Cha Xứ Và Giáo Dân Hôm Nay

Tue,02/02/2021
Lượt xem: 3152

Paul Vũ Văn Triều

Trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội được quan niệm theo mô hình “Giáo Hội kim tự tháp”“Giáo Hội - xã hội hoàn hảo”, nên tương quan giữa cha xứ và giáo dân là tương quan bất bình đẳng, giữa ‘chủ’ và ‘tớ’, giữa những người có quyền và những người không có quyền. Như Công Đồng Vatican I đã nêu:

Giáo Hội của Đức Kitô không phải là một xã hội bình đẳng… trong Giáo Hội, Chúa đã thiết lập một quyền bính mà một số người đã lãnh nhận được để thánh hoá, dạy dỗ, cai quản, trong khi những người khác không có quyền ấy.[1]

Hay như Đức Giáo hoàng Leô XIII trong một bức thư gửi cho Tổng Giám mục Giáo phận Tours năm 1888 cũng viết:

…Giai cấp thứ nhất (chủ chăn) có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn các sống cho mọi người và đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai (giáo dân) phải phục tùng giai cấp thứ nhất: vâng lời họ, thi hành lệnh và tôn vinh họ.

Dưới ánh sáng của Tin Mừng, Công Đồng Vatican II đã đặt lại tương quan giữa cha xứ và giáo dân, khi quan niệm “Giáo Hội là Dân Thiên Chúa”, nghĩa là tất cả các kitô hữu đều là thành phần Dân Chúa, được kết hợp trong một Giáo ước mới và được ký kết bằng chính máu Đức Kitô.[2] Và “Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô”, nên trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, tất cả các thành viên đều bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi.[3] Các Giám mục Á Châu cũng khẳng định:

Giáo dân không phải là tay hay chân của giáo sĩ, cũng chẳng phải là thành phần tham dự vào chức vụ Tông Đồ của hàng giáo phẩm, nhưng là những thành phần đầy đủ tư cách trong Giáo Hội với quyền và bổn phận.[4]

Tuy nhiên, Công Đồng cũng khẳng định tính đặc thù của ơn gọi:

Tuy tất cả các thành phần đều bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi nên thánh và hoạt động chung để xây dựng thân mình Đức Kitô, nhưng trong Giáo Hội không phải mọi người đều cùng đi một con đường như nhau, cũng như không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng (Rm 12, 4). Bởi vì, theo ý Đức Kitô, một số người được cắt cử làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác.[5]

Như vậy, từ những khẳng định trên cho thấy, tất cả mọi thành phần kitô hữu đều là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, và mỗi chi thể đều thực thi phận vụ của mình theo ân huệ được Thiên Chúa trao ban vì lợi ích của Giáo Hội.[6] Vì thế, tương quan giữa cha xứ và giáo dân không còn như là ‘chủ’ và ‘tớ’, ‘người ra lệnh’ và ‘kẻ vâng lời’, nhưng là tương quan giữa cha và con, giữa mục tử và đoàn chiên, giữa anh em với nhau.

 

Trước hết, cha xứ là người cha của đàn chiên.

Tại sao cha xứ được giáo dân gọi là cha? Khi tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này, chính là thấy được mối tương quan căn bản thứ nhất giữa cha xứ và đàn chiên của ngài.

Theo Thánh Kinh, giáo xứ là một cộng đoàn gia đình, trong đó, Thiên Chúa là Cha, Đấng thiết lập và chăm sóc. Chính Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, khi dạy họ cầu nguyện (Mt 6, 9), Ngài là Cha nhân từ dang rộng vòng tay đón đứa con tội lỗi trở về (Lc 15), và là Người Cha sẵn sàng đón nhận tất cả những lời con cái kêu xin (Mt 18, 19).

Khi Đức Giêsu đang giảng dạy trong hội đường, thì mẹ và anh em đến tìm Ngài… Nhưng Đức Giêsu trả lời: Ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, tức là những lời Ngài rao giảng, người ấy chính là anh em, là mẹ Ngài (Mt 12, 46-50). Câu trả lời này của Đức Giêsu có nghĩa là nếu ai sinh ra Chúa (Đức tin) trong tâm hồn người nào, thì người người ấy được gọi là mẹ, là cha của người đó. Vì thế, bởi chức vụ và bổn phận rao giảng Lời Chúa của mình, nên cha xứđược giáo dân gọi là cha. Và vì là chủ chăn, là người đứng đầu giáo xứ,[7] nên được gọi là mục tử. Vậy, tương quan cha và con, mục tử và đàn chiên cần phải được ‘sống’ như thế nào?

Đương thời, Đức Giêsu đã dạy các mộn đệ gương của người mục tử: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta, và các chiên ta biết Ta, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và Ta hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10, 14-15). Với cách dùng động từ ‘biết’ thay vì ‘tình yêu’, bởi vì ‘tình yêu’ hệ tại việc ‘biết’ riêng, nên Đức Giêsu đã cho thấy tương quan giữa người mục tử và đàn chiên phải như là tương quan giữa Ngài với Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa con biết nhau sâu xa trong tình hiệp thông, sống một cuộc sống tin tưởng lẫn nhau, trân trọng nhau, yêu thương nhau cách nồng nàn, say mê và bừng cháy.[8]

Vì thế, là người cha-mục tử của đàn chiên, cha xứ cần phải biết nên giống như Đức Giêsu-Mục Tử: biết lo lắng chăm sóc đoàn chiên, sống gắn bó thân mật với chúng, biết tên từng con chiên, biết rõ đặc điểm từng con để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Khi người mục tử chăm sóc đoàn chiên có trách nhiệm và đúng nghĩa mục tử của nó, chắc chắn chiên sẽ nghe tiếng, yêu mến và đi theo người mục tử đó. Người mục tử chăm sóc đàn chiên theo Đức Giêsu muốn, phải là người luôn luôn sẵn sàng chết cho đoàn chiên, để cho chiên được sống và sống dồi dào, không để chết hoặc mất một con chiên nào (Ga 10, 1-6).

Khi nói về tương quan giữa cha xứvà giáo dân, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV nói: “Làm thế nào mà khi sống giữa đoàn chiên, cha xứ phải thật sự là một người cha ở giữa đoàn con cái mình”. Để sống vai trò của người cha, Công đồng Vatican II và Giáo Luật đã dạy rõ:

Vì là người cha của gia đình giáo xứ, nên cha xứ cần phải biết yêu thương, lo lắng cho hết mọi người giáo dân của mình, những người ở gần cũng như những người ở xa, những người đang sống cũng như những người đã qua đời; ngài hãy đi thăm viếng các gia đình để biết rõ giáo dân và hãy thông phần với những nỗi lo lắng của giáo dân, nhất là khi họ gặp những đau khổ và tang tóc; ngài hãy khuyên giáo dân vững lòng trông cậy vào Chúa, và nếu giáo dân có lầm lỗi điều gì thì ngài hãy sửa dạy họ một cách khôn ngoan và yêu thương; ngài hãy đặc biệt yêu thương những giáo dân đau yếu, nhất là săn sóc những ai đang hấp hối để họ được chịu các phép bí tích; ngài hãy đặc biệt lo lắng cho những giáo dân nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn, neo đơn, tù đày và tất cả những giáo dân nào đang gặp khó khăn; ngài tìm cách chôn cất những ai chết quá túng thiếu; ngài lo lắng cho các trẻ em, chuẩn bị kỹ càng cho giới thanh niên nam nữ bước vào đời; ngài hãy nhìn nhận và giúp đỡ vai trò của các giáo dân trong sứ mạng của họ đối với Giáo Hội bằng cách nâng đỡ các hội đoàn thiêng liêng của họ; ngài hãy đối xử với tất cả mọi giáo dân trong xứ bằng tình yêu thương tha thứ, ngay cả những người tội lỗi, những kẻ vô đạo, nghịch đạo, chống đạo… để không một giáo dân nào trong xứ cảm thấy họ bị cha xứ bỏ rơi, loại trừ.[9]

Là người cha, cha xứ phải biết giáo dân cần những gì nơi mình? Thường những người con trong gia đình luôn cần cha của họ quan tâm đến mọi công việc và sinh hoạt của họ. Họ rất cần người người cha biết và lo lắng đến từng người một, khi họ có biến cố gì, người cha cần đồng hành, thông cảm và chia sẻ, tâm sự để mang lại bình an và ủi an cho họ. Vì thế, cha xứ cần phải như Đức Giêsu-Mục Tử: sống gần gũi, thân mật và biết rõ từng con chiên của mình, để yêu mến, để quan tâm và để đối xử phù hợp (Ga 10, 14-15). Nhất là những người lạc lối, mất đức tin, thiếu tình thương của Chúa, sống xa luật Ngài, cha xứ cần phải đi tìm để đưa họ về với giáo xứ trong bình an và tình yêu của Đức Kitô. Tình mục tử này phải được cụ thể hoá trong những hành động đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Đó là cha xứ cần phải siêng năng giải tội và luôn quan tâm chăm sóc cho người nghèo, hàn gắn những gia đình đổ vỡ, gặp gỡ những người nghiện rượu, đối thoại những người bạo lực, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, bênh vực những người cô thế cô thân trong giáo xứ… Để làm được như vậy, cha xứ cần phải có cho mình nhiều đức tính như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã, chân thật, tinh tuyền, thánh thiện, khả ái.[10]

Là người cha, cha xứ cần có đời sống đạo đức thánh thiện và siêng năng chu toàn việc bổn phận của tác vụ, để làm gương sáng cho giáo dân. Nhất là thông ban cho họ sự sống đức tin và ân sủng của Thiên Chúa qua thánh lễ, cầu nguyện, cử hành các Bí Tích, để giáo dân được sống thánh thiện hơn, mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy và sốt sắng với lòng mến. Ngài phải biết tôn trọng tự do chính đáng của giáo dân, trong tư cách họ là những người con của Chúa, được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Và cha xứ cũng phải luôn biết sẵn sàng lắng nghe ý kiến và cứu xét các nguyện vọng của giáo dân trong tinh thần huynh đệ, và tin tưởng trao cho giáo dân các công tác phục vụ Giáo Hội, dành cho ho quyền tự do và quyền hạn để hoạt động cũng như tìm mọi cách để họ tự ý đảm nhận các công việc phục vụ giáo xứ.[11]

Thứ đến, cha xứ là người anh em của đàn chiên.

Vì, tuy bởi Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục thi hành nhiệm vụ làm ‘cha’ và làm ‘thầy’ trong Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ của Chúa Kitô, và bởi Bí tích Rửa Tội, các linh mục là anh em giữa các anh em, như chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô.[12] Bởi thế, là linh mục, là giáo dân thì tất cả đều là môn đệ của Đức Kitô là Đầu, nghĩa là bình đẳng với nhau trong tương quan huynh đệ. Chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: giữa anh em không có ai là thầy, là cha cả, nhưng tất cả anh em đều là anh em với nhau (Mt 23, 8). Trong ý nghĩa đó, thánh Augustino cũng đã nói: “Cho anh em tôi là Giám mục, cùng với anh em tôi là kitô hữu”. Công Đồng Vatican II cũng dạy:

Được tuyển chọn giữa loài người và được đặt làm đại diện cho con người trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với những người anh em,[13] …và nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm anh em Chúa Kitô… Cũng vậy, họ là anh em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh…[14]

Vì cũng là anh em với giáo dân, cha xứcần phải biết sống đối nhân xử thế với giáo dân trong tình huynh đệ bình đẳng, không quan liêu trịch thượng, tránh thái độ mệnh lệnh cha chú… Với vai trò anh cả trong Đức tin, cha xứcần phải luôn đồng hành với giáo dân trên mọi bước đường, hướng dẫn họ trong mọi việc và cùng chia sẻ với họ trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống đạo đời.  

Vậy, nếu giữa cha xứ và giáo dân biết sống trong tương quan cha-conanh-em: người cha-anh biết yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ con-em qua việc giáo dục đức tin, cử hành các bí tích và bác ái phục vụ; người con-em biết lắng nghe, vâng lời, ngoan hiền và hiếu thảo… thì gia đình giáo xứ sẽ tràn ngập niềm vui, an bình và hiệp nhất yêu thương.



[1] CĐ VATICAN I, Lược đồ Supremi Pastoris, chương X, Mansi 51, 543.

[2] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 9-14 .

[3] Ibidem, 7.

[4] FABC-BILA II, “Letter of the Participants of the Second Bishops’ Institute for the Laity Apostolate”, in FAPA-1, số 9.

[5] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 32.

[6] Ibidem, 7.

[7] BGL, 519.

[8] FX VŨ PHAN LONG, Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2010, 235.

[9] CĐ VATICAN II, Presbyterorum Ordinis, chương 2; BGL, 529.

[10] CĐ VATICAN II, Presbyterorum Ordinis, chương 1.

[11] Ibidem, 9; Lumen Gentium, 37.

[12] Ibidem.

[13] Ibidem, 3.

[14] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 32.

Nguồn tin:
Tags :