Bức Thư Sót Lại Trong Ngôi Mộ Đá

Tue,17/12/2019
Lượt xem: 1704

  Bạn thân mến !                                                                

Tôi muốn viết bức thư này để chia sẻ với bạn về những suy nghĩ ‘rất người’ trên hành trình theo Chúa của tôi. Thực sự tôi không muốn bạn đi lại con đường nơi vết xe đổ mà tôi đã đi qua. Tôi càng không muốn con đường ơn gọi của bạn đi trong giai điệu của bản ‘Gloomy Sunday’[1]: buồn bã, cay đắng và chết chóc. Đã có không ít người chọn con đường theo Chúa, thế nên đừng để mình bị buộc chặt bởi cái nhìn mê đắm của dục vọng, hoan hỷ với cái cợt nhả si mê nơi ‘cái má lúm đồng tiền’ hay với một nụ cười duyên tình tứ của một ‘bóng hồng’ nào đó. Cũng là lẽ thường tình thôi, thế nhưng nếu cứ để nó lan tỏa như một thứ men kích thích thì thời gian sẽ biến nó thành một loại triết lý biện minh tầm thường và xoàng xĩnh. Bạn biết đó, trong những thập niên gần đây, Giáo Hội đã phải đau lòng biết mấy khi nhận thấy có những người đã chọn con đường tận hiến cho Chúa, thế nhưng lại trở thành người gieo rắc tội ác bởi những vụ án lạm dụng tính dục trẻ em và người trẻ. Phải chăng, những hành động đó đang phản bội lại sự tin tưởng, cướp đi phẩm giá và đức tin của những con người vô tội.

Bạn thân mến ! Cái khó của chúng ta là để ‘thuộc trọn về Chúa.’ Bất tín, bất trung là cái được xem như một sự ‘ngoại tình’ mà ta thường mắc phải. Hơn nữa, với những người sống đời độc thân khiết tịnh, dẫu đó là ai, ở địa vị nào thì cám dỗ về một sự ‘ngoại tình’ luôn luôn có. Sự ham muốn về tình dục, danh vọng, địa vị, tiền tài…có thể cướp đi sự chung tình trên con đường theo Chúa của chúng ta. Dẫn chứng về điều đó không phải là một ai xa lạ, nhưng đó là tôi, một người đã từng theo Chúa, nhưng suốt đời lại được mệnh danh là ‘kẻ phản bội.’ Vâng, tôi là Giuđa, nhưng chắc chắn bạn sẽ thắc mắc, hiện tại tôi đang ở đâu? Ở đâu ư! Ở đâu, ‘còn lâu tôi mới nói.’ Đã có những người cho rằng, tôi đang ở Thiên Đàng cùng ‘chén chú, chén bác’ với những chiến hữu năm xưa; cũng có người lại nói, tôi đang giữ vị trí chủ tịch một tập đoàn lớn nhất về lĩnh vực ‘lót đáy địa ngục.’ Tuy nhiên, khuynh hướng chung nơi cảm thức mỗi người thì tôi đang ở rất xa ‘môi trường Thiên Chúa,’ điều đó tôi cũng ‘đành lòng cam chịu’ vậy, bởi trong quá khứ tôi đã đụng chạm tới một vấn đề quá lớn, đó là phản bội lại Thầy mình. Thực sự, sau khi hành động, tôi đã không còn muốn sống để gặp lại Thầy và những anh em của mình nữa. Sự kịch tính trong câu chuyện của tôi và sự gần gũi nơi cuộc sống hiện sinh của bạn đã thôi thúc tôi kể lại cuộc đời mình trong bức thư này.

Về hình dáng, với thế hệ @ này thì chắc chắn chưa ai gặp tôi. Vì tôi đã ra đời trước bạn cách đây gần hai ngàn năm tuổi. Thế nhưng, qua ông Leonardo Da Vinci, thì bạn thấy khá chính xác về tôi. Thực sự, ông ấy tài, nhưng là một người cực kì kĩ tính. Tìm hiểu về hình ảnh của tôi trong bức tranh Bữa Tiệc Ly thì bạn sẽ biết. Ông ấy đã vẽ Thầy tôi đầu tiên, sau đó ông lần lượt hoàn thành hình ảnh của mười một vị môn đệ trong bức tranh. Tuy nhiên, vẫn còn một người cuối cùng chưa được vẽ, đó chính là tôi - Giuđa Itcariốt. Thời gian để hoàn thành bức tranh mất bảy năm, nhưng mất hơn sáu năm ông ấy mới vẽ được tôi. Ông ấy đã phải chu du khắp nơi mới lột tả được thần thái khá chính xác về tôi, một mẫu người đê tiện, hèn hạ, có một chút nhiệt tình nhưng cũng có cả bầu trời bí ẩn trong đó.

Bạn nhìn kỹ thì biết, mười hai môn đệ ngồi cùng bàn ăn, mỗi người một vẻ mặt khác nhau: ba người thì thầm với nhau, ba người tỏ vẻ giận dữ, trong đó có một người đập mạnh tay xuống bàn. Một người lộ vẻ nghi ngờ, một người tỏ ra ngạc nhiên, một người ngồi ngay ngắn tỏ lòng trung thành và hai người nữa lộ vẻ xúc động. Chỉ có một môn đệ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền - đó chính là tôi - Giuđa. Sau lưng tôi là một khoảng tối, còn sau lưng Thầy là hào quang đầy ánh sáng, những tia sáng chiếu vào gương mặt Thầy làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ và cương nghị, trái hẳn với gương mặt gian xảo và mánh khóe của tôi.[2] Nhưng quan trọng hơn, tôi muốn kể về ơn gọi của tôi, nó sẽ thực tế hơn với bạn.

Bạn biết không! Giữa lúc tôi đang lạc lõng bởi gánh nặng cuộc đời thì Thầy cất tiếng gọi. Tiếng gọi của Thầy như nhấc bổng tôi vào quỹ đạo yêu thương. Sự ân cần trìu mến của Thầy như phủ lên cuộc đời tôi một loài hương hoa cứu độ, để rồi tôi như con nai khát tìm được nguồn nước trong. Bạn sẽ không tưởng tượng được tôi đã sung sướng thế nào khi được chính Thầy chọn là người chính thức trong Nhóm Mười Hai, một nhóm đặc biệt nhất của Thầy. Thầy đã thương nhận tôi về ở với Thầy và để Thầy sai đi.

Bạn biết đó! Ở với (x. Mc 3, 14), sống với, sống cùng sống cho, đó là sáng kiến độc đáo của tình yêu Thiên Chúa cứu độ. Bạn không thấy Con Thiên Chúa cũng xuống thế để ở giữa nhân loại đó sao? Tôi được ở với Thầy, là để Thầy dạy cho tôi về những mầu nhiệm Nước Trời, tôi sống với Thầy là để được Thầy giải nghĩa cho biết thế nào là ý nghĩa của việc từ bỏ. Hơn nữa, ở với Thầy là để trở nên con người của Thiên Chúa qua việc trở nên giống Thầy. Có thể nói, tôi là một trong những người may mắn được sống và học tập nơi mái trường của Thầy, mái trường của Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Thực sự, tôi rất biết ơn Thầy. Đáp lại ơn đó, tôi cũng đã cố gắng trở nên con người nhiệt tình, nhanh nhẹn và tháo vát trong cuộc sống. Có lẽ vì thế mà Thầy đã giao việc quản lý tiền bạc cho tôi, một nhiệm vụ rất vinh dự mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Cũng từ ngày đó, tôi theo Thầy bôn ba lên rừng xuống biển để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thế nhưng, mỗi lúc tôi được đi bên người nổi tiếng (Thầy), là những lúc tôi hứng khởi mơ tưởng về một chỗ đứng vinh quang trong tương lai. Bởi vậy, càng ngày tôi càng yêu say đắm vị thần vinh quang đó. Tôi cứ tưởng tượng, sẽ có một ngày không xa, tôi sẽ là vị cận thần hằng ngày được vuốt ve cái ‘vương trượng’ dát đầy vàng trên ngai của Thầy. Thú thực, không chỉ riêng tôi, hầu như các bác, các chú trong Nhóm Mười Hai ai cũng đều ôm ấp một tham vọng riêng tư kín đáo, một hoài bão trần tục mang đậm màu sắc chính trị như thế. Bởi lúc này Đức Giêsu - Thầy tôi đang là một nhân vật nổi tiếng. Thầy đã từng làm nhiều phép lạ, dân chúng đã ùn ùn kéo nhau theo Thầy, họ đòi tôn Thầy làm vua. Đặc biệt, sau phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá, ai ai cũng tin rằng, sớm muộn gì Thầy tôi cũng sẽ làm một cuộc cách mạng, lật đổ đế quốc La Mã, khôi phục một vương quốc Do thái độc lập. Vì thế, lúc ban đầu, anh em chúng tôi theo Đức Giêsu cũng vì muốn được chia chác quyền lực về sau.[3] Chứ không ai nghĩ đến số phận một ngày kia phải rơi đầu đổ máu làm chứng cho Thầy mình như vậy.

Bất ngờ quá phải không bạn, bạn nhớ lại đi, bạn sẽ thấy khá rõ việc này nơi hai người con của ông Dêbêđê là ông Giacôbê và ông Gioan. Hai ông này đã đi bước trước, đến xin Thầy cho được “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37). Cũng là việc đó nhưng ông Mátthêu lại đặt lời cầu xin đó nơi môi miệng khôn khéo của một bà mẹ, đến kêu xin Thầy dành hai vị trí quan trọng đó cho hai người con của mình. Nhưng “nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối” (Mt 10,37). Sự tức tối của những người còn lại tạo ra một bầu khí nặng nề của sự ganh tị, bất công và toan tính. Phải công nhận rằng, khi người ta nghĩ đến quyền lợi và danh vọng riêng cho mình thì ai cũng không phải ‘dạng vừa’ phải không bạn. Điều đó còn được minh chứng cụ thể qua câu hỏi thẳng thừng của ông anh Phêrô: “Thầy coi, phần chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng con sẽ được gì?” (Mc 10,28). Như vậy, những môn đệ thân tín của Thầy có khi cùng đi chung với Thầy trên một con đường nhưng trong lòng lại không chung một đường. Thầy và trò cùng đi trên một con đường nhưng hướng nhìn lại khác nhau. Đúng như lời bài hát nào đó đã nói ‘con theo Ngài bấy lâu, mà con vẫn chưa hiểu Ngài.’ Có thể nói đường theo Giêsu của anh em tôi lúc ban đầu cũng là con đường toan tính của thế lực và quyền lợi mà thôi. Và đó cũng là tâm lý ‘rất người’ nơi các người trò thân tín nhất của Thầy, mà tôi cũng không phải là người ngoại lệ. Thời gian cứ thế trôi đi, càng ngày tôi như càng mê đắm vào cái danh vọng cao sang quyền quý đó. Tôi đã có tiền, thì nay thêm có quyền nữa thì mới xứng tầm là bậc đàn anh chứ! Để đạt được điều đó, tôi đã âm mưu dựng lên một vở kịch với tựa đề ‘ác nhân đội lốt thiên thần,’ trong đó tôi vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính. Tôi hóa thân trong vai một môn đệ dễ thương, tôi đã mưu toan nộp Thầy với giá 30 đồng bạc, giá bán của một tên nô lệ, và không quên khuyến mãi thêm cho Thầy một nụ hôn ngọt ngào và đầy man trá của một trò cưng. Thực sự lúc đó tôi làm thế không phải hoàn toàn vì tiền, so với chai dầu thơm 300 đồng bạc của người phụ nữ làng Bêtania. Tôi làm thế là để đặt Giêsu vào cái thế phải ra tay, một cái thế đã xong mà không còn một sự chọn lựa nào khác nữa. Tôi tin chắc rằng, Thầy Giêsu một khi đã ở trong thế bị bắt, ông ấy phải ra tay hành động để tự cứu mình, và như thế là có một cuộc nổi dậy chống lại nhà cầm quyền, đưa đến một cuộc cách mạng thành công mỹ mãn. Các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã có đầy đủ, thời cơ cho cuộc cách mạng đã đến, Thầy còn chờ đợi gì nữa. Bao nhiêu phép lạ: câm điếc, què quặt Thầy còn chữa lành, kẻ chết Thầy còn làm cho sống lại, chẳng lẽ Thầy lại không nổi cơn thịnh nộ để tự cứu mình sao? Nhưng, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Đường lối tính toán của tôi không phải là đường lối của Thiên Chúa. Tôi đã thất bại ở chỗ đó, Đức Giêsu đã không ra tay tự cứu mình như tôi tưởng. Khi nhìn ra điểm này, tôi đã hối hận, đem trả lại 30 đồng bạc và đã đi thắt cổ tự vẫn. Tôi tưởng mình lanh lẹ cơ trí hơn người, nhưng tôi đã thất bại.[4] Sự thất bại của tôi là ở chỗ, tôi chỉ biết dựa vào sự tính toán của con người mà gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi kế hoạch mà tôi thực hiện.

Bạn thân mến! Hành trình theo Thầy của tôi là thế đó. Nếu nói giai đoạn đầu ơn gọi của tôi là giai điệu của những bài thánh ca dâng hiến, thì giai đoạn sau của ơn gọi là những nốt nhạc rời rạc, chậm rãi được lặp đi lặp lại như những câu hỏi ‘tại sao?’… ‘tại sao?’ nơi khu vườn bí ẩn của bản nhạc buồn ‘Secret Garden – Nocturne.[5]  Thực sự tôi không biết phải làm sao bây giờ, tôi chỉ mong bạn nhớ rằng, nơi khung trời của năm xưa ấy, cái nút thắt không chung tình trên cành cây kia, vẫn đang chờ một cái kết mở, nơi mồ đá lạnh tôi nằm, luôn mong chờ một sự xót thương của thế gian.

Bạn biết không, tôi đến thăm Thầy dưới cái gió hanh hao se lạnh của tháng Mười Một. Từ phía xa xa vọng về, giai điệu u uất của những bản Sad Violin như thêm nỗi hiu quạnh cô đơn. Quỳ phía cuối nhà nguyện trong một không gian vắng của màn đêm, tiếng cót két của lũ mọt đang gặm nhấm như tiếng gặm nhấm của lương tâm tôi, tiếng chặc lưỡi chát chúa của những con thằn lằn trên tường như kéo màn đêm vào sâu hút của sự oán hờn trách móc của một kẻ bội bạc. Nhìn lại mình trong bức tranh Bữa Tiệc Ly trên bàn thờ,[6] ký ức về Nhóm Mười Hai dội về, những người trò cùng chung một Thầy, những anh em cùng chung một nhà, những chiến hữu cùng đi một đường. Thế nhưng, họ biết đứng dậy sau những lần vấp ngã. Họ đã biết ‘vào phòng đóng cửa’ để cầu nguyện khi cuộc đời cảm thấy trống vắng cô đơn. Họ hối hả chạy đến ‘ngôi mộ trống’ để tìm lại niềm tin bị đánh rơi sau những giông tố bão bùng của đau khổ và sự chết vây bủa. Kết quả là họ đã gặp Thầy trong phút giây không tưởng, được nhìn thấy vết sẹo của Đấng đã chết nay đã Phục Sinh. Tâm hồn trống rỗng của họ nay đã được lấp đầy và con tim khô héo đã vui trở lại. Họ cùng uống thứ rượu bình an của ân sủng mà Thầy đã ban và hít thở sự sống tái sinh mà Thầy đã thổi. Họ mặc lấy chiếc áo sức mạnh của Thần Khí, bước đi trong đường lối tình yêu và trở nên những ‘Alter Christus’ cho sứ vụ. Họ quyết ra chỗ nước sâu để thả lưới và tới khắp nẻo đường để loan báo Tin Vui. Họ nguyện sống hết mình cho Tin Mừng và say mê cho công cuộc truyền giáo.

Thế đó, những chiến hữu năm xưa đã trở thành những trụ cột nguy nga của Giáo Hội. Tên tuổi của họ đã trở nên biểu tượng cho sự trung tín được dựng cao chót vót trên những tháp cao của đền thờ. Đức hạnh của họ đã trở thành tấm gương sáng ngời cho muôn ngàn thế hệ. Còn tôi – Giuđa, giá mà ngày đó tôi biết nói rằng: ‘Người mà tôi đã bán, Đấng mà tôi đã hôn, Người ấy là Đấng Mêsia, Đấng ấy chính là Con Thiên Chúa.’ Chỉ cần chừng đó thôi thì tên của tôi đã trở thành ‘bổn mạng’ cho các nhà truyền giáo. Đằng này, tên của tôi vẫn được khắc ghi bằng ‘kẻ phản bội.’ Đức hạnh của tôi vẫn được ví với sự bất tín bất trung. Nghĩ đến đây, tôi bỗng cay sống mũi, nhòe đôi mắt, những giọt nước mắt trào ra chát mặn thấm vào từng làn da thớ thịt làm tôi đau đớn. Ngước nhìn lên Thánh Giá, bóng dáng Thầy thân quen đau đớn vẫn còn đó, đang chờ. Một câu hỏi nấc lên trong tiếng khóc: Tôi vẫn còn Thầy hay tôi đã mất? Liếc nhìn sang bên cạnh bàn quỳ có cuốn sách nhỏ, tôi thì thầm đọc:

“Lạy Cha Hằng hữu, trong Cha có lòng thương xót vô hạn và kho tàng nhân hậu vô biên. Xin hãy đoái nhìn chúng con và tăng thêm lòng thương xót nơi chúng con, để chúng con khỏi thất vọng và ngã lòng trong những lúc khó khăn. Nhưng hết lòng tin tưởng và vâng phục theo thánh ý Cha, chính là Tình Yêu và Thương Xót.”[7]

Sau lời nguyện ngắn ngủi đó, tôi biết rằng, Thầy biết lý do tại sao tôi đến vườn Ô liu, nhưng Thầy không từ chối nụ hôn lạnh lùng của tôi và thậm chí còn gọi tôi là “bạn” (x. Mt 26,50). Tôi tin rằng Thầy đã tìm ra anh Phêrô sau khi chối Thầy để tha thứ cho anh ấy, thì Thầy cũng sẽ tìm tôi tại chỗ nào đó trên đường lên Núi Sọ năm xưa! Tôi tin rằng, với lời cầu nguyện của Thầy từ trên Thập Giá: "Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23,34), trong lời cầu đó, chắc chắn Thầy sẽ không loại trừ tôi.

Bạn thân mến! Mỗi ngày bạn được sống trong hành lang nhà Chúa, là mỗi ngày bạn được mời gọi trở nên “người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (x. 1Cr 4,1). Thế nhưng, cuộc sống của bạn sẽ không tránh khỏi xu hướng bị nghiêng chiều bởi dục vọng thế tục trước sự mời mọc lôi kéo của sự dữ. Bạn chỉ có thể đạt tới sự tinh tuyền khi biết kết hợp mật thiết với Thiên Chúa là cùng đích của mọi kế hoạch. Đặc biệt, luôn biết đặt tất cả những bất tín, bất trung cũng như mọi yếu đuối tội lỗi của ta vào lòng thương xót Chúa để được Ngài hóa giải và thứ tha. Bạn phải nhớ rằng: tình thương của Chúa thì lớn hơn nhiều so với tội lỗi của ta. Vì thế, đừng bao giờ thất vọng vào Chúa. Sau cùng tôi muốn mượn lời của anh Phaolô mà khuyên các bạn rằng: “Hỡi anh em, tất cả những gì là chân thật, cao thượng, công chính, tinh tuyền, dễ thương, đáng tôn trọng, tất cả những gì là tốt trong nhân đức và lời khen ngợi của con người, đó là điều phải làm cho anh em quan tâm” (Pl 4,8). 

Bạn thân mến, trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, tôi muốn bạn nhớ điều này:

“Sống một lần, sống sao cho ý nghĩa,

Kẻo người đời trách cứ là vô tâm,

Cho hết đi, chỉ để lại hương thầm,
Mùi thoang thoảng của cái đức khiêm hạ.”
[8]

Những lời trần tình trên như một phút trải lòng chân thành nhất của tôi. Mong bạn biết lấy đó làm bài học để rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Tôi phó thác hành trình ơn gọi của bạn cho sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người nhạy bén hiểu bạn hơn ai hết. Xin Thiên Chúa tình yêu chúc lành cho bạn.

Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, một tội nhân luôn cần đến Lòng Thương Xót.

Ant. Pavahi, K.XIII


[1] Gloomy Sunday, ca khúc được gọi là ‘bài hát ma ám,’ ẩn chưa u buồn, bí ẩn, gây ra hiện tượng với những cái chết tự sát.

[2] Cf. Howstuffworks, “Bữa tối cuối cùng - Bức tranh và những câu chuyện kỳ bí”, 2012,  http://genk.vn, truy cập ngày 09 tháng 10 năm 2018.

[3] Cf. Phan Đình Quang, SVD., “Giuđa ơi! Ông là ai vậy?”, 2018,  http://giaophanvinhlong.net,  truy cập ngày 09 tháng 10 năm 2018.

[4] Ibid.

[5] Secret Garden – Nocturne, và Sad Violin là những khúc nhạc buồn, ai oán não nề.

[6] Bức tranh Bữa Tiệc Ly được chạm khắc trên bàn thờ nhà nguyện của Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê.

[7] Cf. Sách Lòng Thương Xót.

[8] Cảm hứng trong giờ suy niệm. 

Nguồn tin: