Giáo Hội Là Truyền Giáo

Sat,28/09/2019
Lượt xem: 6546

 Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội đã minh định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG2). Được sai đi loan báo Tin Mừng là để mang ơn cứu độ đến cho hết mọi dân tộc, để tất cả mọi người được nên một với nhau trong ‘Vương quốc Thiên Chúa.’ Sứ vụ đó không gì khác chính là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Suốt chiều dài lịch sử của mình, Giáo Hội luôn ý thức về nhiệm vụ này và đã không ngơi nghỉ cất bước trên mọi nẻo đường, vượt nhiều gian khổ, tìm nhiều cách thế, để Tin Mừng được loan báo đến khắp mọi nơi trên thế giới.

Với mô thức ‘Giáo Hội Là Truyền Giáo,’ chúng ta nhìn nhận Giáo Hội được kêu gọi và hình thành bởi lời Chúa. Sứ vụ của Giáo Hội là loan báo những gì đã được nghe, đã tin, và được ủy thác. Mô thức này thuộc thần học loan báo Tin Mừng, vì nó xem Giáo Hội là người loan báo – người lãnh nhận sứ điệp chính thức với nhiệm vụ chuyển tiếp.

Thật vậy, Giáo Hội hiện hữu trước tiên là vì tha nhân. Lời đầu tiên vang lên trong Giáo Hội là lời hãy ra đi chứ không phải lời hãy đến đây. Giáo hội phải đến với môi trường nhân loại, nơi đây Thiên Chúa luôn hiện hữu và đến trước chúng ta, tuy nhiên Ngài muốn chúng ta phải làm chứng cho Ngài và loan báo cho mọi người biết về Ngài.

Dựa trên quyển sách Các mô thức Giáo Hội của Cha Avery Dulles, mô thức Giáo Hội truyền giáo sẽ được trình bày qua các mục sau: (1) Truyền giáo nghĩa là gì? (2) Nền tảng mô thức. (3) Quan điểm của các thần học gia, (4) Sợi dây liên kết và mục đích, và cuối cùng (5) Đánh giá.

1. Truyền giáo nghĩa là gì?

Truyền giáo trong mô thức Giáo Hội này được dịch từ Herald, nghĩa là sứ giả, người loan tin, phát xuất từ việc người thừa hành sứ mệnh để đem tin của nhà Vua. Bởi vậy, khi chuyển sang Việt ngữ Herald được dịch là ‘Truyền Giáo’ là sát nghĩa nhất, tức là đem Lời Chúa đến cho mọi người. Một nghĩa khác, Herald còn được gọi là người phát ngôn, người được đề cử để nói, người được Thiên Chúa gọi… Một cách bao quát là “người được đầy Thánh Thần để nói thay Thiên Chúa” hay “người được nghe Thiên Chúa nói và nói lại cho mọi người.”

Như vậy, với mô thức  này, nhiệm vụ của Giáo Hội là người loan báo lời của Thiên Chúa cho toàn thế giới. Giáo Hội không chịu trách nhiệm đối với những người không đón nhận lời Chúa; chỉ có thể loan báo lời Chúa cho những người thành tâm và kiên định, còn những điều khác là thứ yếu. Giáo Hội tự bản tính là một cộng đoàn rao giảng tiên khởi, được giương cao, qua việc loan báo Lời, những kỳ công tuyệt vời của Chúa trong lịch sử, đặc biệt những việc làm vĩ đại nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Giáo Hội này phát sinh bất cứ nơi đâu Thần Khí thổi hơi, bất cứ nơi đâu Lời được loan báo và được chấp nhận trong đức tin. Như thế, Giáo Hội là biến cố, là điểm gặp gỡ với Thiên Chúa.[1]

2. Nền tảng của mô thức

2.1. Cựu Ước

Trong Cựu ước, người loan tin thường được gán cho các ngôn sứ, bởi họ là người nói dưới tác động đặc biệt của Thiên Chúa, để mặc khải cho mọi người biết những dự định và ý muốn của Thiên Chúa.

Thật vậy, ngôn sứ chính là những con người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi với chủ đích: giáo dục và gìn giữ dân Chúa trung thành với việc tôn thờ Đức Chúa, chuẩn bị và hướng dẫn dân bước dần tới thời sung mãn để họ lãnh nhận mặc khải tuyệt đỉnh nơi Đức Kitô. Sứ điệp nơi các ngài là đạo lý về một Thiên Chúa duy nhất. Các ngài là những con người được Thiên Chúa chọn gọi. Cho dù đôi lúc các ngài cũng tỏ thái độ trốn tránh, nhưng mỗi khi đã chọn gọi ai, Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi họ một sự biến đổi thần bí thâm sâu. Từ đó, các ngài có được cái nhìn không phụ thuộc vào suy đoán cá nhân, nhưng theo chiều hướng của ý định Thiên Chúa. Vì thế, tương quan giữa cá nhân ngôn sứ và sứ điệp Thiên Chúa có được mối dây kết nối như một thực tại thiêng liêng đi vào đời sống các ngài. Cũng chính ở điểm này, các ngài có một sức hút đối với dân chúng, cũng như có được lòng can trường trong sứ mệnh của mình. Sự nhất quán trong hành động với lời rao giảng của ngôn sứ là dấu hiệu của người nói lời Thiên Chúa.

2.2. Tân Ước

Trong Tân ước, người loan tin được thể hiện rõ nét nhất nơi Đức Giêsu. Quả thật, suốt quá trình hoạt động của Đức Giêsu mà cao điểm là biến cố Thương Khó - Phục Sinh tại Giêrusalem, Đức Giêsu muốn chúng ta biết rằng Người là Đấng loan báo và thực hiện ơn cứu độ. Người loan báo cho mọi người Tin Mừng về Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người. Và cũng chính Người đã thực hiện điều đó, khi dùng cái chết của mình trên thập giá để liên kết con người với Thiên Chúa. Các sách Tin mừng đã ghi lại cho chúng ta hai dấu chỉ đặc biệt bao quanh con người Đức Giêsu trong tư cách là Đấng loan báo ơn cứu độ: đó là Người luôn được Thánh Thần hướng dẫn và chiếu tỏa niềm vui.

Được Thánh Thần hướng dẫn[2]

Trong các Tin Mừng cũng như sách Công Vụ, hầu như trang nào cũng phảng phất hình bóng của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là Đấng hướng dẫn, là quỹ đạo hoạt động của Chúa Giêsu cũng như của Hội Thánh. Thánh Thần chính là sợi chỉ nối kết các hoạt động lại với nhau và biến các hoạt động đó thành những hoạt động mang ơn cứu độ. Thật vậy, đối với Đức Giêsu, kể từ khi Người thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Người đã được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần (Lc 1,35) - nói theo từ ngữ của Kinh Thánh, thì chính Thánh Thần đã ban hình ảnh của mình cho Đức Giêsu - ; rồi khi bắt đầu sứ vụ công khai tại Nazareth, Người đã tuyên bố: “Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18) ; Người đặt mọi hoạt động của mình trong quỹ đạo của Chúa Thánh Thần (x. Lc 4,1-14). Đến lúc Người sống lại từ cõi chết và được vinh thăng, Người cũng hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ (x. Lc 24,49 ; Cv 1,4-5.8 ; 2,1-11).

Chiếu tỏa niềm vui

Vì Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và sứ vụ của Người là loan báo và thực hiện Tin Mừng cứu độ, nên chính con người và hoạt động của Đức Giêsu luôn chiếu tỏa niềm vui. Niềm vui - cũng như Thánh Thần - được các tác giả Tin Mừng ghi lại khắp nơi trong Kinh Thánh: Lc 2,10-11: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” ; Lc 24,52-53: “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” Như vậy, mỗi khi chúng ta tiếp xúc với Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy mình đang ở trong quỹ đạo của Chúa Thánh Thần và tâm hồn chúng ta như được chan hòa chính niềm vui cứu độ đó. Chúa Thánh Thần và niềm vui là hai món quà quý giá mà Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, trao ban cho con người. Vì thế, chỉ những ai gặp gỡ Đức Kitô và lắng nghe lời Người mới có thể cảm nghiệm và khám phá ra được.

Tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu, các tông đồ là người được sai đi để loan báo về Nước Thiên Chúa, đặc biệt sau khi Chúa chết và sống lại các tông đồ luôn xác tín về sứ điệp Phục Sinh của Ngài (cf. Cv 2,14-39 ; 3,12-26 ; 4,8-12 ; 5,29-32 ; 10,34-43 ; 13,16-41). Là sứ điệp căn bản của mọi lời giảng thuyết. Sứ điệp nền tảng của giáo lý Kitô giáo. Sứ điệp ấy được công bố lần đầu tiên tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ Tuần, sau khi các Tông đồ được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần (cf. Cv 2,1-11). Sứ điệp ấy phản ánh niềm tin của các Tông đồ vào biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu.

Được các tông đồ hướng dẫn và chỉ dạy, bằng niềm tin và sự xác tín, cộng đoàn Giáo Hội sơ khai không ngừng ra đi loan tin mừng của Thiên Chúa, đặc biệt là cái chết và Phục sinh của Đức Giêsu, cho mọi người mặc dù bị bắt bớ và hiểu lầm.

Và trải qua suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không ngừng ra đi loan tin cho mọi người biết về nước Thiên Chúa và mời gọi mọi người gia nhập Giáo Hội với tất cả niền tin.

3. Quan điểm của các thần học gia

Bị lôi cuốn nhiều bởi Phaolô, Luther và những người khác, Karl Barth được coi là người đầu tiên trong thế kỷ 20 đề xướng mô thức Giáo Hội truyền giáo. Trong tác phẩm (Giáo lý hội thánh) Barth bàn luận nhiều về Lời Chúa và mối liên hệ của lời Chúa với Giáo Hội. Ông cảnh báo Giáo Hội không được quá thuần hóa Kinh Thánh đến nỗi Giáo Hội không còn được hướng dẫn bởi Kinh thánh nữa. Khoảng cách giữa Kinh Thánh và Giáo Hội, ông nói, có thể làm cho Kinh Thánh phản lại Giáo Hội. Đối với Giáo Hội là nơi lời Chúa thực sự được nghe, thì cần thiết rằng lời ấy không bao giờ bị cầm tù hoặc bị đóng khung bởi Giáo Hội. Lời Chúa không phải là thực thể nội tại trong Giáo Hội, nhưng đúng hơn là một biến cố mà Thiên Chúa thường ngỏ lời với nhân loại và những người tin. Vì thế Giáo Hội thực sự được thiết lập bởi lời được loan báo và lắng nghe cách chân thành. Giáo Hội là cộng đoàn được tập họp bên nhau bởi lời – Lời không ngừng kêu gọi hoán cải và canh tân.[3]

Barth thấy rằng Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ loan báo về vương quyền Chúa Kitô và về Vương Quốc Tương Lai gần như song song trong thần học Công giáo Rôma của Hans Küng, người bắt đầu nghiên cứu thần học với một luận án tiến sỹ về Barth. Trong cuốn sách Giáo Hội, Hans Küng chọn một đoạn rất cá tính với tiêu đề “Cộng đoàn cánh chung của ơn cứu độ.”[4] Ông nhận thấy rằng thuật ngữ Kinh Thánh ekklesia có nghĩa là những người tụ họp triệu tập bởi người loan tin được mời gọi trước (ek - kletoi).

Ekklesia, giống như ‘tụ họp,’ cả hai đều là tiến trình tập hợp thực sự và chính là cộng đoàn được tập hợp: nghĩa thứ nhất không được chú trọng nhiều. Một Giáo Hội không phải là cái gì được hình thành và thiết lập cho một hay cho tất cả và không hề thay đổi; nhưng nó trở thành Giáo Hội bởi điều lặp đi lặp lại một sự kiện rõ ràng, con người trở nên gần gũi và tụ họp với nhau, đặc biệt tụ họp vì mục đích thờ phượng Thiên Chúa. Việc tụ họp cụ thể được biểu lộ rõ ràng, hiện tại hóa, thực sự hiện thực nơi cộng đoàn Tân ước.[5]

Giáo Hội địa phương, theo Giáo Hội học, không chỉ là một khu vực hay một tỉnh của Giáo Hội, vì nó có thể xuất hiện như những đại diện của mô hình thể chế, mà còn là chính Giáo Hội hiện diện cách đầy đủ trong mỗi cộng đoàn đáp lại lời của Thiên Chúa.[6]

Đặc tính của mô thức này, tương phản với ba mô thức đã được xem xét trước (thể chế, cộng đoàn huyền nhiệm, bí tích), là sự khác biệt rõ nét nó tạo ra giữa Giáo Hội ở trần thế và Vương Quốc Thiên Chúa, được xem như là một thực tại cánh chung. Hans Küng nhấn mạnh rằng Giáo Hội vừa không phải là vương quốc Thiên Chúa, vừa không phải Giáo Hội xây dựng Vương Quốc, hay bành trướng trên trái đất, hoặc hoạt động vì sự hiện thực của nó:

 “Giáo Hội là vương quyền của Thiên Chúa mà Giáo Hội hy vọng, làm chứng, loan báo. Giáo Hội không phải là tổ chức mang vương quyền Thiên Chúa, điều sẽ đến và hiện giờ đang hiện diện, nhưng là tiếng, người truyền tin và người loan Tin Mừng. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể mang vương quyền của Ngài; còn Giáo Hội được hiến dâng hoàn toàn cho sứ vụ phục vụ ấy.”[7]

Thần học về Lời

Bultman và các thần học gia chịu ảnh hưởng tư tưởng của Barth phát hiện sự tồn tại một dạng khác của thần học loan báo Tin Mừng. Trong tác phẩm Thần Học Kinh Thánh Tân Ước, Bultman đưa ra quan điểm của ông về mối liên hệ giữa Lời Chúa và Giáo Hội, theo thánh Phaolô.[8] Ông ca ngợi Phaolô vì đã hoán chuyển viễn cảnh cánh chung từ chiều kích vũ trụ trở thành chiều kích lịch sử. Phaolô, theo Bultman, xem viễn cảnh cánh chung như là cái gì đó diễn ra khi Giáo Hội thực sự loan báo Đức Giêsu là Chúa chịu khổ nạn và phục sinh. Loan báo Tin Mừng là một biến cố vĩ đại, trong đó thính giả bị lôi cuốn bởi từng lời của chính Thiên Chúa Tối Cao, vì thế Lời được rao giảng thực sự trở thành lời Chúa. Theo giải thích của Bultman về Thư thánh Phaolô, Lời Chúa xây dựng Giáo Hội; Lời quy tụ nhân loại vào trong một cộng đoàn hay Giáo Hội (ekklesia).

Minh chứng cho điều đó, trong các tác phẩm khác Bultman đã khẳng định rằng lời Chúa không phải là một mớ tư tưởng mông lung, nhưng là một biến cố cụ thể, một sự gặp gỡ. Hơn nữa, lời Chúa là viễn cảnh cánh chung, được loan báo, làm cho Thiên Chúa hiện diện tại đây và lúc này, ban sự sống cho những ai chấp nhận nó và giết chết những ai chối từ. Ông nói: những tuyên bố của con người có thể trở thành lời Chúa chỉ trong khi loan báo Tin Mừng. Trong khi rao truyền các bài giảng tiên khởi, Lời có uy quyền, Lời trở thành biến cố, và biến cố ấy chính là Đức Giêsu Kitô.

Lời Chúa và Giáo Hội không thể tách lìa

Giáo Hội được xây dựng bởi Lời Chúa như là cộng đoàn được tuyển chọn, và việc loan báo Lời không chỉ là việc trình bày một chân lý trừu tượng, mà còn loan truyền lời đầy uy quyền và vì thế cần được trao cho người đảm nhận những ủy nhiệm thích đáng (cf. 2Cr 5,18). Lời Chúa đúng với lời người loan báo chỉ trong biến cố, vì thế Giáo Hội thực sự là Giáo Hội chỉ khi Giáo Hội cũng trở thành một biến cố. Vì Giáo Hội đồng nhất với một thể chế xã hội và một hiện tượng của lịch sử thế giới có thể được khẳng định duy chỉ trong điều kiện ngược lại.[9]

Những tư tưởng trên rất giống tư tưởng của Barth, ngoại trừ điều Bultman nhận thấy viễn cảnh Giáo Hội như là một biến cố hiện thời không nhất thiết ràng buộc với cả Đức Giêsu lịch sử của quá khứ lẫn cuộc giáng lâm trong tương lai. Điều này dẫn đến sự giảm giá căn bản yếu tố thể chế trong Giáo Hội, vì yếu tố đó bảo đảm cho sự liên tục của lịch sử và địa lý. Đối với Bultman, chính Lời có giá trị bởi sự tác động hiện thời nơi thính giả, bởi vì lời dẫn họ từ sợ hãi, lo âu, và giả dối đến can đảm, kiên định và chân thật.

Những phân tích sâu sắc của Bultman về sự năng động của việc loan báo Tin Mừng đã để lại dấu ấn trên cái gọi là hậu duệ Bultman, Ernst Fuchs và Gerhard Ebeling, những người đưa đến triết lý ngôn ngữ trong các công trình sau đó của Heidegger. Đối với Fuchs nó là vòng tuần hoàn của biến cố ngôn ngữ loan báo Tin Mừng làm nên Giáo Hội.

Đức Kitô muốn được hiểu như là Đấng chúng ta thuộc về người như là những tín hữu. Điều này xảy ra trong quá trình loan báo Tin Mừng. Nhưng việc loan báo Tin Mừng không chỉ là đưa một khái niệm vào trong ngôn ngữ; nó quyết định Đức Kitô, đấng quy tụ chúng ta, hiện diện ở đâu, nhìn nhận rằng chúng ta chú ý đến việc loan báo Tin Mừng và cũng đầy xác tín... Vì việc loan báo Tin Mừng xoay quanh Chúa Kitô, không có đức tin nếu không có cộng đoàn của Chúa Kitô. Và cộng đoàn của người tồn hữu, quy tụ bên nhau trong khả năng có thể của mình để nói một thứ ngôn ngữ mà trong đó biến cố của cộng đoàn được ứng nghiệm. Thứ ngôn ngữ năng động này là ‘thương hiệu’ của cộng đoàn. Ngôn ngữ của đức tin đem vào trong ngôn ngữ sự quy tụ đức tin và đó chính là Đức Kitô.[10]

Đối với các thần học gia thuộc trường phái này thì ngôn ngữ có chức năng quy tụ. Việc loan báo Tin Mừng của các kitô hữu vì thế được hiểu như là một biến cố ngôn ngữ, trong đó thân thể của Chúa Kitô được cấu thành và được quy tụ. Giáo Hội như cộng đoàn diễn ra mọi hoạt động loan báo Tin Mừng. Như James M. Robinson nhận xét, “Hiện nay rõ ràng định nghĩa của Tin lành về Giáo Hội trong liên hệ với việc loan báo Lời đã được tuyên bố lại cách mạnh mẽ hơn trong liên hệ với việc hiểu biết ngôn ngữ của thần khí mới.”[11]

Các cộng đoàn đức tin

Chứng từ cuối cùng của chúng ta về Giáo Hội loan báo Tin Mừng này, Gerhard Ebeling, rất gần với Fuchs. Trong tác phẩm Bản chất của Đức Tin, chương nói về Giáo Hội, ông đã gọi Giáo Hội cách đặc trưng với tiêu đề ‘Các cộng đoàn đức tin.’ Đối với ông, thuật ngữ ‘cộng đoàn’ diễn tả đúng mối liên hệ giữa Giáo Hội và đức tin; nó thích hợp hơn so với từ ‘cộng đồng’, ‘nhân loại’, ‘đoàn thể’, ‘xã hội’... “Bạn không thể đi trong sai lầm, khi nghe hoặc nói về Giáo Hội, nếu bạn nhớ rằng Giáo Hội có nghĩa là tập hợp những vấn đề của đức tin.” Hình thức cộng đoàn này chính là Giáo Hội có thể được hiểu với việc suy diễn về khái niệm tụ họp:

“... điều quan trọng là việc quy tụ những người mà sứ điệp đức tin đã chạm tới, những người được gọi và được chuẩn nhận, và tạo nên sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất này không có nghĩa là một tổ chức đơn điệu. Nhưng nơi nào lời đức tin được nghe biết, thì các cộng đoàn trở nên tinh nhạy, con người được quy tụ với nhau và bắt đầu một phong trào, tuy khác địa điểm, thời gian và hoàn cảnh, nhưng là một phong trào duy nhất, bởi nó là cộng đoàn nhân danh đức tin. Hơn nữa, đặc tính riêng biệt này của cộng đoàn không phải là toàn bộ câu chuyện. Con người không những đến với nhau vì tình bằng hữu, ít ra là để thể hiện chính mình là những tín hữu, nhưng chính là họ đang đáp lại lời mời gọi vượt lên trên tất cả những lợi ích cá nhân và cộng đoàn dựa trên tư hữu. Ở đây có điều gì đó nghiêm trọng hơn là đưa ra một công thức, ‘cộng đoàn của niềm tin.’ Điều gì đang bị đe dọa là chính đức tin, và đó cũng chính là những gì Đức Giêsu Kitô đang che chở cho: quy tụ để tin, trong đó mỗi cá nhân chỉ là một thành viên phục vụ.”[12]

4. Sợi dây liên kết, lợi ích và mục đích

Sợi dây đức tin

Sợi dây hiệp thông đầu tiên trong phương pháp tiếp cận này là đức tin kiên vững; và đức tin được xem như là sự đáp trả đối với Tin Mừng, đó chính là loan truyền biến cố Đức Kitô. Tin Mừng được hiểu không phải là một hệ thống chân lý trừu tượng được loan truyền, cũng không phải là một tài liệu được viết ra, nhưng đúng hơn là một biến cố được rao giảng. Các bí tích trong mô thức Giáo Hội này, trái với mô thức thể chế và mô thức bí tích, được xem như thứ yếu cách minh nhiên so với Lời. Đối với những người Tin Lành theo truyền thống Cải cách thì các bí tích được hiểu như là ‘lời hữu hình’ – một dấu hiệu hoặc những hành động của đức tin cộng đoàn trong đó họ được coi sóc.

Cho mọi cộng đoàn tin

Hình thức của thể chế Giáo Hội trong mô thức này mang tính giáo đoàn đặc thù. Giáo Hội được xem như hoàn hảo trong từng giáo đoàn địa phương; vì thế Giáo Hội không phụ thuộc đối với sự tồn tại của nó trong cấu trúc hoàn vũ. Tuy nhiên, các liên kết cấu trúc giữa các giáo đoàn địa phương có thể được giúp thăng tiến phối hợp và khuyên bảo lẫn nhau.

Tính duy nhất của toàn thể Giáo Hội hệ tại ở chỗ tất cả mọi người đáp trả cùng một đức tin và cùng một Tin Mừng. Lý thuyết này mở ra cho sự biến đổi sâu rộng theo những cách thức mà trong đó các cộng đoàn đức tin địa phương xây dựng các tín biểu, chức vụ và nghi lễ của họ. Không có hình thức quản trị Giáo Hội đặc biệt nào sẽ được xem là thiết yếu đối với sự tồn tại của Giáo Hội. Khuynh hướng ngày nay cho rằng Giáo Hội tồn tại bất cứ nơi nào có cộng đoàn tin vào Đức Kitô. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh thầy, thì có thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn quy tụ lại nhân danh Người: như thế, theo Giáo Hội học, đây là một định nghĩa rất đúng về Giáo Hội. Có thể tồn tại sự duy nhất thực sự giữa các cộng đoàn trong chừng mực nào đó khi tất cả đều tuyên xưng Đức Kitô và đặt niềm tin tưởng nơi Người.

Hoa trái của Giáo Hội, theo trường phái Giáo Hội học này, là những người lắng nghe lời Chúa và tin Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Đức tin, hiểu theo nghĩa nào đó là một cam kết đáng tin cậy vào Đức Giêsu Kitô, được xem như là điều kiện cần thiết cho việc đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa hứa trong Đức Giêsu Kitô.

Mục đích loan báo sứ điệp Tin mừng

Thật vậy, mục đích của Giáo Hội theo mô hình này, đơn giản là để loan báo sứ điệp. Mô thức Giáo Hội học này hàm chứa việc đẩy mạnh sứ vụ loan báo Tin Mừng cách mãnh liệt. Nhiệm vụ của Giáo Hội không chỉ cần thiết cho việc đem lại ơn hoán cải (chỉ Thiên Chúa mới có thể làm điều đó), vẫn chưa đủ để xây dựng nước Chúa; nhưng hơn nữa để loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước theo đúng chỉ thị của Tin Mừng Mt 28,18-20.

Việc loan báo Tin Mừng liên quan đến ơn cứu độ, bởi nó quy tụ kêu gọi con người đặt niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Tin Mừng loan báo ngày cứu độ đã đến gần cho các tín hữu. Hơn thế nữa, việc loan báo Tin Mừng tự nó là một biến cố cánh chung. Lời Chúa, trên môi miệng của các nhà giảng thuyết có thẩm quyền, hàm chứa quyền năng của Thiên Chúa, mà lời đó đã trở thành Lời Chúa. Lời cứu những ai tin; ngược lại, Lời kết án những ai từ chối. Việc rao giảng của Giáo Hội, bởi được lặp lại khắp các ngóc ngách của thế giới, dẫn đưa nhân loại vào trong sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Lời mang theo nó lời hứa của thực tại cứu độ đối với những gì Lời làm chứng. Theo Bultman và đồ đệ của ông, người ta có thể nói rằng đón nhận Tin Mừng tức là đón nhận ơn cứu độ. Việc loan báo Tin Mừng căn cứ vào câu chuyện thập giá và sự phục sinh đem đến sự sống đích thực cho những ai đáp trả trong đức tin.

5. Điểm mạnh và điểm yếu của Mô Thức

5.1. Điểm mạnh

Trước hết, mô thức này có một nền tảng Kinh Thánh vững vàng trong truyền thống ngôn sứ của Cựu Ước, Tin Mừng, trong thư Phaolô, và những nơi khác.

Thứ đến, mô thức Giáo Hội này nêu rõ ý nghĩa của căn tính và sứ vụ của Giáo Hội – đặc biệt Giáo Hội địa phương - là cộng đoàn rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô và chống lại việc sùng bái ngẫu tượng.

Thứ ba, mô thức này dẫn đến một nền linh đạo tập chú vào quyền thống trị của Thiên Chúa và khoảng cách vô hạn giữa con người và Thiên Chúa. Mô thức Giáo Hội này đưa đến việc vâng phục, khiêm tốn và sẵn sàng hoán cải và canh tân.

Cuối cùng, giả thiết này, được Barth và trường phái biện chứng đề xuất, làm giàu thêm thần học về Lời. Lời được xem xét một cách đúng đắn sâu xa hơn là việc nó đại diện cho những ý tưởng, hơn nguồn thông tin, hơn sự giải thích về điều gì là hiện thực trước đây, nhưng là sự diễn tả về một nhân vị, như là sự thuyết phục, là một sợi dây hiệp nhất giữa những người trong cuộc đối thoại. Tương phản với biểu tượng hoặc bí tích, Lời có một khả năng độc nhất là diễn tả không những điều hiện diện mà cả những điều vắng mặt, không chỉ cái có mà cả cái không, vì thế đối kháng với những gì mặc nhiên và kết án nó. Tất cả những điểm này, được khai triển rất tốt trong thần học Tin Lành về Lời, cũng có giá trị đối với xu hướng của Công giáo tập chú vào sự thỏa mãn, nghi lễ và tính bí tích.

5.2. Hạn chế

Thứ nhất: Khi quá nhấn mạnh về Lời và việc rao giảng về Lời, người ta dễ quên đi chiều kích nhập thể của Lời. Trong thần học loan báo Tin Mừng, trên môi miệng của một số nhà Tin Lành, Lời xuất hiện như thể Ngôi Lời đã không trở thành xác phàm, nhưng chỉ là lời! Điều đó không đủ mạnh để nói về Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi Kitô giáo đứng vững hay gục ngã nhờ việc khẳng định rằng Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Henry Lubac nhấn mạnh cách thức Đức Kitô làm sống mãi không những qua giáo lý và công việc của Người trong Giáo Hội, mà còn chia sẻ với Giáo Hội những gì rất người.[13]

Thứ hai: Khi nhấn mạnh việc truyền giáo, chúng ta dễ quên đi vai trò của thể chế Giáo Hội như Giáo Hội Tin Lành.

Đức Giám mục Lesslie Newbigin, thuộc Giáo Hội Nam Ấn Độ cho rằng: Kinh Thánh xem Giáo Hội như là người bạn thần nhân được nhìn nhận trong một cộng đoàn hữu hình thực sự tồn tại liên tục trong lịch sử thế giới.[14] Để tồn tại cộng đoàn như thế, cần có một thể chế được duy trì. Thể chế ấy không đơn giản chỉ đóng vai trò chống lại biến cố hoặc cộng đoàn.

Thứ ba: Chúng ta không thể tách rời Lời Chúa với những ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta qua các bí tích. Thật phù hợp với toàn thể bản tính nhân loại mà Chúa Kitô, khi ban cho chúng ta chính Mình Ngài, đã ban cho chúng ta một Giáo Hội chính là thân thể Người trên trần thế và vì thế được biểu lộ bởi những dấu hiệu hữu hạn và một cấu trúc liên tục, để những ai theo Người thì được kết hợp nên một trong đó.[15]

Công đồng Vatican II cố gắng sử dụng những chủ đề phát xuất từ thần học về Lời của Barth, nhưng công đồng không hài lòng với cách hiểu tiên trưng đơn thuần của Lời. Trong Hiến Chế Phụng Vụ, chẳng hạn, chúng ta đọc thấy rằng Đức Kitô “hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi Kinh Thánh được đọc lên trong phụng vụ. Cuối cùng, Người hiện diện khi Giáo Hội cầu nguyện và ca hát, vì Người đã hứa: “Khi hai hoặc ba người họp lại nhân danh thầy, thì có thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).[16]

Nhưng trong cùng đoạn ấy, Công đồng nói về sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích, và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Hiến chế về Mặc Khải bắt đầu dẫn vào việc loan báo Tin Mừng với cụm từ: “Lắng nghe lời Thiên Chúa với lòng thành kính và loan truyền chúng với lòng tin tưởng,” như ngay lập tức công đồng tiếp tục trích dẫn thư thứ nhất của thánh Gioan: “chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi...”[17] Vì thế, Lời chuyển tải không chỉ những gì được nghe mà còn cả những gì hiện hữu và được thấy, và mục đích của việc rao giảng không chỉ là tuyên xưng đức tin trong bản văn, nhưng hơn thế nữa là sự hiệp nhất của sự sống và tình yêu.

Thứ tư: Quyền giáo huấn của Giáo Hội. Mô hình Giáo Hội là truyền giáo gần với mô hình của các Giáo Hội Tin Lành. Trong một số truyền thống Tin Lành, huấn quyền được xem như là vấn đề dành cho học giả uyên bác, thì Công giáo có xu hướng nhấn mạnh sự vâng phục của nhà giảng thuyết đối với nhiệm vụ giáo huấn chính thức. Như được ghi chú trong Sắc Lệnh về Sự Hiệp Nhất: Huấn quyền chính thức đặc biệt có thẩm quyền trong việc giải thích và rao giảng Lời Chúa đã được ghi chép.[18]

Cuối cùng: Một số nhà thần học cho rằng mô thức Giáo Hội truyền giáo quá tập trung vào chứng tá mà lờ đi hoạt động, nói nhiều hơn là làm. Quá bi quan hoặc im lặng với những gì dính dáng đến khả năng có thể của những nổ lực của nhân loại để thiết lập một xã hội nhân loại tốt đẹp hơn trong cuộc sống này, và nhiệm vụ của Kitô giáo là tham gia vào những nỗ lực chung này. Điển hình cho trường phái này là sự phản ứng của Karl Barth đối với Hiến Chế của Công đồng Vatican II về Giáo Hội trong Thế Giới Hôm Nay. Ông đặt hai câu hỏi:

1. Phải chăng chủ nghĩa lạc quan hoàn toàn về Hiến Chế này vượt trên những khả năng phát triển của thế giới phù hợp với tầm quan trọng của Tin Mừng Nhất Lãm và các thư Phaolô?

2. Có chắc rằng việc đối thoại với thế giới cần phải được đặt lên trước việc loan báo Tin Mừng cho thế giới này?[19]

Tóm lại, Giáo Hội giàu có hơn những mô hình ta có thể liệt kê, mỗi mô hình Giáo Hội thể hiện một giá trị và khía cạnh khác nhau. Nhìn nhận như thế để ta không thần thánh hóa hay loại trừ mô hình nào, hoặc cào bằng tất cả các mô hình. Mô hình Giáo Hội là truyền giáo làm nổi bật sự cần thiết của Giáo Hội để tiếp tục loan báo Tin Mừng và giúp mọi người tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Tuy nhiên, mô hình này cũng dễ dẫn đến việc cường điệu hóa môn Thánh Kinh và trào lưu chính thống, hậu quả là quá giản lược tiến trình cứu độ để quảng bá ‘ân sủng’ bị thuyết phục bởi lời nói và những tuyên bố hơn là nhấn mạnh hành động, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội công cộng. Điều cần thiết là phải nhấn mạnh chiều kích nhập thể của đức tin vào trong cuộc sống và hành động.

                                                                                                                                         Augustine Nguyễn
                                                                                                            Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa số 13


[1] R. P. McBien, Giáo Hội, Cuộc Kiếm Tìm Liên Tục (New york: Newman, 1970), p. 11.

[2] Gm. Giuse Võ Đức Minh, “Đức Giêsu của lời hứa”, http://hdgmvietnam.org.  

[3] K. Barth. Tín Điều Giáo Hội I/1 (Edinburgh: T. and T. Clark, 1936), pp. 298-300

[4] H. Kung, Giáo Hội (New York: Sheed & Ward, 1968), pp. 79-104

[5] Ibid., p. 84.

[6] Ibid., p. 92.

[7] Ibid., p. 96.

[8] R. Bultman, Thần học về Tân Ước, quyển. 1 (New York: Scibner’s, 1951), pp. 306-14.

[9] H. W. Bartsch (ed.), Bài Giảng Tiên Khởi và Huyền Thoại, Vol. 1 (New York: Harper Torchbooks, 1961), pp. 209-10. The same passage is repeated in  Bultmann’s Jesus Christ and Mythology (London: SCM, 1958), pp.82-83.

[10] E. Fuchs, Các Khảo Cứu về Đức Giêsu Lịch Sử (Studies in Biblical Theology, 42) (London, SCM, 1964), pp/208-9.

[11] James M. Robinson, “Hermeneutic Since Barth,” Thần Khí Mới (New York: Harper & Row, 1964), p.58.

[12] G. Ebeling, Đặc Tính của Đức Tin, (Philadenphia: Fortress Press, 1961), pp.146-47.

[13] Chương 4, số 1.

[14] L. Newbigin, Gia Đình Của Thiên Chúa,  (London: SCM, 1953), 49-59.

[15] Ibid., p. 82.

[16] Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Art. 7.

[17] Hiến Chế Mặc Khải, Art.1.

[18] Sắc Lệnh Hiệp Nhất, Art. 21.

[19] Karl Barth, Ad Limina Apostolorum (RichmondL John Knox Press, 1968), p. 27.

Nguồn tin: