Tân Phúc Âm Hóa Tại Các Trung Tâm Hành Hương: Cơ Hội Và Thách Đố

Mon,06/05/2019
Lượt xem: 2259

Cách mạng công nghiệp và toàn cầu hóa là một điều tất yếu của xã hội hiện đại. Cùng với các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp giao thông vận tải và công nghệ thông tin đã giúp con người di chuyển cách dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng. Điều này làm cho con người đi đến các địa điểm có danh lam thắng cảnh tăng lên rất nhanh, trong đó, các trung tâm đền thánh và thánh địa cũng không ngoại lệ. Hiện nay, trên toàn thế giới có rất nhiều đền thánh và thánh địa. Riêng đền thánh và thánh địa dâng kính Đức Mẹ trên thế giới đã là hơn 10.000. Người ta cũng ghi nhận được những con số thống kê lượng khách hành hương đến các trung tâm này vô cùng lớn và con số vẫn không ngừng tăng lên. Nổi tiếng thu hút nhiều tín hữu và du khách hành hương nhất thế giới có Đền thánh Đức Bà Guadalupe ở Mêxicô, Đền thánh Đức Bà Aparecida, Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc Brasil, nằm trong tiểu bang Sao Paolo, Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp, Đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha… Con số khách hành hương đến từng nơi này mỗi năm là hàng chục triệu người với hàng chục ngàn tình nguyện viên, cộng sự viên đảm trách các sinh hoạt và tiếp đón các tín hữu.[1] Riêng tại Việt Nam, mặc dầu các điều kiện không được phát triển như các nước nhưng người ta cũng chứng kiến được một con số không hề nhỏ lượng khách hành hương đến các đền thánh. Tại La Vang, vào ngày lễ cao điểm 15 tháng 08 hàng năm, có khoảng 100 đến 170 ngàn khách hành hương[2]. Tại Trại Gáo (giáo phận Vinh) cũng có khoảng 10 đến 20 ngàn khách hành hương trong các ngày lễ cao điểm kính thánh Antôn. Trong các số liệu thống kê này, thực tế cho thấy có một số lượng lớn những người “giữ đạo nửa vời”, những người không phải Công giáo và cả những người cho mình là vô thần nữa. Con số khách hành hương này tăng lên hàng trăm ngàn người trong mỗi năm. Làm sao để truyền giáo cho những con người đầy thiện chí này? Đây quả là cơ hội cho công cuộc Tân Phúc âm hóa. Muốn được như vậy, theo thiển ý cá nhân và khả năng trong bài viết này, tôi sẽ trình bày sơ qua tâm tình tôn giáo nơi các tôn giáo và Kitô giáo. Tiếp đến là trình bày ý nghĩa thần học cũng như tìm hiểu Huấn quyền về việc hành hương. Cuối cùng, tôi sẽ đề nghị một số giải pháp áp dụng vào thực tế Việt Nam.

 
1. Hành hương nơi các tôn giáo lớn và tại Việt Nam

Hầu hết các tôn giáo đều có một nhãn quan chung trong định nghĩa về hành hương, đó là hành trình từ nơi mình ở đến một nơi đất linh thánh theo tôn giáo. Theo Từ điển Công giáo, việc đi đến nơi thánh là để tỏ lòng sùng đạo.[3] Miền đất linh thiêng tùy thuộc vào mỗi tôn giáo nhưng cũng có nơi chung của các tôn giáo. Ví dụ, Giêrusalem là nơi hành hương của Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo; Sông Hằng, Maranashi là nơi hành hương của Phật giáo, Ấn Độ giáo và Raina giáo… Đa số các trung tâm linh thiêng khác là miền đất riêng của từng tôn giáo, như Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc là trung tâm hành hương của các tín đồ Khổng giáo, Mecca là thánh địa của Hồi giáo mà mỗi tín đồ phải hành hương ít nhất trong cuộc đời mình; Tòa thánh Tây Ninh là trung tâm hành hương của các tín đồ Cao Đài…[4] Thực tế hiện nay, những địa điểm đó còn là nơi hành hương của khách thập phương, không chỉ vì vấn đề tâm linh mà còn vì du lịch, nghỉ ngơi và một số mục đích khác nữa. Trong dòng chảy đó, tại Việt Nam, chúng ta dễ nhận thấy được là ở các đền thánh và thánh địa Công giáo, có một lượng lớn khách hành hương từ các tôn giáo bạn và thậm chí là người tự cho mình là vô thần. Đặc biệt, ở La Vang, Tà Pao, Tắc Sậy, Măng Đen, Trại Gáo, Phát Diệm, Thái Hà… không chỉ vào các ngày biệt kính, nhưng trong các ngày thường, một con số đông các tín đồ Phật giáo và các tôn giáo khác đến để xin ơn. Dù sao, số lượng người đến các đền thánh là một con số không nhỏ và đó là cơ hội lớn để cho chúng ta ươm mầm đức tin nơi những mảnh đất đã dọn sẵn để đón nhận ân sủng.

2. Truyền thống hành hương trong thời Cựu Ước

Trong Kinh thánh Cựu Ước, hành hương với các hành vi biểu tượng tôn giáo được nói đến từ thời các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacop đi tới Sikhem ( St 12,6-7; 33,18-20), Bethel (St 28,10-22; 35,1-15) và Mam-rê (St 13,18; 18,1-15), nơi mà Đức Chúa tỏ mình và lập giao ước cùng hứa ban “Đất Hứa” cho họ. Cuộc hành hương này được hiểu là hành trình của Israel 40 năm trong sa mạc, khởi đi từ Ai Cập sau lễ Vượt Qua tới núi Sinai, nơi Chúa ban Giao Ước cho Môsê (Xh 19-20). Sinai đã trở thành linh địa đầu tiên của Do Thái giáo ở ngoại bang. Trong tiến trình về đất hứa, trở về Giêrusalem, nhà của Đức Chúa (Tv 84,6-8), dân Chúa đã được thanh luyện và tổ chức lễ Các Tuần và Lễ Lều. Và khi ở trong Đất Hứa, Giêrusalem trở thành thánh địa buộc người nam Do Thái trưởng thành phải hành hương tới trong 3 dịp lễ lớn (Xh 23,17; 34,23; Ds 16,16): Lễ Vượt Qua, Lễ Các Tuần và Lễ Lều[5]. Điều này đã được các tín đồ Do Thái giữ cho đến ngày nay.

3. Cuộc hành hương của Thánh Gia lên Đền thờ Giêrusalem

Tiếp nối truyền thống và tập tục của luật buộc Do Thái giáo, Gia Đình Thánh Nazareth cũng hòa mình vào cộng đồng hành hương lên Đền thánh Giêrusalem hàng năm, năm Chúa Giê-su lên 12 tuổi. Cuộc hành hương này là quan trọng, bởi vì nó đánh dấu sự chuẩn bị trưởng thành của Chúa Giêsu và chính thức gia nhập cộng đoàn. Vượt lên sự chu toàn lề luật đó, Chúa Giêsu lên đền thánh để hiệp thông, học hỏi và lần đầu tiên mạc khải công cuộc cứu độ của Người: “Con có bổn phận ở nhà của Cha Con”(Lc 2,49). Chúa Giêsu ý thức rõ về mối quan hệ giữa Người với Chúa Cha. Bổn phận của Người với Chúa Cha quan trọng hơn hết.[6] Điều này lý giải tại sao thánh Giuse được gọi là cha nuôi của Người. Giêrusalem được Chúa Giêsu khẳng định là Nhà của Chúa Cha khi Người đuổi con buôn ra khỏi đền thờ (Ga 2,13-25). Tuy nhiên, ngôi nhà vật chất đó không quan trọng bằng chính đền thờ thiêng liêng của mỗi người, nơi mà con người thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (Ga 4,22-24). Hơn nữa, công việc của Chúa Giêsu đó là dạy dỗ cho muôn dân biết sứ vụ và mạc khải về Thiên Chúa là Cha của mình: “Người ngồi giữa và đàm đạo với các tiến sĩ luật” (Lc 2,46). Như thế, Chúa đã dạy con người theo luật Do Thái là việc lên Đền thờ cầu nguyện không chỉ là việc chu toàn lề luật, cầu nguyện cùng Giavê Thiên Chúa nhưng còn là cơ hội của việc học hỏi về Lời Chúa và “lo công việc của Chúa Cha”.

4. Truyền thống hành hương trong Tân Ước

Tiếp nối luật Cựu Ước, Đức Giêsu - “Đấng không đến để bãi bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17) đã luôn thực hiện điều mà luật cũ đã dạy (x. Xh 23,17). Người đã cùng với cha mẹ và các môn đệ lên Giêrusalem không chỉ để chu toàn lề luật và giảng dạy nhưng còn để nhắc nhở cho người Do Thái và chúng ta ý thức về “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện”(Ga 2,13).[7] Thánh Luca đã diễn tả Giêrusalem là nơi mà Chúa Giêsu đã hoàn tất công cuộc thương khó, phục sinh và trở về cùng Cha (Ga 16,28; 13,1). Từ nơi đây, Giáo hội tiếp tục sứ vụ của mình là quy tụ muôn người về Giêrusalem mới (x. Cv 2,5). Giêrusalem được trở thành Mẹ của các thành và là Đầu của Giáo hội. Chính thánh Phaolô đã thực hiện cuộc hành trình trở về Giêrusalem để gặp các tông đồ khác (x. Cv 19-21). Giêrusalem đã sớm trở thành thánh địa cho các kitô hữu hành hương để hiệp thông cũng như được diện kiến các tông đồ. Khi Phêrô và Phaolô bị điệu đến Rôma, nơi đây trở thành trung tâm hành hương vì có ngai tòa của các ngài.

5. Truyền thống hành hương trong Giáo hội

Ngay từ đầu Giáo hội sơ khai, người ta đã tổ chức hành hương đến Đất thánh ở Palestin và Sinai, Ai Cập, rồi đến Rôma, nơi thánh Phêrô và Phaolô cũng như nhiều kitô hữu khác đã tử đạo. Ở thế kỷ IV, người ta đã đi hành hương mộ của thánh Martino thành Tours, nước Pháp, vị thánh đầu tiên được tôn phong không phải vì tử đạo, ở Canterbery là thánh Thomas de Becket. Cũng nên biết rằng, các cuộc hành hương đều theo đường bộ và chỉ dành cho những người có rất nhiều tiền, vì phải thuê người dẫn đường. Vì thế, cũng có những tranh cãi về việc hành hương Đất Thánh. Đó là sự phản đối của giáo phụ Grégoire de Nysse. Có lẽ ngài là người đầu tiên chống lại lòng đạo đức bình dân này. Theo ngài, đành rằng việc hành hương là gian khổ và có một sự nỗ lực riêng của bản thân, nhưng sẽ tốt hơn nếu người hành hương biết đi vào nội tâm, cung thánh của Thiên Chúa ngự trị “từ thân xác mình về Thiên Chúa”.[8] Tuy nhiên, các tín hữu vẫn được ủng hộ đi hành hương. Ở thế kỷ thứ V, bắt đầu có tục lệ hành hương thay cho việc đền tội công khai[9]. Đến thời Trung Cổ, người ta tổ chức hành hương trên qui mô lớn và coi việc hành hương như điều luật buộc. Thời kỳ này được coi là “kỷ nguyên vàng” của việc hành hương. Một phần vì luật buộc nhưng một phần cũng vì sự phát triển của các quốc gia Kitô giáo ở Châu Âu và sự bành trướng của các quốc gia này. Thời Cận Đại, do ảnh hưởng của hoàn cảnh văn hóa và kỷ nguyên Ánh Sáng, lượng người hành hương cũng giảm theo. Kể từ nửa sau thế kỷ 19 đến nay, ta lại được chứng kiến sự trở lại của lượng lớn khách hành hương, mặc dầu có nhiều mục đích khác nhau. Có được điều này bởi sự phát triển vượt bậc của giao thông và truyền thông. Hầu hết ở các địa phận, quốc gia đều có đền thánh hoặc trung tâm hành hương của mình như Aparecida, Assisi, Fatima, Guadalupe, Lourdes, Nagasaki, Padova, Pompei, La Vang, Măng Đen, Tà Pao, Trại Gáo…

Trong tương lai, nhờ sự phát triển của các ngành giao thông, truyền thông, du lịch…, lượng khách hành hương chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa. Đứng trước cánh đồng truyền giáo, Giáo hội vẫn tiếp tục nhiệm vụ truyền giáo của mình bằng con đường Tân Phúc âm hóa.

6. Quan điểm của Giáo hội về hành hương đền thánh từ Công đồng Vatican II đến nay

Tiếp nối truyền thống của các thời đại trước, Công đồng Vatican II kiên quyết duy trì thói quen đặt để và tôn kính ảnh tượng của Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ Maria, các thánh cũng như di hài của các thánh trong các thánh đường và đền thánh.[10] Đây là cơ sở để các tín hữu và khách hành hương chính đáng, với cơ sở niềm tin, để hành hương các đền thánh. Chính Hội thánh cũng ban một số đặc ân cho các đền thánh mỗi khi thấy hoàn cảnh địa phương, số người hành hương đông đảo và nhất là lợi ích của các tín hữu đòi hỏi điều đó[11]. Điều này được thể hiện rõ trong sách Giáo lý của Hội thánh, tại số 2581 đã nêu rõ một phần mục đích: “Đền thánh phải là nơi dạy cho người hành hương biết cầu nguyện… Do đó, dân Chúa cần được giáo dục đức tin và hoán cải tâm hồn”.[12] Đi sâu hơn vào mục đích này, sách Giáo lý đã đề cập cụ thể hơn ở số 2691: “Những cuộc hành hương nhắc nhở chúng ta về thân phận lữ hành nơi trần thế. Theo truyền thống, hành hương là những thời điểm đặc biệt để canh tân kinh nguyện. Đối với những khách hành hương đi tìm nguồn sống, các thánh điện là những địa điểm đặc biệt để họ thực hành những cách thức cầu nguyện trong Hội thánh”.[13] Như thế, hành hương có một nhiệm vụ đặc biệt và mục đích đặc biệt, chính vì thế, nó luôn dành được sự quan tâm của huấn quyền. Để thực hiện điều này, Bộ Phụng tự đã ra văn kiện “Hướng dẫn Lòng đạo đức Bình dân và Phụng vụ” và đã dành hẳn chương 8 để hướng dẫn vấn đề này. Theo văn kiện này, khác với các tôn giáo và cộng đồng khác, đền thánh là nơi công bố một thông điệp của cuộc sống Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Đó chính là Tin mừng đến từ Thiên Chúa về Đức Giêsu Kitô: Người là Đấng cứu độ chúng ta. Bởi sự chết và phục sinh của Người, trời và đất được giao hòa mãi mãi. Không những thế, cuộc hành hương còn là một cuộc hoán cải cho các kitô hữu[14]. Điều này được khởi đi từ sự hoán cải của dân Chúa trong sa mạc và cuộc đời lữ hành trên trần thế này. Từ đây cho thấy, hành hương còn là hành vi thờ phượng cần thiết không chỉ của từng người mà cả cộng đồng dâng lên ca tụng Thiên Chúa. Khung cảnh linh thiêng của đền thánh giúp cho tâm tình tin yêu, cảm mến của tín hữu và khách hành hương tăng lên. Như thế, một cuộc hành hương còn là một hành trình của lời cầu nguyện được dẫn đưa bởi ánh sáng dẫn đường của Lời Chúa[15]. Sống trong khung cảnh của lời cầu nguyện, một nghĩa nào đó, sẽ giúp cho khách hành hương nhớ tới hành trình của Chúa Giêsu và các môn đệ khi các Người rảo quanh các xóm làng và ngả đường để công bố Tin mừng cứu độ. Để làm được điều này, theo hướng dẫn của Bộ Phung tự, khách hành hương cần được tiếp cận với các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Giao Hòa và Xức Dầu. Những sự chuẩn bị trong tâm hồn, lời cầu nguyện và hồng ân của Chúa sẽ là nguồn trợ lực để cho người tín hữu và khách hành hương biến đổi thực sự và rộng trải trên bước đường ơn gọi của họ. Chứng minh cho những quan điểm trải dài trong truyền thống Giáo hội, các Đức Giáo hoàng đã thực hiện các cuộc tông du và hành hương đến các đền thánh để cầu nguyện. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được biết đến là vị giáo hoàng tông du nhiều nhất đến các đền thánh. Chính ngài, sau khi bình phục và kỉ niệm một năm ngày bị bắn ngày 13 tháng 5 năm 1981, đã trở lại Fatima ngày 13.5.1982 để cảm ơn Mẹ cách riêng vì ngài tin rằng chính Đức Mẹ đã hướng viên đạn đi trệch đường. Ngài cũng đã dâng đầu đạn đó cho Đức Mẹ. Ngài thường xuyên đích thân hoặc gửi các đặc sứ đến các đền thánh để đồng hành và chia sẻ với các đoàn hành hương. Ngài cũng dành nhiều thời gian để đón tiếp, chia sẻ và đọc kinh Truyền Tin chung với các đoàn hành hương về Rôma. Truyền thống tốt đẹp này tiếp tục được thực hiện với các vị kế tiếp là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô.

Trong cuộc hành hương Đất Thánh, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Truyền thống kỳ cựu về các cuộc hành hương ở Nơi Thánh nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ không thể tách rời giữa Giáo hội và dân tộc Do thái. Ngay từ đầu, Giáo hội tại các nơi này vẫn kính nhớ trong phụng vụ các đại Tổ Phụ và Ngôn Sứ, như một dấu chỉ nói lên lòng ngưỡng mộ sâu xa đối với sự hiệp nhất giữa hai Giao Ước. Ước gì cuộc gặp gỡ hôm nay giúp chúng ta gia tăng lòng yêu mến đối với Kinh thánh và mong ước vượt thắng mọi chướng ngại cản trở sự hòa giải giữa các tín hữu Kitô và Do thái, trong niềm tôn trọng và cộng tác với nhau để phục vụ hòa bình mà Lời Chúa kêu gọi chúng ta thi hành”.[16] Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào guồng máy của Tòa thánh nhưng còn bằng những cử chỉ vô cùng mới mẻ tới các đoàn hành hương và nơi hành hương, đặc biệt là các cuộc tông du và Đại hội Giới trẻ thế giới. Có rất nhiều lý do để ta có thể kể về “linh đạo” của ngài về đền thánh, một trong số đó gần đây nhất là Tông sắc Dung mạo Lòng thương xót: “Việc thực hiện những chuyến hành hương chính là một dấu chỉ đặc biệt trong một Năm thánh, vì việc này là biểu tượng cho con đường mà mỗi người đã có nhằm giữ lại trong cuộc hiện sinh của mình. Chính cuộc sống là một cuộc lữ hành và con người là lữ khách, một lữ khách trên đường đi tới đích điểm đang được khát mong… việc thực hiện những chuyến hành hương cần trở nên một động cơ thúc đẩy việc hoán cải”.[17]

Năm thánh Lòng Thương Xót đã được khai mở không chỉ cho con người tái khám phá Lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng còn mở ra cho con người tái khám phá lòng thương xót đối với bản thân, tha nhân[18] và môi trường[19]. Một cuộc hành hương với cái nhìn mới về đền thánh sẽ là nơi lý tưởng cho con người chúng ta góp phần cho công cuộc Tân Phúc âm hóa.

7. Hành hương tại Việt Nam: Cơ hội và thách đố trong công cuộc Tân Phúc âm hóa

Như trên đã nói, người Việt Nam rất thích và thường đi hành hương tại các trung tâm văn hóa, đặc biệt nơi các đình, chùa, lễ hội, đền thánh… người hành hương đến các nơi này không chỉ tham dự các lễ hội, mà còn tìm hiểu các nét đẹp văn hóa, tìm hiểu tâm linh, nhưng hơn hết, họ đến để xin ơn. Điều này xảy ra vì trong tâm thức của hầu hết người Việt đều tin là có Ông Trời, là Đấng ban ơn và thưởng phạt, mặc dù họ có thể nhận rằng họ là Phật tử, tín đồ Khổng giáo, Lão giáo, Cao Đài hay Hòa Hảo… Họ luôn tin rằng những đền thánh là nơi thiêng liêng để xin ơn và “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Họ đến để cầu an, xin ơn may mắn, sức khỏe, cầu tình duyên, xin ơn chữa lành… Hơn nữa, ở các đền thánh là những nơi tập trung các tinh hoa vật thể và phi vật thể, lễ hội nên thu hút một lượng khá đông du khách đến tham quan. Thực tế, người hành hương thường cầu nguyện cho tiền tài, danh lợi, sức khỏe và may mắn. Khách hành hương này không chỉ gồm những người già, trung niên, nhưng còn rất nhiều trẻ em, thanh niên, sinh viên… bất kể giàu nghèo, học thức, địa vị, tôn giáo. Tuy nhiên, tại các trung tâm này, người ta đến chỉ với tính cách cầu nguyện cá nhân và theo cảm tính hay theo nghi thức dân gian mà thôi. Điều này chúng ta dễ nhận thấy bởi tất cả hình thức thờ phượng dân gian được thể hiện. Cách thắp hương, cách vái, mâm ngũ quả, vàng mã, hái cành,… đều được thực hiện theo các tín ngưỡng của người hành hương. Hơn nữa, hầu hết, tại các trung tâm này, không có nơi để chăm sóc giúp đỡ người bệnh tật, già cả, neo đơn, trẻ em. Sự hướng dẫn và giúp đỡ người hành hương là rất hạn chế, thậm chí không có. Người hành hương thường bị cư xử thiếu văn hóa bởi người hướng dẫn, người dân địa phương. Thậm chí, khách hành hương hay bị “móc túi, chặt chém giá cả, lừa đảo”… Nơi linh thiêng lại thiếu đi trung thực và văn minh tình thương. Người hành hương được thỏa mãn nhu cầu vật chất nhưng vấn đề tâm linh thường bị coi nhẹ và hụt hẫng.

8. Một vài giải pháp đề nghị góp phần Tân Phúc âm hóa tại các trung tâm đền thánh và thánh địa
 
Cách cư xử văn hóa của người phục vụ và cả khách hành hương tại các đền thánh
 
Điều đầu tiên để gây cảm tình và ấn tượng đối với người hành hương là thái độ của những người phục vụ tại các thánh địa. Họ phải là những người của niềm tin và sứ giả của niềm tin qua cách cư xử văn hóa và lịch thiệp theo Tin mừng. Niềm tin đã dẫn đưa người hành hương đến với các trung tâm hành hương. Họ đến không chỉ dừng ở việc xin ơn nhưng còn muốn thấy những chứng nhân của niềm tin. Niềm tin sơ khởi đó là cách phục vụ trong khiêm nhường, yêu thương, được đón tiếp cách lịch thiệp và ấm áp. Điều sơ khởi này sẽ làm dậy lên thiện cảm cho người hành hương, góp phần làm cho tâm tình cầu nguyện thêm xứng hợp. Cũng vậy, chính những kitô hữu hành hương cư xử cách có văn hóa sẽ là men cho những người đồng hành.[20] Muốn được như vậy, việc đào tạo nghệ thuật giao tiếp và ứng xử cho các cộng tác viên và người phục vụ cần được quan tâm. Một điểm cần tránh gây sự hiểu nhầm, đó là hành vi hành hương bị coi là hành vi mê tín dị đoan, tin vơ thờ quấy. Việc đến nơi hành hương là để tăng thêm niềm tin. Chính Thiên Chúa là Đấng ban ơn qua sự chuyển cầu của vị thánh biệt kính tại đền thánh. Người tín hữu hành hương qua cách cư xử của mình cần làm sáng tỏ điểm này.

Đảm bảo an toàn cho khách hành hương
 
Người hành hương sẽ muốn trở lại nơi đền thánh một phần vì thái độ phục vụ của những người xung quanh. Điều lạ và đáng thán phục của những người Công giáo là vào các dịp lễ lớn thường diễn ra trật tự và tốt đẹp, cho dù đông đến mức nào. Mặc dù cũng có một vài sự mất cắp, móc túi do nhiều người lợi dụng, tuy nhiên nếu bị đánh rơi thì thường được trả lại. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý đền thánh cần chú trọng việc bảo vệ cho khách hành hương, đặc biệt là ngăn chặn những người lợi dụng đông người để ăn cắp. Điều cần chú ý nữa là phí các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa xung quanh các đền thánh. Sử dụng các đội bảo vệ để đảm bảo trật tự hoặc tự túc xây dựng các căntin, nhà trọ cho khách hành hương là điều cần thiết.

Tăng cường các đội thiện nguyện giúp đỡ trẻ em, người già, bệnh tật
 
Tăng cường các đội thiện nguyện giúp đỡ người già, trẻ em, người bệnh cũng là điều nên thực hiện tại các đền thánh,[21] bởi họ chính là những hiện thân mà được chính Chúa đồng hóa với Người (Mt 25,40). Điều này đã được thực hiện ở các đền thánh quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thực hiện, hoặc có chăng chỉ vào các dịp Đại Lễ mà thôi. Cũng cần phải nói thêm rằng, để thực hiện cần có sự cộng tác của nhiều tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là các tu hội, dòng tu. Một động lực vì công cuộc Tân Phúc âm hóa bằng hành động là điều thiết yếu cần được thực hiện. Một thực tế là những người kém may mắn cũng chính là những cộng tác viên rất đắc lực trong công cuộc này.

Đền thánh: cơ hội rao giảng và học hỏi giáo lý
 
Điều này được quy định tại Bộ Giáo luật, điều 1234: “Tại các đền thánh phải cung cấp đầy đủ các phương tiện cứu độ cho các tín hữu cách dồi dào, bằng cách nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, cổ vũ cách thích hợp đời sống bí tích, đặc biệt là qua việc cử hành bí tích Thánh Thể và bí tích Sám Hối, cũng như bằng cách duy trì việc thực hành lòng sùng đạo bình dân đã được chuẩn nhận”. Tâm lý chung của người không phải Công giáo là đến các đền thánh vì “nơi ấy linh, thánh đó hiển”, chứ người ta không hiểu rõ được căn tính của ân ban. Một phương pháp tiếp cận mới mẻ để giải thích cho việc hiểu biết sẽ là cần thiết, bởi vì cảm thức đức tin của họ đã có sẵn. Thực tế cho thấy, những người lương dân đi khấn xin thì được ơn rất nhiều bởi vì cách cầu nguyện của họ đầy niềm tin: “nếu các con có đức tin bằng hạt cải thì các con có thể khiến núi này dời đi nơi khác, nó cũng sẽ vâng lời các con”(Mt 21,21). Một điều chắc rằng họ cũng muốn nghe, muốn hiểu về Đấng mà họ đang cầu xin. Đó chính là cánh cửa đức tin chúng ta có thể dẫn họ đến sự hiểu biết đức tin Kitô giáo. Có thể bằng tờ bướm, các bài hát bình dân, các video, các bài giáo lý trước và sau thánh lễ, những lời nguyện tắt, kinh nguyện… sẽ là phương cách không chỉ cho người lương dân mà cả những người “đạo gốc” được đào sâu giáo lý. Thật là tuyệt hảo nếu các thánh lễ tại các đền thánh ở Việt Nam, người hành hương được thưởng thức những bữa tiệc Lời Chúa thực thụ.

Đền thánh: nơi kín múc đời sống ân sủng bí tích
 
Người hành hương Công giáo khi đến các đền thánh đều muốn được tiếp sức và tăng niềm tin bằng việc tham dự đời sống bí tích. Đa số những người đến các đền thánh, một mặt nào đó, đều là những người bị đói, bị tổn thương về thể xác, tâm lý và tâm linh. Bí tích Thánh Thể, Giao Hòa và Xức Dầu sẽ là cần thiết để giúp cho người hành hương được tiếp cận trực tiếp với Đấng luôn biết đến những đau khổ của con người. Sự tham dự cách tích cực và đầy niềm tin sẽ là ánh sáng, muối, men cho những người hành hương không phải Công giáo tiếp cận đức tin. Ở Việt Nam, tại các đền thánh, rất khó để người hành hương được tiếp xúc với tòa giải tội vì phải theo giờ, theo lịch, và vào các dịp đại lễ thì cũng rất ít linh mục ngồi tòa giải tội. Hiếm có đền thánh nào tổ chức xức dầu bệnh nhân cho các khách hành hương bệnh tật. Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã vào xưng tội trước khi ngồi tòa giải tội sẽ là hình ảnh đẹp cho chúng ta tại các đền thánh.

Đền thánh: nơi thực thi bác ái
 
Một chức năng nơi đền thánh là diễn tả lòng bác ái. Điều này được khởi đi từ Lòng thương xót của Thiên Chúa. Điểm dễ nhận thấy tại các đền thánh là rất nhiều người bệnh tật, già cả, trẻ em đến ăn xin. Một trong số họ thì thật giả lẫn lộn nên làm mất lòng tin nơi người hành hương. Hơn nữa, nơi các đền thánh thường đặt các “Hòm Công Đức”, mà thường dùng vào các việc xây cất là phần nhiều. Hai điều này gây e ngại nơi khách hành hương, bởi họ sợ lòng bác ái bị đặt sai chỗ. Xây dựng và đưa ra một phương cách thực tế để giúp đỡ và làm việc bác ái cho đúng đối tượng sẽ là phương cách đúng Tin mừng và lòng nhân: … “Bác ái là tình yêu được diễn tả trong thánh danh của Thiên Chúa”.[22]

Kết luận

Thế giới thay đổi nên người môn đệ của Tin mừng cần có một phương pháp tiếp cận mới để Tân Phúc âm hóa. Một phương cách, đó là việc đi sâu vào chính nỗi khát mong của những người lữ hành đang khao khát được xoa dịu tại các đền thánh. Từ đó, hiểu, cảm thông, chia sẻ và đem Lời Chúa đến cho họ: “cứ dấu này mà người ta biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau”(Ga 13,35). Tình thương mến đó phải được ấp ủ, nhưng cũng cần được chia sẻ, lan tỏa. Người ta chỉ làm nên Nhà Chúa khi được đức ái liên kết với nhau. Đức ái này sẽ tự động ôm trọn tất cả con tim tại các đền thánh. Đó là những việc thiết thực để thực hiện Tân Phúc âm hóa môi trường nơi các đền thánh.

Ant. Nguyễn Văn Trí, K. XII
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 06

[1] Linh Tiến Khải, Các trung tâm hành hương thu hút giáo hữu hơn các nhà thờ, đăng trên Đài Vatican ngày 22.1.2013
[2] Thống kê Theo Melavang. info, posted 7.11.2013.
[3] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển 500 mục từ, Nxb Tôn Giáo 2012.
[4] Shijie Congshu, Những nền văn minh thế giới, Nxb Văn Học, 2009, tr. 87.
[5] Joseph Ratzinger, Thời thơ ấu của Đức Giê su Nazareth, FX Phạm Đình Phước SBD dịch, Nxb Hồng Đức, 2012.
[6] Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Chú thích Tin mừng Lu ca, Kinh thánh Trọn Bộ, Nxb Tôn Giáo, tr. 817.
[7] Bộ Phụng Tự, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 280(Nguyên tác Directory on Popular pierty and the Liturgy, Principles and guidelines, Vatican City, December 2001).
[8] Simon Hoa Đà Lạt, Các Giáo Phụ, tập II, Tr. 78.
[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb Tôn Giáo, Tr. 148.
[10] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, số 111; Hiến Chế Lumen Gentium, số 67.
[11] Bộ Giáo Luật 1983, điều 1233.
[12] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2581.
[13] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2691.
[14] Bộ Phụng tự, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 281.
[15] Bộ Phụng tự, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 287.
[16] Trích bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 trong buổi gặp gỡ giới lãnh đạo Hồi giáo, ngoại giao đoàn và viện trưởng các đại học toàn nước Giordania trưa 9-5-2009
[17] Misericordiae Vultus, số 14,15&16.
[18] x. Evangilii Gaudium, số 2019-216.
[19] x. Đức Giáo hoàng Phanxicô I, Thông điệp Laudato Si.
[20] LS, số 230.
[21] Đức Giáo hoàng Phanxicô I, Tông Huấn Evangilii Gaudium, số 209.
[22] Bộ Phụng Tự, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 275.
Nguồn tin: