Tính Đồng Nghị Trong Đời Sống Và Sứ Mệnh Của Giáo Hội (Chương 4)

Fri,14/01/2022
Lượt xem: 1549

Văn kiện của Ủy Ban Thần học quốc tế

TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

———————

Nguyên bản: La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa (2018)
[FranceseIngleseItalianoPortogheseRussoSpagnoloTedesco]

www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_it.html

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An. Nguồn: Vietcatholi

—————-

CHƯƠNG 4: HỒI TÂM ĐỂ ĐỔI MỚI TÍNH ĐỒNG NGHỊ

103. Tính đồng nghị được thiết lập để lên năng lực cho đời sống và sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội trong sự hợp nhất với và dưới sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, Đấng đã hứa: “nơi hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở đó giữa họ” (Mt18: 20); “này, Thầy luôn ở bên các con; đúng thế, cho đến ngày tận thế” (Mt28: 20). Dĩ nhiên, sự đổi mới của Giáo hội diễn ra qua việc tái lên sinh lực cho các cơ cấu đồng nghị, nhưng tự phát biểu trước nhất và trên hết để đáp lại lời kêu gọi nhân từ của Thiên Chúa, muốn ta sống như Dân của Người, một dân đang lữ hành qua lịch sử hướng về việc hoàn thành Vương quốc. Chương này chỉ ra một số yếu tố chuyên biệt của việc đáp lại này: huấn luyện về linh đạo hiệp thông và các thực hành lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng; sự liên quan của nó với hành trình đại kết và việc phục vụ (diakonia) có tính tiên tri trong việc xây dựng một triết lý sống có tính xã hội dựa trên tình huynh đệ, liên đới và hòa nhập.

4.1 Để đổi mới đời sống và sứ mệnh của Giáo hội theo lối đồng nghị

104. “Xét về yếu tính, mọi sự đổi mới Giáo hội đều đặt cơ sở trong việc gia tăng lòng trung thành đối với ơn kêu gọi của chính mình” [130]. Vì vậy, khi thực hiện sứ mệnh của mình, Giáo hội cũng được kêu gọi hồi tâm liên tục, tức một “hồi tâm mục vụ và truyền giáo”; điều này liên quan đến việc làm mới các não trạng, thái độ, thực hành và cơ cấu, để trung thành hơn với ơn gọi của mình [131]. Một não trạng giáo hội được hình thành bởi lối suy nghĩ đồng nghị sẽ hân hoan chào đón và phát huy ơn thánh mà nhờ đó tất cả những người đã chịu phép rửa đều có đủ điều kiện và được kêu gọi làm môn đệ truyền giáo. Thách thức lớn trong việc hồi tâm mục vụ phát sinh từ việc này đối với đời sống Giáo hội là phải tăng cường việc cộng tác hỗ tương của mọi người trong việc làm chứng truyền giảng Tin Mừng dựa trên các ơn phúc và vai trò của mọi người, mà không giáo sĩ hóa tín hữu giáo dân và không biến giáo sĩ thành tín hữu giáo dân, và dù sao cũng phải tránh cơn cám dỗ “giáo sĩ trị quá trớn giữ họ [giáo dân] cách xa diễn trình ra quyết định” [132].

105. Hồi tâm mục vụ để thực thi tính đồng nghị có nghĩa là: một số mô hình thường vẫn hiện diện trong văn hóa giáo hội (ecclesiastical culture) cần phải được hủy bỏ, vì chúng phát biểu một cái hiểu về Giáo hội chưa được đổi mới bởi giáo hội học hiệp thông. Chúng bao gồm: tập trung trách nhiệm truyền giáo vào thừa tác vụ của các mục tử; không đánh giá cao đủ đời sống thánh hiến và những ơn đặc sủng; ít khi sử dụng sự đóng góp chuyên biệt và giá trị của tín hữu giáo dân, trong đó có phụ nữ, trong các lĩnh vực chuyên môn của họ.

106. Trong viễn cảnh hiệp thông và thực thi tính đồng nghị, một số đường hướng căn bản trong hành động mục vụ có thể được xác định như sau:

a. việc thực thi trong Giáo hội địa phương và trên mọi bình diện của mối liên hệ luân hoàn giữa thừa tác vụ của các mục tử, sự tham gia và đồng trách nhiệm của giáo dân, sự kích thích xuất phát từ các ơn đặc sủng theo đường nối kết luân hoàn năng động giữa “một người”, “một số người” và “mọi người”;

b. sự tích hợp của việc thực thi tính hợp đoàn của các mục tử và tính đồng nghị sống bởi toàn thể Dân Thiên Chúa như một biểu thức hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương trong Giáo hội hoàn vũ;

c. việc thi hành thừa tác vụ hợp nhất của tòa Phêrô và việc lãnh đạo Giáo hội của Giám mục Rôma trong hiệp thông mọi Giáo hội địa phương, trong hợp động (synergy) với thừa tác vụ hợp đoàn của các Giám mục và hành trình đồng nghị của dân Chúa;

d. sự cởi mở của Giáo Hội Công Giáo đối với các Giáo hội và cộng đồng giáo hội khác trong cam kết không thể đảo ngược để cùng nhau hành trình hướng tới sự hiệp nhất hoàn toàn trong tính đa dạng đã được hòa giải của các truyền thống liên hệ của họ;

e. việc phục vụ (diakonia) về phương diện xã hội và cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các người nam nữ của các tuyên tín và xác tín tôn giáo khác ngõ hầu mang lại một nền văn hóa gặp gỡ.

4.2 Linh đạo hiệp thông và huấn luyện đời sống đồng nghị 

107. Triết lý sống của Giáo hội, dân Chúa được Chúa Cha quy tụ với nhau và được Chúa Thánh Thần dẫn dắt để, trong Chúa Kitô, trở thành “như một bí tích hoặc như một dấu chỉ và công cụ của cả việc kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa lẫn của việc hợp nhất của toàn thể loài người “[133], bộc phát và được nuôi dưỡng bằng một cuộc hồi tâm bản thân hướng về nền linh đạo hiệp thông [134]. Mọi chi thể của Giáo hội được mời gọi chấp nhận cuộc hồi tâm này như một ơn phúc và lời bảo đảm của Chúa Thánh Thần sẽ được sống theo sự hướng dẫn của Người, và học cách sống, trong hiệp thông, ơn thánh đã nhận được trong phép rửa và nên hoàn hảo trong Bí tích Thánh Thể: cuộc chuyển đổi có tính vượt qua từ cái “tôi” hiểu theo nghĩa lấy mình làm trung tâm sang cái “chúng ta”, trong đó, mọi cái “tôi”, nhờ mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27), sống và hành trình với anh chị em mình như một tác nhân có trách nhiệm và tích cực của sứ mệnh duy nhất của dân Chúa.

Do đó, Giáo hội cần phải trở thành “căn nhà và ngôi trường hiệp thông” [135]. Không có sự hồi tâm của trái tim và tâm trí và không có việc đào tạo có kỷ luật để chào đón và lắng nghe nhau, các phương thế hiệp thông bên ngoài sẽ hầu như không ích lợi chi; ngược lại, chúng có thể biến thành những chiếc mặt nạ vô tâm, vô hình đơn thuần. “Trong khi sự khôn ngoan của luật lệ, nhờ cung cấp các quy tắc chính xác cho việc tham gia, có chứng thực cho cơ cấu phẩm trật của Giáo hội và ngăn cản bất cứ cơn cám dỗ nào muốn chủ trương võ đoán hoặc bất chính, linh đạo hiệp thông, nhờ cổ vũ sự tín thác và cởi mở hoàn toàn phù hợp với phẩm giá và trách nhiệm của mọi thành viên của dân Chúa, đã cung cấp một thực tại thể chế có linh hồn “[136].

108. Cùng các thiên hướng vốn cần để sống và làm cho sensus fidei (cảm thức đức tin) chín mùi, một cảm thức mà mọi tín hữu đều được phú ban, cũng cần có để sử dụng nó trên nẻo đường đồng nghị. Đây là một điểm chủ yếu trong việc huấn luyện người ta trong tinh thần đồng nghị, vì chúng ta sống trong một nền văn hóa trong đó, các đòi hỏi của Tin Mừng và của cả các nhân đức nhân bản thường không phải là đối tượng được đánh giá cao hoặc chuẩn bị đầy đủ [137]. Các thiên hướng sau đây đáng được ghi nhớ: tham gia vào đời sống của Giáo hội lấy Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa giải làm tâm điểm; lắng nghe Lời Chúa để bước vào đối thoại với nó và đem nó ra thực hành; tuân theo Huấn Quyền trong các giáo huấn của nó về đức tin và luân lý; ý thức mình là chi thể của nhau như là Thân thể của Chúa Kitô và được sai đến với anh chị em của chúng ta, trước hết và quan trọng nhất với những người nghèo nhất và bị loại trừ nhất. Đây có ý nói tới các thái độ được tóm tắt trong công thức sentire cum Ecclesia: “cảm nhận, cảm thức và nhận thức một cách hòa hợp với Giáo hội”, một điều “kết hợp mọi thành viên của dân Chúa khi họ thực hiện hành trình lữ thứ” và là “chìa khóa để họ ‘cùng đi với nhau’ “[138]. Thực thế, đây có ý nói về việc biểu lộ nền linh đạo hiệp thông như là “nguyên tắc hướng dẫn giáo dục ở bất cứ nơi nào các cá nhân và các Kitô hữu được đào tạo, bất cứ nơi nào các thừa tác viên bàn thờ, các người thánh hiến và nhân viên mục vụ được đào tạo, bất cứ nơi nào các gia đình và cộng đồng được xây đắp” [139 ].

109. Các cộng đoàn Thánh Thể là nguồn gốc và mô hình của linh đạo hiệp thông. Trong đó, các yếu tố chuyên biệt của đời sống Kitô giáo vốn được kêu gọi để lên khuôn cho affectus synodalis(cảm thức đồng nghị) được phát biểu.

a. Khẩn cầu Chúa Ba Ngôi. Cộng đoàn Thánh Thể bắt đầu từ việc khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha tụ tập, trong sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần, Giáo hội trở thành bí tích sống động của Chúa Kitô: “Nơi hai hoặc ba người gặp nhau nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở đó giữa họ” (Mt18: 19). Sự hợp nhất của Chúa Ba Ngôi chí thánh trong sự hiệp thông của ba ngôi vị Thiên Chúa được mạc khải trong cộng đồng Kitô giáo, một cộng đồng được kêu gọi sống “sự hợp nhất của con cái Thiên Chúa trong chân lý và bác ái” [140], trong việc thực thi các ơn phúc và đặc sủng khác nhau lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần vì lợi ích chung.

b. Hòa giải. Cộng đoàn Thánh Thể mở đường cho hiệp thông bằng phương thức hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Confessio peccati (xưng tội) cử hành tình yêu thương xót của Chúa Cha và bày tỏ lòng mong muốn đi theo không phải con đường chia rẽ do tội lỗi gây nên, mà là con đường dẫn đến sự hợp nhất: “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”(Mt5: 23-24). Các biến cố đồng nghị giả định rằng chúng ta nhìn nhận sự yếu đuối của mình và yêu cầu sự tha thứ của nhau. Hòa giải là cách sống việc truyền giảng tin mừng cách mới mẻ.

c. Lắng nghe lời Thiên Chúa. Trong cộng đồng Thánh Thể, chúng ta lắng nghe Lời Chúa để chấp nhận thông điệp của nó và để nó soi sáng con đường của chúng ta. Chúng ta học cách nghe tiếng Chúa, bằng cách suy niệm Thánh Kinh, nhất là Tin Mừng, bằng cách cử hành các bí tích, trên hết là Bí tích Thánh Thể, và bằng cách chào đón các anh chị em của chúng ta, nhất là người nghèo. Bất cứ ai thi hành thừa tác mục vụ và được kêu gọi bẻ bánh Lời Chúa cùng với bánh Thánh Thể cần phải làm quen với đời sống của cộng đồng, để truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa, trong cuộc sống tại đây và bây giờ. Cơ cấu đối thoại của phụng vụ Thánh Thể là mô hình của biện phân cộng đồng: trước khi lắng nghe lẫn nhau, các môn đệ phải lắng nghe Lời Chúa.

d. Hiệp thông. Bí tích Thánh Thể “tạo ra sự hiệp thông và phát huy sự hiệp thông” [141] với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Được Đức Kitô sinh ra qua Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông được chia sẻ bởi những người đàn ông và đàn bà, những người, vì đã chịu phép rửa, có phẩm giá ngang nhau và nhận được những ơn gọi khác nhau từ Chúa Cha và sống chúng một cách có trách nhiệm – những ơn gọi xuất phát từ phép rửa, phép thêm sức, phép truyền chức thánh và từ đặc sủng của Chúa Thánh Thần – để tạo thành một Thân thể từ nhiều chi thể. Sự hội tụ phong phú và tự do của tính đa nguyên trong hợp nhất này là điều được khởi động trong các biến cố đồng nghị.

e. Sai điIte, missa est (hãy ra đi, thánh lễ đã hoàn tất). Sự hiệp thông được làm thành hiện thực trong Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta đi truyền giáo. Bất cứ ai tham dự Mình và Máu Chúa Kitô đều được mời gọi chia sẻ kinh nghiệm vui mừng về điều đó với mọi người. Mỗi biến cố đồng nghị đều thúc giục Giáo hội ra ngoài lều trại của mình (xem Dt13: 13) để đưa Chúa Kitô đến với những người đang chờ được Người cứu vớt. Thánh Augustinô nói rằng chúng ta cần “trở thành một tâm và một trí trên hành trình hướng về Thiên Chúa” [142]. Sự hợp nhất của cộng đồng không có thực chất nếu không có thứ télos(mục đích tối hậu) bên trong này hướng dẫn nó theo nẻo đường thời gian hướng tới mục tiêu cánh chung của nó, tức “Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (1 Cr 15: 28). Chúng ta phải luôn luôn đương đầu với câu hỏi: làm thế nào chúng ta có thể thực sự trở thành một Giáo hội đồng nghị trừ khi chúng ta sống “hướng ra ngoài” về phía mọi người để cùng nhau tiến về hướng Thiên Chúa?

4.3 Lắng nghe và đối thoại để biện phân cộng đồng

110. Đời sống đồng nghị của Giáo hội xuất hiện nhờ việc chân thực thông truyền đức tin, sự sống và cam kết truyền giáo nơi mọi thành viên. Nó mang lại biểu thức cho communio sanctorum (hiệp thông các thánh) vốn sống nhờ cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng các Bí tích, nảy nở trong tình yêu thương nhau và mọi người, phát triển nhờ chia sẻ các niềm vui và thử thách của Nàng dâu của Chúa Kitô. Truyền thông cần phải trở nên rõ ràng thông qua cộng đồng lắng nghe Lời Chúa để biết “điều Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội” (Kh2: 29). “Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội biết lắng nghe… Các tín hữu giáo dân, hợp đoàn Giám mục, Giám mục Rôma: tất cả lắng nghe nhau; và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần” [143].

111. Đối thoại đồng nghị phụ thuộc lòng can đảm trong cả việc nói lẫn việc nghe. Nó không phải là tham gia vào một cuộc tranh luận, trong đó, người nói cố gắng thắng thế những người khác hoặc phản bác các chủ trương của họ bằng những lập luận thô bạo, nhưng là việc phát biểu bất cứ điều gì xem ra được Chúa Thánh Thần gợi ý là hữu ích cho việc biện phân của cộng đồng, đồng thời sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì đã được cùng một Thần Trí gợi ý trong các chủ trương của người khác, “vì lợi ích chung” (1 Cr 12: 7).

Tiêu chuẩn theo đó “sự hợp nhất thắng thế xung đột” có giá trị đặc biệt trong việc tiến hành đối thoại, biết cách xoay xở các ý kiến và kinh nghiệm khác nhau và học hỏi “phong cách xây dựng lịch sử, một lĩnh vực quan trọng trong đó các thanh chấp, căng thẳng và đối lập có thể đạt tới sự hợp nhất đa dạng tạo ra sự sống mới”, làm cho khả hữu việc “xây dựng hiệp thông giữa bất đồng “[144]. Thực sự, đối thoại cung cấp cơ hội để có được những viễn ảnh và quan điểm mới nhằm soi sáng cho việc giải quyết vấn đề đang được đề cập.

Đó là vấn đề chấp nhận “một cách nhìn thế giới theo lối tương quan, một cách nhìn, sau đó, trở thành một dạng kiến thức chung, tầm nhìn qua con mắt của người khác và tầm nhìn chung về tất cả những gì hiện hữu” [145]. Đối với Chân phúc (nay là Thánh) Phaolô VI, cuộc đối thoại đích thực là một hình thức truyền thông thiêng liêng [146], đòi hỏi nhiều thái độ chuyên biệt: tình yêu, lòng tôn trọng, lòng tín thác và thận trọng khôn ngoan [147]; “Đối thoại triển nở trên tình bạn, và đặc biệt nhất là trên việc phục vụ” [148]. Vì sự thật – như Đức Bênêđictlô XVI từng nhấn mạnh – “là lógos (lời), một lógos tạo ra các diá-logos (đối lời) và do đó tạo ra truyền thông và hiệp thông” [149].

112. Một thái độ thiết yếu trong cuộc đối thoại có tính đồng nghị là sự khiêm nhường, một sự khiêm nhường hướng mỗi người vào việc vâng theo thánh ý Thiên Chúa và vâng theo nhau trong Chúa Kitô [150]. Thánh tông đồ Phaolô, trong Thư gửi tín hữu Philíphê, đã minh họa ý nghĩa của nó và cách thức hoạt động của nó liên quan đến đời sống hiệp thông là có cùng “một cảm nghĩ duy nhất (φρόνησις), cùng một lòng mến (άγάπη), cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau “(2:2). Ngài nhấn mạnh tới hai cám dỗ vốn phá hoại cuộc sống của cộng đồng: Tinh thần ghen tuông (έριθεία) và hư danh (κενοδοξία) (2: 3a). Ngược lại, thái độ cần có là sự khiêm nhường (ταπεινοφρυσύνη): hoặc xem người khác quan trọng hơn bản thân chúng ta, hoặc đặt thiện ích và lợi ích chung lên hàng đầu (2: 3b-4). Ở đây, Thánh Phaolô nhắc nhớ Đấng mà nơi Người, nhờ đức tin, chúng ta đã trở thành một cộng đồng: ” hãy có những tâm tình như chính Chúa Giêsu Kitô ” (2:5). Thứ φρόνησις(cảm nghĩ) của các môn đệ phải là thứ cảm nghĩ mà chúng ta nhận được từ Chúa Cha nếu chúng ta sống trong Chúa Kitô. Việc kenosis(tự hủy) của Chúa Kitô (2:7-10) là hình thức triệt để đức vâng lời của Người đối với Chúa Cha và đối với các môn đệ, đó là lời kêu gọi cảm nhận, suy nghĩ và cùng biện phân với nhau một cách khiêm nhường thánh ý Thiên Chúa khi theo chân Thầy và là Chúa mình.

113. Việc thi hành biện phân nằm ở tâm điểm các diễn trình và biến cố đồng nghị. Đó là cách nó luôn hiện diện trong đời sống đồng nghị của Giáo hội. Giáo hội học hiệp thông và nền linh đạo và triết lý hành động chuyên biệt từ đó mà có liên quan đến sứ mệnh của toàn thể Dân Thiên Chúa, để, “ngày nay nó trở nên cần thiết hơn bao giờ hết (…) phải được hình thành theo các nguyên tắc và phương pháp biện phân không những của bản thân mà còn của cộng đồng nữa”[151]. Cần phải nhận diện và tiến bước như một Giáo hội, nhờ việc giải thích, về thần học, các dấu chỉ thời đại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con đường phải theo để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa đến chỗ hoàn thành cánh chung trong Chúa Kitô [152]; điều này cũng phải được hoàn thành trong mọi thời khắc (kairós) suốt trong lịch sử [153]. Việc biện phân cộng đồng cho phép chúng ta khám phá lời mời gọi của Thiên Chúa trong một hoàn cảnh lịch sử đặc thù [154].

114. Biện phân cộng đồng ngụ hàm việc cẩn thận và can đảm lắng nghe “những tiếng rên rỉ” của Chúa Thánh Thần (xem Rm8: 26) phát ra từ tiếng kêu rõ ràng hoặc đôi khi im lặng của dân Chúa: “lắng nghe Thiên Chúa, để chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu than của Dân Người; lắng nghe Dân Người cho đến khi chúng ta hòa hợp với thánh ý mà Thiên Chúa gọi chúng ta hướng tới”[155]. Môn đệ của Chúa Kitô phải giống như một người giảng thuyết, người “phải suy gẫm Lời Chúa, nhưng cũng phải suy gẫm về dân của Người” [156]. Sự biện phân phải được thực hiện trong một không gian cầu nguyện, suy niệm, suy tư và nghiên cứu, mà chúng ta cần nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần; bằng đối thoại chân thành, thanh thản và khách quan với anh chị em chúng ta; bằng việc chú ý đến các kinh nghiệm và thách thức thực sự của mọi cộng đồng và mọi tình huống; trong việc trao đổi các ơn phúc và trong việc hội tụ mọi năng lực nhằm xây dựng Thân thể Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng; trong việc tổng hợp các cảm quan và ý nghĩ giúp chúng ta hiểu thánh ý Chúa; bằng việc tìm kiếm cách để được Tin Mừng giải phóng khỏi mọi trở ngại có thể làm suy yếu sự cởi mở của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần.

4.4 Tính đồng nghị và hành trình đại kết

115. Vatican II dạy rằng Giáo Hội Công Giáo, trong đó tồn hữu Giáo hội duy nhất và phổ quát của Chúa Kitô [157], vì nhiều lý do, thấy mình hợp nhất với mọi người đã chịu phép rửa [158] và “Thần Trí Chúa Kitô đã không ngần ngại sử dụng chúng làm phương tiện cứu rỗi, một phương tiện có được hiệu quả nhờ chính sự viên mãn của ơn thánh và sự thật được ủy thác cho Giáo hội “[159]. Do đó, sự cam kết của tín hữu Công Giáo cùng đồng hành với các Kitô hữu khác hướng về sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình dưới nhan Chúa bị đóng đinh và đã sống lại, Đấng một mình có khả năng chữa lành các thương tích trên Thân thể Người trong suốt lịch sử và hòa giải các dị biệt bằng các ơn của Chúa Thánh Thần, theo sự thật, trong tình yêu.

Cam kết đại kết đánh dấu một cuộc hành trình liên quan đến toàn thể Dân Thiên Chúa và đòi phải có sự hoán cải trái tim và cởi mở với nhau để triệt phá mọi bức tường khác biệt vốn phân cách các Kitô hữu với nhau trong nhiều thế kỷ và để khám phá, chia sẻ và vui mừng trong nhiều kho tàng vốn kết hợp chúng ta như những hồng phúc của một Chúa duy nhất nhờ phép rửa mà chúng ta cùng chia sẻ: từ việc cầu nguyện đến nghe Lời Chúa và cảm nghiệm tình yêu chúng ta dành cho nhau trong Chúa Kitô, từ việc làm chứng cho Tin Mừng đến việc phục vụ người nghèo và người bị ruồng bỏ, từ cam kết cho một xã hội công bằng và liên đới tới một cam kết cho hòa bình và lợi ích chung.

116. Điều quan trọng là phải vui mừng thừa nhận rằng, trong thời đại của chúng ta, đối thoại đại kết đã tiến đến chỗ nhìn nhận tính đồng nghị như một điều tỏ lộ bản tính của Giáo hội, một điều chủ yếu cho sự hợp nhất của nó trong tính đa dạng của các biểu hiện của nó. Có sự hội tụ về khái niệm Giáo hội như là koinonía(hiệp thông), được thể hiện trong mỗi Giáo hội địa phương và trong mối quan hệ của nó với các Giáo hội khác, nhờ các cơ cấu và diễn trình đồng nghị chuyên biệt.

Trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống, Tài liệu Chieti gần đây tuyên bố rằng, trong Thiên niên kỷ thứ nhất, ở Đông và Tây, sự hiệp thông giáo hội, với nguồn gốc vững chắc trong Ba Ngôi Chí Thánh [160], đã khai triển “nhiều cơ cấu đồng nghị có liên hệ chặt chẽ với tính tối thượng (primacy)”[161]; di sản thần học và giáo luật của các cơ cấu này là “một điểm tham chiếu cần thiết… để chữa lành vết thương chia rẽ họ vào đầu thiên niên kỷ thứ ba” [162].

Các tài liệu của Ủy ban Đức tin và Trật tự của Hội đồng Các Giáo hội Thế giới, Giáo hội. Hướng tới một Viễn Kiến chung, nhấn mạnh rằng “dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, toàn thể Giáo hội là đồng nghị / đồng hội (conciliar), ở mọi bình diện của đời sống giáo hội: địa phương, khu vực và hoàn vũ. Phẩm chất của tính đồng nghị hay tính đồng hội phản ảnh mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi của Thiên Chúa và các cơ cấu của Giáo hội nói lên phẩm chất này để biến cuộc sống của cộng đồng như một hiệp thông thành hiện thực”[163].

117. Đồng thuận đối với viễn kiến trên về Giáo hội cho phép chúng ta tập trung sự chú ý, một cách thanh thản và khách quan, vào các nút thắt thần học quan trọng vẫn cần được tháo cởi. Trước hết, là vấn đề liên quan đến mối liên hệ giữa việc tham gia vào đời sống đồng nghị của mọi người chịu phép rửa, nơi họ Thần Trí Chúa Kitô khơi dậy và nuôi dưỡng Sensus fidei (cảm thức đức tin) và năng quyền và trách nhiệm do đó mà ra để biện phân sứ vụ, và thẩm quyền riêng của các mục tử, một thẩm quyền vốn xuất phát từ một đặc sủng chuyên biệt được ban cho qua bí tích; thứ đến, là việc giải thích sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ được phát biểu qua sự hiệp thông giữa các Mục tử của họ và Giám mục Rôma, với việc ấn định bao nhiêu thì thuộc tính đa nguyên hợp pháp trong các hình thức phát biểu đức tin trong các nền văn hóa khác nhau và điều gì thuộc về bản sắc nghìn đời và sự hợp nhất Công Giáo của nó.

Trong bối cảnh này, việc thực thi đời sống đồng nghị và đánh giá sâu sắc hơn ý nghĩa thần học của nó là một thách thức và cơ hội lớn lao để tiếp tục cuộc hành trình đại kết của chúng ta. Trong sự trung thành một cách sáng tạo với depositum fidei (kho tàng đức tin) và nhất quán với tiêu chuẩn của hierarchia veritatum (phẩm trật chân lý) [164], chân trời đồng nghị thực sự cho chúng ta thấy việc trao đổi ơn phúc có tính hứa hẹn xiết bao, qua đó chúng ta có thể làm giàu cho nhau khi chúng ta đồng hành hướng tới sự hợp nhất: sự hài hòa đã được hòa giải của sự phong phú vô tận của mầu nhiệm Chúa Kitô, phản ảnh trong vẻ đẹp của khuôn mặt Giáo hội.

4.5 Tính đồng nghị và việc phục vụ (diakonia) xã hội

118. Dân Chúa đi qua lịch sử để chia sẻ với mọi người men, muối, ánh sáng của Tin Mừng. Đó là lý do tại sao “việc truyền giảng Tin Mừng cũng liên quan đến con đường đối thoại” [165] mà chúng ta tiến hành với anh chị em của các tôn giáo, các thế giới quan và văn hóa khác nhau đang tìm kiếm sự thật và cam kết xây dựng công lý, để mở rộng tâm trí mọi người để họ nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô đang đi bên cạnh chúng ta. Các sáng kiến liên quan đến việc gặp gỡ, đối thoại và hợp tác giành được sự tin tưởng như là những giai đoạn quý giá trong cuộc hành hương chung của chúng ta và hành trình đồng nghị của dân Chúa tự cho thấy đó là một trường học dạy đời sống trong đó, chúng ta sở đắc được ethos(triết lý sống) cần thiết để thực hành đối thoại với mọi người – mà không chủ hoà thái quá (irenicism) hoặc thỏa hiệp. Thực thế, ngày nay, khi càng ngày người ta càng ý thức được sự liên thuộc hỗ tương giữa các dân tộc buộc chúng ta phải coi thế giới như ngôi nhà chung của mình, Giáo hội được kêu gọi chứng tỏ rằng tính Công Giáo của mình và con đường đồng nghị mà Giáo Hội sống và làm việc trong đó là một chất xúc tác cho sự hợp nhất trong sự đa dạng và cho sự hiệp thông trong tự do. Đây là một đóng góp đáng kể mà đời sống và sự hoán cải đồng nghị của dân Chúa có thể tạo ra để cổ vũ nền văn hóa gặp gỡ và liên đới, lòng tôn trọng và đối thoại, việc hòa nhập và tích nhập, lòng biết ơn và ơn phúc.

119. Đời sống đồng nghị của Giáo Hội tự thể hiện một cách đặc biệt như một diakonia (phục vụ) trong việc cổ vũ đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của mọi dân tộc dưới ngọn cờ công lý, liên đới và hòa bình. “Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, không chỉ cứu chuộc cá nhân, mà cả các mối liên hệ xã hội hiện diện giữa họ nữa” [166]. Việc thực hành đối thoại và việc tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu chung mà chúng ta cam kết đối với hòa bình và công lý là một ưu tiên tuyệt đối trong một tình huống gặp khủng hoảng cơ cấu trong các thủ tục tham gia dân chủ và mất niềm tin vào các nguyên tắc và giá trị gây cảm hứng của nó, với mối đe dọa sai lạc độc đoán và kỹ trị. Trong bối cảnh này, nghĩa vụ quan trọng và là tiêu chuẩn cho mọi hành động xã hội của dân Chúa là nghe tiếng than của người nghèo và tiếng than của trái đất [167], và trong việc xác định các lựa chọn và kế hoạch của xã hội, kéo sự chú ý khẩn cấp vào vị trí và vai trò vinh dự của người nghèo, mục đích đến phổ quát của hàng hóa, tính ưu việt của tình liên đới và việc chăm sóc đối với ngôi nhà chung của chúng ta.

Nguồn tin: catechesis.net