Linh Mục Quản Xứ Đối Thoại Và Hướng Tới Truyền Giáo Cho Giới Tri Thức Ngoại Giáo

Thu,21/11/2019
Lượt xem: 2006

Dẫn nhập

Loan báo Tin Mừng là bổn phận của hết mọi thành phần dân Chúa. Tuy nhiên, loan báo Tin Mừng không có mẫu số chung về phương cách cho tất cả hoàn cảnh. Tin Mừng chỉ có thể ‘bén rễ’ khi được gieo vào những mảnh đất phù hợp, với người gieo và cách gieo phù hợp. Khi giáo đoàn trở nên đông đúc, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật việc các Tông Đồ lập thêm ‘nhóm 7 người’ chuyên trách phân phát thức ăn cho dân chúng. Các ngài lấy lý do: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải” (Cv 6,2). Linh mục quản xứ cũng thế. Các ngài không thể bỏ hết công việc mục vụ đoàn chiên của mình để chỉ dành cho công tác loan báo Tin Mừng. Các ngài phải chọn cho mình những ‘mảnh đất mới’ và những ‘cách gieo mới’ để vừa loan báo Tin Mừng vừa chu toàn được sứ vụ người mục tử. ‘Đối thoại với giới tri thức ngoại giáo’ có thể là một ‘gợi ý’ phù hợp với các linh mục quản xứ trong bối cảnh mục vụ hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ thử tìm đường bước vào viễn tượng ấy.

I. Quan sát

1. Những thuận lợi

Điểm bắt đầu cho hành trình loan báo Tin Mừng luôn là việc nhìn thấy những tiềm năng về mảnh đất mà ta sắp gieo vãi. Nhìn vào thực tế giới tri thức ngoại giáo nói chung, ta thấy khá nhiều cơ hội thuận lợi. Đối tượng mà chúng ta muốn đề cập ở đây là những người làm việc bằng trí tuệ như: giáo viên, bác sĩ, nhà báo, những người làm trong các cơ quan hành chính công…

Người tri thức là những người có hiểu biết về xã hội, con người và xu thế thời đại. Họ có lòng yêu mến và tôn trọng các giá trị chân thiện mỹ. Đồng thời, họ muốn tiếp cận và tìm hiểu các tư tưởng có tính học thuật khám phá. Yếu tố trên giúp chúng ta thấy rằng nơi họ có ‘đất’ để những gì là cao quý, tinh tuyền của Kitô Giáo có thể được ‘gieo’ bằng những phương thế phù hợp.

Yếu tố thứ hai: họ là những người có tầm ảnh hưởng đến một số đông khác: gia đình, cơ quan, trường học, lối xóm, phố phường…Một khi họ đã được tiếp cận với các giá trị Tin Mừng và Giáo Huấn Giáo Hội thì lối sống của Kitô giáo sẽ ảnh hưởng đến những người liên quan tới họ.

Yếu tố thứ ba: không như người lao động chịu ảnh hưởng và bị định hướng bởi các luồng tư tưởng cá nhân hoặc tập thể, giới tri thức thực thụ có chính kiến riêng. Một khi hạt giống Tin Mừng được trổ sinh thì đức tin của họ có tính ‘cá vị’ và ‘bền vững’ hơn. Họ cũng không cần đến những chiến dịch loan Tin Mừng rầm rộ. Ta chỉ có thể đến với họ bằng sự tinh tế, tế nhị và những đòi hỏi nghiêm túc trong vấn đề học thuật. Điều này rất phù hợp với các linh mục quản xứ, những người đã được đào tạo sau trung học, đại học và nhất là được đào tạo qua triết học và thần học.

Một yếu tố ngoại tại là những rối ren của bối cảnh xã hội hôm nay. Hơn ai hết, giới trí thức là những thành phần có thể ‘đọc vị’ và ‘bắt bệnh’ những bất công gian dối của xã hội hiện đại. Họ có thể đã từng là những ‘nạn nhân’ của guồng máy ấy. Họ cần được săn sóc, cảm thông và chữa lành. Tâm hồn họ cần được hướng thượng. Bên cạnh những thuận lợi mà chúng ta vừa kể đến, công tác đối thoại hướng đến truyền giáo cho giới tri thức ngoại giáo cũng ẩn chứa rất nhiều thách đố cần được khai thông.

