Để Xứ Đạo Trở Nên Một Cộng Đoàn Truyền Giáo

Fri,29/11/2019
Lượt xem: 2874

 Dẫn nhập

Truyền giáo là ơn gọi và là bổn phận chính yếu của Giáo Hội, của mọi cộng đoàn Kitô hữu cũng như của chính mỗi Kitô hữu. Vì bắt nguồn sâu xa từ bản tính của Giáo Hội, truyền giáo chính là sứ vụ và trách nhiệm chia sẻ ơn Đức tin mà Giáo Hội đã nhận từ Đức Kitô cho tất cả mọi người. Hơn nữa, tất cả những ai tin và nhận phép Rửa, nhờ sức mạnh Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức và được nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể, đều có trách nhiệm làm chứng cho Đức Kitô bằng đời sống và lời rao giảng trong và nơi cộng đồng mình sinh sống. Vì thế, truyền giáo trước hết là đòi hỏi của Đức tin và là hành vi đức tin, để cùng với sự thôi thúc của Đức ái Kitô giáo từ trong sâu thẳm của căn tính mình, mọi Kitô hữu được mời gọi nóng lòng ra đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.

Trong bất cứ thời đại nào, công cuộc truyền giáo đòi hỏi sự kết hợp khăng khít giữa đời sống của cộng đoàn Kitô hữu cũng như của người rao giảng với chính lời rao giảng. Không những thế, các hoạt động truyền giáo còn phải liên kết chặt chẽ với những vấn đề thiết yếu của con người thời đại: công ăn việc làm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống, bảo vệ nhân quyền, v.v...

Mặc dù truyền giáo là sứ mạng chung của tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, tuy nhiên, trách nhiệm này cũng được trao cách đặc biệt cho từng thành phần trong Giáo Hội, có thể là linh mục, tu sỹ hoặc giáo dân, để trong tính đặc thù của mỗi bậc sống, mỗi thành phần Kitô hữu đều có bổn phận chia sẻ và thực thi trách vụ truyền giáo của Giáo Hội tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình.

Đối với các cộng đoàn giáo xứ, để trở nên một thực thể truyền giáo sinh động và hữu hiệu, mọi thành viên trong cộng đoàn đều được kêu mời nối kết và hiệp thông với nhau thành một gia đình trong tình liên đới siêu nhiên và trong đời sống bác ái yêu thương sống động. Để qua và nhờ dấu chứng của một cộng đoàn yêu thương phục vụ, xứ đạo trở thành dấu chỉ Nước Trời cho những lương dân sống chung quanh, vì “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Để xây dựng một xứ đạo trở nên một cộng đoàn truyền giáo, chúng ta cần lưu ý đến những hoàn cảnh đặc thù của từng xứ đạo tại mỗi vùng miền khác nhau để có kế hoạch và phương pháp truyền giáo phù hợp.

1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc truyền giáo của các xứ đạo

Yếu tố đặc thù thứ nhất nơi phần lớn các xứ đạo là tình trạng biệt lập (ghetto). Dù ngày hôm nay tình trạng này bắt đầu thay đổi nhờ sự dịch chuyển của giới trẻ để học hành và tìm công ăn việc làm, tuy nhiên, nó vẫn còn gây ra một số tác động tiêu cực (cũng có một vài ảnh hưởng tích cực) đối với công cuộc truyền giáo của giáo xứ. Quả thế, khi người Công Giáo sống thành làng, xóm tách biệt với lương dân thì sẽ dễ trở nên khép kín, co cụm tách biệt, xa lạ với bên ngoài. Vì thế, nếu một xứ đạo hay một làng có đạo sống biệt lập thì sẽ dễ bị cô lập, trở nên như ốc đảo, và điều này không những tác động tiêu cực đến công tác truyền giáo mà còn gây ra những bất lợi khác đối với đời sống giáo dân như: y tế yếu kém, giao thông không thuận lợi, giáo dục ít được đầu tư...[1] Thêm nữa, sự biệt lập cũng làm cho cha xứ dường như bị khoanh vùng, bị cầm chân, khó có thể tiếp xúc với lương dân và những lương dân muốn đến với cha xứ cũng gặp khó khăn. Tình trạng biệt lập cũng dễ làm cho giáo dân bộc lộ óc địa phương hẹp hòi theo ‘chủ nghĩa dân choa,’ dễ làm cho các lương dân e dè, tránh xa, vì thế làm cho cả hai bên ít có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhau.

