống hướng thượng của các tu sỹ Công Giáo cũng có thể thấy rất rõ khi quan sát dưới nhãn quan huyền nhiệm của Marcel. Đời độc thân dâng hiến của họ thực sự cũng là một huyền nhiệm về mặt chủ quan và khách quan. Tự bản thân, đi tu cũng là một huyền nhiệm. Người tu sỹ đối với tha nhân, vũ trụ và Thượng đế cũng là một huyền nhiệm.
Con đường dâng hiến của một tu sỹ là một chọn lựa hoàn toàn tự do và tự nguyện. Tiến trình này không chỉ một sớm một chiều để quyết định, nhưng họ có những thời gian đào tạo để định hướng, thanh luyện thử thách khá lâu. Từ đó, họ quyết định cách chắc chắn và tự do. Đây là một tiến trình lâu dài để “ không ngoảnh lại khi đã tra tay vào cày” ( Lc 9,62). Hơn nữa, sự khấn vâng phục ba lời khuyên Phúc Âm “khiết tịnh, vâng phục và nghèo khó”, giúp người tu sỹ buông bỏ để sống hiến thân phục vụ Tin Mừng và tha nhân cách đắc lực hơn, trái hẳn với thái độ chiệm hữu của người đời. Đối với nhiều người khi được hỏi tại sao họ đi tu, thì câu trả lời đó là họ không thể trả lời liền được mặc dù họ hiểu con đường họ chọn. Bởi vì, ngay đối với bản thân họ, chọn lựa đó cũng là một huyền nhiệm của bản thân. Lẽ thường, con người khi đến tuổi khôn thì lập gia đình. Từ đó, họ cố gắng vun vén cho gia đình được sung túc, vui sướng và hạnh phúc. Họ có và cứ muốn có luôn mãi. Với người tu sỹ, nói chung,  là những con người khỏe mạnh và có học thức. Họ có đủ khả năng để đảm nhận một mái ấm gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Họ hiểu rất rõ về đời sống gia đình, sự cao quý của đời sống gia đình và đó là một đời sống tốt đẹp. Tuy nhiên, họ muốn vượt lên trên tình yêu chiếm hữu chỉ dành riêng cho hai người, mà dâng tình yêu của mình cho Thiên Chúa và anh em bạn hữu xung quanh mình, người của mọi người ( Hiến Chế về đời sống thánh hiến, số 13). Hơn nữa, sự vâng phục và chấp nhận các lời khấn trong tình yêu mến chính là kim chỉ nam giúp họ hướng về Đấng Siêu Việt. Mặc dù có thể phục vụ cộng đoàn, đôi lúc là trong khu vực nội cấm hay thậm chí là trong bốn bức tường tu viện, nhưng họ ý thức được sự cao quý của ngôi vị mình để từ đó không chỉ yêu thương con người, nhưng yêu thương Thượng Đế cách thiết thân hơn. Với các tăng ni Phật tử, họ sống ép xác từ bỏ để hóa kiếp vào cõi niết bàn và thành phật. Ngược lại, các tu sỹ Công Giáo lại ý thức được sự hữu hạn của con người, họ không thể tự mình giải thoát mà đó là một ân ban của Thượng Đế và cộng tác với ân sủng để vươn lên. Ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người, đặc biệt đối với người tu sỹ là một huyền nhiệm lớn lao.
Người tu sỹ đối với tha nhân và vũ trụ cũng là một huyền nhiệm. Điểm dễ nhận thấy nơi con người đó là sự ích kỷ và lòng ham muốn chiếm đoạt, chiếm hữu,  làm chủ thiên nhiên và con người. Họ sẵn sàng sử dụng thiên nhiên và con người như những dụng cụ, sẵn sàng dùng con người như những bàn đạp để  thăng tiến trên thương trường và chiến trường. Người tu sỹ thì lại khác, “yêu tha nhân như chính mình” (Mt 22,39). Tha nhân chính là bản thân, điểm xuất phát và cùng đích của người tu sỹ. Tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa nên giao tiếp của người tu sỹ dựa trên đối thoại, tôn trọng và phụng sự tha nhân.  Hơn hết trong mọi hành vi và cử chỉ, lòng mến phải được đặt vào và là tiêu chí hàng đầu. Lòng yêu mến là lòng yêu mến vô vị lợi, yêu mà không mong đáp đền. Hơn nữa, người tu sỹ đối với thiên nhiên và sử dụng nó là quá trình khám phá vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người và con người được làm chủ nó.  Sự cải hóa thiên nhiên không để phá hủy nhưng làm cho nó tươi đẹp hơn, tiếp tục công cuộc sáng tạo của Thượng Đế và để phục vụ con người. Sự lao động còn giúp người tu sỹ trưởng thành trong đối thoại với Thượng Đế và tha nhân.
Người tu sỹ dâng hiến đời mình cho Thượng Đế là một huyền nhiệm rõ ràng nhất. mỗi người theo Chúa là một ân ban riêng biệt. Chỉ có họ và chính họ cảm nghiệm được những đánh động và ơn gọi đặc biệt nơi bản thân của mình mà người khác không thể hiểu được. Trái lại, đôi khi điều này là trái khoáy của cuộc đời con người, như một số nhà truyền giáo sẵn sàng bước qua sự ngăn cản của cha mẹ để đi đến nơi các miền truyền giáo, dù biết rằng đến đó sự chết đang chào đón họ.  Nhiều người là kỹ sư, bác sỹ, học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu... tương lai sáng lạn, nhưng họ lại đi “ giam mình” trong bốn bức tường của tu viện. Vì thế, nhiều người cho họ là điên, khùng. Đối với bản thân người tu sỹ, họ nhân ra đó là ân sủng Chúa ban cho họ cách đặc biệt. Vậy thì họ dâng hiến đời mình cho Chúa để làm gì? Người tu sỹ ý thức được bản chất con người mỏng dòn nên ơn gọi chính là quà tặng, ân sủng lớn lao, mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Họ cố gắng phụng sự và sống liên lỷ với Thiên Chúa như là đối tượng duy nhất, là hiền thê hay phu quân của chính họ. Họ yêu và phụng sự Thượng Đế “ hết lòng, hết sức và hết trí khôn” ( Mt 22,37). Tương quan này chỉ họ hiểu được, đó là đời sống cầu nguyện và cầu nguyện được định nghĩa là cuộc nói chuyện với Thượng đế là vì thế. Một số tu sỹ đã nếm trải cuộc sống thần hiệp như thánh Gio-an Thánh Giá, Tê-rê-sa Avilla, Faustina... Họ cầu nguyện và cầu khấn với Đâng Siêu Việt với tương giao như những người bạn tri âm và tri kỷ. Vì Thượng Đế, họ có thể sẵn sàng “tử vì đạo” trong mọi lúc. Thái độ đối với Thượng Đế của người tu sỹ là một huyền nhiệm là vì thế.

4. Kết luận

Tóm lại, qua sự soi sáng và phân tích trên đây, có thể thấy rằng những con người di tu là những con người bình thường nhưng cũng có cái gì đó “ khác người”. Khác người ở đây là cái họ vượt trên cái thưởng nhật của quy luật cuộc sống. Khác vì cái giá phải trả cho cuộc sống hướng thượng này cũng rất đắt. Đó là một cuộc sống cô đơn, luôn bị quấy rầy, luôn bị dèm pha, chỉ trích và đôi lúc là con người thừa của xã hội hiện đại. Hơn nữa, đích nhắm tới và cách sống của họ đã khác con người của cuộc sống thường nhật nên có vẻ như họ đã đi ra ngoài quy luật của cuộc sống hôm nay. Họ chính là những “ con người điên, khùng” khi đang đi theo những giá trị của tôn giáo, cái đang đi lại ngược dòng chảy của thế tục hôm nay. Hay nói khác đi, nơi những con người tu sỹ có một cái gì đó vừa siêu vừa huyền hoặc.

Ant. Nguyễn Văn Trí
 
Nguồn tin: http://dcvphanxicoxavie.com