Vâng Phục Để Loan Báo Tin Mừng

Mon,22/03/2021
Lượt xem: 1963

 

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

Ngày 9/12/2015, sau 6 ngày được lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, là ngày lễ tạ ơn của 3 tân linh mục cùng khoá tại giáo họ Diệu Ốc, xứ Đức Lân, Giáo Phận Vinh, Đức Cha Paul Nguyễn Thái Hợp gọi tôi lại và nói: “Tôi và Giáo Phận muốn sai Cha lên Con Cuông[1], Cha có đồng ý không? Sau ít giây suy nghĩ, vì mới được lãnh nhận sứ vụ, tôi cũng nhanh chóng trả lời ngay: Dạ, vâng!”. Đức Cha Phaolô nói: “Cám ơn Cha. Đi Con Cuông nhé”. Nhờ lời hỏi và lời đáp lúc đó, sau một thời gian được phép đi dâng lễ tạ ơn, tôi đã chính thức đón nhận “Bằng Bố Nhiệm” quản nhiệm Giáo điểm Con Cuông cho đến nay 2021.

Sự vâng phục rất quan trọng trong đời sống thường ngày, nó lại càng quan trọng hơn nữa trong đời sống tôn giáo, đời sống tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta chỉ giới hạn suy tư sự vâng phục qua các bài đọc của Chúa nhật 5 Mùa chay mà thôi. Chúng ta thử xem sự vâng phục có thật sự quan trọng và cần thiết không? Từ sự vâng phục của dân tộc Israen đến sự vâng phục Đức Giê-su nơi Tân ước, chúng ta được mời gọi sống vâng phục liên lỉ để nhờ đó và qua đó Tin Mừng nở rộ và tiến triển.

Chúng ta thử tìm hiểu thế nào là sự vâng phục?

Theo Tiếng Việt: Vâng là nghe theo, làm theo, tuân theo lời sai bảo, mệnh lệnh hay lời khuyên răn dạy dỗ của người bề trên. Vâng còn là tiếng đáp lại lời người khác một cách lễ phép, tỏ ý nghe theo, ưng thuận hoặc thừa nhận điều người đối thoại hỏi đến.[2]

Theo Latinh: Vâng lời, bắt nguồn từ chữ “Obaudire”, nghĩa là lắng nghe, từ ấy gợi lên một thái độ tế nhị, thông minh và chăm chú. Lắng nghe có nghĩa là ra khỏi mình để đón nhận người khác, sự sống và vũ trụ. Như thế, vâng lời có nghĩa là đón tiếp anh em mình, là đón tiếp Thiên Chúa, là sự hòa hợp với lề luật và với bề trên những điều quy chiếu cho lương tâm ta ra khỏi mò mẫm và bối rối.[3]

Theo tôn giáo: Vâng phục là nhân đức luân lý giúp ta uốn ý muốn của mình cho phù hợp với ý muốn của người có quyền ra lệnh cho mình. Xét về mặt chất thể, vâng phục chỉ là thực hiện công việc được ra lệnh. Xét về mặt mô thức, vâng phục là làm một việc chỉ vì nó đã được một bề trên hợp pháp ra lệnh. Người ra lệnh càng rộng quyền, ta càng có nhiều điều phải vâng phục. Như thế, sự vâng phục đối với Thiên Chúa thì vô hạn; còn sự vâng phục đối với loài người thì bị giới hạn bởi thẩm quyền của người ra lệnh. Là nhân đức, vâng phục rất đẹp lòng Chúa vì vâng phục là hy sinh ý muốn của mình vì tình yêu Thiên Chúa.[4]

Tại sao phải vâng phục? Như định nghĩa trên, khi chúng ta vâng phục là chúng ta tự do, vui vẻ và can đảm làm việc cũng như thực hiện công việc được giao. Không những thế, khi vâng phục thì chúng ta được sống. Adam – Eva không vâng phục lệnh truyền của Chúa nên phải chịu đau khổ và phải chết. Dân Israen mỗi lần phản bội và cứng đầu cứng cổ với Thiên Chúa thì gặp tai ương khốn khổ và bị chết. Còn nếu vâng nghe và thi hành những điều ngôn sứ dạy bảo theo lệnh của Thiên Chúa thì sẽ được sống. Đức Maria đã vâng phục để Ngôi Lời Nhập Thể nhằm cứu độ con người. Thánh Giuse đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa và đã trở nên cha nuôi Đức Giê-su theo nghĩa pháp lý,… Nơi bài đọc I, (Gr 31, 31-34), giao ước cũ trên núi Xi-nai đã bị phá huỷ do sự không vâng phục của dân Israen, nên từ nay, Thiên Chúa sẽ khắc ghi vào lòng dạ dân lề Luật của Chúa. Nơi bài đọc 2, tác giả sách Do Thái nói rõ về sự vâng phục của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su vì sự vâng phục nên đã chấp nhận bỏ thân phận Thiên Chúa để làm người. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).

Vì sự vâng phục Chúa Cha để cứu độ nhân loại, Đức Giê-su đến trần gian nhằm để cứu vớt cũng như chữa lành những người đau khổ, bệnh hoạn tật nguyền. Ngài hiện diện là người què đi được; kẻ điếc nghe được; kẻ câm nói được; người mù được sáng; kẻ chết được cứu sống... (x. Mt 11, 2-11). Cũng vậy, vì sự vâng phục, Đức Giê-su đến thế gian nhằm để phục vụ và thí mạng cho muôn người chứ không phải để được phục vụ. (Mt 22, 28) Vì sự vâng phục nên Đức Giê-su đến với nhân loại tội lỗi để thi thố lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài chạnh lòng thương trước những người mảnh đời khổ đau và bệnh tật. Ngài hiện diện là để quy tụ, gặp gỡ, đụng chạm những người tội lỗi nhằm cứu vớt họ (Mt 9,35–10,1.6-8; Mc 6, 34 – 44). Quả thật, sự vâng phục của Đức Giê-su nhằm thi ân giáng phúc và loan báo Tin Mừng. Sự vâng phục thông qua lời giảng dạy và hành động đầy nhân ái của Đức Giê-su nhằm giúp mọi người nhận ra được tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Đỉnh cao của sự vâng phục đó là sự chết và phục sinh của Đức Giê-su. Ngài đã khẳng định như “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 24-25). Như vậy, theo Đức Giê-su, không thể vâng phục mà không có đau khổ. Một khi đã chấp nhận vâng phục thì ắt phải chấp nhận bỏ mình để hy sinh cho tha nhân, nghĩa là chấp nhận phải chết đi như hạt lúa để sinh ra bông hạt khác, là sự phục sinh. Đức Giê-su muốn rằng khi đã đáp lại lời vâng phục thì chúng ta phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều, chấp nhận mất đi cái tôi, cái tội, cái xấu xa, cái tính mê nết xấu, cái đam mê vô bổ, cái tham lam, cái ích kỷ, cái bất hoà, bất thuận,…Chấp nhận mất cái này, là những điều mau qua và tạm bợ để nhận được cái kia, là cái lâu bền hay cái sự sống vĩnh cửu.

Nhờ sự vâng phục của Đức Giê-su, mỗi chúng ta đã đón nhận nhiều ân huệ từ Thiên Chúa ngang qua hình ảnh Giê-su và hơn thế nữa, chúng ta sẽ đón nhận được sự sống đời đời sau khi hoàn tất cuộc sống lữ thứ trần gian này. Về phần chúng ta, Đức Giê-su cũng mời gọi mỗi người hãy biết sống vâng phục trong mọi sự, nhất là vâng phục thánh ý của Thiên Chúa qua việc can đảm chấp nhận đối diện với mọi vấn đề, dầu có khó khăn, thử thách, gian nan. Chúa muốn chúng ta sống vâng phục bằng sự dấn thân, ra đi, dầu phải hy sinh sức khoẻ, thời gian, của cải vật chất, như hạt lúa phải thối đi và chết đi mới sinh bông hạt khác. Cũng như Đức Giê-su, chúng ta sống vâng phục là sống phục vụ tha nhân, nhất là người nghèo khổ mà không so đo hay tính toán. Sống vâng phục là thể hiện lối sống cụ thể qua việc trao ban chính mình nhằm gieo rắc tình thương, nụ cười, thân thiện, cởi mở, quan tâm và gặp gỡ anh chị em, nhất là anh chị em chưa cùng niềm tin với chúng ta. Phải chăng nhờ sự vâng phục bằng việc hành động tốt như vậy là chúng ta đang loan báo Tin Mừng, đang công bố Lời Chúa cách sống động cho mọi người trong mọi nơi và mọi lúc?!

Thật vậy, chúng ta đang bước theo một Đức Giê-su vâng phục và đau khổ, Ngài đã đem lại nhiều ân lộc dồi dào cho những ai biết lắng nghe, vâng phục và thực hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa nơi đời sống thường ngày. Chúng ta chỉ thực sự được gọi là những ki-tô hữu xứng đáng con cái của Thiên Chúa, khi chúng ta dám chấp nhận vâng phục Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể. Và sự vâng phục đó chỉ được Chúa đón nhận và nhiều người nhận biết khi chúng ta sống vâng phục không chỉ bằng lý thuyết nhưng bằng hành động, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng việc làm. Chỉ khi chúng ta nghe Lời, và đem Lời ra thực hành nơi môi trường sống thì chúng ta mới thật sự là những người sống vâng phục. Cũng nhờ như vậy, sự vâng phục của chúng ta mới dễ dàng trở thành cầu nối Loan báo Tin Mừng cách dễ dàng và thiết thực nhất.



[1] Đây là địa điểm có xảy ra biến cố Tượng Đức Mẹ bị ném nát ngày 1/7/2012. Là nơi cần tái truyền giáo với diện tịch rộng trên địa bàn 3 huyện đa số là dân tộc thiểu số.

[2] Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 2000

[3] Lm. Paul Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt (ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, 2014), 127-128.

[4] Lm. Phê-rô Đặng Xuân Thành, “Vâng Phục” trong Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, pd. Nhóm Chánh Hưng, (Tp. HCM: Nxb. Phương Đông, 2008), 640.

Nguồn tin:
Tags :