Tính ‘truyền thống’ của giáo xứ cũng dễ trở thành một trong những ngáng trở đối với công tác truyền giáo. Nhiều giáo xứ và đa số giáo dân quá tự hào về lịch sử hình thành lâu đời và tính ‘đạo gốc’ của mình, vì thế những dự tòng và tân tòng dường như cảm thấy xa lạ và có lúc bị kỳ thị khi họ gia nhập vào cộng đoàn giáo xứ. Hơn nữa, do lịch sử để lại, ngày nay giữa những người Công Giáo với những người không Công Giáo vẫn còn những thành kiến và cách biệt khó có thể vượt qua trong một sớm một chiều. Thêm nữa, trong cung cách hành xử cũng như một số chính sách của nhà cầm quyền hiện nay, người ta vẫn còn phân biệt giáo - lương một cách cứng nhắc, cố hữu, với hậu ý không tốt và không công bằng đối với những người Công Giáo.

Sẽ dễ trở nên hàm hồ nếu chúng ta đưa ra những nhận định cứng nhắc về đời sống đức tin của người giáo dân, bởi Đức tin thuộc về phạm trù động: một người hôm nay còn kém tin nhưng ngày mai có thể can đảm hi sinh vì Chúa. Thế nhưng, trong thực tế, những biểu hiện của đời sống đạo nơi đa số giáo dân thường chỉ được gói gọn trong những lĩnh vực thuần túy thiêng liêng; vẫn còn nhiều tách biệt cứng nhắc giữa việc đạo-việc đời, sống đạo-sống đời. Đa phần giáo dân chưa ý thức đủ về sứ mệnh trần thế như một đòi hỏi của chính Đức tin và ơn gọi làm Kitô hữu của mình. Thêm nữa (cũng trong thực tế nữa!), các cha xứ chưa hướng dẫn đủ cho giáo dân của mình biết can đảm và chủ động sống chứng nhân Đức tin, dấn thân ‘đem Đạo vào đời’ và bày tỏ Đức tin trong các lĩnh vực trần thế của họ. Ngoài ra, người giáo dân vẫn chưa có ý thức đủ và chưa được huấn luyện về ơn gọi, sứ vụ và cách thức truyền giáo, vì thế nhiều giáo dân dường như chưa nhận thức được chính mình là một thực thể truyền giáo.

Trong thực tế hiện nay, các vấn đề nóng bỏng của giới trẻ như công ăn việc làm, di dân, học hành... cũng là những thách đố lớn đối với các giáo xứ trong đời sống đạo cũng như trong ý hướng và kế hoạch truyền giáo. Ngoài ra, người giáo dân ở các xứ đạo chưa có cơ hội được tham gia tích cực vào các lĩnh vực giáo dục, xã hội, chính trị..., một phần vì căn tính Kitô của mình và phần khác vì đa số họ ít có cơ hội học hành cao. Đa số giáo dân chỉ làm nghề nông. Ngoài ra, môi trường sinh thái, các dịch vụ công cộng, các điều kiện hỗ trợ phát triển cá nhân và cộng đồng, v.v... ở các xứ đạo chưa được tổ chức để trở thành như một phương thế phục vụ con người và hỗ trợ cho công tác truyền giáo.

Trong chiều hướng thuận lợi cho việc truyền giáo, đa số giáo dân đều có lòng trung thành cao với Đức tin và với Giáo Hội. Họ luôn sẵn sàng và rộng rãi hi sinh tinh thần và vật chất cho các nhu cầu Giáo Hội; họ cũng rất gắn bó và nhiệt thành giúp đỡ giới linh mục và tu sỹ. Đặc biệt, họ luôn nhiệt thành và quảng đại đón nhận mọi giáo huấn của Giáo Hội qua việc vâng phục và thực thi các lời giảng dạy của các mục tử.

Một trong những yếu tố thuận lợi nữa cho việc truyền giáo của các giáo xứ, đặc biệt của các giáo xứ ở nông thôn, là đa số lương dân sống lân cận đều chưa theo một tôn giáo chính thức nào. Trong đời sống thực tế, phần lớn những người lương đều hướng về và thực hành một hình thức tôn giáo nào đó như việc thờ kính ông bà tổ tiên, thờ các vị thần Thành Hoàng hay thờ các vị anh hùng dân tộc… Ngoài ra, người lương cũng dễ dàng khấn xin nơi những hốc đá hoặc ngôi đền đơn sơ nhỏ bé nào đó. Nhiều lương dân, trong đời sống thường ngày, khi hữu sự hoặc gặp khó khăn tinh thần hay vật chất, dù không là Phật tử nhưng họ cũng đến các đền, chùa khấn Phật; hoặc dù chưa là Kitô hữu nhưng họ vẫn đến các đền thánh Công Giáo xin ơn hay đến các nhà thờ cầu nguyện hoặc xin lễ. Vì thế, xét trên nhiều phương diện, người lương dân vẫn còn dễ tính về nhu cầu tâm linh và khoan dung trong việc tìm kiếm và tiếp nhận tôn giáo. Đó chắc chắn là những yếu tố thuận lợi cho việc truyền giáo, nếu các giáo xứ cũng như mỗi Kitô hữu có ý thức và quyết tâm thực hành sứ vụ của mình.

2. Những đề nghị thực hành

Nơi số 6, Sắc lệnh truyền giáo của Công đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh đến việc truyền giáo không phải chỉ kết thúc ở việc thiết lập cộng đoàn Giáo Hội địa phương, nhưng phải được tiếp tục cho đến khi mọi người trong địa phương đó trở nên Kitô hữu. Để thi hành lệnh truyền đó, giáo xứ phải được tổ chức sao cho mọi giáo dân biết ý thức và sống ơn gọi truyền giáo của mình.

Mọi tín hữu đều có bổn phận chia sẻ trách vụ truyền giáo của Giáo Hội tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình. Cha xứ phải là người chủ động và tích cực huấn luyện mọi giáo dân cách chung và cách riêng cho các hội đoàn tông đồ trong giáo xứ ý thức về trách nhiệm dấn thân thực hành truyền giáo trong môi trường và điều kiện đặc thù của họ. Chính cha xứ là người:

“phải xây dựng cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng với ơn gọi của mình, để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ (tư tế, ngôn sứ, vương giả), nhờ đó, cộng đoàn Kitô hữu trở thành dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian.”[2]

Trong các công tác mục vụ, đặc biệt các bài giảng Chúa Nhật và lễ trọng, các cha xứ cần chủ ý nhắm đến việc huấn luyện và khích lệ giáo dân của mình dấn thân vào công tác truyền giáo; các cha xứ cần “cổ võ và duy trì giữa tín hữu lòng nhiệt thành đối với việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, bằng cách dạy giáo lý và giảng thuyết để giáo huấn họ về nhiệm vụ truyền giáo.”[3] Ngoài ra, cha xứ cũng nên khích lệ và cổ võ giáo dân của mình thực hành các việc đạo đức bình dân phù hợp, bởi các việc đạo đức bình dân rất thiết thực và thường dễ tác động đến tình cảm và đời sống của những lương dân bình dân hơn.

Cách đặc biệt hơn, các hội đoàn tông đồ như Legio Mariae, Caritas, Phan Sinh... trong các giáo xứ cần phải được huấn luyện thường xuyên, nhằm khơi lên trong tâm hồn các hội viên những thao thức và nhiệt huyết về sứ vụ đem Tin Mừng đến cho những lương dân chung quanh. Làm sao để các hoạt động tông đồ của họ phải được ưu tiên, thiết thực, hữu ích và phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Trong ý hướng cũng như trong hoạt động của mình, các hội đoàn tông đồ trong giáo xứ cần dành ưu tiên đến với lương dân trong tinh thần Đức ái Kitô giáo và với mục đích giới thiệu Đức Kitô cho những ai chưa biết Người.

Cha xứ cùng với hội đồng mục vụ giáo xứ cần tìm kiếm những cách thức và thiết lập chương trình truyền giáo phù hợp với bối cảnh thực tế của giáo xứ mình cũng như hoàn cảnh cụ thể của cộng đồng lương dân xung quanh. Cùng toàn thể giáo xứ, cha xứ phải là người truyền lửa quyết tâm và khích lệ thực hiện kế hoạch truyền giáo mà mình đã đề ra bằng sự kiên trì và linh hoạt. Tuy nhiên, chương trình truyền giáo trước hết phải là chương trình của toàn thể giáo xứ, trong đó cha xứ là người tổ chức, hướng dẫn và khích lệ, còn hội đồng mục vụ, các hội đoàn và mỗi giáo dân là những chủ thể trực tiếp thực hiện chương trình đó. Nếu chương trình quá phụ thuộc vào cha xứ (và điều này dễ xảy ra) thì khi cha xứ thuyên chuyển đến giáo xứ khác, chương trình có nguy cơ tan vỡ.

Chính cha xứ chủ động thay đổi và làm cho giáo dân thay đổi quan niệm về vai trò của cha xứ trong công tác truyền giáo của giáo xứ. Trong thực tế, các cha xứ hầu như chỉ được xem là người quản trị giáo xứ, làm mục vụ trong phạm vi giáo xứ và với giáo dân mà thôi. Cùng với giáo dân của mình, các cha xứ cần chủ động đến với những lương dân lân cận xứ đạo của mình để có cơ hội mời gọi họ tìm hiểu và đến với Đạo. Chính cha xứ phải ý thức trách nhiệm mục vụ của ngài không chỉ đối với riêng giáo dân trong giáo xứ mà thôi, mà còn đối với mọi người chưa nhận biết Chúa đang sinh sống trên địa bàn lân cận giáo xứ đó nữa. Các cha xứ cần dành thời gian, nhân lực và vật lực cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng cho những lương dân sống lân cận giáo xứ của mình.

Cha xứ cũng là người phải đứng ra trước hết tìm kiếm các phương thức khả thể để giúp phát triển cộng đồng, không phân biệt lương - giáo, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường... Các cha xứ cần phải “xếp đặt công việc mục vụ thế nào để mưu ích cho việc mở rộng Phúc Âm nơi những người ngoài Kitô giáo.”[4] Đàng khác, các cha xứ cần trực tiếp cổ vũ tinh thần truyền giáo trong các gia đình, các hội đoàn tông đồ cũng như tổ chức các hình thức làm việc tông đồ giáo dân và kêu gọi giáo dân dâng cúng của cải và thời gian phục vụ cho việc truyền giáo.

Đời sống của người giáo dân qua những công việc thường ngày, đặc biệt trong những công việc có liên hệ với các lương dân, phải trở nên lời chứng sống động cho Đức tin của mình. Theo sắc lệnh Tông đồ giáo dân, vai trò của cộng đoàn giáo xứ rất quan trọng trong các hoạt động tông đồ; hoạt động của cộng đoàn giáo xứ được sắc lệnh đề cao:

 “cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả [...]. Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội.”[5]

Điều quan trọng nữa là cần thực thi Đức ái Kitô giáo không những trong chính nội bộ giáo xứ mà còn phải mở rộng ra với các lương dân lân cận bằng các việc từ thiện. Chính xứ đạo phải thực sự là một cộng đoàn yêu thương, an bình, vui tươi, mọi người đối xử tin tưởng và tử tế với nhau. Được như thế, giáo xứ sẽ trở thành một cộng đồng sống văn minh và có văn hóa, có sức hấp dẫn đối với các lương dân sống gần kề.

Cũng cần lưu tâm đặc biệt đến những ấn tượng ban đầu qua các tình huống của đời sống người Kitô hữu, bởi nó có ảnh hưởng mãnh liệt đối với những lương dân khi lần đầu tiên họ gặp gỡ người có Đạo. Chính vì thế, cần chú trọng huấn luyện sao cho mỗi Kitô hữu, đặc biệt là các Kitô hữu trẻ, trở nên như những chứng nhân sống động của Đức Kitô một cách tự nhiên, và để:

“mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và lời chứng để biểu dương con người mới họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Thánh Thần họ đã được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha.”[6]

Và ‘để có thể làm chứng về Đức Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái liên kết với những người trong cộng đồng mình chung sống.’

Khi xây dựng kế hoạch truyền giáo cho giáo xứ của mình, cha xứ cùng toàn thể giáo dân đồng thời cũng xây dựng cho cộng đoàn mình có một nền tảng đức tin vững chắcđời sống luân lý đáng phục, cụ thể qua việc ý thức theo đuổi công bằng, yêu thương và phục vụ mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt, cộng đoàn giáo xứ phải thực sự hiệp thông, tương trợ nhau trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bởi “sự chia rẽ của các Kitô hữu [sẽ] gây tai hại cho công việc rất thánh là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, và còn khép kín con đường đưa tới Đức tin đối với nhiều người.”[7] Và để theo đuổi chương trình truyền giáo của giáo xứ, mọi giáo dân luôn cần được thúc đẩy bởi Đức ái để nhờ đó họ tin mến Chúa mỗi ngày một hơn và nóng lòng chia sẻ ân sủng Đức tin cho mọi người không phân biệt.

Trong thực tế, người giáo dân có rất nhiều cơ hội và trực tiếp hơn so với các linh mục và tu sỹ, trong việc làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô. Những chứng tá qua đời sống của các Kitô hữu và những việc lành họ thực thi đối với những người họ gặp gỡ, đặc biệt đối với các lương dân sẽ có sức lôi kéo mạnh mẽ người ta đến với Thiên Chúa.

­Mọi người trong giáo xứ cần chủ động và can đảm đấu tranh phá bỏ, vượt qua những cách biệt và kỳ thị lương - giáo. Như đã đề cập ở trên, cha xứ phải là người chủ động đến với những lương dân trên địa bàn kề cận của giáo xứ mình; đặc biệt, ngài phải là người vui vẻ đón tiếp và trực tiếp huấn luyện các dự tòng. Mỗi Kitô hữu cũng như cả cộng đồng giáo xứ cần ý thức cao việc thực thi tình liên đới và nối kết giữa mình với từng người lương cũng như với cả cộng đồng lương dân kề cận. Cha xứ cần khuyến khích giáo dân của mình ý thức và linh hoạt hơn trong vấn đề này nhằm mục đích truyền giáo. Cụ thể, mỗi Kitô hữu cần chủ động đến với người lương, đặc biệt đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt như ốm đau, hoạn nạn, nghèo đói..., bởi công việc bác ái có sức thu hút mạnh mẽ người khác đến với Đức tin. Ngoài ra, các Kitô hữu, trong đời sống và công việc thường nhật của mình, họ nên chủ động thiết lập mối dây liên đới với các lương dân, kết bạn với họ theo phạm vi cá nhân hay gia đình, để với thời gian dài tiếp xúc, người lương có thể được thuyết phục bởi đời sống chứng tá của các cá nhân và gia đình Kitô hữu, đặc biệt qua những lúc và trong những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc sống mà đời người phải trải qua như hiếu hỷ, bệnh tật, già cả, cô đơn..., bởi trong chính những thời điểm đó người ta mới dễ mở lòng ra đón nhận ơn Đức tin. Chính Đức Kitô, “Đấng khi nhập thể đã hoà mình vào những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hoá của những cộng đồng nơi Người cùng chung sống”[8] để qua đó mạc khải cho họ biết Người là Con Thiên Chúa.

Người giáo dân cần luôn ý thức qua cung cách thực thi các công việc trần thế của mình, người lương dân có thể nhận ra tình yêu của Đức Kitô. Cùng với giáo dân, cha sở cần có thao thức và huấn luyện làm sao để:

“giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình nhằm rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Đức Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại.”[9]

Giáo dân cần được huấn luyện về bổn phận và trách nhiệm của họ trong môi trường xã hội, văn hóa và kinh tế của địa phương họ sinh sống, để trong môi trường đó, người giáo dân có thể làm chứng về Đức Kitô cho những đồng nghiệp, đồng hương và đồng cảnh ngộ với mình. Nếu người giáo dân có một đời sống lương thiện và Kitô giáo đáng phục, biểu hiện qua các liên hệ thông thường của đời sống và nghề nghiệp, thì với căn tính Kitô của mình, họ đã làm chứng và rao giảng về Chúa Kitô cách hùng hồn rồi.

Trong hoàn cảnh xã hội - chính trị hiện nay, hình thức tông đồ bằng chứng tá cá nhân cần được chú trọng, bởi trong nhiều tình huống, chỉ có từng cá nhân Kitô hữu mới có thể thâm nhập và âm thầm làm chứng bằng chính đời sống Kitô của mình. Và để hình thức tông đồ cá nhân này đạt hiệu quả, các cha xứ phải là người đầu hết nhận ra những điểm thuận lợi và khó khăn để hướng dẫn và khuyến khích giáo dân của mình can đảm dấn thân.

Thay lời kết

Để công cuộc truyền giáo của một giáo xứ có thực chất và đem lại hiệu quả, mọi thành viên trong cộng đoàn cần phải kết hợp và không thể tách rời giữa việc rao giảngsống lời rao giảng. Người viết xin được ghi lại câu chuyện dưới đây thay cho lời kết của bài viết này, câu chuyện như sau:

Hai thanh niên là bạn với nhau cùng đến nhà thờ nghe linh mục giảng. Một thời gian ngắn sau, một người thực tâm đến xin nhập Đạo. Còn người kia, dù cũng rất cảm kích với những lời giảng của vị linh mục, nhưng anh tự nhủ: mình chờ một thời gian xem Đạo có làm cho anh bạn của mình thay đổi gì không. Và sau một năm, anh thấy đời sống của bạn mình thay đổi hẳn, cả trong công việc làm ăn cũng như trong cách ứng xử với mọi người, và nhất là thấy anh bạn xem ra lúc nào cũng bình an và vui tươi. Cuối cùng anh cũng đến xin gia nhập Đạo. Khi người bạn kia hỏi tại sao anh chậm gia nhập Đạo thế, anh đáp: “Cả năm nay tôi luôn theo dõi bạn, và qua đời sống của bạn tôi nhìn thấy thực sự có chân lý trong đức tin Kitô Giáo!”

                                                                                                                                              Fx. Hồng Ân,  K.X
                                                                                                                    Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa, số 13

 

 

 


[1] Những điều này biểu hiện rõ nhất ở các xứ và làng có Đạo toàn tòng ở giáo phận Vinh.

[2] Công đồng Vat. II, Sắc lệnh Truyền Giáo, 15.

[3] Ibid., 39.

[4] Ibid.

[5] Công đồng Vat. II, Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, 10.

[6] Id., Sắc Lệnh Truyền Giáo, 11.

[7] Ibid., 6.

[8] Ibid., 10.

[9] Công đồng Vat. II, Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, 2.

Nguồn tin: