Nhạc Chờ Loan Báo Tin Mừng

Mon,10/12/2018
Lượt xem: 2415

Khép lại câu chuyện, anh hỏi tôi: “Có thể dùng nhạc chờ để loan báo Tin Mừng được không?”. Suy nghĩ một chút, tôi nói: “được”. Từ đó, chúng tôi có chung một quan điểm xung quanh vấn đề này. Xin được chia sẻ tính khả thi của phương pháp: dùng nhạc chờ để loan báo Tin mừng.

Trong buổi tọa đàm về mục vụ truyền giáo, một người giáo dân chia sẻ rằng: dịp Giáng sinh, anh có cài bản nhạc chờ “Mừng Chúa ra đời”. Sau đó ít hôm, một người bạn người lương đã hỏi anh nhiều điều về Đạo Công giáo. (Theo lời kể của anh thì từ khi sử dụng nhạc chờ ấy, bạn anh mới biết anh theo Công giáo). Nhân đó, anh đã nói cho người bạn của mình nghe về việc Chúa Giáng sinh. Khép lại câu chuyện, anh hỏi tôi: “Có thể dùng nhạc chờ để loan báo Tin Mừng được không?”. Suy nghĩ một chút, tôi nói: “được”. Từ đó, chúng tôi có chung một quan điểm xung quanh vấn đề này. Xin được chia sẻ tính khả thi của phương pháp: dùng nhạc chờ để loan báo Tin mừng.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, khoa học viễn thông, điện thoại di động đã trở thành phương tiện liên lạc phổ biến của mọi người. Khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ vùng biển tới miền núi, những nơi đã được phủ sóng đi động, hầu như ai cũng dùng điện thoại di động. Theo thống kê tháng 01/2014, Việt Nam có 134.060.000 thuê bao di động đang hoạt động. Trong khi đó, dân số cả nước là 92.477.857 người. Như vậy, số thuê bao di động chiếm tới chiếm 145% tổng số dân[1]. Không loại trừ khả năng có người đăng kí tới hai thuê bao thì đây vẫn là một con số lớn, một “cánh đồng” bao la cho việc áp dụng phương pháp loan báo Tin mừng qua nhạc chờ.

Cùng với việc sử dụng điện thoại, nhạc chờ, một tính năng của nhà mạng cũng được nhiều người ưa dùng. Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các nhà mạng đã không ngừng sưu tầm và đưa vào sử dụng rất nhiều thể loại nhạc chờ khác nhau: nhạc trẻ, nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc Phật Giáo và dĩ nhiên có cả nhạc Công Giáo. Các bản nhạc về Chúa, về Mẹ… được cập nhật rất nhiều. Việc đưa ngày càng nhiều nhạc Công Giáo vào dịch vụ nhạc chờ đã góp phần quảng bá các thông điệp Kitô Giáo, một vấn đề vốn được coi là ‘cấm kỵ’ và hạn chế tối đa trên các phương tiện truyền thông trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong viễn cảnh chung, phương pháp dùng nhạc chờ để loan báo Tin mừng cũng có thể được coi là nằm trong ưu tư truyền giáo của Giáo hội. Như đã chép trong Kinh Thánh, Đức Giêsu trước khi về Trời đã căn dặn các môn đệ rằng: “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).“Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Lời căn dặn của Đức Giêsu đã được các tông đồ đón nhận một cách tích cực. Các ngài đã ra đi rao giảng và thành lập cộng đoàn ở nhiều nơi. Kế tục truyền thống ấy, hơn hai ngàn năm qua, Giáo hội vẫn không ngừng hăng say loan báo Tin mừng, coi việc loan báo Tin mừng là bản chất, là lẽ sống, là nguồn gốc và là mục đích của mình[2]. Để giúp con cái mình có thể dễ dàng thực thi sứ vụ đã được lãnh nhận từ Đức Giêsu, Giáo hội đã thường xuyên vạch ra những phương pháp truyền giảng mới, phù hợp với sự phát triển chung của thời đại. Liên quan tới lĩnh vực truyền thông, công nghệ, tại hội thảo quốc tế lần thứ hai về truyền thông trong Giáo hội, tổ chức tại Santiago, Chile,  Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông xã hội đã khuyến khích người Công giáo mạnh dạn sử dụng các công nghệ mới trong công cuộc Phúc âm hóa. Ngài khẳng đình rằng: “các công nghệ mới là một phần của chính sứ vụ của Giáo hội”. Ngoài ra, ngài cũng nhắc lại lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói trong tông thư “sự phát triển nhanh chóng” (24/01/2005): “Phúc Âm hóa qua các công nghệ là điều cần thiết”.[3] Như thế, việc dùng nhạc chờ để chuyển tải thông điệp Kitô giáo cũng là một phương pháp được Giáo hội khuyến khích.

Ngoài những lí do vừa nêu, trong việc loan báo Tin Mừng, bản thân phương pháp này cũng cho ta những thuận lợi nhất định:

Trước hết, đây là một môi trường mới, rộng lớn và nhiều triển vọng, bởi số người dùng điện thoại ngày một gia tăng, mối quan hệ của con người, trong đó có người giáo hữu càng được mở rộng. Điều này cũng có nghĩa là đối tượng được nghe về thông điệp Kitô giáo qua từng bản nhạc chờ ngày càng được nhân lên, vì nó tỷ lệ thuận với các mối quan hệ của người giáo hữu.

Tiếp đến, ta cũng nhận thấy rằng, phương pháp này khá đơn giản. Nó không đòi hỏi nhiều về kỹ năng, có chăng là kiến thức Giáo lý để chủ động nói chuyện với họ khi chủ đề về Đạo được nói tới, nhờ sự gợi hứng từ bản nhạc chờ. Bởi thế, hầu như người giáo hữu nào dùng điện thoại di động cũng có thể tham gia được.

Không những việc này dễ làm mà cũng ít tốn kém. Theo giá dịch vụ trong thời điểm hiện tại, người đăng kí nhạc chờ chỉ phải trả 3.000 đồng trên một tháng. Nếu một giáo hữu nhiệt tình với công tác truyền giáo theo phương pháp này thì một năm cũng chỉ phải trả 36.000 đồng.

Đây còn là phương pháp truyền tải sứ điệp Tin Mừng một cách rất tự nhiên, truyền mà như không truyền. Vì thế, nó làm cho người không muốn nghe cũng đã được nghe, người muốn cấm cũng không thể gây khó dễ, trừ khi họ không cho nhà mạng sử dụng các bản nhạc chờ có nguồn gốc Đạo Công giáo[4].

Bên cạch việc tích cực tham gia công tác loan báo Tin Mừng, nhạc chờ cũng có tác dụng dưỡng giáo[5]. Người Kitô hữu, hiểu theo đúng nghĩa thì không phải là đối tượng của việc truyền giáo, bởi họ đã được rửa tội và bởi giá trị vĩnh cửu của bí tích này mang lại. Tuy thế, không phải ai cũng giữ đạo như nhau: có người đã bỏ, có người thờ ơ, có người sốt mến. Nhưng cho dù lòng mến của họ có khác nhau thế nào đi chăng nữa thì khi nghe một ca khúc về Chúa, về Mẹ, trong một bầu khí tĩnh lặng nào đó thì ít nhiều họ cũng được đánh động: người nguội lạnh có thể sẽ được “hâm nóng” đức tin; người bình thường thì ý thức mình là người của Chúa; người sốt sắng lại coi đây là một phương pháp truyền giáo hay và người sốt sắng hơn có thể sẽ đăng kí ngay một bản nhạc chờ tương tự cho ‘chú dế’ của mình. Như vậy, thông qua truyền giáo mà công tác dưỡng giáo được thực hiện.

Qua những điều được nêu trên, thiết nghĩ việc dùng nhạc chờ để loan báo Tin Mừng cũng là phương pháp hay. Tất nhiên, hiệu quả của phương pháp bao giờ cũng chỉ tương xứng với chính phương pháp ấy mà thôi. Hạn chế của phương pháp này là sự nghèo nàn về nội dung sứ điệp Kitô giáo, bên cạnh đó là việc không thể tiếp xúc trực tiếp với đối tượng. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đền lớn, bởi loan báo Tin Mừng là công cuộc của cả một hành trình trần thế, từ khởi sự cho tới ngày cách chung. Do đó, việc được đánh động để trở về hay không của một người nào đó đôi khi không phụ thuộc vào sức riêng của người truyền giáo mà bởi sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Nếu phương pháp ta nói đây chỉ làm được một việc là cung cấp cho họ một ý niệm nào đó về Đạo Công giáo thì cũng đã thành công rồi, phần còn lại xin cậy dựa nơi Chúa.

Trên đây chỉ là những suy tư của người viết. Hy vọng những suy tư này sẽ đón nhận được sự đồng tình của quý độc giả hoặc sẽ đánh động quý độc giả ở một mức độ nào đó trong bổn phận loan báo Tin Mừng.

Phêrô Nguyễn Văn Điệp, K.11

[1] Phân tích số liệu thống kê về internet và di động Việt Nam 2014, http://vtmgroup.com.vn, 20/04/1015.
[2] X. AG , số 2.
[3] Sử dụng công nghệ mới để loan báo Tin mừng, http://www.hdgmvietnam.org , 20/04/2015
[4] Đối tượng cấm đoán mà tác giả muốn nhắm tới ở đây là nhà nước đương thời, với chính sách ngầm bài trừ tôn giáo, nhất là Đạo Công giáo.
[5] Dùng từ  của cha Micael Trần Minh Huy, PSS, sống ơn gọi linh mục trong bối cảnh tân phúc âm hóa, ĐCV Vinh Thanh 2015.
 
Nguồn tin: