Cầu Nguyện Và Sứ Vụ Truyền Giáo Trong Đời Sống Sinh Viên Công Giáo Hiện Nay

Mon,07/10/2019
Lượt xem: 3715

 Lời mở đầu

“Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi; giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người; giữa những đẹp tươi hay ê chề tất tả; con xin dành một cõi rất riêng tư; cho Giêsu - Đấng tình yêu thẳm sâu.” Đây là những cảm nghiệm sâu lắng khi diễn tả tâm tình của người con thảo với ‘Đấng Tình Yêu Giêsu’ mà linh mục Thái Nguyên đã trình bày rất hay trong nhạc phẩm “Một cõi riêng tư.”

Đối với cuộc sống sinh viên, khi ‘giữa những xao động của nhân thế nổi trôi’ thì rất cần đến ‘một cõi riêng tư’ để họ có thể được thân thưa thiết thân với Chúa. Giữa những tranh chấp hay ê chề tất tả ấy, sinh viên rất cần sự chăm lo, hướng dẫn và tạo điều kiện để họ biết định hướng và sống có mục đích trong đời sống đạo đức luân lý theo đúng tinh thần Tin Mừng. Để qua đây, sinh viên biết kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện sâu xa, và nhờ đó họ sẽ là những chứng nhân sống động cho sứ mệnh truyền giáo trong môi trường họ đang sống.

Trong bài viết: “Cầu nguyện và sứ vụ truyền giáo trong đời sống sinh viên công giáo hiện nay,” người viết sẽ trình bày theo ba mục chính yếu sau đây: (1) Cầu nguyện và thực trạng về đời sống cầu nguyện; (2) Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cầu nguyện và (3) Cầu nguyện và sứ vụ truyền giáo trong đời sống sinh viên hiện nay.

1. Cầu nguyện và thực trạng về đời sống cầu nguyện trong sinh viên công giáo hiện nay

1.1. Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa, qua Đức Kitô, trong Thánh Thần, để yêu mến, thờ lạy, ca tụng, cảm tạ, thống hối và cầu xin Ngài ban cho những ơn cần thiết. Như vậy, cầu nguyện là hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa và sống tương quan hiệp thông với Ngài.[1] Theo truyền thống Kitô giáo, có ba hình thức cầu nguyện: Khẩu nguyện, suy niệm và chiêm niệm. Giáo Hội mời gọi các tín hữu cầu nguyện đều đặn qua các kinh nguyện hằng ngày, các Giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh Lễ Chúa Nhật và các lễ trọng của năm phụng vụ, vì phụng vụ là đỉnh cao của mọi hình thức cầu nguyện.

Trong Cựu Ước, chín chương đầu của sách Sáng Thế trình bày mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người trong tinh thần cầu nguyện: Abel dâng chiên (cf. St 4,4); Enóc kêu cầu Danh Chúa (cf. St 4,26). Nhất là mẫu gương của Abraham về đời sống tín thác hoàn toàn cho Thiên Chúa (cf. St 12,4; Dt 11,17). Đến Môisen từ giữa bụi gai bốc cháy là một cách thức đối thoại trong Thiên Chúa; Đavít cũng là con người luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa (cf. 1 Sb 17,16-27; 2 Sm 7,18-29).

Trong Tân Ước, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài luôn cầu nguyện. Đối với Chúa Giêsu, cả cuộc đời là một chuỗi ngày của cầu nguyện: Cầu nguyện lúc bắt đầu sứ vụ rao giảng (cf. Lc 3,21); cầu nguyện trước khi chọn gọi 12 Tông đồ (cf. Lc 6,12); cầu nguyện trong biến cố Hiển Dung (cf. Lc 9,28), cầu nguyện trước cuộc thương khó (cf. Lc 22,41-42); cầu nguyện trên thập giá (cf. Lc 23,43-46)…. Cách thức cầu nguyện của Chúa Giêsu là: tin tưởng, chúc tụng, cảm tạ, phó thác, chiêm ngưỡng, lắng nghe … Nơi chốn và thời gian cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi thanh vắng, trên núi, nhất là vào đêm khuya (cf. Mc 1,35; Lc 5,16).[2]

Từ khái niệm và những mẫu gương trên đây, chúng ta cùng nhau xem xét thực trạng cầu nguyện trong giới sinh viên công giáo hiện nay như thế nào?

1.2. Thực trạng về đời sống cầu nguyện trong sinh viên công giáo hiện nay

Hiện nay, Việt Nam có 235 trường đại học, với 1,76 triệu sinh viên.[3] Đây là con số rất lớn, đạt tỷ lệ khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sinh viên Việt Nam đang chịu thiệt thòi do lối giáo dục của gia đình và học đường quá lạc hậu.[4] Theo hai bảng xếp hạng đại học uy tín nhất trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách 1000 đại học tốt nhất thế giới.[5] Nhìn chung, nền giáo dục Việt Nam hiện nay quá yếu kém, mất định hướng, thiếu triết lý giáo dục và tụt hậu thê thảm so với nhu cầu của thời đại.[6]

Với đường lối giáo dục quá cũ kỹ, lỗi thời và lạc đường, sinh viên công giáo lại bị đào tạo trong môi trường của chủ nghĩa cộng sản vô thần với nhiều khiếm khuyết. Họ phí phạm nhiều thời gian cho những môn về giáo dục chính trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính những sai đường lạc lối mang tính hệ thống, nhất là nền giáo dục loại bỏ tôn giáo đã để lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ngoài ra, sinh viên phải sống thời gian xa nhà, rất ít có thời gian để đến nhà thờ, bận bài vở, giáo dục nặng thành tích, cộng với các chương trình ngoại khóa, xa nhà thờ, không có lễ… Họ sống lâu trong sự quên lãng, đời sống cầu nguyện bị xem nhẹ, đức tin nguy hại lúc nào không hay, họ không còn áy náy với việc bỏ lễ Chúa nhật và quên luôn mình là người có đạo. Tiền tài, danh vọng và các nhu cầu hưởng thụ khác được đề cao, đời sống cầu nguyện, đức tin bị đẩy xuống bậc thứ yếu. Bởi thế, sinh viên công giáo đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, thay vào đó là phí phạm thời gian cho các trò tiêu khiển trên internet, đi chơi la cà nơi các quán xá. Có sinh viên công giáo còn tham gia hút chích, buôn bán ma túy, làm gái mại dâm, tình trạng sống chung sống thử …. Đây là những lo ngại lớn cho nền đạo đức và nhân bản, đến việc sống đạo của những sinh viên công giáo  hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên công giáo vẫn chuyên chăm giữ vững đức tin bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ các ngày Chúa nhật cũng như ngày thường. Họ không chỉ sống hình thức bề ngoài mà cả tinh thần nội tâm bên trong. Có những sinh viên vào mỗi thứ sáu hằng tuần còn ăn chay, dành tiền bố thí cho người nghèo. Tại các giáo xứ nơi họ sinh sống và học tập, họ đã và đang tham gia tích cực vào các hội đoàn, chẳng hạn như sinh viên công giáo, huynh trưởng, giáo lý viên, ca đoàn… Qua đó, nhiều sinh viên không chỉ được học hỏi, đào sâu và cảm nghiệm giá trị của Lời Chúa mà còn đem ra thực hành. Một số sinh viên đã trở thành những cộng tác viên rất đắc lực trong công tác tông đồ và những hoạt động từ thiện của giáo xứ nơi họ sinh sống và học tập.

Trong một vài năm gần đây, nhiều giáo phận đã có những chương trình đồng hành với sinh viên công giáo. Nhiều tổ chức, hội đoàn sinh viên công giáo đã xuất hiện, như sinh viên công giáo tại Hà Nội, Sài Gòn, Huế, sinh viên công giáo Giáo phận Vinh tại Hà Nội, các nhóm dự tu, chủng sinh ngoại trú …. Những hội đoàn, tổ chức này đã phần nào khỏa lấp ‘cơn đói khát’ thiêng liêng trong giới sinh viên hiện nay. Tuy nhiên, Giáo Hội cần có những chiến lược thiết thực hơn nữa để hướng dẫn sinh viên công giáo đi đúng đường hướng của Tin Mừng.

2. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống sinh viên công giáo hiện nay

Tại sao con người phải cầu nguyện? Xin thưa đây là mệnh lệnh của Chúa: “Các con phải cầu nguyện và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36). Trước hết, cầu nguyện là biểu hiện đặc biệt diễn tả tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. Kế đến, con người phải cầu nguyện vì đó là bổn phận phải thờ phượng Thiên Chúa. Cầu nguyện là phương thế để con người nuôi dưỡng và phát triển các nhân đức đối thần. Trong đó, việc tham dự thánh lễ Chúa nhật và lễ buộc là cái tối thiểu cho đời sống cầu nguyện mà mỗi người phải giữ. Cùng với đó, chúng ta cần có thói quen thực hành các hình thức đạo đức bình dân.[7]

Như thế, cầu nguyện đối với mỗi Kitô hữu, cách riêng đối với sinh viên công giáo giữ vị trí vô cùng quan trọng, nó được ví như hơi thở vậy. Triết gia Peter Wust đã chí lý khi trả lời: “Nếu bạn nào hỏi tôi có chìa khoá thần nào giúp mở được cánh cửa cuối cùng dẫn vào sự minh triết của sự sống, thì tôi xin trả lời rằng chìa khoá thần ấy không phải là sự suy tư, mà là cầu nguyện.” Bởi thế, cầu nguyện là cách thế để hiện thực hoá tất cả chân lý đức tin đầy phong phú mà con người được lãnh nhận. Do đó, cầu nguyện phải là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, là vấn đề của con người ngày nay, hay đúng hơn, là vấn đề của con người mọi nơi, mọi thời đại.[8]

Trong cuộc sống sinh viên, để giữ vững đức tin, hơn lúc nào hết, mỗi sinh viên cần biết kết hợp với Chúa bằng đời sống cầu nguyện sâu xa hằng ngày.[9] Cầu nguyện là phương cách giúp sinh viên đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để qua Ngài, nhờ Ngài mà chúng ta vượt khỏi những cám dỗ của cuộc sống thế tục đang mời chào và để Ngài hướng dẫn, làm chủ cuộc đời ta. Bởi vậy, mỗi sinh viên hãy cầu nguyện với cả con người mình, xuất phát từ trái tim chân thành, cởi mở và điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ đến.[10]

Hơn lúc nào hết, sinh viên công giáo cần có đời sống cầu nguyện trong sự chuyên chăm học hỏi Kinh Thánh, vì sinh viên công giáo đang phải đối diện với nền giáo dục xuống dốc nghiêm trọng, nền giáo dục nặng về ý thức hệ cộng sản vô thần. Trong khi đó, nhiều sinh viên công giáo bị tiêm nhiễm bởi ý thức hệ Mác-xít, cùng với đó là những cám dỗ của thời đại nên sinh viên công giáo càng cần tỉnh thức và cầu nguyện nhiều hơn. Nhất là sinh viên dễ bị cám dỗ bởi khuynh hướng tự nhiên là ưa thích và ưa tìm sự dễ dãi, bởi lẽ dễ dãi cũng thường đồng nghĩa với dễ dàng và dễ chịu. Sinh viên công giáo dễ ươn lười trong cầu nguyện, ngại chịu khó và chịu khổ, tai hại hơn là dẫn đến sai lạc đức tin. Thật vậy, khi sinh viên không có Chúa thì họ rất dễ lầm đường lạc lối, lạc đường lạc lối còn có thể quay về, mất tiền mất bạc còn có ngày tìm lại, nhưng mất linh hồn thì mất tất cả. Do đó, để không mất sự sống đời đời, đòi hỏi mỗi sinh viên phải nỗ lực ‘lội ngược dòng’ để thuộc về Chúa trong từng giây phút của cuộc sống.

Từ những nhận định trên, hy vọng người sinh viên thời đại hôm nay đã xác tín hơn tầm quan trọng của việc cầu nguyện, tha thiết thực hành việc cầu nguyện, và cũng duyệt xét lại sự cầu nguyện của mình cho đúng hơn. Dù có hăm hở và hối hả, vất vả hay vội vàng tiến về tương lai đến đâu thì đôi lúc chúng ta cũng cần dừng lại, dừng lại trong tĩnh lặng để nghe những thổn thức từ bên trong của Chúa bằng đời sống cầu nguyện sâu xa. Để nhờ Chúa và trong Chúa, mỗi sinh viên được kết hợp mật thiết với Chúa hơn mỗi ngày mà sống hành trình cuộc đời sinh viên nhiều ý nghĩa và trào tràn ân sủng Chúa hơn.

3. Cầu nguyện và sứ vụ truyền giáo trong đời sống sinh viên công giáo hiện nay

Tại sao cầu nguyện lại gắn với sứ vụ truyền giáo? Muốn truyền giáo sinh viên phải là người như thế nào? Truyền giáo là truyền những cái gì, truyền cho những ai và phải truyền như thế nào? Đây là những câu hỏi rất thiết thực để mỗi sinh viên gẫm suy và có câu trả lời cho riêng mình. Tuy nhiên, trong giới hạn của người viết, chúng tôi xin đề nghị một vài đường hướng sau:

Trước hết, sinh viên công giáo phải là người có Đức Kitô trong mình. Đây là sự gặp gỡ giữa cơn khát của Thiên Chúa và của con người. Thiên Chúa khát mong chúng ta khao khát Ngài.[11] Điều này được Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cảm nghiệm sâu sắc trong tác phẩm Đường Hy Vọng rằng: “Tông đồ là người có Chúa Giêsu trong tim, Chúa Giêsu trên tay, Chúa Giêsu trên mắt, Chúa Giêsu trên vai, Chúa Giêsu trên trán.…” Bởi thế, mỗi sinh viên hãy chuyên chăm cầu nguyện bằng các giờ kinh chung riêng, đọc Lời Chúa mỗi ngày, năng tham dự thánh lễ và đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa phải là đích điểm, là trung tâm mọi hoạt động và suy nghĩ. Thật vậy, dù sinh viên có nói trời nói bể, dù có hát hay, làm linh hoạt viên giỏi, cuốn hút mọi người bằng sự duyên dáng, bằng sự thông minh khéo léo, dù có trở nên thần tượng của giới trẻ, dù có vận dụng cả một kho kiến thức để truyền giáo, nhưng không có Chúa trong cuộc đời, không lấy Chúa Giêsu là Đấng chỉ đạo, sinh viên đó chỉ gây được ảnh hưởng nhất thời mà thôi. Nhưng nếu sinh viên biết kết hợp mật thiết với Chúa, cầu nguyện và hoạt động, nói và làm với tinh thần của Chúa, nhìn sự vật và những người khác với con mắt của Chúa, thì dù sinh viên đó có quê mùa đến đâu, vụng về đến mấy, sớm muộn người ta sẽ nhận ra nơi sinh viên công giáo có những giá trị xuất phát từ nơi Chúa, và ảnh hưởng của sinh viên đó sẽ sâu sắc và lan tỏa tự nhiên.

Thứ hai, sinh viên cần tham gia tích những hoạt động của các tổ chức công giáo tại xứ đạo mà mình đang theo học hay nơi mình cư trú. Sinh viên có thể tham gia ca đoàn, giới trẻ, giáo lý viên, các nhóm thiện nguyện, dự tu, ơn gọi … Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1992 có viết: “Phải đặc biệt chú ý đến những người học lên bậc đại học, để giúp họ phát triển sự hiểu biết và đời sống đức tin cho phù hợp với trình độ trí thức của họ.” Bên cạnh đó, sinh viên được mời gọi tham gia những giờ cầu nguyện chung, các buổi học hỏi, hội thảo, thuyết trình về đời sống đức tin hoặc những cuộc thi tìm hiểu về giáo lý. Thiết nghĩ qua những buổi này, sinh viên sẽ có cơ hội không những củng cố đức tin của mình mà còn là cơ hội cho các sinh viên cầu nguyện và học hỏi giao lưu với nhau.

Thứ ba, sinh viên công giáo phải xác định rõ, họ cần cầu nguyện và truyền giáo cho ai? Đó chính là những người trong môi trường mà người sinh viên đó đang sống như trong ký túc xá, nơi nhà trọ hay nơi giảng đường mà mình đang theo học. Sinh viên cần cầu nguyện cho họ, sống tình bác ái yêu thương những người chung quanh, những người sống cùng nhà, cùng phòng, cùng lớp với mình. Thánh Gioan nói: “Vì ai không thương yêu người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Như vậy, chúng ta cần cầu nguyện và truyền giáo cho những sinh viên mà mình gặp gỡ, học cùng, sống cùng, ăn cùng; họ là những người cùng làm việc, cùng nghiên cứu với chúng ta. Hơn hết, họ cũng được Chúa mời gọi đến hưởng hồng ân cứu độ.

Thứ bốn, sinh viên công giáo cần cầu nguyện và truyền giáo bằng con đường tri thức của mình. Vì chúng ta biết nhìn nhận đức tin của chúng ta không chỉ bằng quả tim mà bằng cả khối óc Chúa ban. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đức tin và lý trí như đôi cánh của một con chim đang bay lên để chiêm ngắm Chân Lý.” Như thế, qua cầu nguyện và qua các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình, sinh viên công giáo giải thích cho người đương thời về niềm tin của mình: Tại sao tôi tin, tôi tin vào ai, tôi không mù quáng, tôi không ảo tưởng, tôi không mê tín …

Thứ năm, phải có sự hội nhập văn hoá của cầu nguyện trong truyền giáo. Sinh viên công giáo cố gắng tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương, cụ thể là nơi trường học, ký túc xá của mình. Điều này chỉ có thể khi có một cuộc đối thoại cởi mở chân thành với những người khác niềm tin tôn giáo. Và hơn hết, phải vâng phục Chúa Thánh Thần, Đấng chỉ đạo và dẫn đưa Giáo Hội trong cuộc sống và sứ vụ của mình.[12] Như thế, sinh viên công giáo cần có sự gặp gỡ và đón nhận nhau trong đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và qua đây, giới thiệu nét độc đáo, thánh thiêng của Đạo Công giáo .

Thứ sáu, có những sáng kiến lập các nhóm cầu nguyện gắn với việc truyền giáo. Sinh viên công giáo truyền giáo cho sinh viên khác bằng các hoạt động ngoại khóa như văn hóa nghệ thuật, thể thao giải trí… Thông qua các hoạt động này, sinh viên công giáo có cơ hội giới thiệu với niềm tự hào về Đạo Công giáo của mình. Bởi thế, việc truyền giáo trong sinh viên không chỉ là những việc quen làm như một số việc đạo đức, đọc kinh, lần hạt, thánh lễ mà bằng nhiều cách thế khác. Chính cuộc sống, cung cách sống và con người của mỗi sinh viên là một bằng chứng sống động về Chúa cho các bạn sinh viên khác. Chính những năng khiếu về văn hóa nghệ thuật, cộng với cung cách sống vui vẻ, thật thà, khiêm tốn với mọi người là phương thế truyền giáo hữu hiệu. Sinh viên đặt các hoạt động trên với tất cả con tim hướng về Chúa, chắc chắn hiệu quả sẽ đến với bản thân và những người chung quanh.

Thật vậy, thế giới mặc dầu đã tỏ ra muôn ngàn dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, nhưng thực ra lại đang đi tìm Người bằng những đường lối bất ngờ và đang thiết tha cảm thấy cần có Người. Thế giới kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói về một Thiên Chúa mà họ đã biết và tiếp xúc như thể thấy Đấng Vô Hình (cf. Dt 11,21). Do đó, cầu nguyện gắn liền với truyền giáo là phương thế hữu hiệu để sinh viên công giáo giới thiệu hình ảnh về một Kitô giáo gần gũi, dễ thương, hấp dẫn, với một nền giáo lý cao sâu và hợp thời đại, nhất là thỏa mãn được cơn khát về Đấng Tuyệt Đối – Thiên Chúa mà muôn dân trông đợi.

Kết Luận

Khi nhìn lại đời sống cầu nguyện của sinh viên công giáo Việt Nam hiện nay, đi từ thực trạng đến sự cần thiết của việc cầu nguyện trong sứ mệnh truyền giáo, chúng ta rất ‘vui mừng và hy vọng,’ nhưng kèm theo đó là những ‘ưu sầu và lo lắng’ cho thế hệ tương lai của quê hương đất nước và của Giáo Hội. Vui mừng và hy vọng vì nhiều bạn trẻ vẫn nở cho đời những bông hoa đẹp, dù sống trong thời đại với nhiều thử thách gian nan, nhưng cũng ưu sầu và lo lắng vì không ít sinh viên công giáo vẫn đang mê lầm ngụp lặn trong đam mê tội lỗi.

Giữa những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng đó, mỗi sinh viên công giáo được mời gọi bồi dưỡng đức tin vững chắc, tỉnh thức trước thời cuộc và can đảm hơn trong sứ vụ, nhất là biết “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7). Cùng với Thầy Giêsu và sự đồng hành thiết thân của Chúa Thánh Thần, sinh viên công giáo vững tâm lên đường loan truyền tình thương cứu độ của Chúa trong tin yêu và hy vọng.

                                                                                                                  Paul. Nguyễn Văn Phục, K.XIII
                                                                                                         Trích từ Tập san Đức tin và Văn hóa số 13

 

 

 

 

 


[1] Cf. Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo , số 2564 - 2565.

[2] Cf. Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo trình thần học luân lý chuyên biệt, Đcv. Thánh Phanxicô Xaviê, 2014, p. 25-29.

[3] Cf. Lê Văn, “Những con số ‘biết nói’ về giáo dục đại học Việt Nam”, (2017), http://vietnamnet.vn, truy cập ngày 20/05/2018.

[4] Cf. ThS. Nguyễn Thị Oanh, “Từ góc nhìn của một người hoạt động xã hội”, trong Nguyễn Thái Hợp, Tư duy & lối sống người Việt thời hội nhập, CLB. Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2009, p. 159-160.

[5] Xem bài viết: “Theo 2 bảng xếp hạng đại học uy tín nhất trên thế giới, Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách Top 1000 đại học tốt nhất thế giới”, 2018, http://kenh14.vn. Truy cập ngày 22/05/2018.

[6] Cf. Gm. Nguyễn Thái Hợp, Việt Nam yêu dấu, quê hương và Giáo Hội, CLB. Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2010, p. 107.

[7] Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo trình thần học luân lý chuyên biệt, op. cit., p. 30-31.

[8] Cf. Phạm Quang, OP, “Con Người Và Đời Sống Cầu Nguyện”, 2011, http://daminhvn.net, truy cập ngày 20/05/2018.

[9] Cf. P. Colin, CSsR., (Lm. Phêrô Vũ Văn Tự Chương dịch), Vậy … hãy cầu nguyện đi!, Nxb. Hồng Đức, 2014, p. 273.

[10] Joseph Trần Ngọc Huynh S.J., “Cầu nguyện, hơi thở của đời sống Kitô hữu”, (2017), https://dongten.net, truy cập ngày 20/05/2018.

[11] Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập 3, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, p. 133.

[12] Sr. Maria Phạm Thị Hoa, “Cầu nguyện và truyền giáo”, (2014), https://daminhtamhiep.net. truy cập ngày 22/05/2018.

 

 

Nguồn tin: