Tinh Thần Của Người Thừa Sai Truyền Giáo

Thu,26/11/2020
Lượt xem: 2570

Phêrô Phạm Văn Thuyên - K12

Trước khi về trời, Đức Giêsu phán với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Đó là mệnh lệnh truyền giáo. Ý thức được điều đó, hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội đã không ngừng ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Tuy nhiên, cho tới nay, số người tin theo Chúa Kitô vẫn còn rất ít ỏi. Vì thế, lệnh truyền đó vẫn luôn mãi là một lời thúc bách, khiến cho mỗi Kitô hữu, vốn tự bản chất là một nhà truyền giáo, không thể không thao thức với sứ mạng truyền giáo của mình. Như cảm nghiệm của thánh Phaolô: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Trước hiện tình của Giáo Hội và trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, để công cuộc truyền giáo trong bối cảnh hiện tại đạt kết quả tốt, người thừa sai truyền giáo cần phải: (1) Ý thức về gọi truyền Giáo; (2) Say mến Chúa Kitô; (3) Dễ bảo với Chúa Thánh Thần; (4) Hoà nhịp cùng Giáo Hội và (5) Hoà đồng cùng người nghèo. 

1- Ý Thức về Ơn Gọi Truyền Giáo 

Công đồng Vaticanô II khẳng định: Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội.[1] Nghĩa là truyền giáo không phải là một cái gì thêm vào hay phụ thuộc, mà là một thành tố làm nên Giáo Hội. Chính vì sứ mạng truyền giáo, mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ, thiết lập Giáo Hội để sai đi. Quả thế, truyền giáo là sứ điệp cần thiết, sứ điệp độc nhất, sứ điệp không thể thay thế của Giáo Hội Chúa Kitô.[2] Vì Giáo Hội bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn của Giáo Hội. Ba Ngôi là căn rễ mọi sự, do đó cũng là căn rễ, là nền thảng của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội được thiết lập để trở nên ‘Bí tích cứu độ phổ quát’ cho toàn thể nhân loại theo ý định từ đời đời của Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ. Bởi thế, sứ mạng truyền giáo luôn được Giáo Hội cổ võ ở mọi thời, mọi nơi cho mọi dân tộc trên thế giới: “Giáo Hội vừa hoạt động, vừa cầu nguyện để biến thế giới thành dân Thiên Chúa.”[3]

Mỗi thành viên của Giáo Hội, đặc biệt là các giám mục, những người kế vị các tông đồ, cùng với sự cộng tác của các linh mục, tất cả đều được Thiên Chúa sai đi để đem Tin Mừng cho muôn dân, để “Nước Chúa được thiết lập khắp trần gian.”[4] Vì thế, các thừa sai truyền giáo phải luôn ý thức truyền giáo là ơn gọi cao quý, là lý do hiện hữu, là bản chất, là sứ mạng cần thiết của Giáo Hội, để rồi suy nghĩ về bổn phận nên thánh mà ơn gọi của họ đòi hỏi, không ngừng cải thiện tinh thần, canh tân kiến thức về giáo lý và mục vụ.[5] Nhờ đó, mới có thể hăng say bước theo Đức Kitô trong công cuộc truyền giáo và truyền giáo có kết quả. 

2- Say Mến Chúa Kitô

 

Truyền giáo là loan truyền Đức Kitô và Tin Mừng của Người cho đối tượng truyền giáo. Vì thế, người thừa sai “phải sống linh đạo quy Kitô, lấy Đức Kitô làm trung tâm đời mình, sống kinh nghiệm về Đức Kitô là Thầy, là bạn đồng hành.”[6] Điều này cũng có nghĩa là người truyền giáo trước hết phải là người say mến Chúa Kitô. Chỉ có say mến Chúa Kitô người truyền giáo mới giám hy sinh và hăng say lên đường loan báo Tin Mừng của Người, vì chỉ có tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Mặt khác, người truyền giáo chính là người gặp được tình yêu vô điều kiện của Chúa Kitô và đã được Người chinh phục. Thật vậy, không ai có thể dâng hiến trọn vẹn đời mình nếu không được chinh phục bởi Đấng yêu thương họ vô hạn. Do đó, không thể hiểu và chu toàn sứ mệnh truyền giáo nếu không chiêm ngắm Chúa Kitô, Đấng đã được sai đến để rao giảng Phúc Âm.”[7]

Người được Chúa Kitô sai đi để tiếp tục sứ mạng của Người, ắt phải là người sống linh đạo môn đệ, nghĩa là luôn luôn để tâm lắng nghe Lời Chúa mà làm theo.[8] Quả vậy, sứ mệnh rao truyền Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người cho thế giới đòi hỏi người tông đồ phải biết Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người một cách sâu xa thân tình. Sự quen biết này không phải là sự quen biết tình cảm suông, nhưng phải là một sự yêu mến bắt nguồn từ kinh nghiệm và xác tín, thúc đẩy người tông đồ để cho Phúc Âm biến cải tâm thức, lối sống, tiêu chuẩn và bậc thang giá trị. Đây là sự dấn thân trọn vẹn cuộc đời theo ánh sáng Tin Mừng, vì không ai có thể làm chứng cho Chúa nếu không phản chiếu hình ảnh của Người.

Để say mến Chúa Kitô, người thừa sai truyền giáo cần biết kết hợp mật thiết với Người bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa hằng ngày, siêng năng lãnh nhận cũng như cử hành các bí tích cách xứng hợp và sốt sắng, trung thành với các giờ kinh phụng vụ. Mặt khác, người truyền giáo phải là người biết “thinh lặng’ và “chiêm niệm.” Thinh lặng để lắng nghe, để đáp trả tiếng Chúa và để Ngài chinh phục tâm hồn, có như thế người tông đồ mới có thể trở nên chứng nhân của Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “tương lai của công cuộc truyền giáo phần lớn tuỳ thuộc vào sự chiêm niệm. Nhà truyền giáo nếu không phải là nhà chiêm niệm, không thể rao giảng Chúa Giêsu cách đáng tin tưởng.”[9] Như thế, lắng nghe, chiêm niệm là một trong những phương thế hữu hiệu để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Lắng nghe, chiêm niệm để biết Chúa, để trở nên giống Người. Gặp gỡ Chúa trong thinh lặng và chiêm niệm sẽ giúp người tông đồ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Để rồi, từ ngôn ngữ, tư tưởng đến cách phán đoán và hành động đều phản chiếu hình ảnh của Chúa Kitô - Dung mạo của lòng thương xót Chúa Cha và là người truyền giáo đích thực.

Lý do chính yếu khiến cuộc đời người thừa sai phải đặt nền tảng trên mầu nhiệm Đức Kitô chính là ơn gọi thừa sai. Ngọn nguồn của cuộc đời truyền giáo là chính Chúa Kitô, Đấng kêu gọi và sai đi. Người là nguồn gốc, đồng thời cũng là đối tượng các hoạt động truyền giáo. Chính vì vậy mà sứ mệnh truyền giáo không chỉ giới hạn trong việc dạy một giáo thuyết hay phục vụ, giúp đỡ, nhưng chính yếu là giới thiệu Một Người: Chúa Giêsu Kitô, để Người được mọi người biết, yêu mến và tin theo.

 

Như vậy, cuộc đời nhà thừa sai gồm tóm hai yếu tố: chấp nhận Chúa Giêsu và dâng hiến Người cho người khác. Người thừa sai truyền giáo cần thiết phải nhìn vào Chúa Giêsu mới có thể hiểu và chu toàn sứ mệnh. Ở đây, không phải một cái nhìn lý thuyết trừu tượng, nhưng là một mối dây thân tình, phát sinh từ một kinh nghiệm đức tin về Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến, và là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (cf. Cv 4,10-12). Với xác tín sâu xa trong kinh nghiệm đức tin đó, trong cả cuộc đời nhà thừa sai chỉ có mỗi một ước vọng duy nhất: được chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Giêsu cho người khác. Thật vậy, nhà truyền giáo luôn khát khao làm cho Chúa được mọi người biết đến và ấp ủ trong lòng mối lo lắng tông đồ làm sao thông truyền cho người khác ánh sáng và hạnh phúc đức tin.”[10] Không gì có thể làm sao lãng cố gắng đó, vì trong đức tin và với kinh nghiệm sống, nhà thừa sai truyền giáo biết là chỉ có Chúa Giêsu mới là nguồn mạch sự sống, vì không ai có thể sống kết hiệp với Thiên Chúa nếu không qua trung gian Chúa Giêsu Kitô và chỉ trong Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (cf. Ga 14,6), chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi vong thân và hư hoại.[11]

Sống thân tình với Chúa Giêsu là nguồn an ủi, mang lại can đảm và kiên chí cho người thừa sai. Lúc cô đơn, lúc buồn chán, người thừa sai sẽ nhớ lại lời hứa: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Lúc nản chí vì công việc xem như vô ích, vì trở ngại quá lớn, người môn đồ vẳng nghe: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), hay “ơn của Thầy đủ cho con” (2 Cr 12,9). Thật vậy, khi sống đời chứng tá bằng những giá trị Tin Mừng như thế, người thừa sai truyền giáo sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách trong đời sống. Không thiếu những cám dỗ làm cho muối ra nhạt, ánh sáng bị lu mờ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, người thừa sai phải luôn nhớ mình thuộc về Đức Kitô, có trách nhiệm mang Ánh Sáng Đức Kitô chiếu soi muôn dân. Có như thế, người thừa sai mới luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh để loan truyền Đức Kitô và Tin Mừng của Người cho nhân loại.  

 

3- Dễ Bảo Đối Với Chúa Thánh Thần

 

Chúa Thánh là tác nhân chính của sứ mạng truyền giáo.[12] Người luôn hoạt động, và hướng dẫn mọi hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Chúa Giêsu đã khởi đầu cũng như hoàn thành sứ vụ bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, “truyền giáo là lực đẩy của Thánh Thần mời gọi nhà truyền giáo trước hết hoán cải trở về với Chúa Giêsu, và để cho mình được biến đổi trong Thánh Thần.[13] Nhờ thế họ mới có thể mời gọi người khác theo gương họ.”[14] Các tông đồ cũng không thể loan báo Tin Mừng và làm chứng cho muôn dân nếu không có sự tác động của Chúa Thánh Thần (cf. Cv 4,8). Thật vậy, khi hiện ra ban bình an và trao sứ mạng cho các tông đồ, Đức Kitô Phục Sinh “thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Sau khi nhận được Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh, các tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ của Người, các ngài coi việc rao giảng là một nhiệm vụ và là niềm vui “vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em và nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ” (Pl 1,19).

Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong thế giới, trong tâm hồn mỗi người, trong xã hội và lịch sử, trong các nền văn hóa và trong các tôn giáo. “Chúa Thánh Thần là nguồn gốc các lý tưởng cao đẹp và các sáng kiến thiện hảo của nhân loại trên đường lữ hành.[15] Người thừa sai truyền giáo tín thác và vâng phục tác động của Chúa Thánh Thần, biết để cho ơn thánh của Người uốn nắn và hướng dẫn, mới có đủ ánh sáng và khôn ngoan để nhận ra những nẻo đường nhiệm mầu của Thiên Chúa. Lòng vâng phục Chúa Thánh Thần đòi buộc người thừa sai phải để cho Ngài tôi luyện tâm hồn và lý trí để có thể thấu hiểu Mầu nhiệm Chúa Kitô, trở nên giống Chúa Kitô và sẵn sàng theo Chúa Kitô trên mọi nẻo đường truyền giáo, để rồi trở nên chứng nhân can trường của Người cho dù gặp bao gian khó. Thật vậy, “Chúa Thánh Thần là Đấng luôn “khích lệ chúng ta chú tâm tới sự đa dạng của các đặc sủng truyền giáo và sự khác biệt của các hoàn cảnh và các dân tộc, nhưng đồng thời giữ vững sự duy nhất cơ bản của sứ mạng trong việc rao giảng Chúa Kitô.”[16]

thế, để thi hành sứ vụ truyền giáo cách tốt đẹp và hiệu quả, các nhà truyền giáo phải là người dễ bảo đối với Chúa Thánh Thần, nghĩa là luôn trung thành và vâng phục mọi tác động và sự hướng dẫn của Người.

Để vâng phục Chúa Thánh Thần, người truyền giáo phải là người chiêm niệm và cầu nguyện. Liên quan đến vấn đề này, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận định:

 

“Việc truyền giáo là hoạt động trong chiêm niệm và là chiêm niệm giữa hoạt động. Do đó, đi truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua cầu nguyện và chiêm niệm, thì ảnh hưởng được rất ít về mặt thiêng liêng, hoặc chẳng thành công được bao nhiêu về mặt truyền giáo.”[17]

Như vậy, để vâng phục và trung thành với Chúa Thánh Thần người thừa sai truyền giáo phải có tinh thần lắng nghe. Lắng nghe để nhận ra tiếng Chúa Thánh Thần và làm theo sự hướng dẫn của Người. Thay vì lo lắng thiết lập kế hoạch, người tông đồ chú ý lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, và để cho Người hướng dẫn. Khi đó, người thừa sai trở nên can trường xông pha, có khả năng làm cả những điều không ưa thích, đi đến những nơi không muốn đến, và do đó trở nên rất linh động tích cực. Như thế, nhờ vâng phục Chúa Thánh Thần, người tông đồ trở nên can đảm và tích cực hơn, vì khi đó những việc họ làm không phải dựa vào những gì họ có, mà là dựa vào sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là thái độ và cách thức hoạt động của các tiên tri, của các thánh tông đồ, họ nói những gì Chúa truyền phải nói.

4- Hòa Nhịp Cùng Giáo Hội

 

Như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình cho Hội Thánh, nhà truyền giáo cũng tìm cách hiến mình cho Hội Thánh, cho lợi ích của mọi người.[18] Chính lòng yêu mến Giáo Hội sẽ diễn tả và nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của người tông đồ truyền giáo.[19] Nhờ lòng yêu mến Giáo Hội, người tông đồ sẽ tích cực dấn thân cho sứ mệnh truyền giáo, khi cần thiết có thể đổ máu ra làm chứng cho Tin Mừng. Vì công việc của người tông đồ là công việc của Giáo Hội trao phó. Lòng yêu mến Giáo Hội được biểu lộ ở lòng trung thành, tinh thần hiệp thông phẩm trật, đón nhận cách ý thức về trách nhiệm và chỗ đứng của mình trong Giáo Hội; luôn trân trọng và yêu mến những phần tử khác trong Giáo Hội, để có thể cộng tác chân thành với họ trong hoạt động truyền giáo.

Người tông đồ phục vụ Giáo Hội, bênh vực Giáo Hội ở mức độ bình thường thì chưa đủ, chưa diễn tả hết chiều kích của lòng yêu mến Giáo Hội, mà cần phải hiến mạng chịu đau khổ vì Giáo Hội với tình yêu như Chúa Giêsu trong tình trạng hiến tế: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Vì vậy, để sống hòa nhịp với Giáo Hội, người thừa sai truyền giáo phải hiểu và sống sâu đậm tình yêu dâng hiến của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Nhờ đó, họ thủ đắc cho mình một đức ái tông đồ mãnh liệt, đức ái mà Thông điệp Redemptoris Missio đã diễn tả bằng sự chú ý quan tâm, lòng âu yếm thương xót, niềm nở đón nhận người khác, tích cực cứu vớt con chiên, người truyền giáo được coi như người anh em đại đồng mang trong mình tinh thần của Giáo Hội: rộng mở và quan tâm đối với mọi dân tộc, mọi hạng người, nhất là đối với những người thấp bé và những người nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh, nhà truyền giáo vượt qua mọi ranh giới về chủng tộc, về giai cấp hay ý thức hệ để trở thành biểu hiệu của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, một tình yêu không loại trừ và không thiên vị.[20]

5- Hòa Đồng Với Người Nghèo

 

Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô.[21]

Như thế, người tông đồ truyền giáo phải là người biết quan tâm lo lắng đến mọi người, nhất là những ai nghèo đói. Để rồi đem Tin Mừng Tình Yêu, Tin Mừng Sự Sống của Đức Kitô đến với họ. Để rao giảng Tin Mừng cho mọi người, cách riêng cho người nghèo, thì người tông đồ truyền giáo phải thực sự trở nên người của mọi người, trở nên người của người nghèo, để rồi sẵn sàng mang lấy tình liên đới mà chia sẻ nỗi khốn cùng của những anh chị em đang sống nghèo đói hơn mình. Điều ấy đòi hỏi cần phải có kinh nghiệm thực sự và hiểu biết đích xác về đời sống nghèo túng của họ. Chỉ khi thể hiện tình thương đối với người nghèo, mang nhân phẩm, công bình và tự do đến cho những ai đang khốn khổ vì túng thiếu, bị bỏ rơi, người tông đồ mới có thể bước vào thế năng động đầy sức sống để đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng đạt tới thành tựu tối ưu nhất. Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy đi ra các vùng ngoại biên, để đến với những người nghèo khổ. Và ngài đã mạnh dạn nói rằng: “Tôi thà có một Giáo Hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an bình của mình.”[22] 

Để được như thế, người thừa sai truyền giáo phải có tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng. Đó là tinh thần siêu thoát, nhẹ nhàng, là hành trang của người môn đệ. Đức Giêsu không chấp nhận nhà thừa sai mang những thứ cồng kềnh. Bởi vì những thứ đó sẽ làm cho người thi hành sứ vụ sinh ra nặng nề, và đôi khi bỏ cuộc chỉ vì những chuyện phụ thuộc như ‘củ hành, củ tỏi.’  Vì thế, trước khi sai các môn đệ ra đi truyền giáo, Ngài căn dặn: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4). Người môn đệ phải sống nghèo thực sự. Có sống nghèo, các ngài mới có sự cảm thông, liên đới và chấp nhận tất cả vì sứ mạng. Để được như thế, người thừa sai phải biết sống tinh thần hội nhập văn hoá. 

Chính tinh thần hội nhập văn hoá sẽ giúp người thừa sai truyền giáo nên giống những người mà họ được sai đến. Biến cố Nhập Thể của Đức Giêsu là mẫu gương cho chúng ta. Người đã phá bỏ mọi rào cản và ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Philipphê, đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế. Người lại con hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Đó chính là mẫu gương tuyệt với cho các nhà thừa sai truyền giáo.

 

Việc chia sẻ thân phận của những người mà nhà truyền giáo được sai đến là một tiến trình không bao giờ kết thúc. Đó chính là cuộc xuất hành ra khỏi bản thân bằng sự từ bỏ, chấp nhận thất bại, hiểu lầm trong khi chu toàn sứ mạng truyền giáo.[23] Đó cũng chính là tinh thần của đức ái mục tử. Đức ái mục tử là con đường để nhà truyền giáo đến với Thiên Chúa và đồng loại. Quả vậy, “yếu tính của đức ái mục tử là sự hiến mình cho người khác, nhờ đó chúng ta bắt chước Chúa Kitô trong sự hiến mình và phục vụ của Ngài. Đức ái mục tử xác định phong cách của nhà truyền giáo trong suy nghĩ, hành động và tương quan với con người.”[24] Chính đức ái mục tử sẽ giúp nhà truyền giáo vượt qua những quyến luyến, những rào cản, những chia rẽ về chủng tộc, đẳng cấp hay ý thức hệ, để rồi trở nên một bí tích sống động của tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người, đặc biệt với người nghèo.

Như vậy, cũng như Đức Kitô, người thừa sai truyền giáo hoàn toàn phải trút bỏ thân phận mà mặc lấy thân phận của người nghèo khổ, của người tôi tớ. Người truyền giáo phải trở nên như người Samaritanô nhân hậu, hình ảnh của chính Đức Giêsu, để rồi băng bó, chữa lành những vết thương của những ai đang đau khổ về thể xác cũng như tinh thần và đưa vào quán trọ (Giáo Hội) mà chăm sóc. Người truyền giáo, phải là người mang trong mình tâm tình của Đức Kitô - Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Kết luận:  

 

Truyền giáo là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội. Giáo Hội phải thi hành sứ mạng đó một cách đặc biệt, vì truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Tuy nhiên, đây là một công việc đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn thử thách. Nhưng không vì thế mà Giáo Hội thoái thác, chán nản, hay thoái lui. Trái lại, Giáo Hội phải luôn sẵn sàng thi hành vì đó là lệnh truyền của Chúa. Để trở nên những thừa sai truyền giáo thực thụ và mang lại hiểu quả cho công cuộc truyền giáo, người thừa sai truyền giáo trước hết phải là người say mến Chúa Giêsu, phải biết sống linh đạo quy Kitô, chọn lấy Người làm trung tâm của đời mình. Khi đó, người thừa sai truyền giáo sẽ là người dễ bảo với Chúa Thánh Thần. Luôn trung thành và vâng phục mọi tác động và hướng dẫn của Người. Cũng nhờ đó, mà người thừa sai sẽ mang trong mình tinh thần của Giáo Hội, để rồi trong Giáo Hội và với Giáo Hội, họ sẽ ra đi thi hành sứ vụ truyền giáo cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

 

 


[1] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.

[2] Cf. Chân phước Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 5.

[3] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 17.

[4] Ibid., Sắc lệnh Ad Gentes, số 1.

[5] Felipe Gómez, SJ., Truyền Giáo Học 1, tủ sách Antôn & Đuốc Sáng, San Diego - Montreal, 2006, 178.

[6] Ibid.,181.

[7] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 88.

[8] Felipe Gómez, SJ., Truyền Giáo Học 1, op. cit., 181.

[9] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 91.

[10] Ibid., số 40 và 86.

[11] Cf. Ibid., số 5 và 11.

[12] Cf. Chân phước Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 75.

[13]  Cf. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 23-24.

[14] Sebastian Karotemprel (nd. Lm. Đa Minh Ngô Quang Tuyên), Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Vụ, Tủ sách Ra Khơi, Bùi Chu, 2017, 163.

[15] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 28.

[16] Sebastian Karotemprel (nd. Lm. Đa Minh Ngô Quang Tuyên), Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Vụ, op. cit., 163.

[17] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia In Asia, số 23.

[18] Sebastian Karotemprel (nd. Lm. Đa Minh Ngô Quang Tuyên), Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Vụ, op. cit., 168.

[19] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 89.

[20] Ibid., 89

[21] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.

[22] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 49.

[23] Cf. Sebastian Karotemprel (nd. Lm. Đa Minh Ngô Quang Tuyên), Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Vụ, op. cit., 165.

[24] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 23.

 

Nguồn tin: