Đấu Tranh Để Lấy Chất Nuôi Dưỡng

Mon,11/03/2019
Lượt xem: 1926

 Như Chúa Giêsu đã đấu tranh trong vườn Giếtsêmani, chúng ta cũng phải đấu tranh để tiếp tục bám vào điều gì đó vượt quá bản năng tự nhiên của mình, vượt quá lương thực và những thúc bách văn hóa của chúng ta.

Chúng ta đều đấu tranh để không rơi vào sự lạnh lùng và oán ghét. Thậm chí Chúa Giêsu cũng đã trải qua đấu tranh này. Như chúng ta, Ngài đã phải đấu tranh, nhiều lúc cực kỳ dữ dội, để giữ tình nồng ấm và yêu thương.
 
Thật thú vị khi dò điều này trong Phúc âm thánh Luca. Đây là phúc âm của cầu nguyện. Thánh Luca kể ba lần nhiều hơn các Phúc âm cọng lại các lần cầu nguyện của Chúa Giêsu. Hơn nữa, trong phúc âm thánh Luca, các môn đệ Chúa Giêsu được thêm sức nhờ lời cầu nguyện của Ngài. Họ đã thấy được nơi Ngài điều gì đó phi thường, không phải vì Ngài bước đi trên mặt nước hay làm phép lạ, nhưng là vì Ngài không giống chúng ta, Ngài có thể thật sự giơ má cho người ta. Ngài đủ mạnh để không rơi vào trạng thái lạnh lùng khi phải đối diện với sự thù ghét dữ dội đến mức đe dọa mạng sống của Ngài. Trong mọi trường hợp, dù cay đắng đến mấy, Ngài vẫn có thể thấu cảm và tha thứ, không bao giờ hoài nghi về sự chân thực của tình yêu và lòng nhân từ.
Các môn đệ của Chúa Giêsu thấy được Ngài rút lấy sức mạnh này từ một nguồn ẩn kín, một giếng nuôi dưỡng mà Ngài gọi là Cha, một giếng nước mà Ngài múc lấy qua lời cầu nguyện. Vì lẽ này, trong Phúc âm thánh Luca, các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho họ cầu nguyện. Họ cũng muốn rút lấy của nuôi dưỡng từ nguồn này.
Nhưng chúng ta cũng thấy trong Phúc âm thánh Luca, muốn được thế phải trải qua nhiều lần đấu tranh. Đôi khi mọi chuyện có vẻ dễ dàng với Chúa Giêsu, Ngài được yêu thương và thông hiểu, và Ngài rao giảng thật vui vẻ và dễ dàng. Nhưng khi mọi chuyện sụp đổ, khi các thế lực thù ghét bắt đầu bủa vây, khi đa số các môn đệ ruồng bỏ và phản bội, và khi cái chết trở nên rõ ràng, thì cũng như đa số chúng ta, nỗi sợ và hoang tưởng đe dọa chiếm lấy Ngài. Đây đích thực là bản chất cuộc đấu tranh ở Vườn Giếtsêmani, cuộc thống khổ của Ngài.
Nói một cách đơn giản, khá dễ để hiểu, yêu thương và tha thứ sẽ dễ khi chúng ta cũng được đối xử như vậy. Nhưng sẽ là một chuyện khác khi chúng ta làm những điều này để rồi thành cái bia cho sự hiểu lầm, thù ghét, và giết người. Và cũng thế, trong Vườn Giếtsêmani chúng ta thấy Chúa Giêsu kiệt quệ, suy sụp về mặt con người, nằm dài xuống đất, đấu tranh để bám chặt vào nguồn nuôi dưỡng vẫn luôn giữ Ngài trong tin tưởng, yêu thương và tha thứ, cũng như đẩy lùi các hoang tưởng, thù ghét và tuyệt vọng ra xa. Và Ngài chẳng có được câu trả lời cách dễ dàng. Ngài phải cầu nguyện hết lần này đến lần khác, và theo lời thánh Luca, là “đổ mồ hôi máu” rồi mới có thể lấy lại cân bằng và gắn chặt lại vào lòng nhân từ vốn giữ gìn Ngài trong suốt sứ mạng của mình. Yêu thương và tha thứ không phải chuyện dễ dàng. Không rơi vào giận dữ, cay đắng, thương thân trách phận, thù ghét, khao khát báo thù, cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng với Chúa Giêsu.
Và đấy là đấu tranh tinh thần tối hậu của chúng ta, đừng rơi vào phản ứng tự nhiên mỗi khi bị bất kính, bị xem nhẹ, bị làm ngơ, hiểu lầm, thù ghét, hay bị đối xử tệ bạc mức này hay mức khác. Trước những chuyện đó, sự hoang tưởng tự động bao phủ và hầu như toàn bộ tâm hồn chúng ta hợp lại để tạo áp lực, đến mức chúng ta bị ám ảnh mắt phải đền mắt, răng phải đền răng, xem thường đáp lại xem thường, xấu xa đáp lại xấu xa, thù ghét đáp trả thù ghét, bạo lực đáp trả bạo lực.
Nhưng còn có một khả năng khác. Như Chúa Giêsu đã phải đấu tranh cùng cực để không rơi vào trạng thái lạnh lùng và thù ghét, chúng ta cũng có thể rút lấy sức mạnh qua cuống rốn đã nuôi dưỡng Ngài. Chúa Cha, sức mạnh và ân sủng của Chúa, cũng có thể nuôi dưỡng chúng ta.
Trong bộ phim nổi tiếng Cuộc thương khó của Chúa Kitô, Mel Gibson tập trung vào đau khổ thể xác mà Chúa Kitô đã phải chịu trong cuộc khổ nạn và trong cái chết. Một phần điều này cũng có giá trị, vì những đau khổ Chúa Giêsu đã chịu đúng là khá thảm khốc. Nhưng cuốn phim lại bỏ qua vấn đề chính mà chúng ta có thể thấy trong các phúc âm. Các phúc âm hạn chế tối đa việc tập trung vào những đau khổ thể xác của Chúa Giêsu. Với các phúc âm, cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là chuyện thể xác, mà là chuyện tinh thần, cực điểm là tinh thần. Cuộc đấu tranh thực sự của Chúa Giêsu khi Ngài đổ mồ hôi máu trong vườn Giếtsêmani không phải là liệu Ngài có để mình chịu chết hay là viện đến sức mạnh thần linh để thoát thân. Vấn đề thực sự là về cách Ngài sẽ chết. Trong cay đắng hay yêu thương? Trong thù ghét hay tha thứ?
Đó cũng là đấu tranh tinh thần tối hậu của chúng ta, một đấu tranh không phải chỉ gặp trong giờ lâm chung, nhưng gặp mỗi ngày, mỗi giờ. Trong mọi trường hợp trong cuộc sống, dù nhỏ hay lớn, những khi bị làm ngơ, khinh thị, xúc phạm, thù ghét hay bị xâm phạm bất công cách này hay cách, chúng ta phải đối diện với chọn lựa đáp trả: Cay đắng hay thông hiểu? Thù ghét hay yêu thương? Báo thù hay tha thứ?
Và như Chúa Giêsu đã đấu tranh trong vườn Giếtsêmani, chúng ta cũng phải đấu tranh để tiếp tục bám vào điều gì đó vượt quá bản năng tự nhiên của mình, vượt quá lương thực và những thúc bách văn hóa của chúng ta. Làm theo bản năng sẽ không tốt cho chúng ta. Chúng ta cần đi vào điều gì đó sâu xa hơn bản năng của mình.
Lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong các phúc âm Nhất lãm là từ sám hối, metanoia. Metanoia có nhiều nghĩa, và một trong các nghĩa đó là đối lập với paranoia, hoang tưởng. Như thế, chúng ta phải tin dù đang đối diện với bất tín. Hoang tưởng là thứ tự nhiên với chúng ta, sám hối thì không, nó đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh để rút lấy chất nuôi dưỡng từ nguồn thâm sâu hơn.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
 
Nguồn tin: http://www.gplongxuyen.org