Cha Xứ Với Mục Vụ Giới Trẻ

Mon,19/11/2018
Lượt xem: 2208

 

1. Thực trạng đời sống của giới trẻ hôm nay

Giới trẻ hôm nay đang sống trong thế giới toàn cầu hoá và kỷ nguyên của văn minh trí tuệ, một thế giới đem lại cho giới trẻ nhiều cơ hội để tự khẳng định cũng như phát huy những khả năng và dự phóng cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, sống trong môi trường này, giới trẻ rất dễ rơi vào thế giới tục hoá và hưởng thụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Thông Điệp Octogesima Adveniens (1971) đã cho thấy sự đô thị hóa làm đảo lộn cách sống và những cơ cấu quen thuộc của cuộc sống: gia đình, xóm giềng, các khuôn khổ của chính cộng đồng Kitô hữu.[1] Nguy cơ này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô nêu ra trong Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng:

Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từcơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa.[2]

Môi trường sống này đang dẫn giới trẻ đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân thường đạo lý và có nguy cơ loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Trong thực tế, thực trạng này đã được biểu lộ nơi giới trẻ ở các giáo xứ hôm nay. Đó là tình trạng những tội lỗi, những tệ nạn xã hội gia tăng nơi người trẻ; xa rời việc đạo đức, nhất là nhiều người trẻ không còn đến với thánh lễ nữa. Nhiều bạn trẻ coi việc đi lễ là một gánh nặng, đi vì bổn phận hoặc vì gượng ép do cha mẹ hay bạn bè, hoặc nếu có đi thì ‘xác’ ở nhà thờ, nhưng ‘hồn’ thì ở đâu đâu. Ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng không muốn tham gia vào các sinh hoạt hội đoàn, hoặc tham gia một cách thiếu tích cực, đặc biệt, không còn đến các lớp học giáo lý nữa… Vì họ tự cho mình là người có quyền tự do theo ‘chủ nghĩa sở thích’. Đứng trước thực trạng này, cha xứ có vai trò và bổn phận như thế nào đối với giới trẻ trong xứ của mình?  
 
2. Cha xứ là nhà giáo dục
 
Có thể nói, giáo xứ là môi trường xây đắp nên con người ‘đạo’ và ‘đời’ cho người trẻ, trong đó, cha xứ đóng vai trò là nhà giáo dục ‘tối cao’, vì ngài nhận vai trò và trách nhiệm này từ Thầy Giêsu: “Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20). Đây luôn là nỗi ưu tư cũng như thao thức của những người có trách nhiệm. Vì giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và đồng thời cũng là là chủ nhân tương lai của nhân loại: “Vì thế mà cả xã hội cũng như Giáo Hội đều phải quan tâm đến giới trẻ, để giúp họ đảm nhận lấy vai trò hôm nay và ngày mai của họ trong xã hội và Giáo Hội”.[3] Do đó, trong vai trò nhà giáo dục, cha xứ cần phải tìm mọi phương cách hữu hiệu nhất để hướng dẫn đời sống giới trẻ thăng tiến theo giá trị của Tin Mừng.
Người đời thường nói: “cha nào con nấy”, “thầy nào trò nấy”… Hay như thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam 1998 nêu: “Giới trẻ hôm nay thế nào thì Đất nước và Giáo Hội Việt Nam ngày mai sẽ như vậy…”. Do đó, trước hết, cha xứ cần đầu tư thời gian nghiên cứu và tìm hiểu cách kỹ càng về bản chất cũng như sức ảnh hưởng của ‘thế giới phẳng và kỹ thuật số’, để phân tích, giải thích cho giới trẻ nắm bắt ‘cái được’ và ‘cái mất’ của nó đối với đời sống xã hội, nhất là đời sống kitô hữu của người trẻ, và có những định hướng sống cụ thể và thiết thực cho họ. Công việc này có thể thực hiện bằng những buổi học hỏi, những buổi thảo luận hay thuyết trình…

Thứ đến, thiết nghĩ, cha xứ cần phải đặc biệt quan tâm việc nuôi dưỡng và hun đúc đời sống đức tin cho người trẻ. Trong thực tế, ngày nay, đa phần những người trẻ ‘hư hỏng và lạc hướng’ là đều do mất nền tảng giáo lý căn bản và ơ hờ với các sinh hoạt giới trẻ, mà nguyên nhân sâu xa nhất, là cha xứ chưa quan tâm đến giáo dục đức tin cho người trẻ một cách đúng mức và hợp lý. Vì thế, ngoài việc giảng dạy trong nhà thờ, cha xứ cần chú trọng vào việc tổ chức các lớp Kinh Thánh, giáo lý, nhân bản… cho người trẻ, như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi:

Ngoài ra, cần có những lớp giáo lý cho người trẻ để họ phát triển đời sống đức tin phù hợp với đà tiến của họ trong cuộc sống, và những khóa dự bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình Công Giáo gương mẫu. Phải đặc biệt chú ý đến những người học lên bậc đại học, để giúp họ phát triển sự hiểu biết và đời sống đức tin cho phù hợp với trình độ trí thức của họ.[4]

Bên cạnh việc học giáo lý, cha xứ cũng cần phải tạo mọi điều kiện cho giới trẻ có môi trường sinh hoạt, cũng như cổ võ các em tham gia vào các hội đoàn hay các hoạt động trong giáo xứ. Nên có thánh lễ Chúa Nhật dành riêng cho giới trẻ, tổ chức cho giới trẻ những sinh hoạt vào các dịp đặc biệt như hè, tết và lễ bổn mạng… Chính nhờ việc tham gia và các sinh hoạt chung này sẽ giúp người trẻ ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, quảng đại hy sinh phục vụ và tránh được các tệ nạn xã hội. 

3. Cha xứ là người đồng hành
 
Nếu chỉ giáo dục không thôi thì chưa đủ, mà cha xứ còn phải là người đồng hành với giới trẻ nữa. Vì muốn đạt được một giáo dục mục vụ giới trẻ toàn diện, thì cần phải hiểu biết người trẻ; nhất là muốn hướng dẫn người trẻ, thì cần phải đi sâu vào đời sống người trẻ hơn, vì ‘vô tri thì bất mộ’. Như thánh Gioan Don Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”.

Chính sự hiện diện và sẻ chia của cha xứ với giới trẻ trong mọi sinh hoạt, sẽ là nguồn động lực tuyệt vời nhất, giúp mỗi người trẻ hăng say tham gia và tích cực phục vụ, nhằm không chỉ mang lại lợi ích cho chính bản thân người trẻ, mà còn cho cả các sinh hoạt của giáo xứ nữa. Việc đồng hành với giới trẻ trong các sinh hoạt cũng chính là những cơ hội để cha xứ biểu lộ sự quan tâm lo lắng và lòng yêu thương dìu dắt của một người cha, người anh đối với những người con, người em trước những ‘cơn lốc xoáy và bão táp’ của thời đại.

Thực tế cho thấy, ở giáo xứ nào, cha xứ không mấy quan tâm đến giới trẻ, thì ở giáo xứ đó, không chỉ giới trẻ bị ‘xuống cấp’, mà chính giáo xứ cũng thiếu đi sinh lực của sức sống. Trong lá thư của một bạn trẻ viết như sau:

Cha muốn nghe người trẻ, nhưng lại chẳng hề tạo cho người trẻ một cơ hội để nói. Cha đối với người trẻ, xa lạ và uy quyền lắm. Cha muốn chúng con cộng tác, nhưng lại ngại tuổi tác và kinh nghiệm non trẻ của chúng con. Con thiết nghĩ rằng, không thử một lần, không té ngã, sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm, và rồi người trẻ mãi mãi vẫn chỉ đứng ngoài lề mà thôi.[5]

Hơn nữa, có cha xứ không có sự đồng cảm với giới trẻ, chỉ biết dùng uy quyền của mình để nói, thì chính nơi tòa giảng, vị trí cao trọng nhất của người mục tử, sẽ làm cho người trẻ cảm thấy nơi ngài thiếu đi sự gần gũi, còn bản thân người trẻ bị lạc lõng ngay trong chính nhà của cha mình.  

Quả vậy, nếu cha xứ thực sự là nhà giáo dục và là người đồng hành với giới trẻ, thì chắc chắn ngài sẽ có cơ hội giới thiệu cho các em: gương mặt Đức Kitô, ‘một người trẻ hôm qua, hôm nay và mãi mãi’ (Dt 13, 8), và uốn nắn chúng nên những người mạnh mẽ. Vì Lời Thiên Chúa ở lại trong lòng chúng và chúng đã chiến thắng ác thần (1Ga 2, 14).[6] Được như vậy, lối sống tục hoá và các tệ nạn xã hội nơi giới trẻ được loại trừ, đời sống đức tin của giáo xứ ngày thêm vững chắc, và các sinh hoạt giáo xứ sẽ tràn đầy sức sống.

 

Paul Vũ Văn Triều

 [1] NGUYỄN HỮU QUANG, "Giáo dục nào để Sống trong Thế giới Đô thị hóa," (CHIA SẺ, Giáo Dục Kitô Giáo, số 58, 2008), 38.
[2] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, 2.
[3] Thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, 1992. 
[4] Ibidem.
[5] Không tác giả, "Người trẻ mong gì nơi Thánh Lễ - giáo lý - linh mục," http://www.vietcatholic.net. Truy cập ngày 21/07/2014.
[6] ĐGH PHANXICÔ, Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, 2014.

    

Nguồn tin:
Tags :