2. Những thách đố

Đặc thù môi trường làm việc của giới trí thức ở nước ta hiện nay nhìn chung mang nặng tính cơ chế, khuôn khổ và bó buộc chính kiến. Đây là thách đố đầu tiên trong việc đối thoại. Để có thể đến với người tri thức cần phải tốn thời gian và công sức nhằm ‘lách’ qua những hàng rào vô hình đã được dựng lên.

Thứ hai là những thành kiến tốt xấu trong giới tri thức về đạo Công Giáo. Chúng đã bị định hình qua môi trường giáo dục trước đó hoặc do môi trường làm việc chịu định hướng quá nhiều từ truyền thông nhà nước. Đây là một thách đố chung của hoạt động loan báo Tin Mừng ở nước ta. Nếu việc tiếp xúc, gặp gỡ đối thoại chân thành từ hai phía được thực hiện cách nghiêm túc và bền vững thì về lâu dài có thể phá vỡ dần.

Thứ ba: khi đối thoại với giới trí thức, cần một hàm lượng rất lớn những kiến thức đạo và đời. Đây không phải là công việc dành cho giới ‘bình dân’ nhưng thuộc về những người đã kinh qua trường lớp đạo đời như: giới trí thức Công Giáo, các chủng sinh và linh mục đã được thụ huấn tại các đại chủng viện hoặc các học viện.

II. Nền tảng

Trong suốt sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã liên tục bị đặt những câu hỏi hóc búa từ giới lãnh đạo tôn giáo Do thái và chính quyền Rôma. Trước những thách đố ấy, Ngài đã trả lời cách khôn ngoan bằng các dụ ngôn hoặc lấy các dẫn chứng từ Kinh Thánh Cựu Ước. Ngài đã khiến cho các ‘đối thủ’ phải tâm phục khẩu phục. Chúng ta có thể kể đến một vài điểm sáng: Ngài đối thoại với ông Nicôđêmô (cf. Ga 3,7-15); Ngài trả lời cho nhà thông luật về điều răn nào trọng nhất (cf. Mt 22,36); Ngài trả lời về việc nộp thuế cho Xêda (cf. Lc 20,22); Ngài trả lời về việc ném đá người phụ nữ ngoại tình (cf. Ga 8,5); Ngài cũng tiên phong dùng bữa khi có lời mời từ giới lãnh đạo Do thái hoặc từ những người tội lỗi để truyền tải những sứ điệp Tin Mừng (cf. Mt 9,10; Lc 7,36)… Cách trả lời của Chúa Giêsu cũng rất thú vị. Ngài cứng rắn trước những đòi hỏi có tính gài bẫy hạ nhục nhưng lại ‘mềm mỏng’ trước những ai khao khát sự thật chân thành. Trước những ‘nố’ của luật cũ có thể gây phương hại đến mạng sống con người, Ngài lấy lòng thương xót làm cân đo.

Các thánh Tông Đồ, thánh Phaolô và các thánh sử là những vị đầu tiên loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Các Ngài đã dùng ơn sủng của Chúa Thánh Thần để trình bày Đức Kitô cho những nền văn hóa khác nhau. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh ‘thần vô danh’ để nói về Thiên Chúa cho dân học thuật Hy Lạp (cf. Cv 17,23). Ông Philipphê trình bày về đạo cho viên thái giám và làm phép rửa cho ông (cf. Cv 8,38). Bốn thánh sử đã dùng nghệ thuật văn chương từ các nền văn hóa để trình bày Tin Mừng cho các đối tượng mà các Ngài hướng đến phục vụ.

Lịch sử truyền giáo Á Đông ghi nhận dấu chân truyền giáo đặc biệt từ các vị thừa sai Dòng Tên. Thánh Phaxicô Xaviê, Cha Đắc Lộ, Cha Matteo Ricci là những vị đã hòa mình vào dòng chảy văn hóa Á Đông. Đặc biệt, các ngài đã dùng phương thế truyền giáo độc đáo: đối thoại với vua chúa và giới tri thức. Phương pháp này trở thành một ‘bảo bối’ cho các hoạt động truyền giáo sau đó. Các ngài đã thành công khi được các vua chúa cho phép hành đạo tự do một thời gian. Sự khôn ngoan trong các lĩnh vực khoa học giúp thắng thế trước các tri thức Nho học thời bấy giờ. Khi vua chúa và giới lãnh đạo được rửa tội thì ‘con dân’ cũng phải rửa tội theo quan niệm phong kiến thời bấy giờ.

Công đồng Vaticanô II khẳng định về bổn phận truyền giáo của linh mục trong Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội: “Các ngài [linh mục] phải nhận thức cách sâu xa rằng đời sống các Ngài đã được thánh hiến để thực thi sứ vụ truyền giáo.”[1] Hiến chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay nhấn mạnh sự hiểu biết và ứng dụng các khoa học đời và khoa học thánh:

“Trong hoạt động mục vụ, phải am hiểu cách đầy đủ không chỉ các nguyên tắc thần học, nhưng cả những khám phá của các khoa học trần thế [...] các tín hữu phải sống thật gần gũi với những người đương thời, và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những nét tinh hoa văn hóa.”[2]

Chủ đề trọng tâm của Hội Nghị Các Giám Mục Á Châu (FACB) năm 1970 là: đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa nhằm đem Tin Mừng cách phù hợp hơn vào lục địa đa văn hóa và tôn giáo Á Châu. Như vậy, việc đối thoại và hướng đến truyền giáo cho giới trí thức ngoại giáo có những nền tảng sâu xa từ Kinh Thánh, Truyền Thống và Huấn Quyền. Đó là những nền móng chắc chắn giúp ta xây dựng những phương thế truyền giáo cho bối cảnh mới hôm nay.

III. Hành động

1.      Chuẩn bị hành trang

Trước hết phải khẳng định rằng: không có một chuẩn mực hoàn hảo nào áp dụng chung cho hết thảy đối tượng tri thức khi gặp gỡ đối thoại. Do đó, linh mục phải thực hiện công tác chuẩn bị thật chu đáo. Sự chuẩn bị ở đây có thể hiểu là chuẩn bị về tâm thế, kiến thức về khoa học thánh và khoa học đời, nghệ thuật giao tiếp... Người linh mục cần xác tín rằng: việc truyền giáo là bổn phận và việc sinh hoa kết trái trong truyền giáo không phải bởi sự tài giỏi của mình nhưng là việc Chúa thực hiện sau những cố gắng bất toàn của con người. Các ngài cũng cần xóa bỏ những ‘định kiến’ xấu về những đối tượng mà mình sắp gặp gỡ (thực tế cho thấy đã có linh mục không nhìn thấy những điều tốt nơi những đối tượng trên). Sự chuẩn bị về tri thức khoa học thánh là những kiến thức về thần học, triết học, Kinh Thánh và quan điểm của Giáo hội Công Giáo về xã hội và con người. Sự chuẩn bị về khoa học đời có thể hình dung là những kiến thức phổ thông được tích góp lâu nay từ môi trường giáo dục. Đặc biệt là lắng nghe và cập nhật những nhịp đập chung của thời đại qua các phương tiện truyền thông báo chí. Bên cạnh đó phải vạch ra một tiến trình hoạch định các bước công việc sẽ thực hiện. Sự chuẩn bị tốt sẽ tránh những bất ngờ khi tiếp cận. Đây là bước ‘khởi động’ cho hành trình phía sau.

2.      Đối tượng, không gian, thời gian và phương cách thực hiện

Những quan sát về thuận lợi và thách đố ở trên giúp chúng ta thấy rằng, đối tượng mà ta tiếp cận mang nhiều nét đặc trưng. Việc tiếp cận họ mang tính cá nhân, khởi đi từ những mối tương quan mà ta đã quen biết hoặc biết từ người thân: bạn bè tri thức, bạn bè tri thức của người thân, giáo viên dạy các học sinh trong giáo xứ…Sau đó đến những đối tượng khác xa hơn qua những mối liên hệ trong quá trình hoạt động mục vụ.

Không gian gặp gỡ không bị giới hạn. Đó có thể là ngoài biên cương giáo xứ, nơi học đường, nơi phố quán và thậm chí là trên không gian internet… Ưu tiên nhất là ngay tại trị sở của linh mục vì tại đó linh mục là người chủ động trong mọi tình huống. Khởi đi từ những cuộc gặp gỡ thân mật hoặc tình cờ, linh mục tôn trọng và gìn giữ mối tương giao bằng việc liên lạc thăm hỏi sau đó. Vào những dịp đặc biệt hoặc khi hoàn cảnh thuận lợi, linh mục hẹn gặp tại nơi nào đó thuận lợi hoặc mời họ viếng thăm giáo xứ. Để thuận lợi nhất cho đôi bên, điều kiện cần thiết là tạo ra những khoảng không gian có tính ‘riêng tư’ để dễ dàng trao đổi. Trong một số trường hợp, linh mục có thể chủ động mời đối tượng mà mình hướng đến dùng bữa nhằm thắt chặt hơn mối tương giao. Nhìn vào thực tế, đã có rất nhiều linh mục thành công trong việc tạo ra những không gian gặp gỡ như: giao lưu thể thao, bác ái từ thiện, chung vui ngày lễ…

Thời gian gặp gỡ phụ thuộc vào tầm mức đối tượng, vào đặc thù công việc của mỗi bên. Những khoảng thời gian có thể kể là ‘hợp lý’ như vào những dịp cuối tuần, những ngày lễ, ngày nghỉ hoặc khi có những sự kiện đặc biệt của mỗi bên hoặc trước những vấn đề đang ‘nóng’ của xã hội hoặc Giáo Hội. Thời gian và tuần suất dài hay ngắn tùy thuộc vào tầm mức chủ đề muốn trao đổi và sự tương tác của đôi bên trong quá trình trao đổi. Mục đích của việc này là tạo nên sự tự nhiên và tránh làm gián đoạn hay ảnh hưởng công việc của nhau.

Phương pháp thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị và nắm bắt đối tượng. Giả định là người linh mục đã thực hiện tốt những công tác chuẩn bị và có mối tương giao tốt với đối tượng mà mình sẽ gặp gỡ chia sẻ. Bước đầu tiên của những cuộc gặp gỡ không phải là bước ngay vào trọng tâm cho bằng bắc những nhịp cầu để ‘đi vào trái tim’ nhằm tạo nên những ‘nền tảng’ chung nhất. Khi đã có những điểm chung giữa đôi bên, người linh mục nên là người lắng nghe hơn là người giảng giải. Linh mục nên để họ đặt những câu hỏi, những thắc mắc ưu tư về cuộc sống hoặc về giáo lý…Qua thái độ chân thành lắng nghe, linh mục trả lời những khúc mắc ấy bằng tâm tình của người bạn, người đồng hành tin cậy và là người đại diện của Giáo Hội. Khi trình bày những chủ đề quan trọng, nên giới thiệu cho họ những tài liệu sách vở để đào sâu tìm hiểu. Linh mục cũng cần trắc nghiệm lại thái độ của đối tượng để biết họ có thực sự cầu tiến hay chỉ để thỏa mãn những tò mò của lý trí. Những bước đi nêu trên có thể phải liên tục lặp lại trước mỗi cuộc gặp gỡ. Nên nhớ rằng đây là ‘giao điểm’ của ‘đức tin và nhân văn’ chứ không phải là một ‘cuộc chiến’ thắng thua. Hoa trái của những công việc này phải được ‘chín’ cách tự nhiên chứ không phải ‘chín ép’.

Việc gieo vãi hạt giống Tin Mừng cho giới tri thức nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì không có thất bại. Nếu ở cuối hành trình gặp gỡ không phải là ‘phép rửa’ thì hoa trái của nó là mối tương giao tốt đẹp giữa linh mục và người tri thức. Từ mối tương giao tốt đẹp này sẽ mang đến những hệ lụy tốt về sau. Một khi đã thực thi với tất cả lòng nhiệt tâm, linh mục đã hoàn thành chức năng ngôn sứ vì đã ‘đặt để’ hình bóng của Chúa Kitô trong tâm hồn của họ. Hạt giống âm thầm ấy có nẩy mầm hay không là công việc của Chúa. Linh mục vẫn tiếp tục đóng vai trò là người ‘chăm sóc’ hạt giống mong manh bé nhỏ ấy. Nếu ở cuối con đường là phép rửa thì vai trò của người linh mục càng lớn hơn trong việc hướng dẫn linh hồn họ.

Kết luận

‘Đối thoại hướng tới loan báo Tin Mừng cho giới tri thức ngoại giáo’ như trình bày trên không phải là một bài toán quá khó không có lời giải nhưng đó là ‘chướng ngại vật’ thử thách sức bền ý chí nhà truyền giáo. Bằng tiềm năng sẵn có, người linh mục quản xứ hoàn toàn có thể thực hiện điều ấy trong phạm vi sứ vụ của mình. Điều quan trọng nhất là các ngài thực sự khao khát thực thi lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Khát khao ấy phải luôn luôn cháy bỏng trong con tim người linh mục và nó cũng phải được khoác lấy ‘hình hài’ bằng những cố gắng truyền giáo của linh mục mỗi ngày.

                                                                                                                                        Jos. Hào Nguyễn,  K.XIII         
                                                                                                                   Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa, số 13


[1] Ad Gentes, 39.

[2] Dei Verbum, 62.

Nguồn tin: