Mục Vụ Khởi Đi Từ Nhận Thức Về Mình

Mon,26/11/2018
Lượt xem: 3735

Nhập Đề

Em Trần Minh Tâm, một du học sinh Việt Nam tại New Zealand, có thành tích học tập xuất sắc, được báo chí nước này xếp vào một trong một trăm doanh nhân trẻ tiềm năng của Á Châu năm 2007. Em đi du học nhưng phải làm thêm để có đủ tiền học phí và sinh hoạt. Em là người có tư chất thông minh nhưng cũng rất chăm chỉ. Nhiều khi bạn bè rủ đi chơi nhưng em từ chối vì phải dành thời gian đi làm và học tập. Ở trong em có một động lực mạnh mẽ thúc đẩy em khước từ chuyện vui chơi để chuyên chú học hành. Em là người vượt qua những khó khăn của cuộc sống để phát huy những khả năng tự nhiên và đạt được thành công trong học tập. Thực ra, câu chuyện của em Tâm không có gì đặc biệt lắm, nhưng nó thể hiện một điều căn bản, đó là nhận thức của em về bản thân mình: Là học sinh và bổn phận của một học sinh thì phải học tốt. Hầu hết những người thành đạt trong cuộc sống là những người có một cái nhìn tích cực, nghiêm túc về bản thân và sứ mạng của mình, đồng thời cũng là những người phải hy sinh nhiều niềm vui để tập trung vào công việc chính yếu.

Ý tưởng của câu chuyện cho thấy rằng, nhận thức về chính mình là nền tảng để người ta hướng về tương lai, định hướng cho cuộc sống và hoạt động. Ý tưởng này không chỉ đúng với một cá nhân nào đó để họ có thể trở nên một con người thành đạt, mà còn đúng đối với một giới chuyên biệt, như các thừa tác viên chức thánh, những người dấn thân phục vụ trong Giáo hội để họ cũng trở nên người thành công trong sứ mạng của mình.

Hoạt động của Giáo hội có hai chiều kích: đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Hoạt động hướng tới Thiên Chúa là hoạt động thờ phượng hay là phụng tự; trong khi hoạt động đối với con người là hoạt động mục vụ. Mục vụ là hoạt động thường xuyên của Giáo hội phục vụ con người. Ở đây, người ta đặt ra một số vấn đề, chẳng hạn, đâu là chiều hướng người ta khởi sự công việc mục vụ của mình? Đâu là động lực để thừa tác viên mục vụ hoạt động? Có người thành công trong việc mục vụ, theo nghĩa là đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho mình và cho đối tượng mình mục vụ; nhưng cũng có người không thành công. Vậy, đâu là yếu tố dẫn đến sự thành công đó? Có rất nhiều yếu tố đưa đến sự thành công của một thừa tác viên mục vụ, chẳng hạn như hoàn cảnh, khả năng, phương tiện. Nhưng để phát huy những khả năng và điều kiện thuận lợi, thừa tác vụ mục vụ cần có động lực để dấn thân, hoạt động và phục vụ. Thực tế cho thấy, động lực đó phần nhiều bắt nguồn từ nhận thức về mình là ai và sứ mệnh là gì.

Tuy nhiên, ý tưởng về nền tảng của công tác mục vụ khởi đi từ nhận thức về bản thân dễ dẫn đến những quan ngại. Thứ nhất, nó có thể làm cho người ta nghĩ rằng người mục tử lấy mình làm trung tâm tác vụ của mình. Sống trong một nền văn hoá bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo, chúng ta thường nhấn mạnh đến lợi ích hay giá trị chung của xã hội và gia đình trên cá nhân. Ở đây cá nhân không phải là điểm đến hay cùng đích nhưng là khởi điểm, từ đó thừa tác viên mục vụ đến với tha nhân. Thứ đến, khi đề cập về bản thân, người ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng, giáo huấn của Giáo hội có thể sẽ bị phớt lờ. Thực ra, giáo huấn của Giáo hội không hề làm giảm bớt sáng kiến hay suy tư cá nhân nhưng mở ra con đường cho người ta phát triển những “nén bạc” mà Chúa ban tặng cho mỗi người. Ý tưởng này nhắm tới con người thừa tác viên mục vụ, nối kết con người thừa tác viên mục vụ với giá trị Kitô giáo bằng việc khởi đi từ nhận thức về chính mình.

Bài viết này có ba phần chính. Phần I sẽ tìm kiếm nền tảng thần học của ý tưởng này trong Kinh thánh. Chúa Giêsu là trung tâm của Kinh thánh, chính vì thế, Người là Đấng mà chúng ta phải suy niệm và tìm hiểu. Cuộc sống và cách thức Người hoạt động là nền tảng cho hoạt động của Giáo hội. Phần II sẽ bàn luận về ý tưởng trên cơ sở thực tiễn và giáo huấn của Giáo hội. Cuối cùng là phần kết luận, trong đó tái khẳng định sự cần thiết của ý tưởng trong hoạt động mục vụ.

Chúa Giêsu Nhận Thức Về Bản Thân

Vấn đề Chúa Giêsu nhận thức về bản thân Người là một vấn đề lớn của Kitô học. Bài viết này không tìm hiểu vấn đề dưới nhãn quan Kitô học, nhưng là mục vụ. Do đó không đi sâu phân tích hoàn cảnh hay tầng ý nghĩa sâu xa những mạc khải của Chúa Giêsu về chính bản thân Người, nhưng chỉ dừng lại ở ý tưởng được thể hiện nơi chính sự kiện hay mạc khải của Chúa, để rồi từ đó làm cơ sở cho ý tưởng về mục vụ.

Chúng ta thấy rằng, trong khoảng thời gian trên dưới ba năm hoạt động công khai, những hoạt động của Chúa Giêsu là những hoạt động điển hình. Người giảng dạy và hướng dẫn người ta đến với niềm tin chân thật vào Thiên Chúa. Người chia sẻ cuộc sống của con người và xoa dịu nỗi đau thương của họ. Người huấn luyện các thừa tác viên mục vụ hay các môn đệ và trao cho họ sứ mệnh mà chính Người để lại. Tất cả những công việc của Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm đến những thiện ích cho con người (Mc 7,37) và phần rỗi của họ (Mt 19,9; Ga 3,17). Những công việc Chúa Giêsu thực hiện, ít nhiều, đều liên hệ tới ý thức của Người về bản thân và sứ mạng.

Chúng ta cũng thấy rằng, các hoạt động của Chúa Giêsu đặt trên cơ sở những giá trị cao đẹp của con người, thế nhưng Người lại bị một số người ghét bỏ và bách hại. Trên bình diện nhân bản, Chúa Giêsu là một người tốt, theo nghĩa là Người làm điều tốt đẹp cho người khác. Chính vì thế, nhiều người yêu mến Người, họ đến để nghe đạo lý của Người (Mc 3,8; 6,55; Lc 5,1; 21,38; Ga 12,12). Thế nhưng, Người cũng lại là “cớ vấp phạm” cho một số người (Mt 10,35; 15,12; Ga 9,19), đặc biệt là giới cầm quyền đạo và đời lúc bấy giờ. Lý do tại sao họ chống đối Chúa Giêsu được chính người Do Thái giải thích: “Không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Nói cách khác, những chống đối Chúa Giêsu không phải là chống đối công việc của Chúa, nhưng là đạo lý và giáo huấn của Người và những công việc thể hiện một quan niệm khác biệt của Người.

Thế nhưng, Chúa Giêsu kiên vững trong đường lối của Người cho dù bị người ta bắt bớ. Nhóm người chống đối Chúa là nhóm có nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Đi ngược lại với ý chí hay ý muốn của nhóm người này sẽ chuốc lấy những rủi ro. Chúa Giêsu hoàn toàn hiểu điều đó (Ga 15,20). Tuy nhiên, không vì thế mà Chúa Giêsu sợ hãi hay lùi bước. Người hoạt động theo tiêu chí và đường lối của Người. Điều này được chính những người chống đối Người như nhóm Pharisêu công nhận: Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta (Mt 22,16; Mc 12,14). Quả thật, không có sợ hãi nào ngăn cản được Chúa Giêsu rao giảng, không có thế lực nào khiến cho Chúa phải dừng bước, và cũng không có điều gì làm ngưng trệ hoạt động của Chúa. Giới chống đối chất vấn Chúa Giêsu về quyền hạn mà Người thực hiện công việc của mình (Mt 21,23; Mc 11,28; Lc 20,2); họ cũng nại đến sự tối thượng của Lề Luật (Lc 13,14; Ga 9,16). Họ cho rằng Chúa Giêsu không tôn trọng Lề Luật. Thực ra Chúa Giêsu không những hiểu Lề Luật mà còn hiểu tinh thần của Luật (Mt 12,1-12). Chúa Giêsu không phải là một người liều lĩnh, vì những người như thế hoàn toàn không coi trọng đạo lý và cũng chẳng đặt nặng lý trí. Trái lại, Chúa Giêsu biết việc mình làm, hiểu điều mình nói và thực thi những điều mình biết. Vậy, đâu là điều biện minh cho hành động của Chúa? Đâu là động lực để Chúa hoạt động và để vượt lên trên những khó khăn thách đố?

Câu trả lời ở nơi chính bản thân Người, căn tính và sứ mạng của Người. Người hành động theo sự hiểu biết về chính Người và sứ mạng của Người. Người nhận thức về thân phận thần linh của mình khi Người còn rất nhỏ. Đức Mẹ và thánh Giuse thất lạc Chúa Giêsu trong chuyến đi lên đền thờ. Khi gặp lại Chúa, Đức Maria nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,48-49). Câu trả lời của Chúa Giêsu nói lên rằng, Người nhận thức Người là ai trong mối liên hệ với Thiên Chúa Cha. Cũng như, Người biết rõ Người là ai trong mối liên hệ với nhân loại. Và ngay từ rất sớm, nhận thức này đã thúc đẩy Người hành động. Sau này, khi Người biết Gioan Tiền Hô bắt đầu sứ mạng rao giảng của ông, Người cũng nhận thấy rằng đã đến lúc Người khởi sự sứ mạng công khai của mình.

Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu nhiều lần nói về bản thân. Kinh thánh để lại cho chúng ta rất nhiều bằng chứng về vấn đề này. Những điều Chúa Giêsu nói về Người thể hiện nhận thức của Người về mình là ai. Thật vậy, Chúa Giêsu nói về mình như là “Con Người” trong sách Isaia, “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27). Người coi mình cao trọng hơn đền thờ, “ở đây có Đấng cao trọng hơn cả đền thờ” (Mt 12,6). Người cho mình là Người có quyền tha tội. Khi người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu với người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” … để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà” (Mt 9,2-6). Chỗ khác, Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, Người đã xác nhận điều Phêrô nói và coi đó là mạc khải lớn đối với ông (Mt 16,13-15; Mc 8,27-30). Và điều này được Người tái xác nhận khi bị bắt và bị đem ra trước công nghị các thượng tế và những người Do Thái (Ga 8,14). Chúng ta biết rằng, không một người Do Thái nào dám nói mình cao trọng hơn Đền thờ hay có quyền tha tội, những điều đó chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Cho dù là các ngôn sứ hay các nhà lãnh đạo Do Thái cũng không dám nói những điều như Chúa Giêsu nói về mình. Do đó, những điều Chúa Giêsu nói về mình làm cho người Do Thái hết sức ngạc nhiên. Chắc rằng họ có thể dễ dàng nhận ra ý Người muốn nói Người là ai.

Bởi biết mình là ai, nên Chúa Giêsu đã có những tuyên bố rõ ràng về bản chất và phẩm tính của Người. Người cho mình là sự sống, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Người nói về mình là Đấng vĩnh hằng, “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì Tôi, Tôi hằng hữu!” (Ga 8,58). Người nói về quyền hành của Người trên trời cũng như ở dưới đất: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Người nói về Giêrusalem không nhận ra Người như là một điều “vô phúc”: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được…, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41-44). Và Người cũng khẳng định Kinh thánh làm chứng về Người, “Các ông nghiên cứu Kinh thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5,39). Chúa Giêsu cho thấy phẩm tính của Người vượt trên không gian và thời gian, năng lực và sức mạnh của Người vượt quá khả năng của một thụ tạo. Đó là phẩm tính của vị Thiên Chúa Làm Người.

Những điều Chúa Giêsu nói về bản chất và phẩm tính của mình như là Con Thiên Chúa hay là Thiên Chúa đã làm cho một số người Do Thái giận dữ và chống đối (Mt 26,65). Họ coi đó là phạm thượng không thể chấp nhận được (Mt 9,3; Mc 2,7). Chúa Giêsu phải trả giá bằng chính mạng sống mình vì những phát ngôn về mình như thế. Thế nhưng, những mạc khải của Chúa Giêsu về bản chất của Người lại cần thiết để con người nhận biết Thiên Chúa và tình yêu của Người và nhất là để họ được ơn cứu độ.

Từ nhận thức về mình là ai, Chúa Giêsu cho thấy Người ý thức sứ mạng của Người và sứ mạng đó phát xuất và xoay quanh ý thức đó. Thánh Luca cho chúng ta hay, ngay khi bắt đầu sứ mạng công khai của Chúa Giêsu, Người đã nhận thức bản thân được sai đi với sứ mạng giải phóng, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sứ mạng của Người cứu chữa con người tội lỗi, ‘vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất’ (Lc 19,10; 15,1-10). Nhưng đặc biệt, sứ mạng của Người là để tôn vinh Thiên Chúa: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Tất cả những gì Người làm là để thực hiện những gì đã được Kinh thánh loan báo về Người: “Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44). Ta thấy, sứ mạng của Chúa Giêsu hướng về Thiên Chúa và hướng về con người. Chúa Giêsu như một nhịp cầu nối Thiên Chúa với nhân loại.

Khi đã ý thức rõ ràng về sứ mạng của mình, Chúa Giêsu có những định hướng và tiêu chí hoạt động. Tiêu chí của Người có hai chiều kích: đối với Thiên Chúa và con người. Đối với con người, hoạt động của Chúa Giêsu là sự phục vụ và cứu độ, “cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Lc 20,28). Hơn nữa, Người hoạt động để nêu gương và trở thành mô phạm cho người khác, “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Đối với Thiên Chúa, Người hoạt động trong sự vâng lời tuyệt đối Đấng đã sai Người đến trong thế gian, “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,28). Bời thế, Người luôn trung thành thực hiện thánh ý của Thiên Chúa Cha, “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Cao điểm hoạt động và sứ mạng của Chúa Giêsu là cái chết và sự phục sinh của Người. Ở đó, ý thức về vai trò và sứ mạng của Người được thể hiện một cách rõ nét nhất. Chúa Giêsu hoàn toàn ý thức trước khi Người lên Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn, “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người” (Mt 20,18). Dù biết lên Giêrusalem thì sẽ chết nhưng Người cương quyết đến đó vì sứ mạng của Người phải được thực hiện. Bởi vì, “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” Ga 3,13-16). Người ý thức sứ mạng của Người phải được thực thi và thực thi như thế nào.

Như chúng ta thấy, Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng của Người xuất phát từ nhận thức về chính Người là ai, Người xuất hiện ở trần gian nay để làm gì. Chính những điều Chúa Giêsu giảng dạy và thực thi lý giải Người là ai. Và ở đây, chúng ta có thể nhận ra một sự thống nhất giữa con người, công việc và những điều Chúa giảng dạy. Sự thống nhất đó phát xuất từ nhận thức rõ ràng về con người, căn tính và sứ mạng của Người. Như thế, nhận thức mình là ai sẽ giúp xác định mục đích, đường lối và cách sống một cách rõ ràng. Sứ mạng của Chúa Giêsu hoàn toàn sáng tỏ, không bị mập mờ nước đôi, không bị những ngoại cảnh chi phối. Như thế, khi nhận thức trở nên rõ ràng thì sự lựa chọn trở nên chắc chắn. Và từ đó, sứ vụ được thực thi một cách mạnh mẽ.

Mục Vụ Khởi Đi Từ Nhận Thức Về Chính Mình

Mục vụ trong tiếng Latinh là pastoralis, trong tiếng Anh là pastoral, chỉ mối liên hệ giữa mục tử (pastor) với người dân, hay các yếu tố liên hệ tới người mục tử, thường chỉ sự chăm sóc và nuôi dưỡng đức tin Kitô giáo (Từ điển Thần học Wesminter). Chính vì thế, khi nói đến mục vụ người ta thường nghĩ tới hoạt động của một mục tử hay linh mục đối với người khác trong đức tin[1]. Như thế, mục tử hay linh mục là người tham gia và đóng một vai trò quan trọng trong công việc mục vụ của Giáo hội. Hoạt động mục vụ của Giáo hội là để phục vụ con người với nhiều mức độ khác nhau, có thể trên bình diện hoàn cầu, có thể ở bình diện giáo phận, giáo xứ, tổ chức, hay một cá nhân. Thực ra, tất cả các qui mô hay bình diện đều hệ tại ở mỗi cá nhân trong tổ chức đó, hay nói cách khác, cá nhân có tính quyết định hoạt động của tổ chức. Như vậy, cá nhân là bình diện cơ bản nhất của công tác mục vụ.

Khi bàn về mục vụ, điều làm người ta bận tâm đó là làm sao để công việc mục vụ hiệu quả, làm sao công việc của mình đạt được như mong muốn. Quan tâm tới điều đó khiến người ta chú tâm đến phương pháp hay cách thức thực hiện công việc. Điều này rất quan trọng, bởi vì làm việc không đưa đến hiệu quả thì làm cho công việc của mình kém hữu ích. Chẳng hạn, trong công việc mục vụ bác ái người nghèo, con số người nghèo được giúp đỡ càng đông, nghĩa là công việc mục vụ đó càng thành công. Điều này hoàn toàn đúng! Nhưng có điều là hoạt động mục vụ rất đa dạng, bao trùm nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, cả đời sống cụ thể (vật chất) lẫn đời sống tinh thần (phi vật chất). Thường thì chúng ta chú tâm nhiều hơn tới những điều chúng ta có thể xem xét, mà quên đi những điều chúng ta khó xem xét, chẳng hạn các giá trị về tinh thần, bởi đó là cái mà người ta khó lượng định. Vì thế, người thi hành mục vụ thường gắn mình với một kết quả mục vụ hữu hình nào đó, chẳng hạn làm được một cái nhà thờ, nhà xứ, phòng giáo lý, vv. Khuynh hướng như thế đã đơn giản hoá mục vụ. Công tác mục vụ trở nên phong phú khi biết gắn liền với các giá trị hay lợi ích thiêng liêng. Đồng thời, các công việc cụ thể cũng phải thể hiện những giá trị tinh thần nào đó.

Lo lắng tới công việc mục vụ và thành quả của nó là điều cần thiết, tuy nhiên việc chú tâm đến thừa tác viên mục vụ cũng cần thiết như chính công việc mục vụ. Bởi vì, yếu tố làm nên kết quả và chất lượng của mục vụ chính là thừa tác viên mục vụ. Một nguyên tắc luân lý căn bản của Giáo hội Công giáo cho các hoạt động của mình là “mục đích không biện minh cho phương tiện,” nghĩa là khi hoạt động người ta phải xem xét phương cách hoạt động của mình có phù hợp với nguyên tắc luân lý Kitô giáo không. Dù nhắm tới mục đích tốt, nhưng phương tiện để đạt được mục đích đó không phù hợp thì cũng làm cho kết quả công việc đó trở nên vô nghĩa. Vì thế, thảo luận mục vụ phải lưu tâm tới con người thi hành mục vụ. Đó là điều cần thiết. Thực tế, mọi công việc đều đòi hỏi người thực hiện phải xứng hợp với công việc mà họ thi hành. Trong công việc mục vụ, chính thừa tác viên mục vụ làm cho công việc mục vụ sinh ích như thế nào và làm cho đối tượng của công việc mục vụ trải nghiệm không những hiệu quả của công việc mục vụ mà còn tình người, tình Thiên Chúa được thể hiện sâu sắc qua công tác mục vụ. Hơn nữa, thừa tác viên mục vụ mang tính quyết định đến sự chính đáng của công việc. Chính vì thế, Giáo hội luôn coi trọng việc đào tạo nên những thừa tác viên xứng hợp.

Đâu là qui chiếu và mô phạm cho hoạt động mục vụ cũng như con người của các thừa tác viên mục vụ? Người kitô hữu phải lấy con mắt đức tin và tình yêu hướng nhìn dung mạo của Đức Kitô (PDV 12) để tìm kiếm khuôn mẫu cho đời sống kitô hữu của mình. Cũng thế, thừa tác viên mục vụ cũng phải chiêm ngắm Chúa Giêsu và nhận Người là mô phạm cho bản thân và hoạt động mục vụ của họ. Từ những tìm hiểu và suy niệm về Chúa Giêsu và hoạt động của Người trong Kinh thánh, chúng ta có thể nhận thấy hoạt động mục vụ của các mục tử phải khởi đi từ nhận thức về bản thân hay căn tính và sứ mệnh của mình. Chính Chúa Giêsu đã nhận thức Người là ai và sứ mạng của mình là gì. Trên căn bản đó, Người hoạt động và thể hiện cuộc sống của mình.

Do đó, linh mục và các thừa tác viên khác phải nhận thức về căn tính của mình cách mạnh mẽ. Căn tính (identity) là nhận thức về bản thân mình là ai và là gì (Từ điển Thần học Wesminter). Căn tính của con người là điều chính yếu hay yếu tính của một người hình thành nên con người và bản tính của họ, tạo nên khuynh hướng, lối sống, cách hành xử, thái độ và hoạt động của người đó hay sự dấn thân của họ. Ở mức độ nào đó, căn tính của ta là chính ta. Thường thì căn tính của một người gắn liền với quan niệm về giá trị cuộc sống mà người ấy theo đuổi. Do vậy, khi đánh mất căn tính của mình, người ta sẽ không biết mình là ai và không thể định hướng mình phải sống thế nào. Do đó, nhận thức về căn tính sẽ giúp linh mục định hình cuộc sống, nắm chắc giá trị mình theo đuổi và trên cơ sở đó để hoạt động.

Đối với linh mục, việc giữ vững căn tính linh mục là cần thiết. Thật vậy, sau Công đồng Vatican II, trong Giáo hội Công giáo xảy ra cuộc khủng hoảng về ơn gọi linh mục. Hàng ngàn linh mục trên toàn thế giới rời bỏ hàng ngũ. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng chính là việc đánh mất căn tính linh mục. Maciel đã ghi lại nhận xét của Balthasar, nhà thần học Công giáo nổi tiếng, về tình trạng của cuộc khủng hoảng trên: “Rất dễ gặp những linh mục đang sáng tạo những cách thế lôi cuốn quần chúng, những linh mục đang cố gắng nói về Thiên Chúa bằng ngôn từ hiện đại hầu mong lôi kéo quần chúng chú ý; sau khi được kêu gọi bước theo lối sống Đức Kitô, họ lại sợ không được đồng loại thân tình đón nhận và đã để cho tình yêu của họ đối với Thiên Chúa khô cằn đi trong tình nhân loại đối với tha nhân. Họ là những linh mục đánh mất chính mình trong tính nặc danh của cái làm nên nhân loại” (Maciel 12). Balthasar cho thấy linh mục hoạt động rất tích cực nhưng họ không còn biết rõ mình là ai và giá trị mà họ theo đuổi là gì, nên họ bị những trào lưu xã hội lôi cuốn, họ trở nên sợ sệt và không thể tách mình ra khỏi trào lưu đó. Họ đánh mất căn tính của mình. Khi đã mất đi căn tính của mình, người ta không thể không có lập trường và trở nên mơ hồ về xác tín của mình.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: “Căn tính linh mục là gì?”, hay “linh mục là ai?” Sau cuộc khủng hoảng linh mục, Giáo hội thấy cần phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã cho ra đời Tông huấn Pastores Dabo Vobis, bàn về việc đào tạo linh mục. Việc đào tạo linh mục phải đặt trên một nên tảng chắc chắn. Nền tảng đó phải làm rõ linh mục là ai. Vì thế, tông huấn này tập trung suy tư về căn tính linh mục. Khi xem xét những thách đố của hoàn cảnh thế giới, Đức Giáo hoàng đã nhận thấy rằng để đứng vững trước hoàn cảnh khó khăn, linh mục phải hiểu biết và nhận thức rõ ràng về căn tính của mình. Ngài viết: “truy tầm một sự hiểu biết chính xác và sâu rộng về bản chất và sứ vụ của chức linh mục thừa tác là đường lối phải tuân theo để có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng về căn tính linh mục” (PDV 2). Thực ra, Công đồng Vatican II, một công đồng mục vụ, được nhóm họp để giúp Giáo hội thích ứng với hoàn cảnh mục vụ trong thế giới hiện đại, đã đặt trọng tâm mục vụ của Giáo hội vào vai trò của linh mục, đã đưa ra khái niệm về linh mục. Công đồng viết về linh mục như sau: “Linh mục liên kết với chức giám mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, trách vụ linh mục, trong sự liên kết với chức giám mục, thông phần vào quyền bính của chính Đức Kitô để kiến tạo, thánh hoá và cai quản thân thể Người. Vì thế, thánh chức linh mục, tuy lãnh nhận sau các Bí tích khai tâm Kitô giáo, nhưng lại được trao ban qua một Bí tích đặc biệt, ghi khắc một ấn tích đặc thù nơi các linh mục nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, và như thế các ngài nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô là Đầu” (PO 2). Người ta thấy rằng các tài liệu của công đồng thường nhấn mạnh chức năng thi hành thừa tác vụ mục vụ của linh mục nhiều hơn việc đào sâu căn tính linh mục. Tông huấn đã dùng lại tư tưởng của công đồng về linh mục, đồng thời còn đào sâu căn tính của linh mục theo khía cạnh thần linh: “Căn tính của linh mục, như các nghị phụ Thượng Hội đồng viết: “Giống như căn tính của tất cả các kitô hữu, căn tính của linh mục có nguồn gốc Chúa Ba Ngôi,” được biểu lộ và liên hệ với mọi người trong Chúa Kitô, thiết lập, trong Người và qua Chúa Thánh Thần, Giáo hội như là “hạt giống và sự khởi đầu của Nước Chúa” (PDV 12). Nhìn chung, giáo huấn của Giáo hội cho thấy căn tính của linh mục gắn liền với việc Chúa chọn và với các giám mục để thi hành sứ vụ trong lòng Giáo hội.

Quả thật, Chúa chọn các linh mục nhưng chính các linh mục cũng là những người chọn và hiến thân theo Chúa. Họ giống như các tông đồ của Chúa Giêsu ngày xưa, được Chúa mời gọi, theo Chúa và trở nên “người thân” của Chúa. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu căn tính của linh mục thì chúng ta có thể thấy căn tính đó nơi các tông đồ hay môn đệ của Chúa Giêsu. Thật vậy, chính Chúa Giêsu nói cho các tông đồ biết về căn tính của họ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Các tông đồ là những người theo Chúa và trở nên bạn bè của Chúa. Chính Chúa Giêsu yêu mến và đồng hoá mình với các ông: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Căn tính của các tông đồ gắn liền với Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa của các ông. Từ “bằng hữu” diễn tả sự thân tình và gắn bó giữa Chúa Giêsu và các tông đồ. Sự liên hệ này làm nên tính đặc trưng cho linh mục và làm nên con người linh mục. Vì liên hệ chặt chẽ với Chúa, con người của họ phải phản ánh tôn sư của họ. Họ là nhịp cầu để người khác biết và đến với vị tôn sư của họ là Chúa Giêsu. Bản thân họ tìm thấy mình và căn tính của mình trong mối thân tình với Chúa. Thế nên, “người linh mục tìm gặp trọn vẹn sự thật về căn tính của mình trong sự kiện mình tham dự một cách loại biệt vào Đức Kitô và nối tiếp chính Đức Kitô, vị tư tế Tối Cao và độc nhất của Giao ước mới: Linh mục là hình ảnh sống động và trong suốt của Chúa Kitô Linh Mục” (PDV 12).

Vì mối liên hệ và ơn gọi đặc trưng của mình, linh mục gắn liền với sứ mạng của Chúa Giêsu. Linh mục được Chúa chọn giống như các tông đồ ngày xưa, để thi hành công việc của Chúa, để công việc đó tiếp diễn mỗi ngày cho đến tận thế. Do đó, ý thức về sứ mạng là điều không thể thiếu đối với các linh mục. Chính Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng của mình với một nhận thức về bản thân và căn tính của mình. Nhận thức căn tính của mình sẽ là động lực thúc đẩy thừa tác viên mục vụ thi hành sứ mạng với một xác tín sâu xa. Các thánh tông đồ, các thánh và các nhà truyền giáo là những người thi hành sứ mạng một cách quyết liệt theo gương Chúa Giêsu. Các ngài đã dấn thân với tất cả con người và khả năng của mình để thi hành sứ mạng với nhiệt huyết sâu xa, thậm chí với cái giá cuộc sống của mình. Động lực để các ngài hoạt động và thi hành sứ mạng đó chính là các ngài ý thức mình là môn đệ của Chúa. Nếu các thừa tác viên mục vụ có ý thức mạnh mẽ về căn tính của mình thì họ cũng sẽ thi hành sứ mạng với cả con người và nhiệt huyết như thế.

Thừa tác viên mục vụ thi hành sứ mạng của Giáo hội đối với con người. Sứ mạng của các thừa tác viên luôn gắn liền với căn tính của họ. Đối với linh mục hôm nay, Tông huấn Pastores Dabo Vobis diễn tả sứ mạng như sau: “Linh mục, nhờ vào sự thánh hiến đã lãnh nhận qua bí tích Truyền Chức Thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình dạng với Người, Đấng là Đầu và Mục Tử của dân Người, để sống và hoạt động, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo hội và cứu độ thế giới” (PDV 12). Lời dạy của tông huấn về sứ mạng linh mục không khác với sứ mạng của các tông đồ ngày xưa, là xây dựng Giáo hội và mưu ích phần rỗi cho con người. Do đó, nếu linh mục muốn thi hành sứ mạng một cách tích cực và hiệu quả họ phải khởi đi từ việc nhận thức về căn tính của họ. Hoạt động mục vụ luôn luôn là thách đố, nhận thức về căn tính của mình sẽ giúp cho linh mục vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh để thi hành sứ mạng cách trọn vẹn.

Kết Luận

Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội để tiếp tục sứ mạng của Người giữa lòng thế giới, nên khởi đầu và cùng đích của các hoạt động của Giáo hội là chính Chúa Giêsu. Vì thế, Giáo hội nhìn lên Chúa Giêsu như là mô phạm cho các hoạt động của mình. Chúa Giêsu thi hành sứ mạng với nhận thức mạnh mẽ về bản thân và sứ mạng của mình. Linh mục là người chọn Chúa và trở nên “bạn hữu” của Chúa. Họ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, là người thi hành chức năng của mình nhân danh Giáo hội (Dolan 306). Do đó, người linh mục hoạt động mục vụ cũng phải khởi đi từ nhận thức về bản thân mình là ai và sứ mạng của mình là gì. Nhận thức về bản thân chính là ý thức về căn tính của mình. Ý thức đó trở nên cấp bách sau cuộc khủng hoảng về căn tính linh mục và trong hoàn cảnh đa diện của thế giới hôm nay.

Để hiểu rõ căn tính và sứ mạng là gì, nhất thiết thừa tác viên linh mục cần phải trải qua một quá trình đào tạo, lấy căn tính linh mục làm nền tảng. Trong cuốn sách nói về việc đào tạo linh mục có tựa đề Đào Tạo Trọn Vẹn, Marcial Maciel đã xác định rằng: “Việc đạo tạo phải gắn liền với vấn đề căn tính và sứ mạng của linh mục”. Tông huấn Pastores Dabo Vobis cũng nhấn mạnh việc đào tạo phải chú trọng đến căn tính của linh mục (11). Bởi vì “chúng ta là những hữu thể nhân linh…, phẩm giá và căn tính nền tảng chúng ta phát xuất từ chỗ chúng ta là ai” (Dolan 305), chúng ta hoạt động xuất phát từ sự nhận biết và ý thức của mình. Do đó, chúng ta phải xây dựng một nền tảng chắc chắn là căn tính con người để từ đó các hoạt động được khởi sự.

Mỗi thành viên trong Giáo hội đều chia sẻ những giá trị của Giáo hội, đặc biệt là những ứng viên chức thánh, nhưng những giá trị chung đó phải thấm nhập vào mỗi cá nhân mới mang lại kết quả. Nhận thức về con người và căn tính của mình là nhận thức về các giá trị của Giáo hội được thấm nhập và thể hiện nơi bản thân mình. Nhận thức đó có thể giúp cho những giá trị đó mang tính đặc trưng nơi chính bản thân của thừa tác viên, đồng thời còn giúp cho thừa tác viên mục vụ tìm ra hướng phù hợp với chính thừa tác viên, để thi hành giá trị của Giáo hội.

Bản thân thừa tác viên mục vụ – linh mục – phải tự đào luyện chính mình. Họ phải nhận thức về căn tính của mình và phải trung thành với căn tính mà mình đã lựa chọn và cam kết dấn thân. Hiểu rõ căn tính giúp cho người linh mục tìm được ý nghĩa và động lực để thi hành thừa tác vụ mục vụ của mình. Thực tế, trong các hoạt động mục vụ, người ta thường nhấn mạnh đến công việc hay kết quả mục vụ mà quên đi căn tính của mình. Đó là điều đã diễn ra và người ta cần phải khắc phục.
 
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Thái
ĐCV Vinh Thanh

[1] Sau Công Đồng Vatican II, hoạt động mục vụ của Giáo hội không chỉ dành cho linh mục và tu sĩ mà thôi nhưng còn cho các thừa tác viên giáo dân. Nhưng căn bản hoạt động mục vụ của Giáo hội vẫn được đặt trên thừa tác viên chức thánh.
Nguồn tin:
Tags :