Nhật Ký Ngày Sống Của Đức Giêsu - Thời Biểu Lý Tưởng Cho Đời Sống Mục Tử

Tue,05/01/2021
Lượt xem: 2074

 

Lm. Paul Vũ Văn Triều

Trong cuộc sống, ai ai cũng luôn tìm cho mình một thời biểu lý tưởng, nhằm đem lại niềm vui và tính hiệu quả cao nhất cho các công việc. Cũng trong thực tế đó, các mục tử cũng luôn khắc khoải tìm cho mình một thời biểu lý tưởng nhất cho cuộc sống ơn gọi của mình.

Nhưng làm thế nào để trở nên một ‘mục tử lý tưởng’ như Chúa và Giáo Hội mong ước? Đây là một nan đề. Chỉ có Đức Giêsu Kitô là Mục Tử lý tưởng và hoàn hảo. Các mục tử chỉ là ‘alter christus’, một ‘hoạ ảnh’ của Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử.[1] Vì thế, một mục tử được coi là lý tưởng chỉ khi đời sống của ngài rập theo khuôn mẫu đời sống của Đức Kitô. Nên, theo cái nhìn cá nhân của người viết, ‘mục tử lý tưởng’ là người luôn luôn bước theo con đường của Đức Kitô đã đi. Đó là biết lấy NHẬT KÝ NGÀY SỐNG CỦA ĐỨC GIÊSU MỤC TỬ LÀM THỜI BIỂU cho cuộc sống ơn gọi của mình: Lên Núi, Xuống Núi và Chữa Lành.

1. Lên Núi

Qua Bí tích Truyền Chức, người linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Rm 8, 29), nên linh mục cũng phải biết ‘lên núi’ (nghĩa là cầu nguyện) như Đức Kitô.

Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu luôn luôn cầu nguyện, nhất là trong mọi biến cố quan trọng của cuộc đời Ngài: khi Chúa Cha mạc khải vế sứ mạng của Ngài (Lc 3, 21-22), trước lúc tuyển chọn các Tông Đồ (Lc 6, 12), trong lời tạ ơn Chúa Cha khi hoá bánh ra nhiều (Mt 14, 19; 15, 36; Mc 6, 41; 8, 7; Lc 9, 16; Ga 6, 11), trong khi biến hình trên núi (Lc 9, 28-29), khi chữa lành người câm điếc (Mc 7, 34), khi cho Lâzrô sống lại (Ga 11, 14), trước lúc Phêrô tuyên tín (Lc 9, 18), khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11, 1), lúc các môn đệ hoàn tất sứ mạng trở về (Mt 11, 25;Lc 10, 21), khi chúc lành cho trẻ em (Mt 19, 13) và khi Đức Giêsu cầu nguyện cho Phêrô (Lc 22, 32).

Toàn bộ sinh hoạt hàng ngày của Đức Giêsu đều bắt nguồn từ cầu nguyện. Chẳng hạn, Ngài rút lui vào sa mạc hoặc lên núi cầu nguyện (Mc 1, 35; 6, 46; Lc 5, 16; Mt 4, 1; 14, 23), Ngài dậy sớm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Mt 14, 23-25; Mc 6, 46-48; Lc 6, 12). Cho đến cuối đời, tại Bữa Tiệc Ly (Ga 17, 1-16), trong cơn hấp hối (Mt 26, 36-44). Trên thập giá (Lc 23, 34-46; Mt 27, 46; Mc 15, 34). Đức Giêsu đã chứng tỏ rằng việc cầu nguyện tạo sinh khí cho thừa tác vụ cứu độ và cuộc Vượt Qua của Ngài, vì: “Thánh ý Chúa Cha là lương thực nuôi sống của Ngài” (Ga 4, 34). Và khi từ cõi chết sống lại, Ngài sống mãi và cầu nguyện cho nhân loại (Dt 7, 25).[2]

Cũng vậy, cầu nguyện có một tầm quan trọng và hết sức cần thiết trong đời sống người linh mục.[3] Cầu nguyện là hơi thở và nguồn sống của ‘alter christus’, vì ngài sống không là chính ngài nữa, mà chính Đức Kitô sống trong ngài (Gl 2, 20). Đời sống của người mục tử chỉ không còn gì khác là đời sống của đức tin, được nuôi dưỡng và đảm bảo nhờ đời sống cầu nguyện. Chính vì thế, cầu nguyện là nền tảng, là cội nguồn và đảm bảo sự thánh thiện trong hoạt động thường ngày của người mục tử. Nếu không có đời sống cầu nguyện, cuộc sống của người mục tử sẽ không thể đem lại hoa trái dồi dao (Ga 15, 16), cũng như khó có thể tránh được khuynh hướng coi trọng các hoạt động bề ngoài mà bỏ bê đời sống nội tâm và dễ rơi vào chước cám dỗ quá hăng say hoạt động đến mức lạc hướng.

Nếu biết cầu nguyện liên lỉ, người mục tử sẽ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, hầu biết chiêm ngưỡng Lời Chúa và dùng mọi việc lượng định các biến cố cuộc sống dưới ánh sáng của Tin Mừng.[4] Việc năng suy gẫm Lời Chúa sẽ tạo cho người mục tử một tâm thức, một kiểu nhìn về thế giới với tinh thần khôn ngoan trong viễn tưởng của Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người. Tắt một lời, nếu không ‘lên núi’, người mục tử sẽ xa Chúa và sẽ lạc hướng, rồi không còn là chính mình nữa; còn nếu luôn biết ‘lên núi’, người mục tử sẽ luôn đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu và Mục Tử.

Quả vậy, thực tế đã chứng minh, mục tử luôn ‘lên núi’ thì đời sống ơn gọi của họ luôn an vui hạnh phúc, các công việc phát sinh dồi dao ơn ích thiêng liêng, kết thúc cuộc đời trong sự “an bình ra đi” (Lc 2, 29), và để lại gia sản thiêng liêng muôn đời là sự thánh thiện và lòng đạo đức trong tâm hồn mọi người. Trái lại, nhưng mục tử ngại ‘lên núi’ thì sẽ có nguy cơ rơi vào cạm bẫy như những gì người ta đàm tiếu như các định nghĩa và góc nhìn trên. Núi của ngài không còn là ‘GOD’ nữa mà là ‘himself’.

Bên cạnh ‘lên núi’ là đời sống tương quan với Chúa, thì việc dạy cho giáo dân cũng biết ‘lên núi’ là bổn phận của người mục tử. Vì xưa Thầy Giêsu cũng đem theo các môn đệ theo mỗi khi Ngài đi cầu nguyện và còn dạy cho họ biết cầu nguyện nữa (Mt 6, 7-13; Lc 11, 2-4). Và ngài còn khiển trách các môn đệ vì cầu nguyện chưa đủ nên không đuổi được quỷ câm (Mt 17, 21), và hãy tỉnh thức cầu nguyện khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22, 46).

Ngoài ra, vì mục tử là đầu của cộng đoàn đức tin, nên ngài phải là mẫu gương trong đời sống cầu nguyện. Hàng ngày, người mục tử trong tay cầm quyển sách kinh đi từ nhà xứ ra nhà thờ để đọc và cầu nguyện, là một hình ảnh tuyệt vời có sức mạnh cũng cố đức tin và cổ võ đời sống cầu nguyện cho đàn chiên. Ngài nên là người chủ toạ, hướng dẫn các buổi cầu nguyện, chia sẻ của các giới, các tổ, các hội đoàn và nhất là tham dự các giờ kinh nguyện của giáo dân.[5] Một cộng đoàn vững mạnh và ngày càng thăng tiến về mọi mặt không phải là nhờ tài năng ‘làm kinh tế giỏi’ của vị mục tử, xây dựng được nhiều nhà thờ, nhiều nhà phòng… nhưng là biết đầu tư cho đời sống đức tin của đàn chiên. Thực tế cho thấy: giáo xứ nào có cha xứ luôn là đầu, là mẫu gương và coi việc cầu nguện, giáo dục đức tin, cổ võ thực hành đời sống đạo là quan trọng bậc nhất, thì giáo xứ đó luôn được bình an, hiệp nhất và thuận hoà… Còn giáo xứ nào có cha xứ mang biệt danh ‘Tôma Đi-đy-mô’ thì đời sống của giáo xứ đó chỉ có Chúa mới nhận định và đánh giá được mà thôi!!!

2. Xuống Núi

‘Xuống núi’ là để thực hiện Ý Cha đã nhận được ‘trên núi’, là để phục vụ đoàn chiên một cách vô vị lợi như Đức Giêsu Mục Tử (Mt 20, 28; Mc 10, 45). Sau những giờ phút ‘lên núi’, Đức Giêsu lại ‘xuống núi’ để giảng dạy cho dân chúng. Ngài rao giảng khắp mọi miền, mọi nơi: từ Nazareth tới vùng biển hồ Galiê, đến vùng Tia và Siđon, qua miền Thập Tỉnh, rồi đến Giuđa, tới Giêrusalem, ngang qua vùng dân ngoại Samari… và trong mọi hoàn cảnh.

Cũng vậy, là mục tử thì không chỉ là người biết ‘lên núi’ mà còn phải biết ‘xuống núi’, không được an phận trên núi, mà phải thao thức xuống núi để dấn thân. Xuống núi không gì khác là để ‘mách’ lại, là để chia sẻ với dân chúng những gì mình nhận được, cảm nghiệm được từ Thiên Chúa (Ga 12, 50). Vì thế, việc giảng dạy luôn được coi là bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất của ơn gọi mục tử,[6] vì đây là lệnh truyền của Đức Giêsu Mục Tử trước khi Ngài thăng thiên (Mt 28, 19; Mc 16, 15): lệnh truyền này có nghĩa là anh em hãy đi giảng dạy muôn dân theo những gì Thầy đã giảng dạy. Đó là ngôn ngữ của mục tử khi giảng dạy (Homily), thì phải là ngôn ngữ của Thần Khí Chúa, nghĩa là giảng Lời Chúa chứ không phải lời của mình (1Cr 2). Giảng cho chiên nghe những gì mà trong lòng họ có và cần, chứ không phải những sự ‘cao su huyền nhiệm của mình’, nhưng không đánh động được chút gì tâm hồn của họ.

Để cho lời giảng dạy đơm bông kết trái trong tâm hồn người nghe, người mục tử cần phải có chất liệu của ‘lời’ từ việc ‘lên núi’: suy gẫm Lời Chúa, suy tư về cuộc đời, cùng sống với chiên, biết quan sát, biết nhận định mọi chiều kích và biến cố trong đời sống của chiên, và nhất là biết cầu nguyện cho việc chuẩn bị bài giảng… Vì chính Đức Giêsu đã nói: Ngài cũng chỉ nói lại với dân chúng những gì Ngài nghe biết nơi Cha Ngài (Ga 15, 15). Vậy, nếu tâm hồn mục tử ‘đầy Chúa’ thì lời giảng của ngài có thể tưới mát tâm hồn và làm cho đời sống đức tin của tín hữu lớn lên. Như các bộ xương khô, không có sức sống nằm rải rác trên cánh đồng khô cháy, nhưng đã được tiên tri Edêkien nói tiên tri, và đã bơm vào đó sức mạnh của Thiên Chúa, biến chúng thành những con người sống động, mạnh mẽ và có sinh khí (Ed 37, 1-10).

Vì vậy, nếu một mục tử không ‘lên núi’ thì những lời giảng dạy của ngài chỉ như thanh la kêu phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng (1Cr 13, 1). Thực tế minh chứng điều này: những mục tử ‘bị’ chiên xầm xì là giảng dài, giảng Google, giảng hình sự, một thánh lễ 3 bài giảng… thì thường là những mục tử không mấy thích môn trèo ‘lên núi’, mà chỉ đam mê những ‘món’ khác như xem bóng đá, đánh cờ, chọi gà, xe to xe nhỏ, xây nhà to nhà nhỏ… Những công việc ‘trần thế’ này chiếm hết thời gian của việc giảng dạy, là bổn phận chính và quan trọng bậc nhất của người mục tử. Thật là tai hại cho giáo dân như Geogre Whitefield, một trong những người làm sống lại đức tin ở thuộc địa Mỹ Châu đã nói: “Lý do giáo đoàn tê liệt là vì những người tê liệt rao giảng cho họ”.[7]  

Cũng theo lệnh sai đi của Đức Giêsu, người mục tử không chỉ có sứ mạng giảng dạy cho đàn chiên nhà, mà còn phải phải loan báo Tin Mừng cho đàn chiên lạc nhà Israel nữa.[8] Nghĩa là ngài phải tìm cách dẫn về những chiên không thuộc đàn này, để chúng cũng được nghe tiếng của Đức Giêsu, hầu nên một đàn chiên và một Đấng chăn (Ga 10, 14-16). Nếu chỉ giảng dạy cho đàn chiên nhà, thì mục tử mới chỉ thực hiện được ½ bổn phận trong chức vụ ngôn sứ của mình. Vì xưa Đức Giêsu cũng đã đi rao giảng từ làng này đến làng nọ (Mt 9, 35). Khi các môn đệ muốn Thầy mình chỉ giảng dạy ở một nơi cho yên thân, thì Ngài trả lời một cách rất thẳng thắn: “Ta còn phải đi rao giảng ở thành khác nữa” (Lc 4, 43). Phải chăng ngày nay có những mục tự cũng giống các môn đệ xưa, vì chỉ muốn yên thân nên sợ vất vã, sợ thiếu thốn, sợ bị chống đối, sợ đụng chạm chính quyền, tôn giáo… không dám ra khỏi ‘ốc đảo’ của mình, để vươn tới những vùng ‘kitô lương’. Trong khi đó ‘Bài Sai’ ngôn sứ được Đức Giêsu ký tên và đóng dấu cho các mục tử là “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15), “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4, 2). Đức Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng cũng nhấn mạnh sứ mạng hàng đầu nay, bằng cách nhắc lại lời mời gọi  của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Redemptoris Missio: Cần phải duy trì động năng rao giảng Tin Mừng cho những người đang ở xa Đức Kitô, bởi vì đây là nhiệm vụ đầu tiên của Hội Thánh.[9] Vì thế, người mục tử phải luôn có tinh thần dấn thân hướng tới dân ngoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng,[10] là quy tụ và làm cho muôn dân trở nên con cái của Chúa trong lòng Giáo Hội. Để công việc rao giảng hiệu quả, người mục tử cần tìm hiểu kỹ địa bàn phục vụ, biết rõ phong tục địa phương, trình độ nhận thức của các tầng lớp xã hội, những định kiến và những hiểu lầm về đạo, và tìm những phương cách thích ứng với hoàn cảnh.[11]

Dạy giáo lý là một phần quan trọng của sứ mạng loan báo Tin Mừng, vì là việc trình bày có hệ thống học thuyết đức tin để từng bước khai tâm, củng cố và triển khai đời sống kitô hữu.[12] Vì thế, người mục tử không chỉ là người rao giảng Lời Chúa, mà còn phải là người biết dạy giáo lý nữa. Nếu xét trên mặt từ ngữ của từ ‘giảng dạy’ thì ta có thể thấy chức năng, bổn phận và tầm quan trọng của việc ‘giảng’‘dạy’ là ngang bằng nhau. Đây là một đòi hỏi của Đức Giêsu đối với các mục tử: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20). Vì là thầy dạy về chân lý, nên dạy giáo lý là công việc ưu tiên hàng đầu trong các công việc bổn phận quan trọng của người mục tử. Bên cạnh cổ vũ, đầu tư xây dựng trường ốc, các phương tiện phục vụ cho công việc dạy và học giáo lý, người mục tử còn phải là người đứng đầu và trực tiếp dạy cho các giáo lý viên, các lớp học sinh, giáo lý hôn nhân, dự tòng…

Thực tế cho thấy, ‘giảng’‘dạy’ phải luôn song hành với nhau và được coi như hai mặt của một tờ giấy. Nếu những lời rao giảng mà không được cũng cố, không được hỗ trợ, không được phát triển… bằng việc dạy và học giáo lý, thì những gì chiên đã nghe mục tử giảng có thể gặp rủi ro như xây nhà trên cát vậy (Mt 7, 26-27). Ngày hôm nay có người làm việc trong Ban Giáo lý hay kể cả giáo dân, họ phàn nàn cha này, cha nọ không mấy quan tâm, hoặc có vị không bao giờ thấy nói đến chuyện dạy và học giáo lý… chứ nói gì đến việc ngài dạy giáo lý. Có cha còn nói: …công việc dạy giáo lý là của Ban Giáo lý chứ không phải là việc của tui… Các ông trong Ban lo mà làm việc của mình!

Vì thế, đời sống đạo của đoàn chiên có ‘thăng tiến’ hay ‘lùi tiến’ là phụ thuộc vào hai mái chèo ‘giảng’ ‘dạy’ của người mục tử. Một ví dụ thực tế chứng minh điều này: trong các kỳ thi giáo lý cấp Giáo hạt hay cấp Giáo phận, giáo xứ, giáo hạt nào được cha xứ quan tâm đầu tư cho công việc đào tạo và dạy giáo lý thì giáo xứ-hạt đó đạt thành tích cao hơn, và ngược lại… Cũng như giáo xứ nào có cha xứ chăm lo việc giảng dạy, thì giáo xứ đó có đời sống đạo vững chắc, đặc biệt là giới trẻ ít bỏ bê kinh lễ và rất hiếm trường hợp rơi vào các tệ nạn xã hội.  

3. Chữa Lành

Một nét đẹp nữa điểm tô cho bức chân dung ‘người mục tử lý tưởng’ là tiếp tục sứ vụ ‘chữa lành’ của Đức Giêsu. Chữa lành là công việc Đức Giêsu thực hiện sứ điệp của Ngài mang đến cho nhân loại từ Trời, để tỏ cho con người nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tình Yêu (1Ga 4, 16), Đấng chữa lành mọi tâm hồn bị đau thương (Is 61, 1-2), Đấng yêu thương mọi người, không phân biệt tốt xấu (Mt 5, 45)… Công việc tình yêu này được Đức Giêsu thực hiện trong hành trình ‘xuống núi’. Ngài đã dành thời giờ chữa bệnh nhiều hơn thời giờ rao giảng, và Ngài chữa lành họ để họ mở lòng ra với lời giảng dạy của Ngài. Khi các Biệt phái và Kinh sư kêu trách Đức Giêsu về hành động ‘lạ lùng’ này, Ngài đã trả lời họ: “Con người đến để tìm và cứu chữa những gì đã mất” (Lc 19, 10), “Người khoẻ mạnh thì không cần thầy thuốc, nhưng chỉ những người đau ốm” (Mt 9, 12). Trong hành trình rao giảng của mình, Đức Giêsu luôn quan tâm đi tìm và cứu vớt những người tội lỗi (Lc 15), chữa lành những người ốm đau bệnh tật (Mt 4, 23; 8, 16; 9, 35; Lc 6, 17-18), động lòng trắc ẩn với những người nghèo khó (Lc 14, 13.21), những người bị xã hội gạt ra ngoài lề (Mt 8, 1-4; Mc 1, 40-45; Lc 5, 12-14; 17, 11-19)… Nhất là Ngài luôn hiện diện với đàn chiên và với từng con chiên trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời (Ga 11, 1-44)…

Noi gương Thầy mình, người mục tử cũng phải luôn là sự ‘chữa lành’ cho những ai cần đến ngài: là nơi trú ẩn bình an và yêu thương cho những chiên lạc trở về, là bệnh xá cho những chiên đau yếu, là niềm vui, niềm an ủi cho những chiên sầu khổ và đói nghèo… Không! không chỉ là ‘nơi’ để chiên đến, mà mục tử còn phải luôn ra đi để đến với chiên, ra đi để ở với chiên, ra đi để tìm kiếm chiên lạc… Cụ thể, người mục tử ‘chữa lành’ qua các bí tích, như nơi Bí tích Giao Hoà: người mục tử không chỉ sẵn sàng đón tiếp và trao ban lòng thương xót, ơn tha thứ và bình an cho hối nhân,[13] mà còn cần phải lên đường đi tìm kiếm những tội nhân và vác chúng về trên đôi vai của mình (Lc 15, 5). Vì thế, người mục tử cần có thái độ và tâm tình của Thiên Chúa Tình Yêu, khoan dung, nhân hậu và hay tha thứ…, chứ không phải là thái độ doạ nạt và cung giọng lề luật của của một quan toà.[14] Thay vì ca cẩm mãi trên toà giảng về những ‘tội nhân’ bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, hay những kẻ phạm tội trống… mục tử cần biết ra đi đến với họ để ‘làm công tác tư tưởng’ là đem tình thương và bình an của Chúa đến cho họ. Đây là cách thế của Đức Giêsu đã làm xưa, nên chắc chắn mục tử sẽ bắt được những ‘con cá to’.

Nơi Bí tích Xức Dầu, mục tử phải là ‘thầy thuốc và cứu cánh’[15] của người đang hấp hối. Xức Dầu cũng là bổn phận trách nhiệm ‘115’ của người mục tử, vì thế, bất cứ giờ nào, phút nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào, người mục tử cũng phải sẵn sàng hy sinh đến với họ, để trao ban cho họ sự bình an và niềm hy vọng cứu độ. Hay ‘chữa lành’ nơi việc an táng: mục tử nên là người chủ sự việc an táng cho con chiên, vì ngài là người cha, là nguồn ủi an, là trung gian của niềm hy vọng. Vì an táng không chỉ là nghi thức mà còn mang tính mục vụ nữa, nên mục tử cần hiện diện với chiên. Ngài không chỉ hiện diện để cứ hành nghi thức cầu nguyện, đưa tiễn con chiên quá cố, mà còn là dịp thuận tiện để rao truyền, cũng cố niềm tin vào mầu nhiệm Đức Kitô tử nạn và phục sinh cho mọi người, và sự hiện diện của mục tử còn là niềm ủi an lớn nhất cho tang quyến.[16] Đừng chỉ là ‘cha của chiên sống’.

Là người chăn chiên, nên mục tử phải mang vào mình mùi của chiên’,[17] nghĩa là ngài phải luôn đồng hành và ở giữa đàn chiên, để biết rõ từng con chiên một, như Đức Giêsu Mục Tử: “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết ta” (Ga 10, 14). Người mục tử có thể đến và ở với chiên qua mục vụ thăm viếng: chương trình thăm viếng trong năm cho tất cả các gia đình trong giáo xứ, đặc biệt trong tuần đại phúc cho các giáo họ; trong tuần cho những người đau ốm bệnh tật, già cả neo đơn, hoàn cảnh éo le… Hiện diện với chiên trong những biến cố vui buồn của cuộc sống… Nếu có thể, người mục tử nên xếp đặt thời gian để giúp con chiên trong việc ‘tư vấn tâm lý’, và nếu cần thì nhờ cả các chuyên gia giúp đỡ. Trong thực tế cuộc sống, con chiên gặp không ít vấn đề về đạo cũng như đời mà không có lối thoát. Họ không tìm được sự trợ giúp nào đáng tin cậy, hoặc cũng có thể họ biết vấn đề sẽ được mở nút, nếu đến với vị mục tử của mình, nhưng ngại không dám tìm gặp ngài. Vì thế, nếu mục tử chịu khó đầu tư và có chương trình cụ thể cho việc này, thì chắc chắn sẽ giúp ích được nhiều cho con chiên, đặc biệt là giới trẻ ngày nay đang sống trong một thời đại có quá nhiều vấn đề. Đây cũng là một cách thế để mục tử có thể tiếp xúc với chiên một cách sâu xa nhất của tâm hồn và giúp con chiên sống đời sống kitô hữu một cách trọn vẹn hơn.[18]

Và người mục tử chỉ có thể cảm nếm và động lòng trắc ẩn được trước cái nghèo, cái khổ, cái bất hạnh của con chiên, khi ngài trở nên khiêm nhường và nghèo khó như cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Ngài đã xuống đến tận cùng của sự khó nghèo và khổ đau của kiếp người. Trong Sứ Điệp Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên ý nghĩa và giá trị về cái ‘nghèo’ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô tuy là Đấng giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có”, và ngài mời gọi Giáo Hội đi theo sát con đường đó của Đức Giêsu: “Một Giáo Hội thực sự là Giáo Hội của Đức Giêsu khi trở nên nghèo giữa một thế giới giàu có”. Chỉ một khi trở nên con người của sự ngheo khó, mục tử mới dễ cảm thông, dễ đồng cảm và nhẹ nhàng đến với chiên trong mọi hoàn cảnh, để có thể ‘chữa lành’ mọi bệnh hoạn tật nguyền của chiên.

 Để Kết

Hình ảnh một mục tử lý tưởng không gì khác là một phỏng ảnh của Đức Giêsu Kitô[19] là Đầu và Mục Tử, khuôn mẫu hoàn hảo. Vì thế, người mục tử lý tưởng là người luôn sống và hành động theo cách thế của Đức Giêsu Mục Tử xưa: Ngài luôn luôn ‘lên núi’ để ‘bàn việc’ với Thiên Chúa và mang cả đoàn chiên, cả thế giới vào trong cầu nguyện; Ngài ‘xuống núi’ để thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, hầu cải hoá đàn chiên và thế giới bằng lời giảng dạy; và Ngài ‘chữa lành’ mọi tâm hồn bị dập nát đau thương bằng những hành động của tình yêu. Ngài là mái nhà chung cho tất cả ‘mọi loại chiên’ nương ẩn bình an. Ngài là người yêu mến sự khiêm nhường, đơn sơ và khó nghèo, để thanh thoát ra khỏi ‘ốc đảo’ đi đến với mọi con chiên, cũng như để mọi con chiến có thể đến với mục tử mà không ngại ngùng. Ngài là một nhà ‘tư vấn tâm lý’ của mọi tâm hồn sầu muộn, là người của mọi người, và hiện diện với chiên trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Tuy nhiên, vì Đức Giêsu Mục Tử là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi mục tử dõi bước, phấn đấu và rập theo: “Hãy trở nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 45). Nhưng, mục tử vẫn là những con người mỏng dòn và còn nhiều khuyết điểm. Bởi thế, mỗi một mục tử chỉ phản chiếu hay chỉ rập theo được một phần, một góc độ nào đó trong các phẩm tính của Đức Giêsu Mục Tử, thì cũng là tuyệt hảo cho cuộc đời của ngài và hữu ích cho đoàn chiên. 



[1] GLHTCG, 1142.

[2] BỘ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC, Chỉ Nam Linh Mục, 1989, 40.

[3] CĐ VATICAN II, Optatam Totius, 8; Ad Gentes, 25.

[4] Tài liệu Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 1971 về Luật sống đời linh mục.

[5] CĐ VATICAN II, Sacrosanctum Concilium, 33; Presbyterorum Odinis, 5, 9.

[6] BGL, 773; Huấn từ của Đức Giám mục trong Nghi Thức Truyền Chức Linh Mục.

[7] TGM TIMOTHY M. DOLAN, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, Lm Trần Đình Quảng chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, 2009, 385.

[8] CĐ VATICAN II, Ad Gentes, 20; Presbyterorum Ordinis, 3, 9; Optatam Totius, 19.

[9] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, 15.

[10] CĐ VATICAN II, Ad Gentes, 2, 6; Christus Dominus, 16.

[11] CĐ VATICAN II, Apostilicam Actuositatem, 32; Ad Gentes, 25; Gaudium et Spes, 4, 44.

[12] BGL, 773.

[13] CĐ VATICAN II, Christus Dominus, 30.

[14] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, 44.

[15] Theo suy nghĩ bình dân của giáo dân thì giữ đạo là cốt giờ sau hết, nên giờ lâm chung mà không gặp được linh mục thì phần rỗi đời đời coi như là không chắc chắn.

[16] BGL, 1176 §2

[17] ĐGH PHANXICÔ, Bài Giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, 2013.

[18] RICHARD P. VAUGHAN, S.J., Tư Vấn Mục Vụ-Những Kỹ Năng Căn Bản, Lm Lê Công Đức chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, 2009, 9.

[19] GLHTCG, 1142.

Nguồn tin: