Giáo Dân Truyền Giáo : Người Được Sai Đi

Mon,25/05/2020
Lượt xem: 2635

Dựa vào Tin Mừng Thánh Luca (10, 1-16), công cuộc truyền giáo không chỉ dành riêng cho các Tông đồ, mà còn dành cho tất cả các môn đệ:

- Khi sai 72 môn đệ lên đường truyền giáo, Đức Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi tín hữu, là tất cả những ai đi theo Ngài.  
 
- Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người, không trừ ai, thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa tham gia vào việc truyền giáo để mở mang Nước Chúa.
 
Truyền giáo là nghĩa vụ cho mọi Kitô hữu, chứ không phải là lệnh truyền riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà thôi. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã khẳng định rằng: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ, số 2), và do đó, người giáo dân “có bổn phận và quyền làm tông đồ” (TĐ, số 3).
 
Giáo luật cũng minh định rằng “tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (GL, điều 211). 
 
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi: “Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo thật là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra để ‘ra đi’”[1]. 
 
1. Nhìn quanh
 
Hiện nay dân số Châu Á chiếm gần hai phần ba thế giới nhưng số người nhận biết Chúa chỉ có 2, 5%. Việt Nam chúng ta thì dân số bây giờ là 86 triệu, và chỉ có 6 triệu rưỡi Kitô giáo = 7,5%. Lời Chúa khi xưa đang hiện tại hóa hiện trạng khu vực Châu Á và cách riêng đất nước chúng ta.
 
Rõ ràng là cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt. Trong đồng lúa này có biết bao con người đang bơ vơ lạc lỏng, đang sống trong vô vọng; biết bao người đang sống trong nghèo khổ, bệnh tật, đói khát, nhất là đói khát Thiên Chúa, đói khát tình thương; biết bao người đang chịu áp bức, bất công, tủi nhục do cường quyền và bạo lực.
 
Nói như thế, không phải ai nhận biết Chúa cũng đều sống trong bình an hạnh phúc, điều đó còn tùy thuộc vào nỗ lực bản thân cộng tác với ơn thánh Chúa. Nhưng điều quan trọng là họ còn tìm thấy lẽ sống để vươn lên, còn có sức mạnh của đức tin để vượt qua những tình trạng ngặt nghèo, còn niềm hy vọng cho một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu mà Đức Kitô mang lại. 
 
Nhưng rồi công cuộc truyền giáo hiện thời đang ra sao? Riêng tại Việt Nam, dường như giáo dân, nếu không dám nói là phần đông các Linh mục, Tu sĩ, ngày càng ít quan tâm đến vấn đề truyền giáo, ngày càng quên rằng mình là người đươc sai đi. Bài chia sẻ về Truyền giáo và Tân Phúc Âm hóa của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo[2] đã nói rõ về những lý do này, ở đây chúng ta muốn không nhắc lại nữa, nhưng muốn khơi lên tinh thần truyền giáo cho mọi giáo dân.
 
Ngoài ra, trong một lá thư của cha Chân Tín gởi cho Đức Thánh Cha Beneđictô XVI[3], còn cho thấy chính quyền muốn các nhà tu hành lao đầu vào việc xây dựng những nhà thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, bày ra những cuộc ăn uống linh đình để quên đi, hoặc hoàn toàn dửng dưng trước sứ mạng của Giáo Hội, trước cảnh đồng bào bị đàn áp, bóc lột.
 
2. Nhìn lui
 
Chúng ta quen sống an nhàn trong một tổ chức quá đầy đủ, một Giáo Hội cơ chế quá an toàn nên dần dần mất đi tấm lòng và tính cách của Đức Giêsu: đó là tấm lòng khao khát cho mọi người được ơn cứu độ và tính cách là luôn ra đi trong sự khiêm nhường và dấn thân phục vụ với tất cả tình yêu. Với tấm lòng và tính cách đó, Đức Giêsu sai các môn đệ từng 2 người một ra đi loan báo Tin Mừng. Các nhóm này không phải là một tổ chức cho bằng một sự sống. Họ chia sẻ sự sống của Chúa, của những người chung quanh và của ngay nội bộ nhóm:
- Trước hết cuộc sống của họ là chia sẻ những băn khoăn thao thức của Chúa và tuyệt đối chỉ cậy dựa vào sức mạnh siêu nhiên của Đấng sai mình.
- Thứ đến họ chia sẻ cuộc sống thực tế của những người chung quanh, như chữa lành bệnh tật, đem lại bình an, cùng ăn uống với họ, đồng thời nâng cao tâm hồn họ bằng cách cho biết Nước Thiên Chúa đang ở gần kề bên họ.
 
- Sau cùng, là bầu khí thanh thoát an vui ở giữa những người được sai đi trong sự chia sẻ kinh nghiệm cùng trợ lực cho nhau, kính trọng và tin tưởng lẫn nhau, với thái độ sẵn sàng nghe lời Chúa dạy.
 
3. Nhìn tới
 
Tinh thần và đường hướng của Đức Giêsu cũng chính là đường hướng của các Giám mục FABC (Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu), khi chủ trương Missio inter Gentes chứ không chỉ là Missio Ad Gentes: nghĩa là không đến với người khác bằng thái độ quyền hành, ban phát, thu phục, cải đạo, mà là sứ mạng đến sống giữa mọi người, sống cùng, sống với, để chia sẻ và cảm nhận những niềm đau, nỗi khổ, những khát mong, những tâm tư tình cảm của họ, cái nhìn và niệm của họ, để từ đó giới thiệu cho họ khuôn mặt của Đức Kitô.
 
Nhưng rồi khuôn mặt Đức Kitô không thể cao xa trên lý thuyết mà phải được phản ảnh cách trung thực nơi khuôn mặt người được sai đi. Đó là khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường. Đó là lối sống khó nghèo và thanh bạch, không túi tiền, không giầy dép, không bao bị. Đó là thái độ khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở cơm ăn. Đó là ý thức tôn trọng tự do tha nhân, chấp nhận bị từ chối.
 
Người Châu Á hôm nay rất dễ đón nhận người tông đồ biết sống khổ hạnh, thoát tục, sống thư thái, trầm tư, sống nhân từ, phục vụ. Cuộc sống của người được sai đi phải tỏa hương thơm của thế giới mai sau, phải có khả năng nâng con người lên với Đấng Tuyệt Đối.  
 
Thế giới hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật, một thế giới thèm khát tự do, thèm khát được là chính mình. Chỉ có Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất mới đáp ứng được mọi tình trạng đó. Nhưng rồi chúng ta đang sống trong một bối cảnh đa đa nguyên, đa tôn giáo, người ta rất khó đón nhận Đức Kitô khi thấy tính cách của chúng ta còn xa lạ với họ.
 
Vì thế ta còn phải học hỏi nhiều nơi các tôn giáo bạn: 
 
-  Học cầu nguyện, ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo.
-  Học suy niệm và chiêm niệm nơi người Ấn giáo.
-  Học từ bỏ của cải và kính trọng sự sống nơi người Phật giáo.
-  Học thái độ thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng.
-  Học sự đơn sơ, khiêm tốn nơi người theo đạo Lão.
 
Càng học, ta càng dễ giới thiệu Đức Kitô, và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo khác. Thật ra đó là những điều mà Lời Chúa vẫn dạy chúng ta, có điều chúng ta không ý thức mạnh mẽ để làm sáng lên trong cuộc đời mình. Ước chi ta thấy được những điều Chúa đang tha thiết mong muốn về mình để biết cách và biết hướng đào tạo mình cho cuộc sống hôm nay và sứ vụ ngày mai.
 
4. “Đi ra” và “Ra đi”
 
Cánh đồng lúa mênh mông còn bị bỏ hoang không thợ gặt hái. Thế giới này dường như vẫn còn mò mẫm trong bóng đêm dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù; rất cần những đốm sáng của tình thương, của khoan dung, của tha thứ. Thế nên, không lạ gì Chúa Giêsu đã nói: "Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói" (Lc 10,3) (…)
 
"Ra đi" chứ không phải "ở lại". Đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một hành trình: Ngài sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Đức Kitô luôn lên đường và không ngừng ra đi.
 
Công đồng Vaticano II cũng long trọng khẳng định : "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo" (TG 2). Đức Thánh Cha Gian Phaolô II cũng quả quyết : "Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là toan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc" (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).
 
Trong tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, người ta ấn tượng với từ ngữ “đi ra”[4] (go forth/ in uscità/ en sorti) được được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là một Giáo Hội lữ hành luôn mang các đặc tính sau đây:
 
* Không bao giờ dừng lại. Dừng lại thì không còn là người lữ hành, là đánh mất chính mình, đánh mất căn tính của mình. Không bám níu vào một chỗ, không cố định ở một nơi, không cố thủ và đóng đô ở một vị trí, cứ phải tiến bước trong tin yêu và hy vọng.
 
* Trong cuộc lữ hành, người ta sẽ không lường hết được những gì sẽ xảy ra. Tính chất phiêu lưu là đặc điểm của cuộc lữ hành, vì luôn có những điều không thể lường trước, đòi phải khôn ngoan, xoay sở, sáng tạo. Vì thế, thái độ phân định cá nhân và cộng đoàn là điều thật cần thiết. Đồng thời phải biết đọc các biến cố để tìm con đường mà Chúa muốn dẫn dắt.
 
* Mọi người trong đoàn lữ hành đều đi, cùng hướng về đích. Mỗi thành viên trong đoàn có một vai trò khác nhau nhưng đều cần đến sự tương trợ lẫn nhau, cần đến những nét đặc thù của nhau để nên phong phú.
“Giáo Hội sẽ trung tín với Thầy của mình khi Giáo Hội biết “đi ra”, chứ không bận tâm đến chính mình, đến cơ cấu của mình và đến thành tựu của mình; Giáo Hội trên hết phải có khả năng ra đi, chuyển mình, đến gặp gỡ con cái Thiên Chúa trong hoàn cảnh thực tế của họ và đồng cảm với những thương tích của họ”. (Đức Phanxicô, Sứ điệp ơn gọi 2015, số 5).
 
Vậy người được sai đi trước tiên là người:“Đi ra” khỏi mình để có thể "Ra đi":
 
- Ra đi đem bình an đến cho muôn dân, bình an với Chúa, bình an giữa mọi người với nhau.
 
Người rao giảng Tin Mừng là "con cái của sự bình an". Phải có bình an trong mình ta mới đem bình an ấy ban lại cho người khác. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh, đòi ta phải có tinh thần cởi mở, đi đến với người khác, gỡ bỏ những rào cản của nghi kỵ, sợ hãi, thành kiến và óc bảo thủ.
 
- Ra đi chữa lành bệnh nơi thể xác cũng như trong tâm hồn của mọi anh chị em cần đến.
 
Chúng ta có thể không chữa lành được những bệnh tật nơi thân xác, nhưng sự thăm viếng, nâng đỡ, cảm thông sẽ xoa dịu và làm vơi đi bao khổ sầu cho con người hôm nay, để họ can đảm chiến đấu với bệnh tật và khơi lên nguồn sống và niềm hy vọng. Vẫn còn các bệnh tật trong lối nghĩ, lối nhìn và lối sống cần được chữa lành để làm nên cuộc sống mới cho mọi người.
 
- Ra đi loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, nước của tình yêu và ân sủng, nước công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần.
 
Ngày nào thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công, nhân loại còn khốn khổ đói nghèo, còn nô lệ cho vật chất, ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa thể ngự trị trên địa cầu. Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu, chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người, thì “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi”. Đó là điều mà người Kitô hữu - là người được sai đi - cần phải làm chứng bằng chính đời sống mình, bằng đời sống của cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận... Ai tin, sám hối và đón nhận Đức Giêsu với một đời sống mới như thế là đã vào Nước Thiên Chúa.
 
Bằng tình yêu thẳm sâu với Nước Thiên Chúa, Thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Khốn cho thân tôi: nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16). Nhưng việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, và lời rao giảng sẽ soi sáng cho việc làm. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm. Đúng như L. Moody đã nói : "Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng". (TP)
 
Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.
 
5. Vài thực hành truyền giáo trong giáo xứ
 
- Việc thăm viếng : thăm viếng rất quan trọng đối với giáo dân cũng như lương dân. Họ rất vui mừng và hãnh diện khi được cha thầy, cô chú thăm viếng. Đó là sự động viên mạnh mẽ và hiệu quả giúp họ tới nhà thờ. Có thể là thăm viếng định kỳ hoặc đột xuất trong những dịp hiếu, hỉ,giỗ, tết, hoặc khi đau yếu, hoạn nạn…
 
- Kết nghĩa gia đình hay cá nhân: Tạo sự gần gũi, bạn hữu, thân tình để có thể tin tưởng và nâng đỡ lẫn nhau. Một người đạo lo cho một người lương, một gia đình đạo lo cho một gia đình lương.
 
- Mời lương dân đến Nhà Thờ: Nhờ tình nghĩa khắn khít hơn, nên ta có thể mời họ đến Nhà Thờ mỗi dịp lễ trọng như kính nhớ tổ tiên, Giáng sing, Phục sinh, bắc nhịp cầu để họ đến với Chúa.
 
- Tạo sân chơi cho giới trẻ đạo đời: Tạo những dịp họp mặt, liên hoan, thể thao, văn nghệ cho các thanh thiếu niên trong những dịp lễ trọng hoặc lễ hội dân tộc.
 
- Bửa ăn cho người nghèo: Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, hoặc mỗi năm trong những dịp lễ trọng.
 
- Lon gạo cho người nghèo hay góp quỹ cho người nghèo: Góp chung mỗi tháng để cấp dưỡng cho những gia đình nghèo khổ, già yếu, bệnh tật.
 
- Tủ thuốc hay phòng trị bệnh cho người nghèo: Mỗi tuần hay mỗi tháng có bác sĩ khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo.
 
- Phát thưởng hoặc hoặc học bỗng cho học sinh nghèo: Cho mỗi học kỳ, mỗi năm, cũng như cung cấp xe đạp, quần áo cho các em nghèo.
 
- Lớp học tình thương cho các em bé nghèo không thể tới trường.
 
- Cộng tác với mọi người và các tôn giáo bạn trong công tác bác ái từ thiện.
 
Kết luận
 
Mọi người giáo dân hôm nay cần xác tín lại mình là người của Thiên Chúa, và cần ý thức lại sứ mạng cao cả của mình là người được Đức Kitô sai đi trong Chúa Thánh Thần, để làm chứng nhân cho Nước Trời. Điều này đòi ta trước tiên phải biết sống gắn bó với Chúa, dưới sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng một đời sống mỗi ngày nỗ lực hoàn thiện hơn về mọi phương diện, bằng sự tích cực tham gia vào các hoạt động tông đồ của Giáo xứ, đem hết khả năng và tâm trí của mình mà Chúa đã ban để làm những gì có thể làm được với tất cả tình yêu mến, để Chúa được nhận biết và yêu mến hơn.
 
 “Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”[5].
 
Chúng ta không do dự, tự ti với sự bất toàn, thiếu thốn về khả năng hay điều kiện; không nên mặc cảm với những quá khứ chưa đẹp, hay những kinh nghiệm thất bại, những điều chưa sống đúng với tinh thần Tin mừng. Thánh Phaolô nói: “Không phải như là tôi đã đạt được điều đó, hay đã nên hoàn thiện; nhưng tôi đang cố gắng theo đuổi, để đạt cho kỳ được mục tiêu” (Pl 3,12-13). Chúng ta sống làm chứng cho Chúa với cả con người mình, dâng cho Chúa cả những bất toàn, hữu hạn để Chúa dẫn dắt thi hành sứ mạng của Người.
 
Hôm nay, Chúa vẫn đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.
 
Lời nguyện
 
Lạy Chúa Thánh Thần! Ngài là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ vụ Giáo Hội.
Chính Ngài điều khiển toàn bộ công cuộc rao giảng Tin Mừng,
luôn hiện diện sinh động trong thế giới, trong mọi xã hội,
trong tâm hồn mỗi người, và liên tục gieo những hạt giống chân lý
nơi các dân tộc, tôn giáo, và mọi nền văn hóa.
Nhờ sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa,
chúng con mới có đủ khôn ngoan để nhận ra
những nẻo đường nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Nhờ sức mạnh và sự hun đúc của Chúa,
chúng con mới dám lao mình vào những viễn tượng mới của cuộc Phúc Âm hóa,
để biến khó khăn hôm nay thành cơ hội rao giảng Tin Mừng.
Đồng lúa nhân gian thật mênh mông bát ngát!
Xin cho con biết tận dụng mọi thời điểm
để loan báo Đức Kitô và Phúc Âm của Ngài.
Lạy Chúa Thánh Thần!
Xin cho con hiểu được ý nghĩa siêu việt của đời mình là ra đi cho một sứ mạng:
sứ mạng loan báo Tin Mừng, là nối tiếp sứ mạng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian.
Nhưng lạy Chúa!
Nếu con thiếu thiết thân với Chúa, con sẽ loan báo bản thân con.
Nếu con thiếu đời sống ngay chính con sẽ làm lệch lạc Lời Chúa.
Nếu con thiếu thánh thiện con sẽ làm tục hóa Tin Mừng của Chúa
Khi tâm hồn con chưa được đổi mới,
thì Lời Chúa trở thành cũ kỹ và lỗi thời.
Xin Thần Khí Chúa thấm nhập vào tâm trí con,
thấm đượm tính cách của con,
thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con,
để con có thể công bố Lời Chúa cho mọi người.
Xin cho con lòng say mê loan Tin Mừng Chúa,
dám chấp nhận mọi đau thương, dám chịu mọi thua thiệt và lỗ lã,
miễn sao Đức Kitô được rao giảng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
 
 

________________________________________
[1] Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014.
[2] Truyền giáo và Tân Phúc Âm hóa ngày 15-06-2012, simonhoadalat.com/HOCHOI/TaiLoanBaoTinMung.
[3] https://nuvuongcongly.wordpress.com/2010/10/07/.
[4] Cần phân biệt hai hành vi: đi ra và ra đi. Trong tiếng Việt, khi nói “đi ra” thì hiểu đi ra khỏi  chỗ  nào đó, vd. đi ra khỏi nhà. Còn khi nói “ra đi” thì thường nói ra đi để  hướng về  đâu đó. Trong tiếng Ý,  uscità  nghĩa là ra khỏi nơi nào đó. Tiếng Pháp sorti cũng hiểu như vậy. Trong khi tiếng Anh, go forth  có nghĩa là đi về phía trước. Vậy trong tiếng Việt có thể dùng 2 từ ngữ  để  diễn tả  2 hướng: “đi ra” và “đi tới”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến 2 ý tưởng ấy: 1/ đi ra khỏi chính mình, và 2/ đi tới các vùng xa, ngoại biên.
 
[5] Đức Thánh Cha Phanxico,  Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, 120.
 
Nguồn tin: simonhoadalat.com